Thủ lĩnh tối cao Taliban lọt vào tay quân đội Pakistan?
Sau khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan, tung tích của Thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada vẫn là một bí ẩn, và theo một quan chức Ấn Độ, có thể ông đã lọt vào tay quân đội Pakistan.
Hình ảnh hiếm hoi về Thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada của Taliban. Ảnh AFP
Haibatullah Akhundzada đã trở thành thủ lĩnh tối cao của Taliban từ tháng 5.2016, sau khi cựu thủ lĩnh Akhtar Mansour bị Mỹ tiêu diệt trong một cuộc đột kích bằng thiết bị bay không người lái. Akhundzada là một trong hai phó tướng của Mansour, và được đề bạt nắm quyền chỉ huy lực lượng Taliban trong một cuộc họp kín ở Pakistan, theo Reuters dẫn thông báo của Taliban vào thời điểm đó.
Hãng AFP dẫn nguồn thạo tin mô tả Akhundzada, 50 tuổi, là một học giả pháp lý hơn là chiến binh, và là người chịu trách nhiệm ban hành nhiều cách diễn giải cực đoan hơn của Taliban về đạo Hồi.
Năm 2016, Thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã thề trung thành với Akhundzada, gọi Akhundzada là “vị chỉ huy của sự trung thành”.
Akhundzada cũng là một trong 7 thủ lĩnh Taliban được cho sẽ dẫn đầu hoặc có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc cầm quyền ở Afghanistan sau khi lực lượng này kiểm soát đất nước cách đây 1 tuần.
Đài NDTV hôm 20.8 dẫn lời một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho rằng, dựa trên thông tin do các cơ quan tình báo nước ngoài cung cấp, có vẻ như Akhundzada đang nằm trong tay quân đội Pakistan. Điều trùng hợp là các thủ lĩnh cấp cao và những thành viên Taliban không nhìn thấy thủ lĩnh tối cao suốt 6 tháng qua.
Thông điệp gần đây nhất của Akhundzada là vào tháng 5.2020, nhân ngày Eid al-Fitr, lễ chấm chấm dứt tháng chay Ramadan.
Theo lời quan chức Ấn Độ, chính quyền New Delhi đang quan tâm đến việc Pakistan sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.
Video đang HOT
Cũng theo thông tin tình báo nước ngoài, thành viên của các tổ chức khủng bố như Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed đang bắt đầu sáp nhập vào Taliban.
24 giờ chạm mặt Taliban của nữ nhà báo Ấn Độ
"Các phụ nữ Afghanistan nói với tôi Taliban đã bắt đầu tìm các nữ nhà báo địa phương.
Tôi hỏi họ có làm vậy với nhà báo nữ nước ngoài không?", chị Sonia Sarkar nhớ lại thời gian căng thẳng tìm cách rời khỏi Afghanistan.
Nữ nhà báo Sonia Sarkar trên chuyến bay sơ tán công dân Ấn Độ rạng sáng 17-8 - Ảnh: SONIA SARKAR
Nữ nhà báo Sarkar đến Afghanistan vào cuối tuần trước với ý định đưa tin về cuộc chiến giữa quân đội Afghanistan và Taliban sau khi Mỹ rút quân.
Chiến sự diễn ra quá nhanh khiến cô bị mắc kẹt tại thủ đô Kabul khi Taliban chiếm được nơi này, chỉ hơn một tuần sau khi bắt đầu đánh chiếm thủ phủ các tỉnh của Afghanistan.
Sarkar may mắn được sơ tán về nước an toàn trên một máy bay quân sự. Hành trình di tản và những gì nữ nhà báo này chứng kiến trong 24 giờ cuối tại Afghanistan đã được kể lại trên báo South China Morning Post ngày 18-8.
Tuổi Trẻ Online lược dịch bài viết của nữ nhà báo Sarkar:
"Khi sự hỗn loạn nổ ra tại sân bay Kabul sáng 16-8, những người Afghanistan mà tôi biết đã khuyên tôi nên ở yên một chỗ. Những phụ nữ Afghanistan tôi quen nhắn hỏi tôi đã rời đất nước của họ chưa. Họ nói Taliban đã bắt đầu tìm kiếm các nữ nhà báo Afghanistan.
Tôi hỏi họ có làm như vậy với các nhà báo nữ nước ngoài không? - "Nhưng cô là người Ấn Độ" - họ trả lời, làm tôi nhớ lại những gì tôi đã nghe trong thời gian ngắn ở Kabul, rằng "người Afghanistan yêu người Ấn Độ nhưng Taliban thì ghét Ấn Độ".
Khi tôi còn đang cân nhắc nên làm gì, Đại sứ quán Ấn Độ tại Kabul đã liên hệ với tôi và một nữ nhà báo Ấn Độ khác. Họ bảo chúng tôi đến khu đại sứ quán trong vòng 2 giờ nữa bởi họ dự định sẽ rời khỏi Kabul bằng một máy bay của Không quân Ấn Độ lúc nửa đêm.
Tôi rón rén bước ra khỏi khách sạn. Đường vắng tanh và chỉ có những người đàn ông mặc shalwar kameez (trang phục truyền thống ở Afghanistan - PV) đang đi tuần. Một số chốt kiểm soát đã được thiết lập. Họ mang trên người những thứ giống như súng trường Kalashnikov.
Sau khi đón nữ nhà báo còn lại, xe chúng tôi bắt đầu đến khu ngoại giao đoàn ở Kabul. Một toán lính Taliban đã chặn chúng tôi ở lối vào khu vực này. Họ xem xét hộ chiếu rồi bảo chúng tôi quay lại vào sáng hôm sau.
Nhưng chúng tôi không thể vì thế mà bỏ đi được. Chúng tôi sẽ mất cơ hội rời khỏi Afghanistan, riêng tôi thì sợ thêm là mình không còn nơi nào để đi vì đã trả phòng khách sạn. Sau này tôi biết được khách sạn lúc đó đã đầy các chiến binh Taliban.
Chúng tôi ngồi trong taxi và đợi 3 giờ trước khi thử tiếp cận nhóm lính gác một lần nữa. Người lái xe đã cố gắng thuyết phục nhóm lính rằng chúng tôi bắt buộc phải đi vào khu ngoại giao đoàn. Một tên tầm khoảng 20 tuổi, bảo rằng trời đang sắp tối và vì là phụ nữ, chúng tôi không thể đi một mình vào bên trong.
Cuối cùng, một người của Đại sứ quán Ấn Độ gọi cho một thành viên của Taliban và nhờ nói chuyện với nhóm lính gác cổng. Bọn họ yêu cầu chúng tôi lên một chiếc xe bị trưng dụng từ lực lượng an ninh Afghanistan.
Tôi và nữ nhà báo đi cùng đã do dự nhưng lo sợ nếu nói "không" sẽ chuốc lấy rắc rối. Chúng tôi ném hành lý lên xe và leo lên băng ghế sau.
Chiếc xe dừng lại khi còn cách Đại sứ quán Ấn Độ khoảng 100m. Khi tôi bước qua cánh cổng của đại sứ quán, một cảm giác vô cùng nhẹ nhõm tràn tới.
Nhưng chúng tôi không rõ có thể rời khu ngoại giao đoàn và đến sân bay lúc nào. Các nhà ngoại giao Ấn Độ đã cố gắng thương thảo với Taliban để bảo đảm xe của chúng tôi có được một tuyến đường an toàn tới sân bay. "Chúng ta phải chờ vào sự rủ lòng thương bất ngờ của họ", một quan chức nói với tôi.
Những người dân Afghanistan tuyệt vọng ngồi chờ gần một lối vào sân bay Hamid Karzai ở Kabul với hy vọng có thể được sơ tán ra nước ngoài tối 16-8 - Ảnh: SONIA SARKAR
Khoảng 22h ngày 16-8 theo giờ địa phương, chúng tôi bất ngờ được gọi tập hợp và chuẩn bị lên xe. Đoàn 22 chiếc xe bọc thép được Taliban hộ tống tới sân bay Kabul.
Đoàn xe chạy qua một khu vực gần sân bay. Ở đây tôi thấy hàng trăm người đàn ông đang đi trên đường, nhiều người trong họ mang vũ khí. Khi đến gần sân bay hơn nữa, tôi thấy có nhiều phụ nữ và trẻ em. Không ai mang hành lý và có vẻ như họ đã vội vã rời khỏi nhà.
Mỗi khi đám đông bắt đầu ồn ào, các tay súng Taliban đang đi tuần trên đường sẽ nổ súng chỉ thiên. Trong vòng nửa tiếng, tôi nghe thấy họ nổ súng ba lần.
Đàn ông bị bắt đứng riêng, phụ nữ - một số người đang bồng con nhỏ còn được quấn trong khăn và các em bé đang đeo cặp sách sau lưng - đứng ở một khu khác và trông họ như đang hóa đá.
Trong đêm chủ nhật (15-8), hơn 640 người đã được sơ tán trên chiếc máy bay của Không quân Mỹ. Có lẽ những người này cũng mong đợi điều tương tự.
Quá 0h ngày 17-8, đoàn chúng tôi đi bộ đến nhà ga sân bay. Một số binh sĩ Mỹ nằm ngủ ngay trên sàn trong khi số khác bận rộn dọn dẹp, đảm bảo lối ra thông suốt. Họ cho chúng tôi uống nước ở phòng chờ và yêu cầu mỗi người đeo một vòng màu trắng.
Khoảng 5h sáng, cuối cùng tôi cũng được ngồi vào ghế máy bay và thắt dây an toàn. Đúng khoảnh khắc đó, tôi chợt nhận ra mình còn có quyền lựa chọn rời khỏi quốc gia này vì là một người nước ngoài.
Hàng triệu người Afghanistan khác, thật không may lại chẳng có quyền chọn lựa".
Con đường nguy hiểm đến sân bay Kabul qua lời kể của nữ phóng viên Ấn Độ Hàng nghìn người đổ xô đến sân bay Kabul để tháo chạy khỏi Taliban, nhưng các chiến binh của nhóm này đã chặn các lối vào, nổ súng cảnh cáo và tấn công một số người trong đám đông. Những người dân Afghanistan ngồi trên đường ở lối vào sân bay Kabul, chờ đợi được sơ tán trong tuyệt vọng (Ảnh: Sonia Sarkar)....