Thủ đô Campuchia đóng cửa chợ đầu mối
Ngày 4/4, chính quyền thủ đô Phnom Penh (Campuchia) đã ra chỉ thị đóng cửa 14 ngày đối với chợ Orussey, một trong những chợ đầu mối lớn ở thành phố, bắt đầu từ tối 3/4 để phòng dịch COVID-19 lây lan.
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng xác định có 6 tiểu thương, một thành viên ban quản lý chợ và nhân viên bảo vệ tại chợ này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện chính quyền thủ đô Campuchia đang lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 4.200 người/ngày tại tất cả 14 quận/huyện thuộc thủ đô bắt đầu từ sáng 5/4.
Theo thông tin từ Sở cảnh sát thành phố Phnom Penh, trong đêm 2/4, lực lượng chức năng đã bắt giữ 73 người vi phạm lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 20h hôm trước đến 5h hôm sau. Những người này sẽ phải thực hiện cách ly tại gia dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.
Sáng 4/4, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện 44 ca mắc mới COVID-19. Tổng cộng, Campuchia đã có 2.689 ca mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó có 19 ca tử vong.
* Ngày 3/4, Bộ Y tế Chile thông báo sẽ tăng cường tìm kiếm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với việc giải trình tự gene của 500 mẫu xét nghiệm mỗi tuần để xác định nguyên nhân của làn sóng lây nhiễm mới đang tạo sức ép đối với hệ thống y tế nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Airres, phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cho biết đến nay ở nước này đã phát hiện các biến thể từ Brazil và Anh và sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu trình tự gene của các mẫu được thu thập để truy vết bất kỳ loại biến thể mới nào khác có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng đột biến trong thời gian qua.
Trong tuần qua, Chính phủ Chile buộc phải đóng cửa trở lại các cửa khẩu của nước này trong thời gian ít nhất một tháng nhằm ngăn chặn sự lây lan, cũng như sự xâm nhập của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Video đang HOT
Đến nay, Chile đã ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 23.500 ca tử vong. Chỉ riêng trong 24 giờ qua nước này đã phát hiện 8.028 ca mắc mới và là ngày thứ 2 liên tiếp có số ca mắc mới COVID-19 vượt quá mốc 8.000 ca.
Số ca mắc toàn thế giới vượt 126 triệu, châu Âu đối mặt 'đại dịch mới'
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 26/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 126.240.789 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.769.953 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 101.838.267 người.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 559.897 ca tử vong trong tổng số 30.780.446 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 303.726 ca tử vong trong số 12.324.765 ca bệnh.
Tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại Brazil. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới COVID-19 đã vượt quá 100.000 ca - mức cao nhất từ trước đến nay. Số ca bệnh tại Brazil đã tăng liên tiếp kể từ tháng 2 vừa qua do một số nguyên nhân, trong đó có việc người dân không tuân thủ nghiêm túc những quy định về giãn cách xã hội và sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được cho là dễ lây lan hơn.
Trong khi đó, Mexico đã trở thành quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 3 thế giới khi số người không qua khỏi vì đại dịch này đã tăng lên 200.211 ca, sau Mỹ (với hơn 559.700 ca) và Brazil (với hơn 303.700 ca). Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mexico đã vượt quá 200.000 người cho dù số ca nhiễm và tử vong mới trong những tuần gần đây có xu hướng giảm sau khi tăng vọt vào tháng 1, khiến nhiều bệnh viện ở nước này rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, giới chức Mexico cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm mới sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh vào đầu tháng 4 tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Âu, phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định "Lục địa Già" không chỉ đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, mà là một "đại dịch mới", do biến thể phát hiện ở Anh gây ra.
Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức Lothar Wieler cũng cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 ở nước này có nguy cơ trở thành làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất từ đầu dịch đến nay và con số 100.000 ca mắc mới mỗi ngày hoàn toàn có thể xảy ra. Ông khuyến cáo người dân ở nhà vào dịp lễ Phục sinh do những tuần sắp tới sẽ là thời điểm "rất khó khăn".
Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm trên 21.500 ca mắc mới COVID-19, trong khi số ca tử vong do căn bệnh này cũng tăng 183 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này có 2,74 triệu ca mắc COVID-19 và 75.669 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Lviv, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, Ukraine ghi nhận 18.132 ca mắc mới COVID-19, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trước đó, số ca mắc mới hằng ngày cao nhất ở nước này là 16.669 ca ghi nhận ngày 25/3. Tổng số ca mắc ở Ukraine tính đến nay là 1.614.707 ca, với 31.461 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Romania thông báo hàng loạt biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt hơn, theo đó quy định đóng cửa sớm các cơ sở kinh doanh và hạn chế hoạt động đi lại tại nhiều thành phố và khu vực mà dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á. Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 9.838 ca mắc mới COVID-19, là mức cao nhất từ trước tới nay. Quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận số ca mắc tăng mạnh trong những ngày qua, theo đó số ca mắc mới trong 10 ngày qua chiếm 1/10 tổng số 702.856 ca bệnh ở nước này. Hiện tổng số ca tử vong ở nước này là 13.149.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Banten, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh trên, Chính phủ Indonesia - nước hiện đang có số ca mắc và tử vong cao nhất khu vực, đã quyết định cấm người dân rời khỏi các vùng đô thị để trở về quê nhà trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 tới nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Theo đó, lệnh cấm này sẽ được áp dụng từ ngày 6 - 17/5.
Thông thường trước lễ Eid al-Fitr hằng năm, người dân Indonesia ồ ạt về quê bằng đường bộ hay đường hàng không. Năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh cấm về quê đối với viên chức, quân nhân, cảnh sát và người lao động ở các xí nghiệp nhà nước, đồng thời chỉ khuyến cáo những người khác không về quê trong dịp này. Hiện tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại nước này lần lượt là 1.487.541 và 40.166.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận phát hiện thêm 96 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Toàn bộ số ca nhiễm mới này (từ 8 tháng tuổi đến 70 tuổi) đều có liên quan tới "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2", đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.968 người, trong đó 1.074 bệnh nhân đã bình phục.
Trong bối cảnh dịp Tết cổ truyền té nước đang đến gần, Văn phòng Thủ tướng Lào thông báo các nghi lễ truyền thống vẫn được phép tổ chức, song các sự kiện công cộng bị cấm trong các ngày 14 - 16/4. Văn phòng Thủ tướng nước này ra thông báo có hiệu lực trên toàn quốc, hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 trong dịp năm mới Bun Pimay 2021, trong đó có việc cấm tụ tập đông người. Kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh, Lào ghi nhận tổng cộng 49 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.
Khách du lịch tới sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong khi đó, hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket nổi tiếng của Thái Lan trên Biển Andaman sẽ trở thành địa phương đầu tiên của quốc gia có nền kinh tế dựa vào du lịch này mở cửa cho du khách nước ngoài mà không cần phải cách ly từ 1/7.
Trung tâm Xử lý tình hình kinh tế (CESA) do Thủ tướng Prayut Chan-o- cha chủ trì đã thông qua đề xuất của khu vực tư nhân và các nhóm kinh doanh ở tỉnh Phuket về việc tiêm chủng cho ít nhất 70% cư dân trên đảo để chuẩn bị mở cửa trở lại cho khách du lịch đã tiêm phòng. Theo đó, du khách đến hòn đảo nghỉ dưỡng nói trên sẽ được yêu cầu tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19 theo chương trình hộp cát du lịch (Phuket Tourism Sandbox). Việc phê duyệt nói trên có nghĩa là Phuket sẽ mở cửa trở lại sớm hơn 3 tháng so với phần còn lại của đất nước mà theo kế hoạch sẽ chào đón du khách được tiêm chủng đầy đủ từ tháng 10.
Việc nghiên cứu và thử nghiệm vaccine tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan mới. Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ em dưới 11 tuổi. Hiện Pfizer đang thử nghiệm 3 mức liều lượng vaccine khác nhau ở nhóm đối tượng này và đang thử nghiệm vaccine ở trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 15. Trước đó, hãng dược phẩm Moderna và AstraZeneca đã bắt đầu thử nghiệm vaccine ở trẻ em nhỏ tuổi hơn. Hiện Johnson & Johnson cũng lên kế hoạch tương tự.
Các nhà khoa học Séc cũng thông báo mới thử nghiệm thành công kháng thể kép, có hiệu quả chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi và Brazil. Kháng thể này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Y sinh ở Bellinzona, Thụy Sĩ và các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học Séc.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Sheffield và Đại học Oxford (Anh) cho thấy một liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho phản ứng miễn dịch tương tự như khi nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên và có thể bảo vệ những người từng mắc bệnh trước các biến thể của loại virus này.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Sheffield và Đại học Oxford, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Miễn dịch SARS-CoV-2 Anh, 99% số người được tiêm 1 liều vaccine của Pfizer/BioNTech cho phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Để đưa ra được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của 237 người, và phát hiện rằng phản ứng của kháng thể và tế bào T ở những người chưa từng mắc COVID-19 giống với những bệnh nhân lây nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên.
Những người từng mắc bệnh có phản ứng miễn dịch mạnh và rộng hơn, với phản ứng tế bào T cao hơn khoảng 6 lần so với những người không bị mắc bệnh. Do đó, theo các nhà nghiên cứu, việc tăng cường phản ứng kháng thể đã có từ trước có thể cung cấp "lá chắn" chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có cả biến thể đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, được cho là giảm hiệu quả của các vaccine hiện có.
Quốc hội Đức phê chuẩn quỹ phục hồi kinh tế của EU trị giá 750 tỷ euro Ngày 26/3, Đức đã phê chuẩn quỹ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD). Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN Sau khi Hạ viện Đức thông qua quỹ phục hồi này vào ngày 25/3,...