Thu hẹp khoảng cách số để tiến tới một Việt Nam số toàn diện
Để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030, Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, giảng viên cấp cao Đại học RMIT cho rằng, ngoài việc tập trung thu hẹp “khoảng cách số”, phát triển bền vững cũng là yếu tố quan trọng.
Lời tòa soạn: Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo VietNamNet mở mục “Đóng góp ý tưởng Chuyển đổi số”, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những bài học hay, các nhân vật tiêu biểu và những câu chuyện cả thành công và chưa thành công của các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp cũng như người dân trong hành trình chuyển đổi hoạt động lên môi trường số.
Sau đây VietNamNet xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, Giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm cấp cao chương trình Tiến sĩ tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT.
Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030, tập trung vào các hoạt động chuyển đổi số liên quan đến chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Song song với nỗ lực để đạt được mục tiêu này, tôi cho rằng vẫn cần xét đến một vài cân nhắc.
Tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy, Giảng viên cấp cao Đại học RMIT. (Ảnh: M.Ngọc)
Thực tế, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Nguồn lực hạn chế và khuynh hướng ưu tiên các mục tiêu ngắn hạn khiến việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp này khó khăn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thận trọng hơn trong lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số thiết thực và có ý nghĩa, cũng như chuyên nghiệp hóa phương pháp kinh doanh để đo lường chính xác hơn hiệu quả của hành trình chuyển đổi số.
Nói cách khác, chuyển đổi số là cơ hội để chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xem xét sâu hơn về tổ chức của mình, về các năng lực chuyển đổi cũng như cơ hội để tạo ra giá trị cho những khách hàng trong kỉ nguyên mới.
Video đang HOT
Nhìn xa hơn ra khỏi ranh giới của từng doanh nghiệp, vẫn còn rất nhiều điều cần thiết phải làm nhằm hướng đến mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Báo cáo về chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD thực hiện năm 2021 cho thấy, chúng ta thiếu trầm trọng dữ liệu và thông tin về áp dụng công nghệ số của gần như toàn bộ các doanh nghiệp siêu nhỏ, dù đây là đối tượng chiếm đa số trong bức tranh chuyển đổi số tại Việt Nam.
Sự chênh lệch trong tài lực cũng như các kiến thức cần thiết về chuyển đổi số đang khiến “khoảng cách số” bị mở rộng đáng kể, tạo ra cạnh tranh gắt gao hơn trên thị trường. Bên cạnh đó, những khách hàng thế hệ Z với hành vi và nhu cầu tiêu dùng dần trở thành đối tượng tiêu tiền chính trong tương lai gần, tạo thêm áp lực bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số – bắt đầu bằng cải tiến tư duy nhận thức và lập ra lộ trình phù hợp, làm một “bệ phóng” vững chắc trước những thay đổi chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.
Để thu hẹp khoảng cách số nói trên, tôi cho rằng rất cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và cả người dân để tạo lập một hệ sinh thái chuyển đổi số phù hợp cho toàn bộ các đối tượng cần thiết.
Về phía người dân, khoảng cách số càng thể hiện rõ giữa các khu vực, thành phố có tốc độ và chỉ số phát triển đặc biệt là về hạ tầng công nghệ, khác nhau. Ngoài việc một bộ phận người dân chuyển đổi số chậm hơn khiến họ bị bỏ lỡ các cơ hội trong cuộc sống (ví dụ việc làm, mua sắm trực tuyến, tiếp cận kiến thức…), khoảng cách số còn tạo ra những hậu quả nghiêm trọng hơn liên quan đến các hành vi trực tuyến và trên mạng xã hội.
Chẳng hạn như, vấn nạn tin giả trong đợt dịch Covid-19 vừa qua hoặc các tin tức về tài khoản, thông tin cá nhân bị chiếm đoạt bởi tin tặc hay bị rò rỉ bởi sự bất cẩn của chính người dùng, hay văn hóa trực tuyến xấu xí và bắt nạt trực tuyến là những vấn đề có liên quan chặt chẽ đến khoảng cách số nói trên.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó chính là yếu tố bền vững trong câu chuyện chuyển đổi số. Phát triển bền vững và chuyển đổi số có thể sẽ được cho là 2 vấn đề đối nghịch nhau, vì thường các nỗ lực và tiến trình gì nhanh và mạnh (như chuyển đổi số) thì sẽ khó đảm bảo được tính bền vững. Khái niệm bền vững ở đây, ngoài hàm ý liên quan đến lợi nhuận và sự phát triển vững vàng của doanh nghiệp trong thị trường đầy cạnh tranh, còn liên quan đến môi trường và xã hội.
Liên Hợp Quốc đã công bố 17 mục tiêu phát triển bền vững làm kim chỉ nam cho các hoạt động kinh tế xã hội toàn cầu nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng chung cho các quốc gia vào năm 2030. Tương tự, nhiều nhà đầu tư hiện nay đã quan tâm sử dụng bộ tiêu chuẩn ESG để đánh giá độ ảnh hưởng của các khoản đầu tư và doanh nghiệp lên môi trường và cộng đồng xã hội. Các doanh nghiệp và tổ chức tiến hành chuyển đổi số vì vậy cần phải quan tâm đến yếu tố bền vững trong hoạt động kinh doanh của mình, bên cạnh các mối quan tâm về chuyên môn kĩ thuật.
Lấy ví dụ, dữ liệu của người dùng và khách hàng, ngoài việc được sử dụng bởi các công nghệ số, sẽ còn được sử dụng cho các mục đích nào khác? Việc áp dụng công nghệ sẽ ảnh hưởng đến người lao động chân tay như thế nào? Rác thải công nghệ từ quá trình chuyển đổi số sẽ được xử lý ra sao? Việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để đưa ra quyết định tự động về tuyển dụng có đảm bảo được tính công bằng cho các ứng viên?…
Là người làm nghiên cứu khoa học, tôi và các đồng nghiệp tại Đại học RMIT luôn mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp, và người dân thông qua các dự án hợp tác tạo tác động thực tiễn lên hành trình chuyển đổi số của cả nước. Hai chuyến tập huấn chuyển đổi số cho các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước vào tháng 8 và 9/2022 là ví dụ cụ thể của nỗ lực này, và sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, cũng như đồng hành với các hội doanh nghiệp và doanh nghiệp để xuất bản nghiên cứu, sách, và báo cáo về chủ đề chuyển đổi số tại Việt Nam.
Cơ chế nào cho tiền kỹ thuật số của Việt Nam?
Bằng cách cung cấp một "mỏ neo" tiền tệ, CBDC sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì một hệ thống thanh toán hoạt động tốt, sự ổn định tài chính và cuối cùng là niềm tin vào tiền tệ...
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Theo đó, NHNN sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Các lợi ích chính của CBDC bán lẻ nằm ở tiềm năng của chúng trong việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, có sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền với những đổi mới trong quá trình số hóa xã hội (ảnh minh hoạ)
Đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại một số văn bản Luật hiện hành; Nghiên cứu xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán, đảm bảo tương thích, phù hợp với quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Khoa Tài chính, ĐH Kinh tế TP HCM, hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia nghiên cứu và triển khai đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), thậm chí đã có quốc gia đưa vào sử dụng trong thực tế như Bahamas, Trung Quốc, Cam-pu-chia,... Đáng chú ý, một số quốc gia còn tiến hành nghiên cứu tiền CBDC "bán buôn" để phục vụ cho hệ thống thanh toán liên ngân hàng như Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Canada, Anh, Pháp, Nam Phi và một số quốc gia khác ở châu Âu. Các quốc gia này có cách tiếp cận khá thận trọng đối với việc triển khai CBDC trong nền kinh tế.
" Về mô hình CBDC của Việt Nam, CBDC nên là tiền mật mã có "chủ quyền". Vì tiền mật mã có chủ quyền sẽ gần giống với một đồng tiền mật mã có giá trị ổn định theo tiền pháp định, thường được gọi là stablecoin. Đây là các đồng tiền tồn tại và được xử lý giao dịch trong mạng lưới blockchain nhưng giá trị thì được neo vào các đồng tiền pháp định của một quốc gia cụ thể. Đặc biệt, phát hành CBDC dưới dạng stablecoin sẽ tránh được rủi ro gây bất ổn cho hệ thống tài chính vì sự tràn ngập tiền tệ tư nhân", nhóm chuyên gia đề xuất.
Trước đó, một số người cũng gợi ý rằng, các giải pháp thanh toán tư nhân sáng tạo như stablecoin, nếu được quản lý hợp lý, có thể khiến CBDC trở nên thừa thãi. Nhưng niềm tin vào stablecoin cũng phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi với tiền của Ngân hàng Trung ương, trừ khi các tổ chức phát hành stablecoin được cấp quyền truy cập vào bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương, cho phép họ đầu tư dự trữ của mình dưới dạng tiền gửi không có rủi ro tại Ngân hàng Trung ương.
Trong đề án của NHNN cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí; Thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị để thu học học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Đinh Hồng Sơn
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Sơn, Chuyên gia tài chính số đánh giá, nếu Việt Nam sớm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển CBDC, thì sẽ góp phần sớm rút ngắn được thời gian triển khai tài chính toàn diện quốc gia. Các lợi ích chính của CBDC bán lẻ nằm ở tiềm năng của chúng trong việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, có sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền với những đổi mới trong quá trình số hóa xã hội ngày càng rộng rãi. Đối với các Ngân hàng Trung ương ở một số thị trường mới nổi, động lực chính để nghiên cứu CBDC, là cơ hội để đưa các cộng đồng có tỷ lệ tiếp cận ngân hàng thấp vào hệ thống tài chính và cải thiện chi phí, tốc độ cũng như khả năng phục hồi của các khoản thanh toán.
" Rõ ràng, CBDC là loại tiền kỹ thuật số duy nhất có mệnh giá được đảm bảo về bản chất. Không giống như các tổ chức phát hành tư nhân phải dựa vào khả năng chuyển đổi, vì tiền của họ chịu rủi ro hoạt động, tín dụng, thanh khoản và thị trường. Những rủi ro này được giảm thiểu thông qua các biện pháp bảo vệ chính sách công, chẳng hạn như giám sát tài chính, các yêu cầu về vốn và bảo hiểm tiền gửi. Do đó, bằng cách cung cấp một "mỏ neo" tiền tệ, CBDC sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì một hệ thống thanh toán hoạt động tốt, sự ổn định tài chính và cuối cùng là niềm tin vào tiền tệ. Đây là điều kiện tiền đề để duy trì việc truyền tải chính sách tiền tệ, và do đó để bảo vệ giá trị của đồng tiền", ông Sơn phân tích.
Về vấn đề thanh toán, nhóm nghiên cứu tại ĐH Kinh tế TP HCM cũng đưa ra giả thiết, nếu tiền tệ được số hoá toàn bộ thì vai trò truyền thống của ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ dần mờ nhạt, hoặc thậm chí biến mất khỏi hệ thống tài chính hiện đại. Vì thế cần giữ vai trò của NHTM là trung gian cho việc thực thi chính sách tiền tệ khi tái phân phối cung tiền, tuy nhiên trong thực tế thì sẽ gánh vác thêm vai trò nền tảng kỹ thuật của hệ thống tiền tệ mới. Chi phí in ấn tiền sẽ được thay thế bằng chi phí giám sát và cải tiến hệ thống mã hoá cũng như các thuật toán cài đặt trên mạng lưới blockchain. Các NHTM sẽ đóng vai trò là các node chính (core node) còn các công ty cung cấp dịch vụ tài chính là các node phụ tiếp cận đến người dùng cuối.
Mã độc tống tiền tại Việt Nam tăng gần 200% Cùng với việc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, mã độc tống tiền (ransomware) tiếp tục có "đất diễn" và được dự báo gây nhiều hiểm họa. Theo báo cáo Hoạt động của mã độc tống tiền đầu tiên của VirusTotal và Google, mã độc tống tiền - ransomware tăng gần 200% so với...