Thư của Bush cha và Obama khi chuyển giao quyền lực
Mặc dù Bush là đối thủ bại trận trước Clinton còn Obama có quan hệ không tốt với Trump, cả hai tổng thống đều duy trì truyền thống gửi thư khích lệ người kế nhiệm.
Vào mùa bầu cử năm 2016, trong cuộc tranh luận tổng thống Mỹ cuối cùng, Trump tỏ ý ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử ngày 8/11 nếu ông thua. “Tôi sẽ xem xét vào lúc đó. Tôi sẽ để mọi người chờ đợi trong hồi hộp”, Trump nói khi được hỏi về vấn đề này. Phát ngôn của ông đi ngược lại với truyền thống của Mỹ là người thất cử gọi điện cho người chiến thắng để nhận thua và chúc mừng.
Năm nay, Trump gây lo ngại ông sẽ từ chối chuyển giao quyền lực nếu thất cử. Trump không cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình mà nói rằng “chúng ta phải xem điều gì sẽ xảy ra”. Phát biểu của Trump bị cho là không cam kết nguyên tắc dân chủ cơ bản nhất ở Mỹ và vấp phải chỉ trích từ cả hai đảng.
Nhiều người so sánh Trump với những người tiền nhiệm khi chuyển giao quyền lực. Cựu tổng thống George H.W. Bush năm 1993 viết thư tay cho Bill Clinton, người đánh bại ông Bush trong cuộc đua năm 1992. Dù thua cuộc, ông Bush vẫn gửi lời chúc người kế nhiệm thành công và gửi lời khuyên về cách đối phó với những người chỉ trích.
Lá thư George H.W. Bush gửi Bill Clinton năm 1993. Ảnh: ABC.
Lá thư của ông Bush được công bố vào năm 2011 có nội dung:
20/1/1993
“Gửi Bill,
Vừa nãy, khi bước vào văn phòng này, tôi vẫn cảm thấy cảm giác kỳ diệu và sự trân trọng mà tôi thấy 4 năm trước. Tôi nghĩ anh cũng sẽ cảm thấy như vậy.
Tôi chúc anh có quãng thời gian tuyệt vời ở đây. Tôi không bao giờ cảm thấy sự cô đơn mà một số tổng thống đời trước đã mô tả.
Sẽ có những lúc rất khó khăn và thậm chí còn gian nan hơn khi xuất hiện những lời chỉ trích anh có thể nghĩ là không công bằng. Tôi cũng không thật sự giỏi đương đầu với chỉ trích để có thể cho anh lời khuyên, nhưng tôi muốn nhắn nhủ rằng anh đừng để những người chỉ trích làm anh nản lòng hoặc khiến anh phải từ bỏ các kế hoạch đã định.
Vào thời điểm anh đọc được lá thư này, anh đã là tổng thống của chúng tôi. Tôi chúc anh và gia đình mạnh khỏe và hạnh phúc.
Video đang HOT
Sự thành công của anh giờ là sự thành công của cả đất nước. Tôi sẽ ủng hộ mạnh mẽ cho anh.
Chúc may mắn,
George”
Trump (trái) và Obama trong một cuộc họp về chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng tháng 11/2016. Ảnh: AFP.
Trump và Obama cũng có mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” trong mùa bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, Obama vẫn để lại trong ngăn kéo của bàn Kiên định tại Phòng Bầu dục bức thư cho Trump với nội dung nhấn mạnh trách nhiệm to lớn của tổng thống Mỹ trong nước và trên trường quốc tế:
“Gửi ngài Tổng thống,
Chúc mừng ông đã vượt một cuộc đua rất đặc biệt. Hàng triệu người đã đặt hy vọng vào ông. Tất cả chúng tôi, dù thuộc đảng nào, cũng hy vọng về sự tăng cường an ninh và thịnh vượng trong nhiệm kỳ của ông.
Đây là một vị trí độc đáo, không có con đường rõ ràng để thành công, vì vậy tôi không biết liệu lời khuyên của tôi có hữu ích đối với ông không. Dẫu vậy, tôi vẫn sẽ đưa ra một vài ngẫm nghĩ từ 8 năm qua.
Thứ nhất, cả hai chúng ta đều được hưởng những may mắn theo những cách khác nhau. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Họ cần đến chúng ta, những người phải làm mọi điều có thể để đặt thêm nhiều nấc thang cho sự thành công của mọi đứa trẻ và gia đình sẵn sàng làm việc chăm chỉ.
Thứ hai, vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế thực sự là điều không thể thiếu. Thông qua hành động và làm gương, chúng ta phải duy trì trật tự quốc tế đã được phát triển đều đặn kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc – yếu tố quyết định sự thịnh vượng và an toàn của chúng ta.
Thứ ba, chúng ta chỉ tạm thời làm chủ văn phòng này. Điều đó khiến chúng ta trở thành những người bảo vệ thể chế dân chủ và các giá trị truyền thống, như thượng tôn pháp luật, tam quyền phân lập, bảo vệ bình đẳng và tự do dân sự – những điều mà tổ tiên đã chiến đấu và đổ máu để có được. Dù chính trị hàng ngày có những diễn biến phức tạp như thế nào thì chúng ta cũng phải giữ vững những công cụ dân chủ này, ít nhất là như khi chúng ta thiết lập chúng.
Và cuối cùng, dù phải tất bật tham gia nhiều sự kiện và gánh vác nhiều trách nhiệm, đừng quên dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Họ sẽ giúp ông vượt qua những chông gai không thể tránh khỏi.
Michelle và tôi chúc ông và Melania những điều tốt nhất khi tham gia cuộc phiêu lưu tuyệt vời này, hãy nhớ rằng chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ hết sức mình.
Chúc ông thành công và may mắn,
BO”
Dù Trump đưa ra phát biểu nói trên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện McConnell cam kết việc chuyển giao quyền lực sau bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra hòa bình, có trật tự.
Nghị sĩ Cộng hòa Liz Cheney khẳng định việc chuyển giao quyền lực hòa bình đã được ghi trong Hiến pháp Mỹ và là nền tảng cho sự tồn vong nền cộng hòa. “Các lãnh đạo Mỹ đã tuyên thệ trước Hiến pháp. Chúng ta sẽ giữ vững lời thề đó”, Cheney viết.
Các ứng viên Tổng thống Mỹ tốn bao nhiêu chi phí tranh cử?
Các chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ từ trước tới nay vẫn luôn tốn kém, đòi hỏi khoản tiền lớn để quảng bá tên tuổi và hình ảnh khắp cả nước.
Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ trước tới nay vẫn luôn tốn kém với các khoản chi phí lên tới hàng trăm triệu USD để quảng bá tên tuổi và hình ảnh của các ứng viên. Ước tính, số tiền tranh cử trong mỗi cuộc bầu cử mới đều lớn hơn so với trước đó và con số này đã tăng mạnh trong thế kỷ 21.
Tính từ năm 2002 đến năm 2012, số tiền mà các Tổng thống phải bỏ ra để đắc cử đã tăng gấp 4 lần và chi tiêu của Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) cũng phát sinh một khoản tương tự.
Được biết, khoản tiền trên được dành để chi trả cho đội ngũ nhân viên phụ trách chiến dịch, vé máy bay di chuyển tới các bang vận động tranh cử và phần lớn cho chi phí truyền thông bao gồm quảng bá qua đài phát thanh, truyền hình...
Năm 1992, tổng số tiền mà các ứng viên Tổng thống Mỹ năm đó là Bill Clinton, George HW Bush và Ross Perot đã chi cho chiến dịch tranh cử của mình lên tới 195,6 triệu USD (tương đương 360 triệu USD đã tính lạm phát). Tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, ông George W, Bush đã dành tới 200 triệu USD để đua vào Nhà Trắng. Đối thủ của ông Bush khi ấy là ông Al Gore cũng mạnh tay chi số tiền tương đương và đã để đua sát nút ở bang Florida.
Năm 2004, ông George W. Bush đã chi tới 345 triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử. Ảnh: Britanica
Tiếp đến, vào năm 2004, ông Bush đã bỏ ra khoản tiền lớn chưa từng có để tranh cử trị giá 345 triệu USD. Con số này tiếp tục tăng lên vào năm 2008, ông Barrack Obama đã mạnh tay bỏ ra số tiền lớn gấp đôi ông Bush để giành vị trí ông chủ Nhà Trắng với 730 triệu USD. Trong khi đó, đối thủ đảng Cộng hòa của ông Obama là John McCain chỉ dành 330 triệu USD để tranh cử.
Năm 2012, ông Obama tiếp tục bỏ ra khoản tiền tương đương 722,4 triệu USD để tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ Tổng thống nữa.
Tổng thống Barack Obama từng chi mạnh hơn 700 triệu USD cho chiến dịch tranh cử. Ảnh: Newsweek
Có thể thấy, thông thường những ứng viên chi mạnh tay cho chiến dịch tranh cử hơn sẽ thắng. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2016 khi bà Hillary Clinton thua sát nút trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump dù đã bỏ ra 768 triệu USD, khoản tiền gần gấp đôi so với 450 triệu USD của ông Trump. Hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang cho biết, ông Trump đã chi 66 triệu USD tiền túi để tranh cử, còn bà Hillary Clinton cũng phải bỏ thêm 1,6 triệu USD tiền riêng cho chiến dịch của mình.
Dù chi mạnh gấp đôi đối thủ song bà Hillary Clinton đã thua trong cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: CNBC
Vào thời điểm năm 2016, nhiều người đã ước tính cuộc bầu cử Tổng thống sẽ tiêu tốn tới 3 tỷ USD, thậm chí một số ý kiến cho rằng con số này có thể lên tới mốc 10 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng số tiền các ứng viên bỏ ra trong năm này là 2,4 tỷ USD. Dù giảm so với ước tính nhưng vẫn là một con số đáng kinh ngạc.
Số tiền tranh cử của các ứng viên Tổng thống trong năm 2020 cũng đã tăng mạnh. Ủy ban bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) ước tính, đến tháng 8/2020, tổng chi phí cho cuộc bầu cử đã lên tới hơn 2,5 tỷ USD. Dự kiến, đây sẽ là kỳ bầu cử tốn kém nhất từ trước đến nay.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mạnh tay chi tới gần 800 triệu cho chiến dịch tranh cử của mình trong năm 2020, bao gồm 11 triệu USD cho quảng cáo Super Bowl, 21 triệu USD cho chi phí pháp lý liên quan đến các cuộc điều tra tổng thống và hàng chục triệu USD cho quảng cáo trong nửa đầu năm 2020 khi cử tri không theo dõi cuộc đua. Trong đó, phần lớn số tiền trong chiến dịch này đã được ông Trump đầu tư cho bang chiến lược ở Florida.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Donald Trump đã chi tới 800 triệu USD, gấp đôi ông Joe Biden. Ảnh: CNN
Ngoài ra, ông Trump còn tiết ông sẵn sàng bỏ ra 100 triệu USD tiền túi để tiếp tục làm việc trong Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Số tiền mà đại diện đảng Cộng hòa đã bỏ ra trong chiến dịch của mình tính đến nay đã gần gấp đôi so với đối thủ của ông, ông Joe Biden.
Cuộc đua Tổng thống Mỹ đang gay cấn hơn bao giờ hết khi cả hai ứng viên hiện nay đều đang theo sát nhau. Được biết, tỷ phú Mike Bloomberg hôm 13/9 từng cam kết sẽ ủng hộ 100 triệu USD để hỗ trợ ông Biden chiếm được tín nhiệm tại bang chiến địa Florida trong cuộc đối đầu với ông Donald Trump.
Kịch bản Trump từ chối rời Nhà Trắng gây lo ngại Trump mới đây cho biết ông không hứa rời Nhà Trắng trong hòa bình nếu thất cử, làm dấy lên lo ngại Mỹ rơi vào khủng hoảng hậu bầu cử. Khi ngày bầu cử tổng thống năm 2016 càng tới gần, các phát biểu của ứng viên Donald Trump khi đó ngày càng gây tranh cãi. Ông tuyên bố chỉ có cuộc bỏ...