Thủ đoạn gian lận hàng chục triệu USD trong giới showbiz Trung Quốc
Theo Tân Hoa Xã, nghệ sĩ thường dùng thủ đoạn tinh vi để lách thuế với mục đích bỏ túi hàng chục triệu USD.
Ngày 27/5, Tân Hoa Xã đưa tin vấn đề thuế quan trong giới nghệ sĩ là chủ đề nổi cộm thời gian qua ở showbiz Hoa ngữ. Việc nghệ sĩ dùng thủ đoạn tinh vi để lách thuế với mục đích bỏ túi hàng chục triệu USD, được đánh giá diễn ra “như cơm bữa”.
Trong đó, hợp đồng âm dương là chiêu thức trốn thuế vi phạm pháp luật, còn thành lập công ty quản lý cá nhân là hoạt động tránh thuế hợp pháp ở các khu vực miễn giảm của chính phủ.
Nhân dân Nhật báo có bài phóng sự điều tra hoạt động lách thuế hợp pháp của giới nghệ sĩ.
Chỉ với 700 USD đã mở được công ty
Theo Nhân dân Nhật báo , tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) trong hơn một năm trở lại đây, được mệnh danh là “thiên đường tránh thuế mới” của người nổi tiếng.
Theo chính sách phát triển kinh tế, tự do thương mại đã được Chính phủ thông qua vào năm 2020, doanh nghiệp thành lập ở Hải Nam chỉ phải chi trả 15% tiền thuế thu nhập, thay vì 35% như luật định.
Chênh lệch thuế suất 20% giúp Hải Nam trở thành điểm đáp của nhiều công ty do nghệ sĩ độc lập đứng tên.
Nghệ sĩ Hoa ngữ độc lập đứng tên nhiều công ty phim ảnh, phòng làm việc cá nhân để giảm thiểu tối đa số tiền đóng thuế. Ảnh: Sina.
Chuyên gia tài chính giấu tên chia sẻ với Nhân dân Nhật báo , thuế suất 15% đối với giới nghệ sĩ là một con số hấp dẫn. Thực tế, nguồn thu nhập của người nổi tiếng rất phức tạp với nhiều dòng tiền. Điều này khiến họ bị áp thuế bằng việc phân loại hợp đồng với lãi suất chênh lệch khá lớn.
Theo thống kê của Tianyancha – trang web tra cứu thông tin doanh nghiệp, tính từ tháng 6/2020 đến nay, số lượng công ty điện ảnh và truyền hình đăng ký mới ở Hải Nam đã vượt quá con số 2.200.
Bao gồm nhiều cái tên nổi tiếng như Na Anh, Lưu Đào, Hà Cảnh, Hoàng Tử Thao, Trần Tư Thành, Bạch Kính Đình, Thẩm Đằng, Giả Nãi Lượng. “Nghệ sĩ đổ bộ đến Hải Nam sau khi chính sách giảm thuế được ban hành”, Tân Hoa Xã nhận xét.
Nắm bắt tâm lý thị trường, dịch vụ lập công ty thay người nổi tiếng ở Hải Nam ồ ạt ra đời. Theo điều tra của phóng viên Lưu Khả Hân – Nhân dân Nhật báo, chỉ cần 700 USD đã có thể mở công ty.
Đường dây này hoạt động ngầm trong showbiz, chỉ giới thiệu cho người thuộc nội bộ ngành. Sau khi giấy phép thành lập được hợp pháp hóa, phía môi giới sẽ bàn giao quyền điều hành lại cho đoàn đội của người nổi tiếng.
Chiêu trò gian lận
Theo Tân Hoa Xã , người nổi tiếng thường xu hướng cùng nhau thành lập công ty tại một địa điểm nhất định để dễ trao đổi thông tin, thực hiện các giao dịch kinh tế. Công ty của họ do một tổ chuyên trách, chủ yếu là nhân viên cộm cán và có thâm niên kinh nghiệm của các ngôi sao liên kết quản lý.
Ví dụ chuỗi công ty của Nhậm Gia Luân, Vương Truyền Quân, Mạnh Tử Nghĩa tại Ninh Ba, Chiết Giang hay Đồng Lệ Á, Dương Dương, La Tấn… đều có chung một đội ngũ điều hành. Bằng chứng là số điện thoại cố định liên hệ của các công ty này đều một chung đầu số.
Tên công ty của các nghệ sĩ thành lập ở khu vực miễn giảm thuế quan thường được đặt theo kiểu “tùy hứng”, dài dòng, gây cười và không đặt nặng tiêu chí chuyên nghiệp về mặt hình ảnh.
Giới sao Trung Quốc có nhiều chiêu thức lách luật thuế quan, nhưng không bị gán mác vi phạm pháp luật. Ảnh: Sohu.
Video đang HOT
Năm 2020, Thẩm Đằng từng trở thành đối tượng chế giễu khi thành lập công ty mang tên Vậy đây là công ty TNHH Văn hóa Điện ảnh và Truyền hình Gia Đại. Công ty của Bạch Kính Đình có tên Mối quan hệ đối tác quản lý âm nhạc, còn Hả Cảnh là Why not for Cultural Technology.
Để tránh bị dư luận soi xét lập công ty ma, có mã bên ngoài nhưng bên trong rỗng ruột, sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động chính thức, các nghệ sĩ thuộc một chuỗi liên kết (khoảng 3-4 công ty), sẽ cùng nhau góp vốn sản xuất phim. Theo nguyên tắc, tác phẩm sẽ được quay ở chính địa điểm thành lập công ty để tuân thủ chính sách phát triển kinh tế – văn hóa.
Theo China Daily, tính từ tháng 11/2020 đến nay, đã có hơn 10 dự án phim điện ảnh và truyền hình được đăng ký quay tại Hải Nam. Có thể kể đến Nữ bác sĩ tâm lý (Dương Tử, Tỉnh Bách Nhiên), Liệp hải nhật ký: Nam minh long hư (Trần Tiểu Xuân), Đùa với lửa (Vương Ngạn Lâm, Châu Du), Faith Makes Great (Quả Tinh Lâm, Mã Tô) hay Âm dạ hành giả (Lý Dịch Phong, Tống Dật).
Sina cho biết do thành lập chỉ với mục đích xé lẻ hợp đồng về những nơi đóng thuế suất thấp để tiền thù lao không bị thâm hụt quá nhiều, vì vậy, các công ty này không được nghệ sĩ coi trọng, có thể giải tán bất cứ lúc nào.
Năm 2010, khi Khorgas (Tân Cương) được hưởng chính sách miễn thuế 5 năm của chính phủ, đã có hơn 7.000 công ty điện ảnh và truyền hình của giới nghệ sĩ được đặt ở đây. Tuy nhiên, sau khi thời hạn miễn thuế kết thúc, số lượng doanh nghiệp giảm một nửa.
Hay sau khi bê bối của Trịnh Sảng nổ ra, gần 100 nghệ sĩ nổi tiếng như Ngụy Đại Huân, Đặng Siêu, Na Anh, Ngô Tuyên Nghi, Tỉnh Bách Nhiên… xin thoái vốn, rút giấy phép kinh doanh và xóa sổ phòng làm việc cá nhân.
Hai nghệ sĩ có văn phòng liên kết bị đóng cửa nhiều nhất là Huỳnh Hiểu Minh 47 công ty, tiếp theo là Chương Tử Di 29 công ty. Nhật báo Kinh tế Bắc Kinh bình luận đây là “cuộc tháo chạy” trước sóng dữ do Trịnh Sảng mang đến trước khi bị cơ quan chức năng sờ gáy.
“Các công ty do sao Hoa ngữ đứng tên dễ lập, dễ tan”, Sina nhận định.
Dù phòng làm việc cá nhân thực chất là công cụ ngầm giúp giới nghệ sĩ lách thuế, nhưng không bị xem là việc làm vi phạm pháp luật. Thay vào đó, đây được gọi là phương thức tận dụng tối đa những chính sách ưu đãi của chính phủ.
Theo Tân Hoa Xã, lý do khiến các ngôi sao phải sử dụng mánh khóe để lách thuế, đến từ việc mức thuế áp sàn cho người làm nghệ thuật quá cao. Không chỉ vậy, năm 2018, họ còn bị siết chặt nguồn thu khi Tổng Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình ban hành chính sách “bình ổn thù lao”.
Theo đó, tổng mức lương chi trả cho toàn bộ các diễn viên trong đoàn phim không được vượt qua 40% tổng chi phí sản xuất. Thù lao của diễn viên chính cũng không được vượt quá 70% tổng thù lao của dàn diễn viên. Điều này khiến không ít ngôi sao buộc phải lợi dụng kẽ hở để giảm thiểu tối đa số tiền thuế phải nộp.
Cuộc tháo chạy của nhiều sao hạng A sau vụ Trịnh Sảng
Làng giải trí Hoa ngữ lần nữa lao đao sau bê bối trốn thuế của Trịnh Sảng. Nhiều nghệ sĩ đã và đang tiến hành thoái vốn khỏi công ty quản lý để tránh liên lụy.
Trên Tianyancha - trang web truy vấn thông tin doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc - có kết quả hàng chục người nổi tiếng như Ngụy Đại Huân, Đặng Siêu, Đường Yên, Na Anh, Triệu Bản Sơn, Thẩm Đằng, Ngô Tuyên Nghi, Tỉnh Bách Nhiên đều tiến hành thoái vốn, hủy công ty làm việc riêng.
Cụ thể, hai studio phim ảnh được thành lập vào năm 2016 và 2018 của Ngụy Đại Huân đã bị xóa sổ. Cách đây vài ngày, nam diễn viên cũng xin rút vốn khỏi một số dự án bất động sản. Trong khi đó, Na Anh quyết định rút 51% cổ phần khỏi công ty quản lý.
Đặng Siêu, Ngụy Đại Huân và nhiều nghệ sĩ trong showbiz bất ngờ hủy bỏ văn phòng đại diện cá nhân liên kết với công ty chủ quản.
Động thái không rõ lý do của nhiều ngôi sao ngay lúc Trịnh Sảng bị "sờ gáy" trở thành chủ đề gây nghi vấn. Trước đó, Ban tuyên giáo Trung ương cũng vừa phát hành chỉ thị chấn chỉnh các hành vi tiêu cực đang tồn tại trong ngành giải trí, đặc biệt là vấn đề hét giá cát-xê, lợi dụng hợp đồng âm dương để trốn thuế.
Công ty mọc lên như nấm
Năm 2005, Vương Kinh Hoa, người đàn bà khiến cả showbiz nể sợ chính thức "đường ai nấy đi" với Hoa Nghị huynh đệ, tập đoàn giải trí tiếng tăm hàng đầu Trung Quốc. Sự kiện này là cột mốc đánh dấu thay đổi của loạt quy tắc "bất thành văn" trong ngành công nghiệp giải trí.
Hoa Nghị huynh đệ thành lập chế độ phòng làm việc của nghệ sĩ. Mỗi ngôi sao sẽ đồng hành cùng một đội ngũ nhân viên riêng biệt, bao gồm quản lý, phó quản lý, trợ lý và đội ngũ marketing. Studio hoạt động dựa trên danh tiếng và sức ảnh hưởng của nghệ sĩ, mượn nguồn lực của công ty quản lý để lôi kéo tài nguyên.
Với mô hình hoạt động này, nghệ sĩ có nhiều cơ hội phát triển hơn, công ty quản lý cũng có cơ sở ràng buộc nghệ sĩ. Thế nhưng, việc hoạt động dưới trướng phòng làm việc trực thuộc công ty quản lý khiến bài toán cân bằng lợi ích song phương khó tìm được lời giải.
Từ năm 2010, nhiều người nổi tiếng lần lượt đứng ra thành lập phòng làm việc cá nhân.
Đến năm 2010, nhiều người nổi tiếng lần lượt đứng ra thành lập phòng làm việc cá nhân sau khi hết hạn hợp đồng với công ty quản lý, có thể kể đến Châu Tấn, Lý Băng Băng, Nhậm Tuyền, Huỳnh Hiểu Minh, Trần Khôn, Tô Hữu Bằng... Tân Hoa X ã cho hay lúc bấy giờ, quy mô phòng làm việc cá nhân của nghệ sĩ chưa lớn. Một studio chỉ có 20 nhân viên đổ lại, và nghệ sĩ được coi là "IP" bảo đảm cho phòng làm việc cá nhân.
Thế nhưng rất nhanh sau đó, phòng làm việc của nghệ sĩ cho thấy khả năng thị trường hóa một cách bài bản.
Mục đích thành lập phòng làm việc cá nhân không chỉ dừng lại ở việc quản lý hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ. Bên cạnh đóng phim, studio là "hậu phương" hỗ trợ người nổi tiếng đầu tư vào các dự án điện ảnh, truyền hình, ký hợp đồng với các gương mặt mới và điều hành công việc kinh doanh ngoài lề. Nói cách khác, người nổi tiếng trực tiếp trở thành một nhà đầu tư thông qua phòng làm việc cá nhân.
Dương Mịch trở thành "bà chủ" của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong showbiz Trung Quốc sau khi thành lập công ty riêng.
Đơn cử như Huỳnh Hiểu Minh. Studio của nam diễn viên từng góp vốn đầu tư vào các dự án phim ảnh như Cẩm tú duyên hoa lệ mạo hiểm, Chuyện phong hoa tuyết nguyệt... Bên cạnh đó, tài tử kinh doanh chuỗi nhà hàng lẩu, nhà hàng đồ nướng, thậm chí là đại diện pháp lý của công ty công nghệ, đầu tư và thương mại.
Năm 2017, cặp bạn thân Châu Tấn - Trần Khôn đồng sáng lập Công ty Quản lý Văn hóa Đông Thân Vị Lai, sau đó ký hợp đồng cùng các nghệ sĩ Nghê Đại Hồng, Hải Nhất Thiên. Năm 2020, Thư Kỳ cũng gia nhập công ty này.
Năm 2014, Dương Mịch và hai quản lý đầu tư 3 triệu USD thành lập Công ty TNHH Văn hóa Điện ảnh và Truyền hình Gia Hành Thiên Hạ. Từ đó, nhiều dự án do Dương Mịch diễn chính đều có sự góp mặt của "gà nhà" như Địch Lệ Nhiệt Ba, Trương Bân Bân, Cao Vỹ Quang... Năm 2017, Perfect World "rút túi" 500 triệu NDT để mua 10% cổ phần của Gia Hành, "kim bài" từng được định giá 5 tỷ NDT.
Ngoài ra còn có Triệu Vy nắm giữ cổ phần trong Đường Đức Ảnh Thị hay Lưu Đào, Đặng Siêu, Tôn Lệ gián tiếp đầu tư vào Leshi Internet Information and Technology Corp - một trong những công ty video trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc.
Năm 2016, nhà nghiên cứu nghệ thuật Hoàng Chuyên chỉ ra việc người nổi tiếng kiếm tiền dựa trên thị trường thứ cấp, thay vì diễn xuất đã trở thành hiện tượng trong ngành.
Trong bối cảnh này, cùng năm, Trịnh Sảng không gia hạn hợp đồng với EE Media. Nữ diễn viên thông báo thành lập phòng làm việc độc lập.
"Trốn thuế hợp pháp"
Không chỉ là công cụ hái ra tiền, Sohu cho biết phòng làm việc cá nhân thực chất là một trong những "thủ đoạn" ngầm giúp giới nghệ sĩ lách thuế "hợp pháp".
Theo luật thuế thu nhập cá nhân, thuế suất là 45% đối với mức thu nhập hàng năm vượt 960.000 NDT. Theo mức thuế suất này, mức cát-xê 160 triệu NDT phải đóng 71,95 triệu NDT tiền thuế. Thế nhưng nếu thông qua phòng làm việc cá nhân, nghệ sĩ có thể tiết kiệm ít nhất 10%, tương đương 15,9 triệu NDT tiền thuế.
"Bất kể so sánh thế nào, việc thành lập phòng làm việc cá nhân vẫn là một thủ đoạn tuyệt vời để né thuế", Nam Phương Nhật báo nhấn mạnh.
Phạm Băng Băng nộp phạt 130 triệu USD sau khi bị kết luận trốn thuế, xài hợp đồng âm dương.
Hơn thế, nghệ sĩ có thể "tiết kiệm" hơn nữa nếu phòng làm việc được đặt ở khu vực nằm trong chính sách miễn thuế 5 năm của Chính phủ. Điều này lý giải tại sao nhiều nhà sản xuất điện ảnh, truyền hình Trung Quốc đổ xô về những thành phố nhỏ như Khorgas (Tân Cương), Đông Dương (Chiết Giang) hay Vô Tích (Giang Tô).
Theo Sina , trong 3 năm qua, giới nghệ sĩ đã thành lập gần 533 phòng làm việc và 1887 công ty đứng tên cá nhân. Những con số này đủ để thể hiện sức hấp dẫn của việc thành lập studio độc lập.
Thế nhưng khi phòng làm việc cá nhân ngày càng lớn mạnh, tiếng nói của người nghệ sĩ ngày càng quan trọng, vấn nạn "thù lao trên trời" phá hủy sự lành mạnh của làng giải trí.
Trường hợp mới nhất là Trịnh Sảng. Nữ diễn viên "bỏ túi" hơn 24 triệu USD khi tham gia dự án phim Tân thiện nữ u hồ n. Tờ Nhân dân Nhật báo làm phép phân tích với mức lương cơ bản của lao động Trung Quốc là 1.500 USD/tháng, họ phải làm việc 1.600 năm để kiếm được số tiền này.
Năm 2018, Cục Điện ảnh Trung Quốc chính thức ban hành chính sách "bình ổn thù lao". Ba nền tảng xem trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc iQIYI, Youku, Tencent cũng bắt tay với 6 công ty điện ảnh, truyền hình tiếng tăm để đẩy lùi nạn "hét cát-xê". Theo đó, thù lao của các diễn viên không được vượt quá 40% tổng chi phí sản xuất, trong đó thù lao diễn viên chính không được vượt quá 70% tổng thù lao.
Cùng năm, Phạm Băng Băng bị giới chức Trung Quốc điều tra khi sử dụng "hợp đồng âm dương", lợi dụng phòng làm việc cá nhân để trốn thuế. Với thu nhập ngất ngưởng, "nữ hoàng thảm đỏ" phải nộp phạt số tiền lên tới 130 triệu USD.
Cuộc tháo chạy
Sau khi bê bối của "nữ hoàng thảm đỏ" nổ ra, không ít nghệ sĩ từng nằm trong danh sách nghi vấn trốn thuế phải xin nộp bù để tránh điều tra và xử phạt từ Tổng cục thuế. Số tiền hoàn thuế thu được từ người nổi tiếng năm 2018 lên đến 1,8 tỷ USD.
Chiết Giang Đông Dương chỉ ra lần đầu tiên trong lịch sử người nổi tiếng có tên trong danh sách "Doanh nghiệp nộp thuế vượt mức 10 triệu NDT". Trương Nghệ Hưng, Dương Mịch, Cảnh Điềm, Hoa Thần Vũ góp mặt với tư cách "đại diện pháp lý" của phòng làm việc cá nhân.
Cũng trong giai đoạn này, dữ liệu trên Tianyancha cho thấy hơn 100 công ty điện ảnh và truyền hình tại Khorgas nộp hồ sơ giải thể, trong đó có Từ Tĩnh Lôi và nhiều nghệ sĩ với tư cách đại diện cổ đông.
Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng của phòng làm việc cá nhân lúc này thay đổi không đáng kể.
Theo dữ liệu tra cứu trên Tianyancha , năm 2019, 2535 phòng làm việc cá nhân và công ty đứng tên nghệ sĩ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, con số này giảm xuống còn 1138, song vẫn là con số khổng lồ.
Trịnh Sảng bị điều tra trốn thuế.
Thế nhưng, sự việc của Trịnh Sảng khiến giới chức Trung Quốc lần nữa để mắt đến thủ đoạn quen thuộc của giới nghệ sĩ. "Cơ quan chức năng mở rộng điều tra, có bao nhiêu ngôi sao ăn không ngon, ngủ không yên?", Tân Hoa Xã bình luận.
Hơn 75 nghệ sĩ nổi tiếng như Ngụy Đại Huân, Đặng Siêu, Na Anh, Ngô Tuyên Nghi, Tỉnh Bách Nhiên... gây bàn tán khi bất ngờ xin thoái vốn, rút giấy phép kinh doanh và xóa sổ phòng làm việc cá nhân.
Hai nghệ sĩ có văn phòng liên kết bị đóng cửa nhiều nhất là Huỳnh Hiểu Minh 47 công ty, tiếp theo là Chương Tử Di 29 công ty.
Theo Tân Hoa Xã , giới chức Trung Quốc trong vụ việc lần này sẽ không khoan nhượng cho nghệ sĩ phạm pháp. Nhất là khi sự vụ của Phạm Băng Băng đã được xem như bài học nhãn tiền, lời cảnh cáo và răn đe cho người nổi tiếng.
Nhiều nghệ sĩ đã và đang tiến hành thoái vốn khỏi công ty quản lý để tránh bị điều tra.
"Nếu đã có sự không minh bạch về thuế suất, cho dù công ty, phòng làm việc xin thoái vốn, rút giấy phép kinh doanh, Tổng cục thuế vẫn có thể điều tra và trừng phạt hành vi phạm pháp tại thời điểm phạm pháp", luật sư Từ Hiểu Đan, làm việc tại Công ty Luật sư Tiantai, Bắc Kinh cho hay.
"Bất kỳ ngôi sao nào trốn thuế cũng sẽ bị xử lý và chế tài theo luật định", CCTV đăng tải thông điệp từ Ban tuyên giáo Trung ương.
Giới giải trí lao đao trước nguy cơ Trịnh Sảng chịu án Vụ bê bối của Trịnh Sảng đẩy giới giải trí Hoa ngữ rơi vào tình trạng lao đao. Nhiều tên tuổi lớn khác cũng đang sống trong lo lắng. Theo Thời báo Hoàn cầu , bê bối trốn thuế của Trịnh Sảng đang ảnh hưởng nặng nề đối với giới giải trí Hoa ngữ. Các chuyên gia có thâm niên trong nghề nhận...