Thông tin sai lệch về vaccine phòng COVID-19 khiến trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ hơn khi Omicron lây lan
Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng trăm nghìn người trưởng thành tại Mỹ tử vong trong 2 năm qua, trong khi các số liệu về tác động đến trẻ em ở mức thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron lây lan nhanh đang khiến số ca nhiễm bệnh và nhập viện là trẻ em ở Mỹ tăng lên các mức cao chưa từng thấy. Cùng với đó, những thông tin sai lệch cho rằng vaccine phòng COVID-19 gây nguy hiểm cho trẻ đang chất thêm thách thức cho nỗ lực bảo vệ các em trước dịch bệnh này.
Một trẻ em được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seattle, Mỹ hồi tháng 8/2021. Ảnh: AP
Dù nguy cơ tử vong vì dịch COVID-19 ở nhóm trẻ tuổi được đánh giá là thấp nhưng việc tiêm phòng lâu nay được khẳng định là giúp giảm nguy cơ bệnh nặng, bà mẹ mang thai nếu được tiêm phòng sẽ truyền kháng thể cho thai nhi. Đáng tiếc, những thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội lại đang khiến nhiều người do dự, đẩy cả các bậc phụ huynh và các con em đến những lựa chọn nhiều nguy cơ hơn.
Bác sĩ Wassim Ballan, từ Bệnh viện nhi Phoenix, cho biết bên cạnh công tác chuyên môn thì giờ đây các bác sĩ như ông còn phải đấu tranh để loại bỏ những thông tin sai lệch như những lo ngại mơ hồ rằng các loại vaccine được phát triển quá nhanh hay thông tin sai lệch cho rằng việc tiêm phòng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Video đang HOT
Bác sĩ Ballan chia sẻ điều đáng tiếc là nhiều khi ông phải giải thích cho các bậc cha mẹ về những thông tin này khi con em của họ đang phải nhập viện điều trị COVID-19. Ông nhấn mạnh các bậc phụ huynh cần phải hiểu rằng vaccine là công cụ quan trọng nhất để bảo vệ con người trước đại dịch, đặc biệt là để tránh hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, một dạng biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm có thể xảy ra kể cả khi nhiễm COVID-19 thể nhẹ.
Tại Mỹ, mới chỉ có 27% trẻ em từ 5-11 tuổi được tiêm mũi đầu vaccine phòng COVID-19. Trong tháng này, số trẻ em nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ đã có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 914 ca/ngày, tăng mạnh so với mức kỷ lục 342 ca/ngày ghi nhận hồi tháng 9/2021. Tuần đầu của tháng 1/2022, Bệnh viện nhi Texas ở Houston ghi nhận 12 ca là trẻ sơ sinh phải điều trị tích cực vì COVID-19.
Kathryn Gray, bác sĩ từ Bệnh viện Brigham and Women, cho biết dù trẻ sơ sinh quá nhỏ để tiêm phòng vacicne nhưng ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra các bà mẹ có thể tiêm trong thai kỳ để truyền kháng thể cho thai nhi. Không ít bà mẹ mang thai cũng tỏ ra do dự với việc tiêm phòng vì lo ngại trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả, vaccine không được sử dụng cho nhóm này. Tuy nhiên, bác sĩ Gray cho biết đến nay không có dấu hiệu đáng ngại về tính an toàn của vaccine với phụ nữ có thai và bà rất tự tin tư vấn cho các mẹ bầu tiêm phòng trong thai kỳ để bảo vệ cả mẹ và bé.
Dù các cơ quan y tế toàn cầu đều nhất trí về việc bảo vệ thai nhi thông qua tiêm phòng cho mẹ thì không ít thông tin lan truyền trên các mạng xã hội cố ý xoáy vào chi tiết thiếu dữ liệu nghiên cứu lâm sàng để kích động tâm lý do dự. Nhiều bài đăng trên Facebook hay Twitter thậm chí còn đưa tin tỷ lệ thai lưu tăng sau khi tiêm phòng cho phụ nữ mang thai mà không hiểu rằng nguy cơ còn cao hơn nếu không được tiêm phòng bệnh.
Các chuyên gia dịch bệnh học Carla DeSisto và Sascha Ellington từ Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết các dữ liệu từ 1,2 triệu ca sinh nở ở Mỹ chỉ ra không có bằng chứng nào cho thấy tỷ lệ thai lưu tăng trong giai đoạn đại dịch hoành hành. Các chuyên gia này cho biết so với những phụ nữ mang thai không mắc COVID-19 thì nhóm mắc COVID-19 trong thai kỳ đối mặt với nguy cơ biến chứng thai sản sao hơn, như sinh non và thai lưu.
Tác động của việc tiêm vaccine tới sữa mẹ cũng trở thành nội dung bị xuyên tạc, với nhiều bài đăng cho rằng trẻ sơ sinh bị nổi mẩn hoặc thậm chí tử vong sau khi bú sữa từ người mẹ được tiêm phòng. Hiệp hội Y học bà mẹ và thai nhi Mỹ khuyến nghị tiêm phòng cho phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời khẳng định không có nguyên nhân gì phải dừng cho con bú sau khi tiêm phòng.
Các thông tin sai lệch len lỏi ngày càng nhiều trong các hội nhóm riêng trên Facebook, nơi các bậc cha mẹ tham gia để chia sẻ hoặc bán sữa mẹ. Bethany Bristow, một bà mẹ từ New York, tham gia điều hành một nhóm tương tự, cho biết có người thậm chí còn xin hoặc mua sữa kèm điều kiện đó là sữa của người mẹ chưa tiêm phòng. Cô cùng các thành viên quản trị khác đã quyết định cấm những nội dung yêu cầu như trên, đồng thời khẳng định những thông tin quảng cáo hoặc các yêu cầu sữa mẹ không tiêm phòng đẩy chính bản thân người đó, con cái họ và cộng đồng vào tình trạng nguy cơ dịch bệnh cao hơn.
Theo Laura Ward, đồng giám đốc Trung tâm Y học nuôi con bằng sữa mẹ tại Viện nhi Cincinnati, nhiều nghiên cứu còn phát hiện ra những lợi ích đặc biệt từ sữa của bà mẹ được tiêm phòng. Kháng thể được tìm thấy trong sữa của người mẹ đã tiêm phòng, đồng nghĩa rằng trẻ được bú sữa mẹ sẽ có đề kháng với virus ở mức độ nào đó. Bác sĩ Gray cũng đồng ý với quan điểm này, cho rằng sữa mẹ có chứa những kháng thể mà cơ thể người mẹ có được nhờ tiêm phòng hoặc do trước đó đã nhiễm bệnh. Mọi hoài nghi hoặc những thông tin chưa được kiểm chứng về vaccine đều sẽ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh.
Brazil cho phép sử dụng vaccine Coronavac của Trung Quốc cho trẻ em
Ngày 20/1, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Coronavac của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) cho trẻ em và trẻ vị thành niên từ 6-17 tuổi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại quốc gia Nam Mỹ này.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, vaccine sử dụng cho nhóm đối tượng trên được sản xuất tại bang Sao Paulo của Brazil theo thỏa thuận giữa nước này và Trung Quốc. Quyết định trên được Ban Giám đốc Anvisa nhất trí thông qua theo đề xuất của Viện nghiên cứu Butantan ở Sao Paulo sau khi đánh giá kết quả thử nghiệm, bảo đảm tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này.
Thống đốc bang Sao Paulo, ông Joao Doria, cho biết hiện nay Viện Butantan, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Brazil, đang có 15 triệu liều vaccine Coronavac sẵn sàng đưa vào phân phối và sử dụng trên toàn quốc. Như vậy, đây là loại vaccine thứ hai được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em tại Brazil, sau vaccine của hãng Pfizer/BioNTech. Brazil cho phép tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên vào tháng 6/2021 và từ 5-11 tuổi vào tháng 12/2021.
Brazil là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 và hiện đang phải đối phó với làn sóng dịch mới sau sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Ngày 19/1, quốc gia Nam Mỹ này lần đầu tiên ghi nhận hơn 200.000 ca mắc mới trong 24 giờ và hiện đã có 23,5 triệu người mắc căn bệnh này, trong đó hơn 622.000 trường hợp tử vong.
Tại Ấn Độ, chính quyền thủ đô New Delhi ngày 20/1 đã ra chỉ thị giới hạn chi phí xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR tại các bệnh viện và phòng xét nghiệm tư nhân ở mức 300 rupee (khoảng 4 USD), giảm 40% so với 500 rupee trước đó.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, giá xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) tại các cơ sở tư nhân cũng giảm từ 300 rupee xuống còn 100 rupee. Ngoài ra, việc lấy mẫu tại nhà và xét nghiệm sẽ có giá 500 rupee so với 700 rupee trước đó. Tại các trung tâm và bệnh viện của chính quyền thành phố, xét nghiệm RT-PCR và RAT được thực hiện miễn phí.
Tháng 11/2020, chính quyền New Delhi giới hạn chi phí xét nghiệm RT-PCR tại các bệnh viện và phòng xét nghiệm tư nhân ở mức 800 rupee và vào tháng 8 năm ngoái tiếp tục yêu cầu giảm xuống còn 500 rupee. Sở Y tế New Delhi đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện và phòng xét nghiệm tư nhân phải niêm yết mức giá xét nghiệm đã điều chỉnh ở nơi dễ thấy trong vòng 24 giờ, đồng thời cũng yêu cầu các cơ sở tư nhân xử lý mẫu phẩm trong vòng 12 giờ sau khi nhận được tại phòng xét nghiệm.
Ngày 20/1, New Delhi ghi nhận 12.306 ca mắc COVID-19 mới và 43 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ. Số ca nhiễm mới đã giảm đáng kể từ mức 28.867 ca ghi nhận hôm 13/1. Trên toàn Ấn Độ, nước này cùng ngày ghi nhận 317.532 ca bệnh mới, mức cao nhất trong hơn 8 tháng qua.
Nhật Bản cấp phép tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ 5-11 tuổi Ngày 20/1, một hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Y tế Nhật Bản đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây là loại vaccine đầu tiên được cấp phép tiêm cho trẻ em độ tuổi này tại Nhật Bản. Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN...