Thủ đoạn thông thầu và cách Việt Á chi hàng chục tỷ đồng hoa hồng cho các CDC
Sáng 5/1, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo trong đại án Việt Á tiếp tục với phần xét hỏi.
Tại phiên tòa, các cấp dưới của Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt đã khai nhận chi hàng chục tỷ đồng hoa hồng cho CDC các tỉnh như thế nào?
Liên quan đến việc chi hoa hồng cho CDC các tỉnh, bị cáo Phan Tôn Noel Thảo (Kế toán trưởng Công ty Việt Á) khai, việc này thực chất là tính theo số tiền. “Khi bị cáo Việt thông báo thì bị cáo sẽ thống kê, lập bảng chi để bị cáo Việt duyệt chi. Việc này đã được thống nhất từ trước trong công ty theo chỉ đạo của bị cáo Việt”, bị cáo Noel Thảo khẳng định.
Bị cáo Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á) khai, dù là thủ quỹ Công ty Việt Á, nhưng thực chất bị cáo không nắm được các đơn vị mà Việt Á chi tiền, bởi bị cáo chỉ chi theo chỉ đạo của bị cáo Việt. “Trong hai năm 2020 và 2021, bị cáo thực hiện chỉ đạo của bị cáo Việt chi hơn 34 tỷ đồng. Ngoài số tiền lớn trên thì bị cáo không nhớ được đã chi cho đơn vị nào nữa”, bị cáo Thanh Thảo khai.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, Phan Tôn Noel Thảo là Kế toán trưởng Công ty Việt Á và Hồ Thị Thanh Thảo là Thủ quỹ Công ty Việt Á. Cả hai biết rõ việc ứng kit test xét nghiệm cho các cơ sở y tế công lập sử dụng trước rồi thông đồng hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán sau.
Bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương.
Các bị cáo cũng biết rõ việc thỏa thuận thông đồng chi tiền hoa hồng ngoài hợp đồng để được cung cấp kit test xét nghiệm, được thanh toán theo giá của Việt Á là trái quy định của pháp luật, nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và Phó Tổng Giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp.
Trong đó, Phan Tôn Noel Thảo tính toán, xác định tiền chiết khấu theo hợp đồng chuyển lại cho Phan Quốc Việt. Còn Vũ Đình Hiệp thì duyệt để Hồ Thị Thanh Thảo thực hiện việc chuyển tiền đến tài khoản do lãnh đạo đơn vị, cơ sở y tế cung cấp hoặc thông qua tài khoản của các nhân viên phụ trách vùng.
Video đang HOT
Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo đã tính toán, xác định và giúp Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp chuyển tiền đưa hối lộ tại các tỉnh: Hải Dương, Hà Giang, Nam Định, Sơn La, Lâm Đồng, Phú Thọ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng. Viện kiểm sát xác định, hành vi của Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo đã phạm tội “Đưa hối lộ”.
Liên quan đến các sai phạm của Việt Á, cáo trạng xác định, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (Công ty VNDAT) có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy móc, hóa chất vật tư y tế, thiết vị và phụ tùng máy khác. Doanh nghiệp này do Nguyễn Trường Giang làm Tổng Giám đốc. Nguyễn Trường Giang cũng là bị cáo trong vụ án này và bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Trường Giang cho biết, công ty không cung cấp trang thiết bị y tế cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương nhưng bán máy tách chiết tự động, có thể có kit tách chiết đi kèm cho đơn vị tài trợ để họ tài trợ cho CDC Bình Dương.
Về hai hợp đồng trị giá hơn 45 tỷ đồng, theo lời khai của bị cáo Giang, đa số là kit test sinh phẩm chống dịch CDC mượn rồi thanh toán sau. Phía CDC Bình Dương yêu cầu làm chỉ định thầu nhưng bị cáo Giang từ chối và yêu cầu đấu thầu rộng rãi. Sau khi nhờ Việt Á thì thấy Việt Á làm theo phương thức chỉ định thầu.
Từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2021, sau khi được Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương) đặt vấn đề cho CDC Bình Dương mượn kit test sử dụng trước rồi hợp thức thanh toán sau, Nguyễn Thị Thúy (Giám đốc dự án Công ty VNDAT) đề xuất với Nguyễn Trường Giang và được đồng ý.
Để hợp thức việc thanh toán số kit test và sinh hoá phẩm đi kèm đã cho CDC Bình Dương mượn sử dụng trước, Nguyễn Trường Giang thống nhất với Phan Quốc Việt sử dụng pháp nhân Công ty Việt Á tham gia đấu thầu và ký hai hợp đồng với CDC Bình Dương.
Nguyễn Trường Giang chỉ đạo bộ phận kế toán của Công ty VNDAT xuất hoá đơn bán hàng cho Công ty Việt Á, chỉ đạo nhân viên bên VNDAT phối hợp với nhân viên của Công ty Việt Á lập hồ sơ, để Công ty Việt Á được trúng thầu trái quy định của pháp luật đối với 2 gói thầu, với tổng trị giá hơn 45 tỷ đồng. Chỉ riêng hành vi này, các bị cáo trên đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 29,6 tỷ đồng.
Ngày 13/6/2023, Nguyễn Trường Giang có đơn đề nghị tự nguyện được dùng một phần trong số tiền 95 tỷ đồng tại 3 tài khoản cá nhân của bị cáo (đang bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an phong tỏa) để khắc phục toàn bộ thiệt hại
Ngày 3/1/2024, ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh sẽ hầu tòa
TAND TP Hà Nội vừa ra quyết định, ngày 3/1/2024 sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Chu Ngọc Anh trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Thẩm phán Trần Nam Hà (Phó Chánh Tòa hình sự) làm chủ tọa phiên tòa. Thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử là 5 kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP Hà Nội. Bị cáo Nguyễn Thanh Long có 4 luật sư bào chữa. Bị cáo Chu Ngọc Anh có 1 luật sư bào chữa. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày, cả Thứ bảy và Chủ nhật.
Trước đó, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19. Trước đó, trong quá trình phạm tội, bị can Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD và cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh 200.000 USD.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị truy tố về tội "Nhận hối lộ". Cựu bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cùng bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Bị can Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về hai tội "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cáo trạng, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ KH-CN giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test xét nghiệm, sau đó chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN, thuộc Bộ KH-CN) để Công ty Việt Á được Bộ KH-CN phê duyệt tham gia, phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài.
Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt.
Sau đó, Phan Quốc Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) can thiệp, tác động, chỉ đạo để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test xét nghiệm COVID-19.
Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng một kit test không có căn cứ.
Cáo trạng xác định, trong quá trình phạm tội, bị can Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ cho bị can Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của bị can Nguyễn Thanh Long) 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN) 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 100.000 USD.
Ngoài ra, Việt còn "chi tiền cảm ơn" cho Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD và cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh 200.000 USD..
Tại sao vụ án liên quan Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị đình chỉ? Ngày 5/1, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Hải (SN 1970), nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh do xét thấy hậu quả do các hành vi của bị can gây ra đã được khắc phục, không...