Thơm lừng món dế ngày mưa
Trong tiếng mưa lộp bộp rớt từng hạt trên mái tôn đã nghe tiếng ơi ới rủ nhau: “Chuẩn bị đi bắt dế bọn bây ơi!”. Khi mùa đông đang chùng chình qua ngõ, cả nhà nhau quây quần bên mâm cơm có đĩa dế thơm lừng.
Mỗi khi nghe nhắc đến “bắt dế” thì y chang lũ con nít ở cái xóm ven sông Thu Bồn (Quảng Nam) nơi tôi ở lại nhảy dựng cả lên. Đứa hí hửng phụ cha hạ ghe xuống, đứa chạy tút vào chái bếp tìm chai nhựa thật to để đựng dế. Ghe vượt nước đang ngấp nghé lấn vào nhà rồi theo dọc hàng rào, bụi cây trong làng mà vớt những con dế vàng ươm, béo tròn núc ních nằm thin thít.
Nhiều người lại thích bắt dế vào ban đêm, ở bãi bồi nơi có đất mềm, tơi xốp. Dụng cụ mang theo đơn giản chỉ đèn pin và con dao. Khoảng bảy tám giờ tối dế bắt đầu chui lên miệng hang để gáy. Một người soi đèn vào dế, một người dùng con dao thọc xuống đất sau lưng hang để chặn đường dế chạy vào hang. Lúc đó, chỉ cần thò tay chụp ngay chú dế là được.
Món “tuyệt chiêu” và ít tốn công hơn cả là dế chiên. Dế sau khi đã vặt cánh, lấy ruột, làm sạch, để ráo. Bắc chảo, phi dầu cùng hành tỏi thơm phức rồi đổ dế vào, vài phút sau nêm một ít nước mắm, tiêu bột, ớt hạt và chút đường. Chảo dế chiên bây giờ bốc khói làm nức cả mũi, nhanh tay đảo đều, nhấc xuống.
Phổ biến nhất là dế xào lá chanh. Dế sau khi làm sạch ướp với chút đường, nước mắm, tỏi, sả, bằm nhuyễn chờ thấm rồi bắc chảo dầu lên xào. Chỉ chừng vài phút thì chảo dế xào chín, bốc hương thơm nghi ngút, nhanh tay tắt bếp rồi trộn đều dế với gừng, ít lá chanh non xắt chỉ. Món dế xào có thể ăn cùng rau thơm hái từ vườn nhà. Màu vàng của dế cùng với mùi thơm nồng nàn, mới nhìn thôi đã không kìm lòng được.
Video đang HOT
Nếu muốn cầu kỳ hơn chút xíu, thì pha một tô bột (loại dùng để chiên tôm), nhúng từng con dế rồi thả vào chảo dầu đang sôi, chờ bột vàng rụm là vớt ra.
Vị ngọt bùi, béo đậm đà của dế, quyện vị nhân nhẩn và mùi thơm đặc trưng của các loại rau như đánh thức mọi cảm xúc, xua đi bao nỗi nhọc nhằn.
Theo Thanhnien
Tìm về hương vị Sài Gòn xưa ở xe xôi mặn có tuổi đời hơn nửa thế kỉ
Hơn 60 năm qua, xe xôi Tám Cẩu ở góc ngã tư Điện Biên Phủ - Cao Thắng âm thầm mang đến cho thực khách Sài Gòn một hương vị rất riêng chẳng nơi nào có được,
"Chưa ăn xôi Tám Cẩu, hẳn không phải là người Sài Gòn thực thụ rồi!", câu nói chắc nịch của nhiều người làm tôi vô cùng tò mò về hàng xôi có cái tên độc đáo này. Lần tìm đến góc ngã tư Cao Thắng - Điện Biên Phủ, tôi bắt gặp xe xôi nhỏ gọn nằm nép mình bên trong con hẻm. Và bất ngờ một điều, trông giản dị và đơn sơ là thế nhưng số tuổi của hàng xôi này lại tương đương cả một đời người. Vâng, xôi Tám Cẩu đã gắn bó cùng Sài Gòn hơn 60 năm rồi đấy.
Hơn nửa thế kỷ, Sài Gòn đã trải qua biết bao thăng trầm, đổi thay nhưng ngày ngày nơi góc quen cô Hà Thị Lượng vẫn âm thầm phục vụ thực khách bằng hương vị của những gói xôi mặn truyền thống. Không nhớ chính xác hàng xôi này có mặt từ bao giờ và đến cô Lượng cũng không thể lí giải được cái tên Tám Cẩu không mấy thuận tai. Chỉ biết rằng, nghề này cô nối nghiệp cha từ hồi còn nhỏ. "Ba cô là người Việt gốc Hoa, xe xôi này có từ hồi trước giải phóng rồi con", cô vừa kể vừa có chút bồi hồi.
Xôi Tám Cẩu tạo sự khác biệt trong dư vị thực khách là nhờ cách nêm nếm, chế biến theo kiểu người Hoa. Dù đã qua bao thay đổi của phố phường, thành thị nhưng hương vị của gói xôi mặn vẫn được lưu giữ theo năm tháng. Người ta ấn tượng xôi Tám Cẩu bởi vị thơm dẻo của hạt nếp, linh hồn của mọi món xôi. Vừa mở nắp nồi, mùi thơm ấm nóng của làn khói tỏa ra nghi ngút cũng đủ làm bạn háo hức chờ đợi thưởng thức.
Xôi được gói trong miếng lá chuối xanh mướt theo kiểu truyền thống, vừa giúp giữ được độ nóng vừa ướm lên mùi thơm thanh lan tỏa vào từng hạt nếp. Xôi mặn nên thành phần sẽ bao gồm pate, trứng cút, chà bông... Nhưng yếu tố làm nên "thương hiệu" Tám Cẩu phải kể đến thịt heo luộc.
Theo công thức được truyền lại từ người cha gốc Hoa nên bạn sẽ cảm nhận được sự tinh tế và chỉn chu trong hương vị. Loại thịt ba rọi đan xen cùng thịt nách giúp hài hòa được lượng nạc và mỡ làm món ăn dung hòa hơn. Bí quyết tẩm ướp gia vị chính là phần tỏi nhuyễn ướm đều mùi thơm nhưng lại không quá hăng nồng. Sau khi cuộn chặt thịt thành từng bó thì luộc trong độ 1 tiếng rưỡi. Cô Lượng bảo, như thế mới đủ độ mềm nhưng không làm thịt bị nhừ khi thái mỏng.
Miếng thịt luộc trong gói xôi Tám Cẩu có màu đỏ ửng cùng mùi độ dai béo, đậm đà rất khác biệt. Bởi thế, ai một lần thưởng thức đều phải gật gù, chính mùi vị đặc trưng và cách chế biến cầu kì đã làm món ăn bình dân trở nên đặc sắc gấp bội.
Nhấn nhá bên trên là làn tỏi phi, mỡ hàng bóng bẩy làm phần xôi thêm bắt mắt và kích thích vị giác. Từng thành phần hòa quyện, đan xen gom góp đủ đầy mặn - ngọt - béo - thơm dần chiếm lĩnh vị giác thực khách. Cầm trên tay gói xôi nóng, vừa ăn vừa hít hà hương vị mộc mạc, tinh tế của ẩm thực Sài Gòn xưa cũ là trải nghiệm đáng nhớ.
So với những nơi khác, xôi Tám Cẩu có giá tương đối nhỉnh hơn, 30.000 đồng cho một phần. Và ngày nay, có lẽ những món ngon vật lạ đã khiến chúng ta dần quên đi hàng xôi bình dị này. Nhưng một lần thưởng thức, chắc chắn bạn sẽ bồi hồi nhớ lại hương vị của một Sài Gòn cũ xưa vẫn còn được lưu giữ qua bao thăng trầm.
Địa chỉ: Hẻm 460 Điện Biên Phủ, Quận 3
Giờ mở cửa: 17 giờ - 00 giờ
Giá: 15.000 - 30.000 đồng
Theo Phunuonline
Klobasa - món ăn tây hấp dẫn người Việt Ngọt, giòn, ngon đậm đà... không thể lẫn các loại sản phẩm xúc xích khác, Klobasa đã mê hoặc thực khách hàng chục năm nay! Từ những người sành ăn trong quán nhậu, nhà hàng sang trọng, đến các bà nội trợ kỹ tính, hay trẻ nhỏ khó chiều, dường như tất cả đều biết tới hãng thực phẩm có... hình ông Tây!...