Thời vàng son của Windows 7: Thế giới sẽ còn nhớ hệ điều hành 11 năm tuổi của Microsoft rất nhiều!
H ơ n một thập niên trôi qua kể từ khi chính thức trình làng, Windows 7 đã chính thức bị Microsoft ngừng hỗ trợ vào ngày 14/1/2020 vừa qua.
Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi điểm lại những nguyên nhân chính khiến Windows 7 được yêu thích đến vậy, và tại sao đây vẫn sẽ là hệ điều hành được những người đã từng sử dụng nhớ đến suốt phần đời còn lại của họ.
Một bản nâng cấp đáng giá từ Windows XP
Windows 7 chính thức được phát hành vào ngày 22/10/2009, tám năm sau khi Microsoft ra mắt hệ điều hành Windows XP. Dĩ nhiên, giữa hai phiên bản hệ điều hành này còn có Windows Vista, nhưng đã có rất nhiều người không “chịu” nâng cấp lên Windows Vista, không bao giờ.
Ở thời của Windows XP, đây là một hệ điều hành có chất lượng tốt, hoạt động ổn định. Đây cũng là phiên bản Windows đầu tiên sử dụng bộ lõi Windows NT hướng đến đối tượng người tiêu dùng phổ thông, hoạt động ổn định hơn nhiều so với phiên bản trước đó là Windows ME. Tuy nhiên, mọi thứ ở thời điểm năm 2001 vốn đã rất khác so với năm 2009, và lúc này Windows XP cho thấy bản thân hệ điều hành này bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề.
Windows 7 là một bản nâng cấp đáng kể từ Windows XP. Ngay cả phần giao diện cũng là một bước tiến lớn: nhiều người dùng vẫn cho rằng Windows XP sở hữu giao diện với gam màu có phần “trẻ con” và “màu “. Windows 7 mang đến giao diện Aero Glass với điểm nổi bật nằm ở các chi tiết thiết kế trong suốt cầu kỳ mà nhiều người dùng Windows 10 ở thời điểm hiện tại vẫn còn luyến tiếc.
Bên cạnh đó, Windows 7 còn sở hữu nhiều cải tiến khác so với Windows XP. Chẳng hạn, tính năng Windows HomeGroup đã giúp việc chia sẻ tập tin và máy in trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với các thiết lập mạng gia đình cổ điển của XP. Windows 7 cũng hỗ trợ phiên bản 64-bit một cách đầy đủ hơn. Windows XP cũng có phiên bản 64-bit, nhưng nó được ra mắt sau và cũng không có nhiều người dùng sử dụng.
Windows 7 ngay từ đầu cũng được chú trọng về khía cạnh bảo mật. Những phiên bản đầu tiên của XP khá dễ tổn thương trước các phần mềm độc hại bởi theo mặc định, các dịch vụ hệ thống quan trọng bị “phơi bày” khá lộ liễu trước các hiểm hoạ từ Internet. Điều này đã dẫn đến sáng kiến “Điện toán tin cậy” (Trustworthy Computing) của Microsoft và sau đó, ở phiên bản Windows XP Service Pack 2, dịch vụ tường lửa hệ thống Windows Firewall được kích hoạt mặc định. Trong khi đó, ngay từ đầu, Windows 7 đã được thiết kế rất an toàn.
Thực hiện lời hứa chưa tròn của Windows Vista
Nhiều trong số những tính năng hay nhất của Windows 7 thực ra không mới. Chúng thực ra đã được giới thiệu lần đầu từ trước đó trên hệ điều hành Windows Vista, nhưng nhiều người dùng PC đã quyết định không nâng cấp lên phiên bản này. Windows 7 đã thực sự hoàn thiện rất nhiều tính năng mới từ Vista. Có thể nói, Windows 7 so với Windows Vista cũng giống như Windows 10 so với Windows 8 vậy.
User Account Control là một trong số những tính năng lớn như vậy. Ngày nay, thật khó để nhớ lại một thời kỳ chúng ta “bất cẩn” với PC của mình như thế nào; song thực tế là đã có rất nhiều người thường xuyên sử dụng Windows XP với tài khoản quản trị hệ thống ( administrator), và các phần mềm, ứng dụng cũng được hoạt động với đầy đủ quyền quản trị như vậy. Về mặt lý thuyết, Windows XP cho phép bạn sử dụng một tài khoản người dùng “chuẩn” với ít quyền hơn, nhưng nhiều ứng dụng lại không hỗ trợ việc này.
User Account Control là một giải pháp toàn diện hơn trong việc phân quyền; theo đó, những phần mềm desktop thông thường của Windows sẽ chạy với các quyền thấp hơn, và khi nào chúng cần các quyền đầy đủ trên hệ thống của bạn để hoạt động, một hộp thoại sẽ hiện ra yêu cầu người dùng xác nhận việc cấp quyền đó. Điều này đem đến mức độ bảo mật cao hơn cho máy tính của bạn, nhờ việc hạn chế những thiệt hại mà các ứng dụng có thể gây ra đối với hệ thống, đặc biệt là khi chúng được sử dụng cho những mục đích xấu.
Đây thực chất là một cải tiến đáng giá của Windows Vista, nhưng nhiều ứng dụng thời đó không được thiết kế để tương thích với mô hình này. Do đó, UAC thời kỳ đầu đã gây ra rất nhiều phiền toái cho người dùng. Ngoài ra, một mô hình driver đồ hoạ mới cũng lần đầu xuất hiện trên Windows Vista, nhưng các nhà sản xuất phần cứng cũng lại phải mất thời gian để điều chỉnh driver đồ hoạ của họ hoạt động ổn định hơn với mô hình mới.
Video đang HOT
Những vấn đề này của Windows Vista sau đó đã được khắc phục trước khi Windows 7 ra mắt. Do đó, nghiễm nhiên Windows 7 có được phiên bản đã hoàn thiện tốt của những tính năng quan trọng kể trên; nhờ đó toàn bộ hệ điều hành hoạt động cực kỳ ổn định ngay từ những phiên bản đầu tiên.
Là “chỗ dựa” để người dùng “bấu víu” trong suốt kỉ nguyên Windows 8
Windows 8 ra mắt ba năm sau Windows 7, và điều thú vị là sự xuất hiện của phiên bản hệ điều hành mới càng khiến chúng ta “trân quý” Windows 7 nhiều hơn nữa.
Ở thời điểm đó, tất cả mọi thứ trong tầm nhìn của Microsoft chỉ là màn hình cảm ứng mà thôi. Windows 8 không có menu Start truyền thống mà thay vào đó, buộc bạn phải khởi động máy vào môi trường “Metro” toàn màn hình. Ngay cả trên những chiếc máy tính desktop, Microsoft cũng cho rằng những ứng dụng “Metro” hiển thị toàn màn hình sẽ là tương lai của thế giới điện toán. Nếu đúng theo như triết lý của Microsoft, thì người dùng còn cần đến những cửa sổ làm gì khi làm việc với một hệ điều hành vốn có tên là “các cửa sổ” (Windows) ?!
Người dùng Windows phản ứng dữ dội, và nhiều “cải tiến” điên rồ nhất của Windows 8 bản đầu tiên – điển hình là sự biến mất của menu Start – đã nhanh chóng được “trả lại” với bản cập nhật Windows 8.1. Những thay đổi khác, chẳng hạn như khả năng chạy các ứng dụng theo “phong cách” mới trong các cửa sổ desktop truyền thống, đã trở thành hiện thực với Windows 10.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Windows đang trải qua một trong những thời điểm “xáo trộn” nhất trong suốt nhiều thập kỷ tồn tại của hệ điều hành này, đa số người dùng Windows tỏ ra không mấy bị ảnh hưởng. Tại sao? Bởi vì chúng ta vẫn có hệ điều hành Windows 7 để “níu kéo” vào. Những thay đổi điên rồ của Windows 8 đâu có còn đáng lo nữa, khi đã có Windows 7? Trên thực tế, khá nhiều người dùng đã bỏ qua hệ điều hành Windows 8 mà nâng cấp thẳng lên Windows 10.
Hệ điều hành mang dấu ấn của một thời kỳ nơi mọi thứ thật “giản đơn”
Sự thật là sử dụng Windows 7 đem đến cho chúng ta trải nghiệm giống như đang sử dụng một hệ điều hành đến từ một kỷ nguyên giản đơn hơn của thế giới điện toán.
Thí dụ, trò chơi xếp bài Solitaire huyền thoại trên Windows 7 chỉ là một phần mềm desktop đơn giản có một chức năng duy nhất đó là… chơi Solitaire. Khác với phiên bản hiện đại của trò chơi này được Microsoft tích hợp trên Windows 10, bạn sẽ không phải xem các đoạn quảng cáo video hay trả tiền thuê bao hàng tháng nếu chơi Solitaire trên Windows 7.
Windows 7 có chức năng tự động cập nhật hệ điều hành, nhưng không phải là những bản cập nhật tự động mà bạn bị buộc phải cài và không thể vô hiệu hoá tính năng đó. May mắn là sau đó Microsoft đã sửa sai. Người dùng giờ đây có nhiều quyền kiểm soát các bản cập nhật Windows 10 hơn so với khi hệ điều hành này mới ra mắt.
Windows 7 cũng không có các bản cập nhật lớn đến cứ mỗi sáu tháng một lần. Tuy nhiên, cũng may là Microsoft đã từ bỏ “chiến lược” này. Bản cập nhật tháng 11/2019 của Windows 10 là bản cập nhật đơn giản nhất và dĩ nhiên cũng là bản cập nhật có chất lượng… tốt nhất.
Quảng cáo là điều rất hiếm thấy trên Windows 7 – mà thực sự Windows 7 có quảng cáo không vậy? Trong khi Windows 10 thì được tích hợp quảng cáo đến… tận răng, từ trò chơi Minecraft cho tới bộ phần mềm văn phòng Office 365 và Microsoft Rewards.
Windows 7 cũng không tự động cài đặt trò chơi Candy Crush ngay khi bạn vừa cài xong hệ điều hành. Và Windows 7 cũng không dùng “chiêu trò” để buộc bạn khởi tạo tài khoản Microsoft để đăng nhập máy tính – thậm chí nó còn chẳng biết tài khoản Microsoft là cái gì? Các tài khoản người dùng trên máy bạn đều là những tài khoản cục bộ.
Những điều trên cho thấy thật là dễ hiểu vì sao nhiều người không muốn nâng cấp từ Windows 7 lên Windows 10 đến thế, ngay cả khi Windows 7 đã không còn được chính thức hỗ trợ nữa.
Nhưng…
Vì sao chúng tôi vẫn khuyên bạn nên nâng cấp?
Bạn có thể mãi mãi hoài niệm về Windows 7 trong suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng không thể mãi lưu luyến với hệ điều hành này sau khi Microsoft đã “khai tử” nó.
Nếu vẫn muốn dùng Windows, bạn nên nâng cấp lên Windows 10. Các bản cập nhật bảo mật là hết sức cần thiết nếu bạn muốn đảm bảo an toàn khi sử dụng máy tính có kết nối Internet, và Windows 10 vẫn nhận được các bản cập nhật bảo mật như vậy trong khi Windows 7 thì không. Nhiều lỗ hổng có trên Windows 10 thực chất cũng xuất hiện trên Windows 7. Kẻ tấn công có thể “nghe ngóng” các thông tin này và tiến hành các cuộc tấn công vào những hệ thống Windows 7 dễ bị tổn thương. Thời gian càng trôi qua, sẽ càng có nhiều lỗ hổng không được vá bị phát hiện trên nền tảng Windows 7, và các hacker có thể “tận dụng” chúng để chống lại bạn.
Các nhà sản xuất phần cứng từ nay cũng sẽ chuyển hướng sang hỗ trợ cho Windows 10 là chủ yếu thay vì Windows 7. Và điều này sẽ càng đúng hơn sau khi Windows 7 không còn được “cha đẻ” hỗ trợ nữa. Ngay cả các công ty phần mềm cũng sẽ không ra mắt các phần mềm ứng dụng dành cho nền tảng Windows 7.
Mặc dù có thể thấy Windows 10 còn khá nhiều hạn chế, song cũng không thể không nhắc đến những điểm tích cực của phiên bản Windows mới nhất này. Microsoft đã nỗ lực rất nhiều để làm cho Windows 10 (và cả hệ điều hành trước đó là Windows 8) trở nên bảo mật và hoạt động với tốc độ nhanh hơn. Chẳng hạn, nếu máy bạn sở hữu một chiếc CPU đời cũ, thì hiệu năng làm việc của nó trên Windows 10 sẽ tốt hơn Windows 7, nhờ việc bản vá Spectre mà Microsoft phát triển Windows 10 được tối ưu hoá tốt hơn so với bản vá cho Windows 7.
Về mặt yêu cầu hệ thống, Windows 10 đòi hỏi cấu hình máy tính tương tự Windows 7, do đó bạn sẽ không cần phải lo lắng khi nâng cấp trên chiếc máy mình đang dùng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể vô hiệu hoá quảng cáo được tích hợp sẵn trên Windows 10, mặc dù công việc này sẽ mất khá nhiều thời gian. Bạn cũng đã có thể kiểm soát tốt hơn các bản cập nhật hệ thống; và dường như Microsoft đang dần “giảm nhịp” cập nhật Windows 10 và thay vào đó là tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo chất lượng cho mỗi bản cập nhật được tung ra.
Bạn cũng không nhất thiết phải sử dụng Windows 10
Và, nếu không muốn dùng Windows nữa, thì đây rõ ràng là thời điểm mà bạn có nhiều sự lựa chọn nhất! Từ những chiếc máy Mac cho tới Chromebook, và cả iPad lẫn hệ điều hành Linux nữa, có quá nhiều nền tảng điện toán tốt để bạn có thể lựa chọn ngoài kia. Với việc các ứng dụng nền web đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng, những nền tảng như Chrome OS hay Linux hoàn toàn có thể phát huy được tác dụng.
Đúng thế, bạn có thể chỉ cần tải trình duyệt Chrome (hoặc Firefox) và làm tất cả những gì các trình duyệt này có thể thực hiện trên Linux, từ soạn thảo văn bản trên các dịch vụ online cho tới xem Netflix và các dịch vụ truyền dẫn nội dung đa phương tiện khác.
Trong bài viết này, mục tiêu của chúng tôi không phải là khuyến khích bạn mua Windows 10 – chỉ là đã đến lúc người dùng Windows 7 cần nâng cấp lên một nền tảng hiện đại, được hỗ trợ đầy đủ các bản vá bảo mật và tối ưu hoá với các phần cứng mới nhất. Đã là năm 2020 rồi, và kỷ nguyên của Windows 7 cũng đã tới hồi kết.
Nếu muốn nâng cấp lên Windows 10 từ Windows 7 hay 8, bạn vẫn có thể làm điều đó hoàn toàn miễn phí. Không rõ liệu Microsoft có kết thúc chương trình này sau khi chính thức chấm dứt hỗ trợ cho Windows 7 từ ngày 14/1/2020 vừa qua hay không; nhưng nếu còn tận dụng được thì bạn cứ nên thử!
Theo VN Review
Vĩnh biệt Windows 7 Một thời để nhớ
Đã hơn 10 năm rồi kể từ khi chúng ta được biết đến Windows 7 - hệ điều hành có thể xem là tốt nhất mọi thời đại của Microsoft.
Đến nay mặc dù đã lỗi thời và bị khai tử nhưng dù sao đi nữa Windows 7 cũng đã sống trọn đến từng phút giây trong ký ức của những ai đã một lần trải qua. Có rất nhiều lý do khiến Windows 7 trở nên tuyệt vời. Nó đã mang đến nhiều bước đột phá mà các hệ điều hành trước chưa thể làm được, về sau cũng thế.
Windows XP là một hệ điều hành tốt vào thời đại của nó, nhưng từ năm 2001 đến năm 2009 đã là một quãng thời gian dài, và trong 8 năm đó thì mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Khi Windows 7 ra đời cũng là lúc mà thế giới đang trông chờ một hệ điều hành mới để thay thế cho Windows XP. Windows Vista đã được phát hành trước đó rồi nhưng nó vẫn chưa đủ để có thể xem là tốt, để thuyết phục người dùng như cái cách mà Windows 7 đã làm.
Huyền thoại của chúng ta sinh ra vào ngày 22/10/2009, 8 năm sau ngày phát hành của Windows XP. Nó mang đến một giao diện với khung cửa sổ trong suốt đẹp đến nao lòng, nó hoạt động ổn định và được bảo mật an toàn ngay từ khi ra mắt. Windows 7 phiên bản 64-bit đã mở ra một chân trời mới cho sức mạnh của những PC mạnh mẽ cho người dùng phổ thông.
Nhiều tính năng của Windows 7 đã có từ thời Windows Vista nhưng phải đến khi lên Windows 7 thì chúng mới thực sự tỏa sáng. Microsoft đã dày công gọt giũa để những khối đá thô trở thành những viên ngọc quý. Có thể nói Windows 7 được thai nghén từ Windows Vista, như cái cách mà Windows 10 được phát triển từ Windows 8 vậy.
Trong cái thời của Windows 8 xuất hiện thì chúng ta lại càng cảm thấy trân trọng Windows 7 nhiều hơn. Cho dù Windows 8 có "ngáo" như thế nào thì chúng ta vẫn còn có Windows 7.
Windows 10 mà đa số chúng ta vẫn thường sử dụng ngày nay chứa rất nhiều quảng cáo từ game cho đến bộ phần mềm Office 365 và Microsoft Awards. Windows 7 ngày xưa thì khác, ít nhất nó cũng không tự động cài đặt Candy Crush hay làm mấy chuyện tương tự. Windows 7 cũng sẽ không bắt bạn phải tạo tài khoản mới được cài đặt.
Những điều thú vị về Windows 7 thì kể ra vẫn còn nhiều lắm, Chúng ta có thể ngồi đây và kể cho nhau nghe cả ngày. Không những thế, windows 7 cũng gắn liền với "thời hoàng kim" của rất nhiều anh em đang ngồi đây và đọc bài viết này. Nhắc đến Windows 7 là nhắc lại những tháng năm rực rỡ trong tâm hồn của mỗi chúng ta!
Nhưng mà cái gì cũng vậy, đều có thời của nó cả.
Công nghệ chẳng bao giờ dừng lại và cái gì rồi cũng phải trở nên lỗi thời mà thôi. Windows 7 rất tốt là điều không thể chối bỏ nhưng nó vẫn có giới hạn, nó không thể mãi là tốt nhất được. Dù tiếc nuối nhưng chúng ta vẫn sẽ không thể phủ nhận được Windows 7 đã già rồi. Hơn 10 năm là một khoảng thời gian rất dài đối với tốc độ phát triển của công nghệ, làm sao có thể đòi hỏi nhiều hơn từ một hệ điều hành nữa chứ?
Huyền thoại nào rồi cũng phải có một kết thúc, quan trọng là nó kết thúc như thế nào mà thôi. Nếu cứ cố sử dụng sau khi Windows 7 hết được hỗ trợ thì trải nghiệm của chúng ta sẽ chỉ có thể tệ đi hơn. Phần mềm, phần cứng và game sẽ tương thích kém đi, các lỗi bảo mật cũng xuất hiện nhiều hơn khiến cho bạn dễ dàng ngập trong virus, phần mềm độc hại... và chắc chắn rằng bạn sẽ không thấy một Windows 7 như thế chút nào đâu.
Thay vì để điều đó xảy ra, hãy để Windows 7 ra đi khi nó vẫn còn đẹp nhất. Vì nó xứng đáng được như vậy. Mai sau nhắc lại thì có thể sẽ đau lòng thật đấy, nhưng mà đừng buồn các bạn ạ, vì ít ra chúng ta cũng đã từng được biết đến một Windows 7 tuyệt vời.
Theo gearvn
Mặc kệ Microsoft khai tử Windows 7, nhiều tổ chức lớn vẫn tin dùng hệ điều hành này vì ngại nâng cấp lên Windows 10 Ai bảo Windows 7 đã chết nào? Vào ngày 15/1 vừa qua, Microsoft đã chính thức khai tử hệ điều hành Windows 7 sau hơn 1 thập kỷ ra mắt. Cần phải nói rõ luôn, "khai tử" ở đây nghĩa là họ sẽ không tung ra thêm bất cứ bản cập nhật nào dành cho phiên bản này nữa. Nếu bạn đang cài...