Thời điểm vàng cho thương mại điện tử
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tính đến cuối tháng 3/2020, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đã đạt con số nửa triệu và liên tục đứng đầu Đông Nam Á và ở Top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương về số lượng tên miền duy trì để sử dụng.
Đây là dấu mốc quan trọng của hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam khi các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng một trang bán hàng trực tuyến với định hướng phát triển thương hiệu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa được khống chế hoàn toàn, nhu cầu mua sắm trực tuyến càng nổi lên mạnh mẽ thay cho các dạng thức mua bán truyền thống. Đây chính là cơ hội tốt, thời điểm vàng để các doanh nghiệp tận dụng và phát triển thương mại điện tử trên môi trường kinh tế số như hiện nay.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Bảo An/Báo Tin tức
Thương mại điện tử hay còn gọi là hoạt động mua bán trực tuyến xuất hiện tại Việt Nam từ những năm cuối cùng của thế kỷ 20 và trở nên phổ biến từ năm 2005 bởi sự tham gia của tầng lớp tri thức, giới trẻ sống tại khu vực thành thị. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng này chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ và phát huy rõ nét những lợi thế trong giai đoạn dịch bệnh khi toàn nền kinh tế bị buộc phải “đóng băng” để giãn cách xã hội và giữ khoảng cách an toàn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), những năm gần đây thương mại điện tử ở Việt Nam đã phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng cao với quy mô giao dịch trực tuyến gần chạm mốc 10 tỷ đô la Mỹ (USD).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM cho biết, hoạt động mua bán trực tuyến chỉ mới tương đối phổ cập ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng thời chiếm khoảng 70% tổng số giao dịch thương mại điện tử của cả nước. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố năng động liền kề như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương hay những thành phố lớn trực thuộc Trung ương gồm Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ…. hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn còn rất yếu. Đó là chưa kể ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…, việc kinh doanh thương mại điện tử còn là điều xa lạ.
Có thể thấy, bên cạnh sự phát triển về thương mại điện tử của các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp còn nổi lên các nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử, các trang bán hàng trực tuyến như Lazada, Sendo, Tiki, Shopee, Adayroi, Vật giá… hay ở từng lĩnh vực như Thế giới di động, Điện máy xanh, FPT, Now, Foody…
Cùng với đó là sự lớn mạnh không ngừng của các đơn vị giao nhận hàng hóa; cung cấp dịch vụ mua bán hàng hóa từ nhà sản xuất, nhà cung cấp và chuyển tới tận tay người tiêu cùng như: Aha, Lala, HeyU, Săn ship hay các công ty chuyển phát nhanh…; trong đó, kể cả các hãng vận chuyển như Bee, Grab… cũng góp mặt. Kế đó, là các giải pháp thanh toán trực tuyến, ví điện tử như MoMo, Airpay, VnPay, Paypal… hay các trung gian tài chính là các tổ chức tín dụng ngân hàng cùng tham gia bảo lãnh và cung cấp dịch vụ.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội ghi nhận, không chỉ ở thời điểm này mà trước đây việc mua sắm trực tuyến đã được người dân rất quan tâm và hưởng ứng. Tỷ lệ đơn hàng và giao dịch trực tuyến, vận chuyển hàng hóa tới khách hàng chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu của hệ thống siêu thị.
Ở thời kỳ dịch bệnh, người dân lại càng nhận thức rõ ràng hơn những lợi thế của việc sử dụng công nghệ trong hoạt động mua sắm, không chỉ thuận tiện, nhanh chóng mà còn đảm bảo yêu cầu an toàn khi giãn cách xã hội. Thêm vào đó, mua sắm trực tuyến còn giúp người dân hạn chế việc sử dụng tiền mặt, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro trong mua sắm hay tâm lý mua hàng theo số đông, ông Phú cho biết.
Trong bối cảnh dịch bệnh, người bán hàng và các doanh nghiệp đều đã nhận thức ra rằng, không còn là lúc phải bày hàng ra vỉa hè hay phải lo thuê địa điểm, mặt bằng để kinh doanh… Tất cả mọi vấn đề về chi phí, về nhân công lao động và dịch vụ đều được giải quyết bằng thương mại điện tử. Tiết giảm được những khoản chi ấy, người bán hàng, nhà cung cấp hay các doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để hạ giá thành sản phẩm, nâng tính cạnh tranh cho hàng hóa và tiếp tục đầu tư thêm cho chất lượng, mẫu mã và các thuộc tính cao cấp hơn cho sản phẩm, ông Phú nhấn mạnh.
Bà Lê Hương Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tin học An Phát cho hay, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, để thực hiện các quy định và yêu cầu của ngành y tế và chính quyền thành phố Hà Nội, doanh nghiệp buộc lòng phải tạm thời “đóng cửa”; đồng thời, chuyển hướng cung cấp hàng hóa, dịch vụ tới khách hàng thông qua hình thức trực tuyến.
Theo đó, việc chào hàng, quảng bá và tư vấn khách hàng hay chốt đơn bán hàng đều được thực hiện qua mạng. Khâu đoạn vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng hay việc thanh toán đều do các đối tác trung gian đảm nhiệm với sự tín nhiệm cao. Chỉ sau vài tháng triển khai, doanh nghiệp đã “tiết giảm” được không ít chi phí, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung về tài chính và thị trường như hiện nay.
Qua thực tiễn, bà Giang cho biết, xu hướng chung là người dân tỏ ra “thích thú” với hình thức mua sắm qua mạng. Nó không chỉ thuận tiện, đơn giản mà còn văn minh trong xu thế hiện đại ngày nay. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đang thích nghi với xu hướng số hóa của nền kinh tế, một cách rất tự nhiên và hiệu quả thu lại cũng rất nhanh chóng, rõ ràng.
Tuy nhiên, để tạo thành một vòng tròn giao dịch hoàn hảo, đem lại lợi ích nhiều mặt cho tất cả các bên tham gia vẫn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa các mắt xích trong chuỗi thương mại điện tử. Hơn thế, Nhà nước nên thực sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này. Công nghệ là câu chuyện lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương cũng như sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và toàn dân.
Cùng chung quan điểm, ông Vũ Vinh Phú điểm qua một số vấn đề còn hạn chế trong hoạt động mua sắm trực tuyến hiện nay như: người dân vẫn mua sắm trực tuyến nhưng thanh toán bằng tiền mặt; việc giao nhận hàng hóa vẫn phụ thuộc vào yếu tố thời gian, địa điểm… nên gây không ít phiền phức, khiếu nại và khó đạt được sự hài lòng của khách hàng. Vẫn có tình trạng, người dân thiếu niềm tin khi mua hàng qua mạng bởi những trải nghiệm bị nhà cung cấp hay đơn vị bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó” đã giao tới những sản phẩm không giống với thông tin quảng cáo trên mạng.
Đó là chưa kể các yếu tố khác như đường truyền Internet thường không ổn định; các sàn giao dịch thương mại điện tử còn nhiều khiếm khuyết hay quy định bất lợi đối với khách hàng và vẫn thiếu các đơn vị bảo lãnh hay các cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết khiếu kiện, tranh chấp giữa khách hàng với doanh nghiệp, nhà cung cấp khi phát sinh vấn đề bất đồng trong thương mại điện tử….
Trước những bất cập nêu trên, TS. Nguyễn Việt Liên Hương, Chuyên gia kinh tế bày tỏ, đúng là đang ở thời điểm vàng của thương mại điện tử khi người dân bắt đầu quen thuộc với hình thức mua sắm trực tuyến cũng như các giải pháp công nghệ về thanh toán, về vận chuyển… Tuy nhiên, để thương mại điện tử Việt Nam phát triển và tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh của mình nhằm đóng góp ngày càng nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế nói chung thì các doanh nghiệp cần chú trọng vào việc tối ưu hóa mô hình kinh doanh và tập trung trang bị kỹ năng về thương mại điện tử để sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh, nhờ đó mới nâng cao được chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng dịch vụ mà mình cung cấp.
Theo đó, doanh nghiệp cần biết người tiêu dùng có sẵn sàng mua sắm nhiều hay chưa để có chiến lược đầu tư cho phù hợp. Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sợ mua hàng “online” vì lo ngại hàng giả, sản phẩm không giống như mong muốn, hoặc là họ muốn nhìn thấy sản phẩm đó khi mà họ được chạm, được thử sản phẩm… Do đó, trước nhất, cùng với việc xây dựng thương hiệu và danh tiếng, doanh nghiệp cần gây dựng sự tín nhiệm và củng cố niềm tin đối với khách hàng. Thái độ cầu thị, hòa hảo và chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng sau khi bán cũng là điều hết sức quan trọng.
Cùng với sự tạo điều kiện của Nhà nước, các doanh nghiệp nên nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp chất lượng website hay trang bán hàng để đảm bảo thông tin khách hàng và an toàn giao dịch. Hiện nay, việc bảo mật thông tin cá nhân và an ninh mạng luôn là những vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam. Đây chính là yếu tố đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của thị trường thương mại điện tử vì nó gắn với niềm tin sử dụng dịch vụ và lợi ích của khách hàng. Do vậy, việc đầu tư nâng cấp công nghệ, hạ tầng phần mềm lẫn phần cứng cần được quan tâm, chú trọng thường xuyên.
Để khai thác tốt tiềm năng và cơ hội của thương mại điện tử đối với thị trường gần 100 triệu dân, theo các chuyên gia, Chính phủ cần nỗ lực, tập trung đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng công nghệ; ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách mang tính thúc đẩy và tạo môi trường thuận lợi cho lĩnh vực này phát triển. Cùng với đó, Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý cần thiết và đầy đủ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử… Làm được điều đó, Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp với xu thế hội nhập của toàn cầu; tiến tới nền kinh tế số như kỳ vọng trong nay mai.
Thương mại điện tử thời COVID-19: Tìm cơ hội trong khó khăn
Dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều ý kiến cho rằng, dịch COVID-19 được ví như chất xúc tác tạo cú huých cho thương mại điện tử phát triển.
Dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực kinh tế nhưng cũng có những lĩnh vực nắm bắt được cơ hội phát triển mạnh mẽ. Một trong số đó là thương mại điện tử.
Mặc dù được hướng dẫn bởi các luật liên quan, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 tuy đã được thực thi trong 6 năm qua nhưng chưa thực sự khai thác hết tiềm năng, đặc biệt trong nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giao dịch thương mại trong nước và xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại điện tử theo hướng hiện đại hóa.
Video đang HOT
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng dịch COVID-19 được ví như chất xúc tác tạo cú huých cho thương mại điện tử phát triển.
Nhằm đưa ra chiến lược mới phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 với nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững.
Tăng trưởng khả quan
Ra ngoài gọi xe bằng ứng dụng Grab, GoViet, đặt phòng khách sạn qua Agoda, Booking; mua sắm đồ tiêu dùng trực tuyến trên website của BigC, Aeon; đặt đồ ăn, trà sữa thông qua Grabfood... đã và đang phổ biến với nhiều người tiêu dùng, nhất là người dân ở các thành phố lớn.
Câu chuyện mua sắm và sử dụng các dịch vụ online lại càng được người tiêu dùng áp dụng nhiều hơn khi Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành để hạn chế tối đa việc di chuyển ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Xuất phát từ nhận thức và thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
Nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart, Saigon Coop, Big C, Lotte, Aeon... cũng đưa nhiều sản phẩm lên mạng hoặc khuyến khích đặt hàng qua điện thoại.
Vì vậy, các đơn hàng online đã tăng gấp nhiều lần so với bình thường, thậm chí còn quá tải, do lượng khách truy cập và đặt đơn hàng cao.
Thay vì phải đi đến siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm, người dùng chỉ cần mở ứng dụng facebook, google search "đi chợ hộ bạn" sẽ ra hàng loạt website, fanpage cung cấp dịch vụ này.
Ngoài ra, các bà nội trợ còn có thể đặt hàng trực tiếp tại các website, hoặc qua app, nhắn tin qua tổng đài và gọi điện trực tiếp.
Sau khi nhận được đơn hàng, đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ sẽ xác nhận bằng điện thoại, tin nhắn, đồng thời gửi hóa đơn qua email để người tiêu dùng kiểm tra loại thực phẩm cũng như tổng chi phí phải trả và sẽ nhận được hàng hóa theo yêu cầu.
Thống kê từ Công ty Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát tại Thành phố Hồ Chi Minh, Hà Nội và Đà Nẵng mới đây cho thấy những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh với 50-80% người dân đã giảm tần suất đi siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống; 20-30% số người cho biết đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài.
Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), kênh mua sắm qua điện thoại, website của doanh nghiệp này đã tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày. Ước tính đơn hàng giao dịch thông qua kênh giao dịch trực tuyến này tăng gấp 10 lần so với ngày thường.
Cùng với đó, số lượng đơn hàng của trang thương mại điện tử SpeedL thuộc Lotte Mart cũng tăng từ 150-200% so với ngày thường từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Vì thế, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn hàng hệ thống siêu thị Lotte Mart phải phân bổ cho trang online tăng gấp đôi và cử thêm nhân sự bán hàng.
Bận rộn không kém, nhiều sàn thương mại điện tử khác như Shopee, Lazada hay Tiki đơn hàng trong những tháng gần đây cũng tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, có những lúc cao điểm lượng đơn hàng tăng phát sinh từ 3.000-4.000 đơn hàng/phút khiến nhiều mặt hàng liên tục phải nhập kho.
Lo ngại việc đi lại và tiếp xúc trong mùa dịch, chị Vũ Thu Hà ở Minh Khai chia sẻ mua sắm online rất tiện lợi bởi không phải ra tận cửa hàng cũng như chờ đợi đến lượt để thanh toán mà chỉ cần truy cập ứng dụng, lựa mặt hàng và thanh toán qua mạng là hàng hoá sẽ được giao tận cửa.
Báo cáo từ Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra rằng: Doanh thu của ngành này đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm từ 25-30%/năm. Riêng năm 2019 tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt 27% với tổng doanh thu bán lẻ (B2C) tương đương khoảng 13 tỷ USD.
Đặc biệt, theo dự báo của Google và Temasek, nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể vượt mốc 240 tỷ USD và nền kinh tế Internet tại Việt Nam cũng sẽ đạt con số trên 33 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy dư địa từ ngành thương mại điện tử còn rất lớn so với thị trường bán lẻ hiện nay.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết việc mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến là nội dung nằm trong kịch bản đối phó dịch bệnh COVID-19 mà Bộ Công Thương đưa ra.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp logistics, thương mại điện tử đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng từ hệ thống siêu thị tới người dân nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cũng lưu ý rằng thương mại điện tử là môi trường dễ bị trục lợi nên Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ động có công văn gửi các website, sàn giao dịch thương mại điện tử kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ các hàng hóa nâng giá, tăng giá vận chuyển sản phẩm.
Đáng lưu ý, riêng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trá hình hay những hoạt động không được phép, khi phát hiện vi phạm hoặc nhận được phản ánh về sai phạm của người dùng, Bộ Công Thương sẽ tiến hành hậu kiểm để kiểm tra xử lý nhằm đảm bảo được tính chất chuẩn mực về ngành nghề, tiêu chí theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Siết chặt quản lý
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - chia sẻ trung bình hàng năm, Cục tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó có trên 50% liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử hoặc vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Các vi phạm điển hình bao gồm chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo; thông tin sai về xuất xứ, giá cả, không thực hiện nghĩa vụ bảo hành, không xuất hóa đơn.
Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho thấy từ ngày 31/1-21/4, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý trên 8.370 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến hơn 4,2 tỷ đồng. Điều này cho thấy mức độ phức tạp của việc quản lý thị trường nói chung và thị trường online nói riêng.
Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), việc tiếp cận, giám sát loại hình kinh doanh trực tuyến không hề đơn giản, khó khăn hơn nhiều so với kinh doanh truyền thống.
Nhiều đối tượng mua tên miền và đặt máy chủ tại nước ngoài, thanh toán thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam, cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay thông tin liên lạc nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều rào cản.
Bên cạnh đó, những khách hàng mua sắm online phần lớn không chú ý việc lấy hóa đơn, sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng... gây khó khăn cho quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng.
Do vậy, ông Trần Hữu Linh cho rằng: Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường Internet, cần chặn từ "gốc," đó là người tiêu dùng ngừng "tiếp tay" cho các đối tượng vi phạm.
Hơn nữa, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế...
Không những thế, người tiêu dùng cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn cũng như cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng...) từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính.
Khi gặp các phiền toái về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến cần phản ánh đến các cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết.
Ông Trần Hữu Linh cũng cho hay, mới đây, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ soạn thảo để sửa đổi Thông tư số 47/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các chủ sàn điện tử.
Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tham gia sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử trong năm 2020 vì Nghị định đã ban hành 6 năm, chưa cập nhật loại hình kinh doanh mới nên thiếu chế tài xử lý.
Nhằm đưa ra chiến lược mới phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế hiện nay, góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử Việt Nam phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết Bộ Công Thương đã đưa vào dự thảo trình Chính phủ nhiều nhóm giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử; các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử; phát triển các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử.
Nội dung dự thảo có nhiều điểm mới, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh cao nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh ngày càng hiệu quả và tích cực, hạn chế loại bỏ những doanh nghiệp kinh doanh trá hình làm ảnh hưởng tới quy mô ngành thương mại điện tử.
Ngoài yếu tố nâng cao việc phối hợp quản lý, các điều khoản nới lỏng hỗ trợ các doanh nghiệp cũng được Bộ Công Thương quan tâm đặc biệt.
Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là nền tảng giúp ngành thương mại điện tử phát triển với mục tiêu bền vững.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nông sản và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại khu vực nông thôn.
Mặt khác, tập trung phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ còn triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ đám mây (blockchain) trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA-Blockchain với mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu ra các nước phát triển trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU được phê chuẩn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng theo xu thế diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng hướng tới việc ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng (CRM), phần mềm quản lý sản xuất và bán hàng thông minh...nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xúc tiến bán hàng trên môi trường thương mại điện tử./.
Doanh nghiệp ứng phó với đại dịch COVID-19 - Bài 2: Chèo lái doanh nghiệp vượt khó Nhiều bài toán khó được đặt ra cho doanh nghiệp trước bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành khắp toàn cầu. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách để sống chung với dịch, vượt qua khó khăn. Với tinh thần "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", cộng đồng doanh nghiệp...