Thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn từ tay tư nhân: Thuận lòng dân!
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn có nhiều sai phạm, trong đó có kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần về sở hữu Nhà nước. Đây được xem là quyết định thuận lòng dân cũng như cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Ai sai người đó chịu trách nhiệm?
Trao đổi với báo chí, ngay sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn và kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần về sở hữu Nhà nước, ông Nguyễn Văn Thiện – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010 – 2015 cũng là người ký các văn bản liên quan về việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ là khách quan.
“Kết luận của Thanh tra Chính phủ là rất khách quan, đúng với thực tế, đáp ứng được sự mong mỏi của cán bộ và nhân dân Bình Định”, ông Thiện nói.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ là khách quan và nói rằng việc cổ phần hóa có vấn đề thì “ai sai người đó chịu trách nhiệm”.
Nói về trách nhiệm của mình khi ký các văn bản liên quan đến cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, ông Thiện cho biết: “Giai đoạn đó, do áp lực Cảng Quy Nhơn bị quá tải mà không ai giải quyết được nên nguyện vọng của tỉnh muốn nhà đầu tư phải đầu tư. Tuy nhiên, cổ phần hóa nhưng mấy năm nay không đầu tư tương ứng nên bây giờ phải làm sao đầu tư cho tương ứng để phục vụ kinh tế – quốc phòng khu vực miền Trung và của Bình Định”.
Theo ông Thiện, văn bản của tỉnh là để thúc đẩy việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn với mong muốn có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Còn cổ phần hóa như thế nào? bán cho ai? làm gì? thì “Bộ Giao thông vận tải làm chứ tỉnh sao biết được”!.
“Tháng 5/2015, Bộ GTVT đã định hướng bán Cảng Quy Nhơn cho (Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành – PV) nhưng tháng 7/2015 tôi mới ký văn bản. Bây giờ Thanh tra kết luận ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm”, ông Thiện chia sẻ thêm.
Ông Thiện cũng cho rằng Cảng Quy Nhơn sau khi cổ phần hóa không được đầu tư tương ứng.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Lê Hữu Lộc – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng hoàn toàn đồng ý và sẽ thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên ông không bình luận gì thêm.
Thu hồi 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn vẫn là bài toán khó?
Ông Tô Tử Thanh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 1996-2001 là một trong những người đã phát hiện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn có những bất thường. Ông Thanh cũng là người nhiều lần kiến nghị kiểm tra, thanh tra việc cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn.
Trụ sở Công ty CP Cảng Quy Nhơn.
Trao đổi với báo chí, ông Tô Tử Thanh cho hay: “Tôi đã đọc kỹ kết luận của Thanh tra Chính phủ và thấy các nội dung kết luận rất đúng và cơ bản đầy đủ. Hoan nghênh Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã sớm vào cuộc và đi đến kết luận. Cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định rất phấn khởi trước kết luật thanh tra. Chắc chắn Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển kết luận đến UBKT Trung ương để đề nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị xem xét xử lý các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền xử lý của Ban Bí thư, Bộ Chính trị nếu có”.
Theo ông Thanh, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, trước hết phải xử lý các cá nhân, tổ chức làm sai, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước về việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Ông Thanh cho rằng, sắp tới trước mắt phải định giá giá trị thực tế hiện nay của Cảng Quy Nhơn là bao nhiêu. Sau đó, tính toán để nhà nước nắm lại cổ phần chi phối 75%, còn lại ưu tiên cổ phần cho doanh nghiệp đã mua cảng. Nếu như doanh nghiệp tiếp tục tham gia cổ phần thì họ tham gia, còn không thì họ rút vốn.
Bên cạnh đó, cần xác định đúng số tiền doanh nghiệp đã bỏ ra mua cảng, vốn đầu tư và lãi suất ngân hàng; phần vốn của nhà đầu tư đã bỏ ra… Đó cũng là bài toán hóc búa.
“Mọi chuyện xử lý phải thỏa đáng và hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần rút ra bài học lớn và cẩn trọng xem xét quy hoạch lại khu vực hệ thống Cảng Quy Nhơn để phát triển đúng tiềm năng vốn có”, ông Thanh nói.
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực cảng biển loại 1 với 20.960m2 kho, 48.000m2 bãi chứa container, nằm trong hệ thống cảng biển để thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020 và tiếp theo. Đây là điểm tiếp nhận hàng hóa đầu mối của các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đến các cửa khẩu của Việt Nam với Lào, Campuchia.
Doãn Công
Theo Dantri
Người ký văn bản đồng ý "bán" cảng Quy Nhơn lên tiếng
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc thừa nhận ký 2 văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) liên quan đến quá trình cổ phần hóa (CPH) cảng Quy Nhơn. Song, ông Lộc cho rằng mình chỉ thực hiện theo "chỉ đạo" từ cấp trên.
Cụ thể, văn bản thứ nhất có số 1115/UBND-KTN ngày 4/4/2013 xin chủ trương CPH theo hướng đề nghị Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần doanh nghiệp. Văn bản thứ hai số 628/UBND-TH ngày 25/2/2014, đề nghị bán hết phần vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, đây không phải là ý kiến cá nhân mà làm việc theo "chỉ đạo" của ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho rằng việc CPH cảng Quy Nhơn là theo chỉ đạo từ cấp trên. Bản thân ông cũng như người thân không hề có cổ phần ở cảng Quy Nhơn.
"Trước đây, thời ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có trao đổi với tôi rằng cảng Quy Nhơn đang xuống cấp do Nhà nước không có tiền đầu tư. Tỉnh nên đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Thủ tướng thực hiện việc CPH để có nhà đầu tư chiến lược bỏ tiền ra nâng cấp cảng, thu hút hàng hóa. Do vậy, ngày 4/4/2013, tôi ký văn bản gửi Bộ GTVT xin chủ trương CPH đề nghị Nhà nước nắm giữ 49% vốn cổ phần doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy với lý do nêu trên", ông Lộc cho biết.
Theo ông Lộc, đến ngày 27/5/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký công văn số 747/TTg-ĐMDN đồng ý cho Bộ GTVT chỉ đạo CPH cảng Quy Nhơn theo phương thức Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ 49% vốn điều lệ, các nhà đầu tư trong nước nắm giữ 51% vốn điều lệ.
"Tuy nhiên, trong văn bản Phó Thủ tướng ký, căn cứ từ văn bản đề nghị của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ (ngày 4/4/2013), chứ không căn cứ vào đề nghị của UBND tỉnh Bình Định. Văn bản UBND tỉnh Bình Định gửi Bộ GTVT trùng với văn bản Thủ tướng ký đồng ý. Như vậy, văn bản của UBND tỉnh Bình Định không tác động trực tiếp đến Bộ GTVT, vì sự việc này Bộ GTVT đã làm trước rồi", ông Lộc giải thích.
Đối với văn bản ngày 25/2/2014, đề nghị bán hết phần vốn Nhà nước tại cảng Quy Nhơn, ông Lộc lý giải: "Ngày 1/1/2014, ông Đinh La Thăng làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bình Định với các sở, ban ngành với rất nhiều nội dung. Trong đó, có nội dung tỉnh thống nhất đề nghị CPH 100% cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, ông Thăng kết luận rằng CPH hết 100% thì phải làm thí điểm và phải báo cáo Thủ tướng cho làm thí điểm".
Sau đó, Bộ GTVT có kết luận bằng văn bản số 06/TB-BGTVT ngày 6/1/2014 thông báo ý kiến của ông Thăng có đoạn nêu: "Việc CPH cảng Quy Nhơn, Bộ GTVT thống nhất với đề nghị của tỉnh, giao Vinalines bán số cổ phần còn lại để đạt mức Nhà nước giữ 49% vốn điều lệ theo phương án CPH được duyệt trong quý I năm 2014. Sau đó, giao Vụ Quản lý doanh nghiệp dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép thí điểm bán toàn bộ số cổ phần còn lại cho nhà đầu tư trong nước để mở rộng cảng theo quy hoạch được duyệt".
Việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn cho doanh nghiệp có bất thường khiến người dân địa phương bức xúc.
"Tôi nghỉ hưu từ ngày 1/11/2014, nhưng thực tế việc CPH cảng Quy Nhơn hoàn toàn còn diễn ra đến năm 2015 nên tôi không biết gì nữa cả. Bản thân tôi, kể cả người nhà, người thân tôi đều không có ai mua cổ phần ở cảng Quy Nhơn. Tháng 7/2015, ông Nguyễn Văn Thiện còn ký văn bản Tỉnh ủy gửi Bộ GTVT liên quan đến việc CPH. Lúc đó, tôi đã nghỉ hưu 7-8 tháng rồi, chứng tỏ việc này không phải của tôi", ông Lộc chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thiện - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, người có liên quan đến việc để cảng Quy Nhơn "lọt" vào tay doanh nghiệp với "giá bèo" thì từ chối trả lời báo chí với lý do Thanh tra Chính phủ đang thanh tra.
Nhiều ý kiến cho rằng việc CPH cảng Quy Nhơn hay nói cách khác "bán" cảng Quy Nhơn cho tư nhân với giá "bèo", làm thất thoát tài sản nhà nước... khiến cán bộ và nhân dân địa phương rất bức xúc.
Liên quan đến CPH cảng Quy Nhơn, cuối tháng 5/2017, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện. Lý do, ông Thiện đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký văn bản đề nghị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT về CPH cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy chế làm việc của Tỉnh ủy.
Ngoài ra, ông Lê Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng phải tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm liên quan đến việc thiếu sót khi ký gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ GTVT về việc CPH cảng Quy Nhơn.
Doãn Công
Theo Dantri
Cảng Quy Nhơn ổn định bộ máy như thế nào? Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra cổ phần hóa (CPH) tại Cảng Quy Nhơn. Trước đó, ngày 16.8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 14 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ...