Thu hoạch nông sản giúp dân bị phong tỏa
Vừa thu hoạch xong vườn rau muống cho người dân trong khu phong tỏa, Tiểu Mi cùng các bạn nhận tiếp “đơn hàng” là đám ruộng dưa leo.
Sáng sớm đầu tháng 8, Đoàn Thị Tiểu Mi, Phó bí thư Đoàn phường 6, TP Cao Lãnh, cùng 6 bạn tập hợp đầy đủ, vẫn màu áo xanh tình nguyện, quần xắn cao, đầu đội nón lá, nón tai bèo. Từ đường lớn nhóm chạy xe rẽ vào con đường đất nhỏ, đi bộ hơn một km rồi chuyển sang đi xuồng, chèo dọc các liếp xoài khoảng một km nữa mới đến vườn rau tại tổ 22, khóm 3.
Trên hai công đất (2.000 m2) gồm 4 liếp rau muống, 2 luống mồng tơi và một khoảnh đậu bắp. Nhóm chia ra 3 đội nhỏ, một đội 2-3 người đi hái. Người nào mệt sẽ vào gốc xoài lựa rau, bó lại thành từng bó một kg.
Nhóm Tiểu Mi cắt rau muống và bó lại đưa đi tiêu thụ giúp dân ở khu phong tỏa. Ảnh: Linh Lê
Dù chưa làm nông ngày nào, Nguyễn Thị Thanh Trúc vẫn cảm thấy tiếc vì liếp rau muống một số đã quá lứa không thể cắt bán. Còn những cây đậu bắp vẫn còn nhiều trái nhỏ. Trúc cùng các bạn dặn nhau chỉ hái trái đến ngày thu hoạch, trái nào nhỏ thì chờ chúng lớn thêm chút nữa, hái liền sẽ mất năng suất của chủ vườn.
Đều là những nông dân “tay ngang” nên cả nhóm hái đến giữa trưa mới được 50 kg rau. Dưới cái nắng 32 độ C, ai nấy người đều nhễ nhại mồ hôi và thấm mệt nhưng sau một lúc nghỉ ngơi, họ cùng nhau lựa rau, cho vào túi nylon, chuyển dần xuống xuồng.
Trước đó một ngày, Tiểu Mi nhận được tin nhà bà Đỗ Thị Loan trong khu phong tỏa không thể thu hoạch vườn rau cách nhà 3 km. Mỗi vụ rau khoảng hai tháng, cho thu nhập 8-10 triệu đồng, là nguồn thu duy nhất để nuôi gia đình 4 người.
“Đợi đến khi họ được dỡ bỏ phong tỏa chắc rau héo rũ, phải bỏ hết. Nghĩ vậy là mình không chịu được nên rủ các bạn cùng nhau đi cắt rồi bán giùm”, Tiểu Mi nói. Vừa nhắn tin trong nhóm “ngày mai ai đi thu hoạch nông sản giúp dân trong khu phong tỏa thì đăng ký ngay nha”, Tiểu Mi nhận được rất nhiều “cánh tay” xung phong. Cô cùng nhiều bạn liền đăng thông tin lên mạng để tìm đầu ra cho đám rau.
Toàn bộ số rau thu hoạch trong ngày đầu đã được nhóm bán với giá 10.000 đồng mỗi kg. “Vui nhất là hôm sau nhiều người đăng ký mua và có cả những đầu mối lớn nhận tiêu thụ”, chị Lê Thị Duy Linh, Phó bí thư Thành đoàn Cao Lãnh, cùng tham gia với mọi người cho biết.
Hôm sau vẫn đội hình cũ nhưng có thêm nhiều người thấy hoạt động có ý nghĩa liền xin đi cùng. Trúc thì rủ thêm mẹ. Một giáo viên trường mầm non ở phường 6 cũng quyết định gửi con nhỏ cho ông bà rồi phụ một tay. Có đến 12 người nhưng số lượng rau phải cắt cũng tăng gấp 3 lần, gồm 100 kg rau muống, 40 kg mồng tơi và 10 kg đậu bắp nên thời gian hoàn thành vẫn lúc “trời đứng bóng”.
Nhóm đoàn viên ở thành phố Cao Lãnh cắt rau muống giúp dân bị phong tỏa. Ảnh: Linh Lê
Khi cả nhóm chuẩn bị mang rau lên xe chở đi giao cho khách hàng thì một chú gần đó hớt hải chạy lại, nhờ thu hoạch giúp đám ruộng dưa leo cho một hộ vừa phải đi cách ly. Không chần chừ, Tiểu Mi và các bạn liền gật đầu đồng ý rồi lại rôm rả lên kế hoạch “tác chiến”.
“Nếu không có các bạn trẻ, đám rau muống nhà tôi chắc chết héo. Vụ này trước khi bị phong tỏa tôi đã cắt bán được phân nửa, cộng thêm phần các bạn bán giúp coi như có lời chút đỉnh”, bà Loan, chủ vườn rau nói.
Ông Phan Văn Thương, Bí thư Thành ủy Cao Lãnh, cho biết, ngoài thu hoạch các loại rau màu giúp bà con trong các khu phong tỏa, khu cách ly vượt qua khó khăn, Thành đoàn cũng tổ chức nhiều đội “shipper áo xanh” tại tất cả 15 xã, phường giúp người dân đi chợ, hỗ trợ khi cần thiết. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, các bạn đoàn viên được thành phố tạo điều kiện cho tiêm vaccine, xét nghiệm.
Đến ngày 7/8, Đồng Tháp đã ghi nhận 3.827 ca mắc Covid-19. Toàn tỉnh đang có 97 khu phong tỏa, riêng thành phố Cao Lãnh có 6 khu phong tỏa.
Vợ chồng mua xăng ra QL 1A tặng người về quê: 'Bao thương' trên đường thiên lý
Thương nhiều người về quê khó khăn, vợ chồng anh Ngô Văn Lành (37 tuổi, quê Phú Yên) quyết định bán nhẫn để mua xăng tặng họ.
Có người hết xăng trong đêm, dắt bộ đến gặp vợ chồng anh thì bật khóc.
Ngoài hỗ trợ xăng, anh còn tặng nước, sữa cho người cần. ẢNH: NVCC
Từ ngày 30.7, đoạn giao QL1A - QL25 (Phú Yên) xuất hiện một cặp vợ chồng mặc đồ bảo hộ kín mít, đứng cạnh những chai xăng được xếp ngay ngắn trong một cái rổ đặt gọn bên đường. Thấy dòng người lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe về quê, họ cầm chai xăng trên tay vẫy vẫy: "Xăng miễn phí đây anh chị ơi!".
Bán nhẫn không thành, vẫn có tiền mua xăng
Sáng 31.7, anh Lành vẫn đang bận rộn phát xăng cho người đi đường. Những ngày trước, đọc báo thấy dòng người đi xe máy từ TP.HCM, Bình Dương trở về quê nhiều, cũng thấy giá xăng tăng cao, anh Lành thầm thương cho những người xa xứ "khổ trăm đường" vào lúc này. Vậy là anh bàn với vợ mình - chị Bùi Thị Hoàng Yến (25 tuổi) bán chiếc nhẫn mà hai vợ chồng để dành, mua xăng tặng cho bà con về quê đi qua địa phận tỉnh Phú Yên.
Vợ chồng anh Lành bán nhẫn để mua xăng tặng bà con về quê, song được chủ tiệm vàng nói anh giữ nhẫn lại, họ cho mượn 10 triệu đồng để mua xăng
"Nhẫn mình có thể mua lại, nhưng mà người thì không phải lúc nào cũng có thể giúp. Thôi thì mình giúp họ lúc này, chắc họ cũng đang cần mình", anh tâm sự và được vợ đồng tình.
Vậy là hôm sau, anh ra một tiệm vàng của người quen để bán nhẫn. Ban đầu, chiếc nhẫn được anh mua với giá 17.879.000 đồng, vốn là chiếc nhẫn phong thủy mà hai vợ chồng tự hứa phải mua sau một năm làm ăn vất vả. Đến nơi, chủ tiệm vàng nói: "Em có khó khăn thì chị cho mượn, không thì cầm chiếc nhẫn chứ sao lại bán đi. Uổng lắm!".
Hai vợ chồng anh tặng xăng ở đoạn giao QL1A - QL25. ẢNH: NVCC
Ngày đầu tiên vợ chồng anh đã phát được 170 lít xăng, sáng từ 8 giờ - 10 giờ, chiều từ 15 giờ đến 20 giờ. ẢNH: NVCC
Biết được câu chuyện anh bán nhẫn để hỗ trợ xăng xe cho bà con về quê, bà chủ tiệm vàng trả lại chiếc nhẫn cho anh Lành, gửi anh 10 triệu đồng nói khi nào có điều kiện thì hai vợ chồng trả lại. Hành động này khiến anh xúc động, và hành trình những chai xăng miễn phí bắt đầu từ đó.
Nỗi lòng người mẹ Phú Yên bất hạnh ngày đưa hai con về quê tránh dịch Covid-19
Ngày đầu tiên, việc tặng xăng của vợ chồng anh gặp sự cố do không có sự chuẩn bị kỹ. Anh đổ xăng ở một cây xăng gần nhà vào những chai nhựa, rồi chở đến một tuyến đường để phát. Tuy nhiên không có nhiều người đi qua.
"Tôi mới gọi điện thoại hỏi người quen xem giờ nên phát ở đâu, thì được hướng dẫn đến đoạn giao giữa QL1A - QL25, cách nhà 10 cây số. Vậy là hai vợ chồng chở một đống xăng chạy tới đó, phải qua nhiều chốt kiểm soát nên nhiêu khê lắm", anh thuật lại.
Mỗi lít xăng anh Lành mua có giá hơn 22.000 đồng. ẢNH: NVCC
Một cặp vợ chồng đi xe máy về Thừa Thiên - Huế được anh tặng thêm xăng. ẢNH: NVCC
Anh Lành nói điều mình nhận lại được lớn nhất những ngày qua chính là nụ cười, lời cảm ơn và đôi khi là những sự xúc động của người nhận. ẢNH: NVCC
Gặp những câu chuyện như vậy, anh càng thương những người về quê lúc này, càng có động lực để tiếp tục công việc của mình. Ngoài việc tặng xăng, vợ chồng anh cũng chuẩn bị thêm nước lọc để hỗ trợ cho người đi đường.
Vốn làm nghề cắt, uốn tóc, hơn 2 tháng nay vợ chồng anh không thể kinh doanh vì dịch Covid-19. Vậy là hai vợ chồng quyết tâm hỗ trợ cho những người khó khăn trong khả năng bằng cách vận động các mạnh thường quân, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các khu phong tỏa trên địa bàn.
"Thấy vợ chồng tôi đi nhiều, gia đình, hàng xóm đều phản đối vì sợ mang bệnh về nhà. Mẹ tôi muốn từ mặt tôi luôn mà, cũng vì lo cho hai vợ chồng. Nhưng mà tính tình tôi kỳ lắm, hôm trước hứa không làm nữa, tôi coi cái clip thấy người này ở khu cách ly khổ, người kia thiếu là hôm sau lại đi hỗ trợ", anh tâm sự.
Vợ chồng anh Lành làm chủ một tiệm hớt tóc ở Phú Yên, vì dịch nên không thể kinh doanh. Vậy là hai người đã hỗ trợ thực phẩm cho nhiều khu vực phong tỏa trong thời gian qua. ẢNH: NVCC
Nói về việc tặng xăng, anh cho biết mình sẽ duy trì đến khi hết số tiền 10 triệu đồng ban đầu và số tiền mà một số người đã chủ động ủng hộ cho vợ chồng dù không kêu gọi quyên góp. Anh dự định sau đó mình sẽ dành thời gian để tiếp tục nấu ăn ủng hộ thực phẩm cho bà con ở khu phong tỏa của tỉnh nhà.
"Dịch bệnh ở Phú Yên cũng phức tạp, mấy hôm nay có thêm ca nhiễm. Mong là cả nước đều bình an, cùng đồng lòng vượt qua lần dịch này để không ai phải khổ nữa", anh bộc bạch.
Người từ miền Nam về quê ấm lòng với bát súp nóng giữa núi Hải Vân trong đêm
Covid 24h: Hà Nội phong tỏa chợ Long Biên, TP HCM hơn 1.000 F0 nặng Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối Long Biên với 1.200 hộ kinh doanh; TP HCM có 1.026 F0 nặng đang thở máy, 15 người phải can thiệp ECMO. Ngày 3/8, Việt Nam ghi nhận 8.377 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng tại 46 tỉnh, thành. Số ca nhiễm chủ yếu tại TP HCM (4.171), Bình Dương (1.606), Long An (566), Đồng Nai (364),...