Thủ lĩnh giấu mặt của nhóm nghi đánh bom máy bay Nga
Đặc nhiệm Anh được cho là đã sẵn sàng thực hiện chiến dịch tiêu diệt hoặc bắt sống các thủ lĩnh của nhóm phiến quân thân IS nghi cài bom trên máy bay Nga.
Hiện trường máy bay Nga rơi ở Ai Cập khiến 224 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Ngày 8/11, tờ Sunday Times của Anh dẫn các nguồn tin trong cộng đồng tình báo nước này cho hay một nhánh của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Sinai dưới sự lãnh đạo của một giáo sĩ Ai Cập đã đặt bom chiếc máy bay Metrojet của Nga, khiến 224 người thiệt mạng.
Các quan chức Anh tiết lộ với tờ báo này rằng Abu Osama al-Masri, một trong hai thủ lĩnh quan trọng của nhánh phiến quân Wilayat Sinai của IS, là một “người có liên quan” trong vụ việc, và đặc nhiệm Anh sẵn sàng giúp Nga và Ai Cập “tiêu diệt hoặc bắt giữ” các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này.
‘Người cha Ai Cập của Osama bin Laden’
Giáo sĩ Ai Cập Masri là người đã đứng ra làm trung gian liên lạc giữa nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar Beit al-Maqdis (Những người ủng hộ Jerusalem) và các thủ lĩnh IS ở Raqqa, Syria nhằm dàn xếp một thỏa thuận quy phục. IS đã chấp nhận cam kết trung thành của nhóm phiến quân và đổi tên chúng thành Wilayat Sinai (tỉnh Sinai).
Tình báo Anh cho biết Masri là kẻ đã thực hiện và tung lên mạng đoạn ghi âm tuyên bố hạ chiếc máy bay Nga vào thứ tư tuần trước. Giới chức tình báo cũng nghi ngờ tay chân của Masri đã lợi dụng một kẻ nội gián để tuồn quả bom lên khoang hành lý của chiếc máy bay khiến nó nổ tung trên bầu trời Ai Cập. Họ lo ngại rằng kẻ nội gián này đến nay vẫn chưa bị phát hiện và vẫn đang làm việc tại sân bay Sharm el-Sheikh.
Theo biên tập viên phụ trách Trung Đông Richard Spencer của tờTelegraph, việc đánh bom một chiếc máy bay chở khách trên bầu trời sẽ là hành động phô trương thanh thế rất lớn của phiến quân IS, đặc biệt là với Masri, kẻ đã biến nhóm phiến quân Hồi giáo ở Sinai thành một mối đe dọa lớn với an ninh thế giới.
Các chuyên gia phân tích Trung Đông cho hay cách đây hai năm, tổ chức Ansar Beit al-Maqdis mới chỉ là một nhóm ô hợp những kẻ tội phạm, thanh niên cực đoan và một số chiến binh tình nguyện của al-Qaeda ở Yemen, với quân số chỉ khoảng vài trăm người.
Tổ chức này được lãnh đạo bởi một người đàn ông bí ẩn, mà đến nay tình báo phương Tây vẫn chưa nắm được nhiều thông tin, kể cả tên thật của y. Abu Osama al-Masri chỉ là một biệt danh, có nghĩa là “cha của Osama từ Ai Cập”. Người đàn ông 42 tuổi này từng là giáo sĩ tại Đại học Al-Azhar ở Cairo, một cơ sở của người Hồi giáo dòng Sunni đã tồn tại hơn 1.000 năm.
Tổ chức này thu hút ngày càng nhiều các phần tử bất mãn, đặc biệt là sau khi tướng Abdel Fattah el-Sisi tổ chức cuộc đảo chính quân sự, lật đổ Tổng thống dân bầu Mohammed Morsi vào năm 2013 và mở chiến dịch đàn áp phong trào Anh em Hồi giáo ủng hộ ông Morsi.
Nhóm Ansar Beit al-Maqdis đã thực hiện nhiều vụ tấn công vào lực lượng cảnh sát và quân đội Ai Cập trên bán đảo Sinai. Đến tháng 11/2014, Masri phát đi lời cam kết trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al Baghdadi để nhận được nguồn viện trợ về vũ khí, tài chính và cả kỹ thuật chế tạo bom của IS.
Các thành viên nhóm Wilayat Sinai tấn công vào một xe bọc thép của quân đội Ai Cập. Ảnh: Telegraph
Wilayat Sinai được cho là đã cử nhiều chiến binh tới tham chiến ở Syria để được IS huấn luyện về quân sự và các chiến thuật tấn công khủng bố. Bán đảo Sinai còn là nơi các phần tử khủng bố ở Bắc Phi, vùng Vịnh và Trung Đông thường xuyên qua lại, giúp nhóm phiến quân này có cơ hội tiếp cận những kỹ thuật chế tạo bom tinh vi nhất.
Video đang HOT
Một trong những chuyên gia chế tạo bom khủng bố nổi tiếng trong khu vực là Ibrahim al-Assiri, thành viên tổ chức al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) ở Yemen, kẻ đã chế tạo ra loại “bom quần lót” từng được tuồn thành công lên một chiếc máy bay chở khách của Mỹ năm 2009.
Theo Daveed Gartenstein-Ross, chuyên gia chống khủng bố tại Quỹ Dân chủ Quốc phòng, với những lợi thế này, Wilayat Sinai dưới sự điều hành của Masri đã học được cách chế tạo những thiết bị nổ tinh vi, qua mặt cơ quan chức năng Ai Cập tại sân bay để thực hiện một vụ tấn công khủng bố nhằm “tạo tiếng vang”.
“Chúng đã làm được những điều chưa từng làm trước đây. Dù liên tục bị đàn áp, chúng vẫn duy trì quân số ổn định và đạt được nhiều tiến bộ về kỹ thuật khủng bố cũng như cách thu hút chiến binh gia nhập”, chuyên gia này nhận định.
‘Hoàng tử’ tàn bạo Shadi
Bên cạnh giáo sĩ bí ẩn Masri, Wilayat Sinai còn được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh khác có biệt hiệu “Hoàng tử Shadi”, một phiến binh khét tiếng đã thoát khỏi vô số âm mưu ám sát và tiêu diệt.
Phiến binh 26 tuổi có tên đầy đủ Shadi al-Menaie này xuất thân từ một bộ tộc rất có ảnh hưởng ở vùng El-Arish, phía bắc Sinai. Nhiều anh em họ của Shadi đã bị ám sát, một số tham gia vào các đường dây buôn bán ma túy, buôn người, hoặc tổ chức khủng bố do Shadi cầm đầu.
Shadi từng bị cảnh sát Ai Cập bắt và tống giam vì tội buôn lậu vũ khí. Trong một cuộc phỏng vấn với Telegraph năm 2013, anh trai Haitham của Shadi cho biết đây là quãng thời gian em trai mình bị cực đoan hóa.
“Hoàng tử Shadi”, bàn tay sắt của nhóm khủng bố Wilayat Sinai. Ảnh: Telegraph
Sau khi ra tù, Shadi trở thành “bàn tay sắt” trong nhóm phiến quân Ansar Beit al-Maqdis, và trở nên nổi tiếng sau vụ bắt cóc các kỹ sư Trung Quốc năm 2012. Haitham cho biết chính Shadi là người xuất hiện trong đoạn video đòi tiền chuộc các kỹ sư này.
Với biệt danh “hoàng tử” của tổ chức khủng bố, Shadi ngày càng trở nên tàn bạo hơn. Y được cho là đã tổ chức vụ tấn công sát hại 16 binh sĩ Ai Cập vào tháng 8/2012, dù nhóm này không đưa ra tuyên bố nhận trách nhiệm với vụ phục kích.
Những vụ tấn công ngày càng diễn ra khốc liệt hơn, khiến hàng trăm cảnh sát và binh sĩ Ai Cập thiệt mạng trong các vụ đánh bom tự sát hoặc những cuộc phục kích. Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù cam kết trung thành với IS, “Hoàng tử Shadi” vẫn có quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda và nhận nhiều nguồn hỗ trợ từ phiến quân ở Yemen.
Shadi đã thoát chết trong nhiều cuộc tấn công của lực lượng an ninh Ai Cập và Israel. Năm ngoái, Shadi trực tiếp chỉ huy một nhóm 4 phiến quân, trong đó có hai người thân, chuẩn bị một cuộc tấn công bằng đạn cối vào Israel. Shadi đã rời khỏi vị trí này chỉ vài phút trước khi một quả tên lửa của Israel bắn trúng vào nhóm khủng bố.
Với những thông tin mới xuất hiện ngày càng củng cố giả thuyết chiếc máy bay Nga bị khủng bố thân IS ở Sinai gài bom, số tiền thưởng treo trên đầu hai thủ lĩnh của Wilayat Sinai chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể.
Trí Dũng
Theo VNE
Sự tù mù trong một tuần điều tra máy bay Nga rơi
Ai Cập chưa công bố bất cứ thông tin chính thức nào về nguyên nhân máy bay Nga gặp nạn sau gần một tuần điều tra, bất chấp sự thúc giục của phương Tây.
Các điều tra viên thu thập chứng cứ tại hiện trường máy bay rơi. Ảnh: NYTimes
Gần một tuần kể từ khi chiếc máy bay của hãng hàng không Nga Metrojet rơi trên bán đảo Sinai khiến 224 người thiệt mạng, chính phủ Ai Cập vẫn chưa công bố bất cứ thông tin chính thức nào về nguyên nhân thảm kịch, và đang khiến cả thế giới sốt ruột với sự "tù mù thông tin" của mình, theoNYTimes.
Chính phủ các nước không tham gia vào cuộc điều tra như Anh và Mỹ mới đây đã nêu lên khả năng đã xảy ra một vụ đánh bom khủng bố trên chiếc máy bay xấu số. Tình báo các nước cũng tiết lộ nhiều bằng chứng cho thấy phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Sinai rất có thể đã nhúng tay vào vụ việc này.
Hôm 6/11, sau nhiều ngày ủng hộ Cairo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ngừng mọi chuyến bay của Nga tới Ai Cập để "chờ kết quả điều tra chính thức". Mặc dù người phát ngôn điện Kremlin khẳng định quyết định này không phải là hành động ám chỉ đã xảy ra khủng bố trên máy bay, nó phần nào thể hiện nỗi lo lắng của Nga cho sự an toàn của công dân mình trước nguy cơ bị tấn công.
Chính phủ Ai Cập đã nhiều lần bác bỏ giả thuyết mà tình báo và nhà chức trách phương Tây đưa ra về khả năng đã xảy ra đánh bom trên chiếc máy bay, đồng thời chỉ trích những nhận định này là "quá sớm", "đáng ngạc nhiên" và "không có gì đảm bảo".
Theo quy định hàng không quốc tế, đại diện các nước Nga, Pháp, Ireland, Đức sẽ tham gia vào ủy ban điều tra do Ai Cập chủ trì để tìm hiểu nguyên nhân khiến chiếc máy bay gặp nạn, vì các nước này đều có liên quan đến quá trình sản xuất, kiểm tra, bảo dưỡng chiếc máy bay hoặc đường bay của nó. Một số quan chức châu Âu cho hay nhiều thành viên trong ủy ban đã hối thúc phía Ai Cập công khai nhiều thông tin hơn về quá trình điều tra.
Tuy nhiên, các quy định hàng không quốc tế này cũng cho phép Ai Cập kiểm soát mọi tuyên bố liên quan đến vụ việc, và đến nay Cairo đã liên tục bác bỏ mọi lời thúc giục công bố những thông tin ban đầu mà họ đã thu thập được, trong đó có dấu vết chất nổ tại hiện trường, các vết cháy trên thân máy bay hay thi thể nạn nhân, cũng như các dữ liệu mà hộp đen máy bay ghi nhận được.
Tuyên bố hiếm hoi mà Bộ Hàng không Ai Cập đưa ra hôm qua chủ yếu nói về quyết định của chính phủ Anh chở các du khách nước này đang mắc kẹt tại sân bay về nước mà không cho họ mang hành lý theo.
"Các hãng hàng không Anh đã bay mà không chở theo hành lý của hành khách. Sân bay sẽ không nhận chứa hơn 120 tấn hành lý bị bỏ lại", tuyên bố của Bộ trưởng Hàng không Ai Cập Hossam Kamal nhấn mạnh.
Theo giới quan sát, cách hành xử này của chính phủ Ai Cập trong một thảm kịch hàng không không phải là mới, khiến họ nhớ đến vụ chiếc máy bay mang số hiệu 990 của hãng hàng không Egypt Air gặp nạn năm 1999.
Tiền lệ
Ngày 31/10/1999, chiếc máy bay Boeing 767 của hãng Egypt Air đâm xuống vùng biển ngoài khơi đảo Nantucket, bang Massachusetts, Mỹ, khiến toàn bộ 217 người trên phi cơ thiệt mạng. Ban đầu, Tổng thống Ai Cập hồi đó là Hosni Mubarak đã đề nghị phía Mỹ phụ trách cuộc điều tra, vì chiếc máy bay rơi gần lãnh thổ Mỹ, và việc trục vớt xác máy bay dưới biển rất khó khăn, tốn kém.
Những chứng cứ mà các điều tra viên hai nước thu thập được sau đó nhanh chóng chỉ ra rằng cơ phó Gamil al-Batouti đã cố tình lao máy bay xuống biển để tự sát. Đoạn ghi âm buồng lái cho thấy Batouti đã nhiều lần giục cơ trưởng và một cơ phó khác ra khỏi buồng lái. Sau đó, ông ta tắt động cơ, chúc mũi máy bay xuống biển và nhiều lần hô to "Con trông cậy vào Thượng đế".
Binh sĩ Ai Cập canh gác tại hiện trường máy bay Nga rơi. Ảnh: Telegraph
Chiếc máy bay lao xuống gần ngang với vận tốc âm thanh, và Batouti đã tìm cách ngăn cản nỗ lực vào phút chót của một phi công khác để cứu máy bay. Cuộc điều tra của FBI cho thấy Batouti tìm cách tự tử sau khi bị cáo buộc có các hành vi lệch lạc về tình dục.
Khi những chứng cứ xuất hiện ngày một nhiều hơn, Tổng thống Mubarak lập tức triệu hồi đại diện của Ai Cập trong ủy ban điều tra về nước, và thay thế bằng một nhóm điều tra khác tuân theo sự chỉ đạo của chính phủ.
Theo ông James E. Hall, cựu chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, quyết định này đã khiến cuộc điều tra bị kéo dài và không thể ra được kết quả cuối cùng. Các điều tra viên mới của Ai Cập tìm cách ngăn cản ủy ban đưa ra bất cứ kết luận nào về hành động tự sát của phi công, liên tục vẽ ra các tình huống khác nhau, buộc ủy ban điều tra phải thực hiện các cuộc thực nghiệm lâu dài và tốn kém để bác bỏ.
Báo chí trong nước của Ai Cập thì liên tục đưa ra các giả thuyết về âm mưu của Mỹ, Israel và các nước khác trong vụ máy bay rơi, bởi trên máy bay có nhiều sĩ quan quân đội Ai Cập. Trên mặt báo, phi công Batouti được tung hô là "người tử vì đạo", và cuối cùng, nhà chức trách hàng không Ai Cập tuyên bố máy bay rơi là do trục trặc kỹ thuật, bất chấp sự phản đối của phía Mỹ.
"Cuộc điều tra này đã bị chính trị hóa ngay từ đầu. Các điều tra viên được cử sang Mỹ với nhiệm vụ phải chứng minh rằng Egypt Air không phải chịu trách nhiệm trong thảm kịch. Đó trở thành một nghĩa vụ quốc gia", nhà báo kỳ cựu Hani Shukrallah của Ai Cập tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với tờAtlantic của Mỹ năm 2001.
Nỗi lo sợ về kinh tế
"Tôi không cho rằng cuộc điều tra của Ai Cập trong thảm kịch máy bay Nga lần này sẽ minh bạch hơn những gì họ làm trong vụ Egypt Air 990", ông Hall nói với phóng viên NYTimes.
Theo cựu quan chức này, mong muốn giảm thiểu mối đe dọa từ nguy cơ đánh bom khủng bố của các lãnh đạo chính trị Ai Cập sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình điều tra. "Các điều tra viên an toàn hàng không ở Ai Cập đều chịu ảnh hưởng từ chính phủ, và tôi không nghĩ rằng điều đó đã thay đổi", ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ sáu, khi được hỏi liệu chính phủ Ai Cập có muốn giấu khả năng chiếc máy bay Nga bị tấn công khủng bố hay không, nhà báo Shukrallah thốt lên: "Chắc chắn là vậy rồi". "Có một điều mà bất cứ ai hay đến các sân bay Ai Cập đều biết rõ, đó là các biện pháp an ninh không được thực hiện tốt như yêu cầu", ông nói thêm.
Theo bình luận viên David Kirkpatrick, kết luận về một vụ khủng bố trên máy bay sẽ khiến nền kinh tế vốn rất mong manh của Ai Cập sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Sharm el-Sheikh là điểm sáng hiếm hoi về du lịch của Ai Cập trong thời kỳ nước này đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Nguồn thu từ du lịch, đặc biệt là từ Sharm el-Sheikh, là một trong những trụ cột quan trọng trong ngân sách quốc gia của Ai Cập hiện nay.
Người dân Nga đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch. Ảnh:Wtop
Du khách Anh và Nga là những người đóng góp lớn nhất cho nguồn thu du lịch của Ai Cập, và các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nếu mất đi lượng khách du lịch từ hai nước này, nền kinh tế Ai Cập sẽ chịu tác động rất nặng nề.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng Ai Cập sẽ không thể giữ bí mật về cuộc điều tra thảm kịch hàng không này quá lâu, vì trong ủy ban điều tra có sự tham gia của các thành viên quốc tế. "Cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép Ai Cập hưởng lợi từ sự tù mù", Michael Wahid Hanna, nghiên cứu viên thuộc Quỹ Century ở New York, nói.
"Họ sẽ phải đối mặt với hoàn cảnh khác với trước đây. Nếu họ có thể chứng minh được rằng đây không phải là một vụ đánh bom khủng bố và xóa tan được nỗi lo ngại của phương Tây, đó mới là đỉnh cao của sự chuyên nghiệp và minh bạch thực sự", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Putin đình chỉ tất cả các chuyến bay Nga tới Ai Cập Tổng thống Nga vừa nhất trí với đề xuất đình chỉ tất cả các chuyến bay qua bán đảo Sinai, Ai Cập trong quá trình điều tra vụ máy bay rơi làm 224 người chết. Xác máy bay Nga trên sa mạc bán đảo Sinai, Ai Cập. Ảnh: Sputnik Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí với đề xuất của ông Alexander Bortnikov,...