Thú chơi ‘độ’ vỏ điện thoại di động
Nhiều người đã chỉnh sửa lại vỏ ngoài để tạo vẻ riêng, độc đáo cho máy của mình giữa rừng điện thoại có thiết kế na ná nhau.
Độ điện thoại được nhiều người tiến hành nhất là độ vỏ. Những chiếc vỏ sau khi dùng một thời gian sẽ cũ đi, nhu cầu thay thế vỏ, bàn phím… xuất hiện. Với một chút sáng tạo, nhiều người đã có được những bộ vỏ đẹp và lạ mắt.
Nguyễn Minh, thành viên một diễn đàn công nghệ, cho biết điện thoại Nokia 8910 của anh vốn có lớp sơn gốc màu đen nhưng bị trầy xước khá nhiều. Thay vì đem sơn lại như dân chơi 8910/8910i thường làm, anh chọn giải pháp tỉ mẩn ngồi cạo sạch lớp sơn đó và để nguyên như vậy.
Nokia 8910 được cạo lớp sơn ngoài để lộ lớp vỏ thép ra ngoài. Ảnh: Hà Mai.
Lúc đầu cạo khá khó khăn vì lớp sơn này bám rất chắc. Sau khi tham khảo trên mạng, anh Minh phải tháo riêng vỏ, ngâm vào xăng xe máy rồi mới lấy mẩu nhựa cạo tiếp. Khi đã sạch lớp sơn, anh dùng giấy nhám loại nhẹ xoa cho nhẵn và mịn. “Thành quả cuối cùng khiến tôi rất hãnh diện khi đi “off” với hội 8910/8910i. Tôi có cảm giác chất lượng nghe gọi còn tốt hơn so với trước”, anh Minh chia sẻ.
Video đang HOT
Còn Nguyễn Thúy Vân, nhân viên kế toán, sở hữu máy O2 Ice “nữ hoàng băng giá” màu hồng. Sau một thời gian dùng thì vỏ và bàn phím bị trầy. “Tôi tìm mua vỏ thay thế nhưng không hài lòng. Trong một lần ngồi sơn móng tay chợt ý tưởng tân trang lại “cục cưng” của mình với những công cụ sẵn có nảy ra”, chị Vân kể lại.
Ban đầu cứ nghĩ đơn giản nên chị Vân sơn bằng sơn móng tay thẳng lên chú dế. Nhưng khi sơn khô thì phím và vỏ dính vào nhau rất khó bấm. Do đó, chị phải tháo hết các chi tiết của điện thoại rồi mới sơn. Để đảm bảo, chị kiên trì tô một lớp mỏng rồi chờ thật khô mới lên lớp thứ hai bằng màu khác, cuối cùng phủ một lớp sơn nhũ lên. Chị mất hai ngày mới hoàn thiện được. Khi lắp ráp, máy có “bộ áo” long lanh và phím nẩy bình thường, không dính kẹt với khung sườn.
Điện thoại O2 Ice trang trí bằng lớp sơn móng tay. Ảnh: Hà Mai.
Còn Trương Minh Thắng, sinh viên Đại học FPT, rất tự hào về chiếc Nokia 1200 mạ vàng nhũ được nhiều bạn bè trầm trồ khen “độc”. Do việc thay vỏ cho “dế” rất dễ dàng nên Thắng liên tục làm mới “alô” của mình. Hiện tại, Thắng tạm hài lòng với chiếc vỏ trong suốt “thấy cả nội y” hai tháng nay.
Trên nhiều diễn đàn công nghệ, các topic khoe sản phẩm tự chế hoặc chia sẻ trao đổi, hướng dẫn cách sơn, chế vỏ cũng rất thu hút cộng đồng mạng. Nhưng cách đơn giản nhất để có chiếc dế “độ” có lẽ là tìm mua những chiếc vỏ đã được chế sẵn vốn được rao bán khá nhiều trên mạng.
Theo bà Mai Thu Trang, phụ trách marketing của Vật Giá, số lượng gian hàng và lượng giao dịch vỏ điện thoại độc đáo tăng lên nhanh chóng cho thấy nhu cầu của thị trường ngày càng tăng. “Cách đây khoảng 2 năm là trào lưu vỏ gỗ, còn khoảng một năm trước là trào lưu vỏ trong suốt. Thời gian gần đây, xu thế có vẻ chuyển dịch sang các loại vỏ mạ vàng, mạ crôm hoặc phun sơn”, bà Trang tổng hợp.
Nhiều loại vỏ cho cho người dùng muốn tạo vẻ ngoài mới cho điện thoại được rao bán trên mạng. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên bà Trang cũng cảnh báo bắt đầu có tình trạng lừa đảo trực tuyến, mua bán gian lận diễn ra đối với mặt hàng này. Do vậy khách hàng nên lựa chọn công cụ thanh toán hoặc giao dịch với các gian hàng đảm bảo đã được chứng nhận để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài việc tìm mua vỏ độc, nhiều người đã tìm đến dịch vụ sơn, “tút” hoặc mạ lại những chiếc vỏ đã cũ kỹ. Giá cả của các bộ vỏ độ hay dịch vụ độ vỏ tuỳ thuộc vào chất liệu, kiểu dáng, yêu cầu đặc biệt từ phía khách hàng.
Anh Thanh Vũ, kinh doanh điện thoại tại quận 10, TP HCM, cho hay các loại máy hay được lựa chọn độ là SL4x của Siemens, 1100i, 1200, 6300, 1280, N-Gage của Nokia, hay serie 8700, 83xx, 81xx, 72xx của BlackBerry, và một số mẫu của Sony Ericsson, iPhone… Chất liệu phổ biến nhất là nhựa, mica trong, mica trong có hoa văn, silicon, gỗ cao cấp như thủy tùng, mun, trắc, cẩm lai, sưa, pơ mu…
“Nếu như độ vỏ chỉ là “thay áo” cho máy thì tay chơi có nghề lại thích độ cả phần cứng. Những điện thoại độ vỏ cùng phần cứng độc đáo sẽ luôn thu hút người đối diện. Đã lao vào cuộc chơi độ dế thì sẽ khó mà bỏ được”, anh Cao Đức Minh, du học sinh Nhật Bản khẳng định.
Anh Nguyễn Minh cũng đã từng bị hớp hồn khi lần đầu tiên thấy tận mắt một chiếc N-Gage QD độ đèn LED với vỏ và phím gương khi đi “offline” hội N-Gage. “Lúc đó tôi thấy vô cùng ấn tượng và ngại ngần không muốn rút chiếc N-Gage Classic nguyên thủy của mình ra”, anh Minh nói.
Không chỉ dừng ở việc độ đèn LED, màn hình, còn có cả trào lưu độ phần mềm firmware với những tính năng mới như FM không cần tai nghe, hỗ trợ thẻ nhớ dung lượng lớn, MP3 Player thêm bộ điều hợp âm hay các tính năng ghi âm cuộc gọi không giới hạn…
Khi thị trường có thêm nhiều mẫu điện thoại, những người đam mê cũng sáng tạo hơn, nghĩ ra nhiều hình thức độ khác lạ, độc đáo. Tuy nhiên để độ dế, ngoài đam mê thì người chơi phải thực sự khéo léo, am tường cả phần cứng lẫn phần mềm, biết cách câu dây, tháo main, lắp ốc… nếu không muốn chiếc điện thoại của mình trở thành cục sắt.
Theo VNExpress