Thơm lừng lẩu mắm U Minh
Người dân Cà Mau nói chung, U Minh nói riêng, ăn cơm thường có các món ăn kèm, trong đó, lẩu mắm ( mắm kho cho vào lẩu ăn kèm với nhiều loại rau đồng) là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người dân U Minh Hạ.
Theo lời ông Trần Văn Nhì (63 tuổi, ở rạch Bà Thầy, Ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), người sống tại xứ rừng U Minh từ nhỏ, thì món mắm kho có từ thời khai khẩn vùng đất U Minh. Qua bao thăng trầm của thời gian, món mắm đồng quê vẫn hiện diện trong bữa cơm thường nhật và trở thành món ăn khoái khẩu của người dân U Minh nói riêng, miền Tây nói chung.
“Thật đáng tự hào, món ăn được ông cha ta chế biến từ thời mở đất, nay được nâng cấp, từ mắm người Việt kho theo cách của người Khmer và cho vào lẩu ăn theo kiểu người Hoa, trở thành món ăn mà ngay cả khách du lịch cũng thích”, ông Nhì chia sẻ.
Có dịp đến rừng U Minh, “vương quốc” của cá đồng, du khách đừng quên ghé qua Khu du lịch sinh thái Hương Tràm của anh Giang Hoàng Hon (thuộc xã Khánh An, huyện U Minh) để thưởng thức món lẩu mắm với rất nhiều loại cá và rau đồng chỉ có ở vùng đất U Minh Hạ. Theo anh Hon, để có lẩu mắm ngon phải nấu bằng mắm cá sặt. Con mắm sặt có mùi thơm đặc trưng so với các loại cá khác. Cách nấu lẩu mắm rất đơn giản: dùng nước mưa hoặc nước dừa tươi đun sôi, cho mắm vào nồi đất nấu cho tan thịt, sau đó dùng rổ bằng tre hoặc vải mùng lược bỏ xương mắm. Nước lẩu mắm thơm ngon không thể thiếu sả, ngải bún, ngò om, nêm chút đường, hạt nêm tuỳ theo khẩu vị.
ể có được nguyên liệu mắm đồng, thường đến mùa hạn, người dân U Minh tát đìa, giăng lưới bắt cá sặt bướm về làm sạch vảy, ruột, sau đó đem phơi cho cá ráo nước; muối cá bằng muối hột đâm nhuyễn, rồi cho cá vào một cái lu hoặc khạp bằng sành và dùng mo cau, bẹ chuối khô, sóng dừa cài thật chặt, sau đó nấu nước muối đổ lên bề mặt, giữ cho con mắm không thấm nước.
Bí quyết làm nên hương vị mắm đồng nổi tiếng xứ U Minh nằm ở khâu thính mắm. Theo kinh nghiệm của gia đình anh Hon cũng như nhiều gia đình khác, cá muối khoảng 2 tháng đem ra thính một lần bằng gạo rang và cháo nếp, đường mía (1 năm 2 lần), để đến mùa sau mới đem ra chế biến. Ngoài món lẩu mắm, có thể chế biến nhiều món khác như: mắm chiên, mắm chưng với hột vịt, mắm sống ăn kèm chuối chát…
Video đang HOT
Vùng đất U Minh rau đồng cỏ nội chẳng thiếu thứ gì, nên ăn lẩu mắm phải có rổ rau to với các loại: bông súng, đọt nhãn lồng, bông điên điển, so đũa, rau muống, đậu rồng, kèo nèo, càng cua, bắp chuối, ớt hiểm…, đặc biệt là đọt choại, loại rau rừng chỉ có ở rừng tràm U Minh Hạ. Kèm theo là cà phổi, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi với lươn rừng, cá rô, cá bổi, cá dầy, cá lóc…
Lần đầu tiên đặt chân đến rừng U Minh, chị Bùi Kiều Hương, du khách đến từ huyện Hà ông (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất thích con người và vùng đất nơi đây. Người dân địa phương chất phác, thật thà, mến khách; cảnh quan thiên nhiên còn rất hoang sơ. Thảm thực vật rừng U Minh vô cùng phong phú và đặc biệt có rất nhiều đặc sản cá đồng, rau rừng ăn với lẩu mắm. Lần đầu tôi được thưởng thức món lẩu mắm U Minh, món ngon dân dã nhưng chứa đựng cả hồn quê trong đó”.
Thật tuyệt vời khi lẩu mắm U Minh được vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (năm 2020-2021) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Hội Kỷ lục gia Việt Nam) công nhận./.
Nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực miền Nam
Nếu như ẩm thực miền Bắc chú trọng sự tinh tế và cầu kỳ, miền Trung đậm đà hương vị thì văn hóa ẩm thực miền Nam lại mang nét chân chất, giản đơn rất riêng.
Mảnh đất miền Nam luôn được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều sản vật đa dạng, phong phú còn ẩm thực miền Nam cũng mang nét phóng khoáng và hoang dã bởi chính thiên nhiên trù phú và hào phóng miền sông nước.
PHONG CÁCH ẨM THỰC ĐA DẠNG THEO MÙA
Đặc sản cá lóc nướng trụi của Nam Bộ
Ở Nam Bộ, nơi đâu cũng là những con sông đầy ắp phù sa, những kênh, rạch chằng chịt, không mùa nào không thiếu tôm, cá, cua và nhiều loài thủy sản phong phú... Mỗi khi mùa nổi tới, người dân lại có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon của ẩm thực miền Nam như lẩu cá linh bông điên điển, bông súng mắm kho, bún nước lèo, gỏi sầu đâu khô cá sặc... Cá linh và bông điên điển là sự kết hợp đặc sắc của ẩm thực miền Tây mùa nước nổi. Cá linh đầu mùa còn non, thịt mềm ngọt, hầu như không có xương. Bông điên điển cũng vào mùa trổ bông, vàng ươm, giòn giòn, bùi bùi. Kết hợp vị ngọt từ cá linh và vị chua thanh, thơm giòn của bông điên điển tạo nên món canh, lẩu cá linh bông điên điển thơm ngon khó cưỡng mà không nơi nào có được. Nếu mùa nước nổi nức tiếng với những món ăn đặc sản từ cá linh, cua đồng, bông điên điển, bông súng, thì ẩm thực vào mùa gặt ở miền Nam không thể không nhắc đến cá lóc nướng trui, cá trê nướng rơm...
SỰ ĐA DẠNG TRONG VĂN HÓA ẨM THỰC MIỀN NAM
Bên cạnh những món ăn dân dã hút hồn thực khách, ẩm thực Nam Bộ còn khiến người ta thích thú bởi sự hòa trộn của nhiều phong cách ẩm thực khác nhau
Ẩm thực miền Nam là sự tổng hòa của văn hóa ăn uống miền Bắc, miền Trung và sự ảnh hưởng của văn hóa Khmer. Các món ăn từ những vùng miền khác khi du nhập vào miền Nam đã được biến tấu khá nhiều.
Chẳng hạn, sợi bún của miền Bắc khi vào đến miền Nam trở nên to hơn, đặc bột hơn và được gọi là bánh canh, bánh canh miền Nam cũng rất phong phú khi được ăn kèm với thịt gà, tôm, cua, mực, giò heo. Phở miền Nam được ăn kèm với tương ngọt (tương đen), tương ớt đỏ, chanh, ớt tươi, ngò gai, húng quế, giá, hành tây cắt lát mỏng, nước phở thường không trong như phở miền Bắc mà có màu hơi đục, vị ngọt hơn, béo hơn. Chiếc bánh tráng của miền Trung khi vào Nam cũng được thay đổi, bánh nhỏ hơn, thêm nhiều mùi vị hơn, được chế biến cầu kỳ và phục vụ cho việc ăn vặt của người miền Nam. Còn về món chè của người miền Nam cũng rất phong phú, ngoài chè đậu, bánh trôi nước của miền Bắc, chè sen, chè bắp của miền Trung, miền Nam cũng tiếp nhận và biến tấu thành những món chè đặc trưng như chè khoai, chè chuối, chè bà ba, chè trôi nước... ăn với nước cốt dừa.
KHẨU VỊ CỦA NGƯỜI MIỀN NAM
Với vị mặn, người trong Nam dùng nước mắm nguyên chất, kho quẹt thì kho mặn đến đóng váng muối, vị cay thì dùng loại ớt cay xé lưỡi, ớt trái cay nồng. Điểm nổi bật trong khẩu vị của người Nam không chỉ có vị ngọt đến ngọt ngây, ngọt gắt của những món chè rưới đẫm nước cốt dừa béo ngậy, mà khi ăn chua họ cũng nêm gia vị chua đến nhăn mặt, còn đắng thì đắng như mật. Thậm chí món ăn cũng phải nóng đến "vừa thổi vừa ăn". Sở dĩ ngày trước người miền Nam có khẩu vị như vậy bởi thời khai khẩn đất hoang họ phải làm lụng vất vả, cuộc sống cực kỳ gian nan, dữ dội. Nay khẩu vị của người Nam đã thay đổi ít nhiều, các món ăn nhạt hơn nhưng vẫn giữ lại những dấu ấn ẩm thực từ thời xưa với những món ăn như mắm kho, lẩu mắm, cá lóc nướng trui, rắn nướng lèo.
NÉT DÂN DÃ CỦA ẨM THỰC MIỀN NAM
Một số món ăn miền Nam có cách chế biến đơn giản, sử dụng nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên như cá nướng trui, gà nướng đất sét, vịt nướng đất, mắm kho, mắm sống... Cá bắt được đem nướng trui tại chỗ, ăn cùng với các loại rau dại có sẵn và dễ tìm như điên điển, bông súng, đọt sen... Khi cá chín chỉ cần tách lớp vẩy bên ngoài, ngồi bờ ruộng cuốn cá với đọt sen tươi và thưởng thức. Người miền Nam rất tự nhiên trong việc thưởng thức món ăn. Họ có thể dọn cơm và ăn ngay trên sàn nhà, tuy nhiên vẫn bày biện mâm cơm ở nơi trang trọng mỗi khi có khách đến nhà chơi, nhằm thể hiện sự hiếu khách của gia chủ.
Tuy người miền Nam luôn chấp nhận rộng rãi những văn hóa ẩm thực của các mảnh đất khác, nhưng họ vẫn giữ dấu ấn riêng với nét dân dã đặc trưng trong văn hóa ẩm thực miền Nam của mình.
Thưởng thức 4 đặc sản ở Cà Mau lọt tốp món ăn, quà tặng ngon nhất Việt Nam Đây còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Cà Mau đến với du khách trong và ngoài nước. Ngày 27-2, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam vừa công nhận "Cua Năm Căn Cà Mau và lẩu mắm U Minh của tỉnh Cà Mau" được lọt vào tốp 100 món...