Thời điểm tốt để đàm phán mua bất động sản với giá hợp lý
Theo các chuyên gia, rất khó để NĐT có thể “bắt đáy” BĐS nhưng NĐT có thể mặc cả về giá trong bối cảnh thị trường nhiều NĐT đang muốn bán tài sản ra vì gặp khó khăn.
Ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, đây là giai đoạn tốt để NĐT quan sát thị trường, mạnh dạn mặc cả mua vào tài sản sản, có thể thương lượng được mức giá kì vọng.
Trên thị trường hiện tại đang có các nhóm đầu tư BĐS có vốn yếu và đang dùng đòn bẩy tài chính thường khó gồng nổi khi một vài mắt xích của thị trường bị lung lay. Đây là nhóm nhà đầu tư dễ bị tổn thương nhất trong mùa đại dịch và có thể bán ra tài sản với mức giá kì vọng lợi nhuận thấp, hoặc bán lỗ để thu hồi vốn.
Tuy vậy, theo vị chuyên gia này, giá tài sản chưa giảm sâu vì giới đầu cơ BĐS đang dùng đòn bẩy tài chính vẫn xoay sở, thu xếp được dòng tiền nên chưa bị ảnh hưởng nhiều trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu khó khăn kéo dài, nhóm nhà đầu cơ này có khả năng phải bán dưới giá kỳ vọng, thậm chí bán lỗ để giải tỏa nợ và chi phí tài chính. Phần lớn giá BĐS phụ thuộc vào thời điểm đại dịch kết thúc.
Việc NĐT chờ thị trường xuống “đáy” để mua vào rất khó. Theo ông Khánh Quang, chỉ 5-10% nhà đầu tư mua được lúc xuất hiện giá đáy. Khoảng 10-15% nhà đầu tư mua được BĐS cao hơn giá đáy 15-20%. Trong khi đó, có đến 30-40% người dân ra quyết định mua BĐS cao hơn giá đáy 25-35%. Phần còn lại của thị trường vẫn do dự cho đến khi BĐS trở lại ổn định, tăng tốc, lập đỉnh mới. Cuối cùng họ chọn mua BĐS vùng trũng, giá thấp, hoặc ít bị ảnh hưởng hoặc chuyển hướng đầu tư ngành khác.
Video đang HOT
Theo ghi nhận, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, thị trường BĐS bắt đầu xuất hiện làn sóng chào bán “cắt lỗ” căn hộ chung cư, nhà đất, căn hộ condotel…
Lướt một vòng các trang mạng về mua bán BĐS, hay những nhóm group của môi giới địa ốc trên zalo, facebook, không khó để bắt gặp những cụm từ như “cần tiền bán gấp”, “bán cắt lỗ sâu do corona”, “bán giá thấp nhất thị trường mùa dịch”…
Đánh giá về làn sóng bán gấp, bán “cắt lỗ” BĐS thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nền kinh tế khó khăn chung nên những nhà đầu tư không chuyên, mua sang tay, lướt sóng ngắn hạn, dự trù xoay vòng vốn trong khoảng 6 tháng để kiếm lời thì sẽ bắt buộc phải bán ra. Trong đó, có khoảng 20-30% các nhà đầu tư bán ra chấp nhận giảm giá 2-3% so với giá thị trường. Còn đa số nhà đầu tư chuyên nghiệp đã dự liệu được độ chờ của giá nên họ có thể chờ đợi từ 6-9 tháng, thậm chí đến hết năm 2020 mới bung hàng.Cũng theo các chuyên gia, thị trường hiện nay chưa đến mức phải bán tháo, cắt lỗ với giá giảm sâu, giảm sốc như một số tin rao bán.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, giai đoạn kinh tế khó khăn do dịch bệnh hiện nay cũng là thời điểm để các nhà đầu tư BĐS có kinh nghiệm, có tầm nhìn lao vào kiếm cơ hội từ việc “bắt đáy” thị trường và tận hưởng các ưu đãi kích cầu của chủ đầu tư. Nếu chờ đến khi tan dịch mới “vào cuộc” thì thời điểm vàng đã trôi qua.
Theo vị chuyên gia này, nguồn cung BĐS ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng. Dù được xem như “của để dành” hay công cụ đầu tư, BĐS đều hứa hẹn lợi nhuận cao, nhất là gần như chắc chắn giá BĐS sẽ tiếp tục tăng sau khi dịch bệnh đi qua và kinh tế phục hồi. Theo đó, giai đoạn khó khăn hiện nay cũng là thời điểm để các nhà đầu tư BĐS có kinh nghiệm, tầm nhìn, có năng lực “lao” vào kiếm cơ hội và tận hưởng các ưu đãi kích cầu của chủ đầu tư.
Theo chuyên gia, thị trường BĐS hậu Covid-19 có thể sẽ chứng kiến sự khan hiếm về nguồn cung bởi hiện tại là “phép thử” khắc nghiệt với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quỹ đất hạn chế, doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính, phụ thuộc vào nguồn thu ngắn hạn. Dịch bệnh như một quá trình “thanh lọc tự nhiên” trên thị trường. Khách hàng có cơ hội nhìn rõ ai khỏe, ai yếu để quyết định xuống tiền.
Còn theo bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam, sau dịch các NĐT sẽ quan tâm đến các phân khúc BĐS đáp ứng đúng nhu cầu ở thực của người tiêu dùng. Vì thế, ngay ở thời điểm này NĐT có thể tìm kiếm các loại hình sản phẩm với giá hợp lý mà trong giai đoạn 5-7 năm tới mà có bán ra được cho người có nhu cầu mua ở thực.
Hết thời đầu cơ lướt sóng chung cư
Việc đầu cơ vào các dự án nhà ở hình thành trong tương lai không mang đến nhiều kỳ vọng về tỉ suất sinh lời do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Khoảng vài năm trước, các dự án nhà ở hình thành trong tương lai luôn thu hút một lượng lớn các NĐT ngay từ thời điểm dự án rục rịch khởi công. Nguyên nhân là các dự án này luôn có sự linh động trong cơ chế đóng tiền, sự hỗ trợ từ ngân hàng, việc mua bán chỉ thông qua các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, vốn đầu tư không quá lớn.
Khi đến thời hạn ký hợp đồng mua bán, các NĐT thường chỉ phải đóng khoảng 20% - 30% trên tổng giá trị hợp đồng, sau đó cứ theo tiến độ dự án tiếp tục đóng khoảng 5-10%. Việc vào tiền theo tiến độ giúp cho nhiều NĐT tuy có lượng vốn hạn hẹp (khoảng 300-500 triệu đồng) vẫn có thể đầu cơ ở nhiều dự án và thu tiền chênh lệch khá tốt.
Nếu dự án thuận lợi về tiến độ xây dựng và mọi vấn đề pháp lý đều ổn thỏa, một NĐT có thể thu về khoản tiền chênh lệch từ 50 triệu đến 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2019, việc đầu cơ lướt sóng ở các dự án căn hộ trên địa bàn Tp.HCM đã không còn mang lại mức lợi nhuận như mong muốn. Hàng trăm dự án bị đứng bánh do nhiều nguyên nhân như vướng đất công, lùm xùm pháp lý, chủ đầu tư thiếu tiềm lực về tài chính. Hàng nghìn NĐT bị chôn vốn nhiều năm liền do trót ký hợp đồng giữ chỗ với giá trị cao nhưng dự án cứ mãi "giậm chân tại chỗ".
Điển hình như tại Quận 4, Quận Bình Tân, Quận 8... nhiều dự án triển khai từ năm 2017, huy động vốn từ 10-30% đối với mỗi hợp đồng đặt cọc, thậm chí nhiều người đã vào tiền lên đến 70% (để được chiết khấu cao) nhưng đành ngậm ngùi để dòng tiền đứng yên theo các khối bê tông phơi mưa phơi nắng nhiều năm. Thậm chí, nhiều dự án khi khách hàng căng băng rôn đòi tiền thì CĐT tìm cách né tránh hoặc bổ sung nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng trong hợp đồng thanh lý. Từ những rắc rối trên, niềm tin của NĐT vào các dự án căn hộ cũng mất dần.
Sang đầu năm 2020, thị trường này cũng chưa có nhiều triển vọng, cộng thêm những khó khăn khi đại dịch Covid-19 ập đến khiến cho lượng giao dịch giảm mạnh. Theo các chuyên gia, xu hướng của người dân giờ đây là tích trữ dòng tiền của họ để dự phòng nếu dịch bệnh kéo dài thay vì mua nhà. Trong khi đó, việc phân bổ dòng tiền của các NĐT cũng trở nên chậm rãi hơn, chắc chắn hơn và không còn ồ ạt như trước.
Theo khảo sát, khoảng 1/3 số lượng NĐT cá nhân không còn mặn mà với việc đầu cơ lướt sóng ở các dự án căn hộ. Nhiều người chấp nhận giảm lợi nhuận, chỉ khoảng vài chục triệu đồng chỉ để đẩy hàng đi nhanh hơn.
Do tâm lý e ngại trong thời điểm dịch đang có nhiều diễn biến phức tạp nên dù đã ra giá thấp nhưng nhiều NĐT vẫn khó khăn để thu hồi dòng tiền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS hiện đang chững lại rõ nét do quá nhiều khó khăn ập đến cùng lúc. Việc các NĐT e ngại trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp nên vội vàng thu hồi dòng tiền là điều tất yếu. Mặt khác, nhiều người cũng có xu hướng gom tiền mặt để dự phòng khi bất trắc.
Trong xu hướng này, việc đầu cơ lướt sóng không còn là phương án khả thi. Rõ ràng, BĐS giờ đây đang hướng đến các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu bền vững. Do đó, các NĐT cũng cần phải thay đổi cơ chế tiếp cận mới có thể bám trụ lâu với thị trường. Thay vì đầu cơ lướt sóng thì cẩn chuyển qua đầu tư dài hạn, kỹ lưỡng hơn khi lựa chọn sản phẩm và phân bổ dòng tiền hợp lý để tránh rủi ro.
Hạ Vy
Vàng Thần tài hút khách, kênh đầu tư vàng "tăng nhiệt" Thị trường vàng trong nước nóng lên ngay đầu năm không chỉ bởi tâm lý mua vàng cầu may ngày Thần tài, mà còn do giá vàng thế giới đang tăng trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona có xu hướng lan rộng. Doanh nghiệp tăng mạnh lượng vàng bán ra Từ cuối tuần qua, tâm lý mua vàng...