Thơm nồng bánh khoai xứ Quảng
Trời trở gió, thành phố chiều nay bất chợt quay trở lại với cái lạnh se se. Giữa phố đông người, mỗi khi nghe cảm giác thiếu “ấm áp”, không hiểu sao tôi lại nhớ cái mùi bánh khoai thơm nồng của mẹ và thèm được vừa xuýt xoa, vừa cắn chiếc bánh vẫn còn nóng hôi hổi.
Củ khoai lang đã bao đời nay gắn liền với người dân xứ Quảng. Ở cái xứ “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” này, củ khoai một thời từng là nguồn lương thực chính. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ miệt vườn quê tôi, củ khoai có thể chế biến thành nhiều món: khoai chà, khoai lang luộc, khoai hấp cơm, …và cả bánh khoai – một món ăn chơi, ngon, lạ miệng, ai từng một lần thưởng thức có lẽ sẽ nhớ mãi.
Ngày nhỏ, những hôm mưa dầm, không đi làm được, cả nhà tôi lại quây quần cùng nhau làm bánh khoai. Món ngon ngày khó, chẳng nỡ ăn một mình, nên bao giờ mẹ cũng làm nhiều, bảo chúng tôi mang sang biếu hàng xóm.
Video đang HOT
Những củ khoai được mẹ chọn làm bánh phải là khoai ta, tức khoai ruột trắng được trồng trên vùng đất cát. Khoai để nguyên vỏ rửa thật sạch, cho vào nồi đổ một ít nước thêm chút muối đun đến khi nước cạn thì khoai vừa chín tới. Mẹ vớt những củ khoai tròn mũm mĩm, để nguội, bóc vỏ và cho vào bát to nghiền nát. Thường, bột khoai được trộn cùng với ít cốt dừa, sợi dừa thái chỉ, chút muối và chút đường cho đậm đà. Khi bột khoai đã được tán nhuyễn, chị em tôi bao quanh mẹ nặn những miếng khoai tròn tròn.
Khâu cuối cùng và cũng là quan trọng nhất đó là nướng bánh. Bếp nướng thường được tận dụng từ những cái nồi đất lớn bị thủng hay thau kim loại bị rỉ. Đổ vào nồi một lớp tro, nhóm lửa than phía trên lớp tro. Xong chỉ cần đặt một cái vỉ sắt lên phía trên miệng nồi là có thể xếp từng chiếc bánh khoai lên nướng. Có lẽ giây phút thú vị nhất là ngồi quanh bếp than hồng, vừa ấm cúng lại vừa được hít hà hương thơm lan tỏa. Chiếc bánh tròn trịa, chuyển sang màu vàng lựng, được chuyền từ bàn tay gầy gò của mẹ, mới nhìn thôi là đã thèm.
Đã lâu lắm rồi mẹ không còn làm bánh khoai, bởi các con đã lớn và xa quê lập nghiệp. Những lúc về thăm nhà, cũng chỉ kịp dạo quanh xóm, ghé thăm những rẫy mía, bờ khoai. Nhưng chắc chắn rằng, không riêng gì tôi, những người con xứ Quảng đã từng một thời gắn với củ khoai, củ sắn, dù đã đi thật xa, dù đã thành đạt nhiều vẫn cứ thương nhớ hoài bánh khoai chân chất, đậm đà tình quê.
Theo Lao Động
Thơm ngon mì Quảng Phú Chiêm
Mỗi sáng tinh mơ, từ làng quê Phú Chiêm (Điện Bàn, Quảng Nam) thanh bình, những gánh mì theo chân các mẹ, các chị tỏa khắp các nẻo đường quê, lên phố huyện hay theo những chuyến xe đò sớm nhất về các huyện lân cận.
Giữa bao nhiêu món quà điểm tâm thơm ngon và quyến rũ, hàng mì Phú Chiêm luôn khá dân dã và thân thương với đôi quang gánh, vài chiếc bàn cùng vài cái ghế trên một khoảng đất trống dưới gốc cây đa, cây bàng,.... Nhưng hàng mì Phú Chiêm lúc nào cũng đông khách, cô bán mì hai má ửng hồng bên bếp than, nụ cười xinh tươi, đôi tay dịu dàng, thoăn thoắt chan mì cho khách.
Để làm nên sức hút diệu kỳ cho những gánh mì Phú Chiêm ấy là cả một tấm lòng cùng sự khéo léo, tinh tế và nhạy cảm mà những người phụ nữ Phú Chiêm đã gửi gắm vào món hàng của mình. Nguyên liệu để làm mì phải là gạo từ loại lúa ngon do gia đình làm ra từ vụ trước. Gạo được vuốt sạch, ngâm nước cho mềm, xay thành bột mịn rồi tráng trên bếp lò. Công việc này đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay và nhạy cảm mới có thể tráng được những lá mì mỏng, chín đều. Mì sau khi được vớt ra khỏi khuôn gọi là mì lá. Người thợ tiếp tục dùng dao xắt mì lá thành từng sợi mì, rất nhịp nhàng và đều tay.
Nước nhưn chan mì được nấu từ những con cua biển tươi ngon, những chú tôm đất khi mua về hãy còn nhảy tưng tưng, những lát thịt heo ba chỉ thơm ngon và cả trứng cút. Tất cả các nguyên liệu ấy được chế biến tỉ mỉ, hòa quyện hương vị vào nhau, tạo nên nồi nước nhưn rất đậm đà và thơm ngon.
Ăn mì Phú Chiêm phải có rau sống (gồm hoa chuối sứ thái sợi và các loại rau thơm), trái ớt sừng tươi xanh, lát chanh mỏng vắt lấy nước cốt, một ít đậu phụng rang cùng bánh tráng nướng mới cảm nhận được hết hương vị đặc trưng và thơm ngon của tô mì. Dùng đũa lùa một miếng mì, cắn ngang một miếng ớt, cảm nhận vị đậm đà của nước nhưn, vị béo của dầu phụng, giòn tan của bánh tráng, tươi ngon của rau sống, cay cay của trái ớt, dai dai của sợi mì trắng muốt và chua nhẹ của chanh. Tất cả hòa quyện vào nhau, làm nên những hương vị không thể lẫn vào đâu được của tô mì Quảng Phú Chiêm.
Bao nhiêu năm rồi, ngày nắng cũng như ngày mưa, những gánh mì Phú Chiêm vẫn đi về trên những nẻo đường xứ Quảng, góp phần làm nên một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của quê nhà. Những người con xứ Quảng dù ở đâu, làm gì thì mỗi khi có dịp về thăm quê, cũng tìm ăn cho bằng được món ngon này. Để rồi khi xa quê hương, lại quay quắt nhớ về hương vị thơm ngon, đậm đà, ấm nóng của món mì dân dã cùng nụ cười ấm áp, thấp thoáng trong màn sương mỗi buổi sớm mai của cô hàng mì Phú Chiêm quen thuộc nơi quê nhà.
Theo Lao Động
Dung dị chén chè khoai môn Chè khoai môn, tên gọi tuy dung dị nhưng lại gắn liền với đời sống người dân xứ Quảng quê tôi. Mỗi dịp giỗ chạp, cúng quẩy và đặc biệt trong những ngày mưa dầm thế nào má cũng nấu món chè khoai môn. Nguyên liệu làm nên bát chè khá giản đơn, gắn liền với tên gọi của nó. Chỉ vài củ...