Thời điểm tối kỵ uống trà xanh
Một phụ nữ 30 tuổi muốn giảm cân bằng cách uống trà xanh. Sau khi dùng được gần 3 tháng, cô cảm thấy khó chịu nhiều ở bụng.
Trong một chương trình tư vấn sức khỏe ở Trung Quốc, bác sĩ Qian Zhenghong, chuyên gia phẫu thuật đường tiêu hóa và gan mật, kể về trường hợp mắc bệnh dạ dày do thói quen ăn uống phản khoa học.
Một người phụ nữ 30 tuổi không hài lòng với vóc dáng của mình khi đám cưới đang cận kề. Cô muốn có thân hình thon thả để diện váy cưới và lên hình xinh tươi hơn. Bởi vậy, cô quyết định bắt đầu kế hoạch uống trà xanh mỗi ngày để giảm cân.
Trà xanh là thức uống nhiều tác dụng nhưng có một số lưu ý khi dùng. Ảnh: Shutterstock
Tuy nhiên, theo China Times, sau khi uống trà xanh được gần 3 tháng, cô cảm thấy khó chịu trong bụng và tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị loét dạ dày nghiêm trọng.
Tìm hiểu thói quen sinh hoạt của bệnh nhân, bác sĩ được biết cô thường uống trà khi bụng đói, đó là nguyên nhân dẫn đến bất ổn dạ dày.
Bác sĩ Qian Zhenghong khẳng định trà xanh tốt cho sức khỏe, có tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên, uống trà khi bụng đói trong thời gian dài sẽ dẫn đến loét dạ dày. Nữ bệnh nhân buộc phải chấm dứt thói quen này ngay lập tức.
Theo Times of India, trà xanh chứa tannin có thể làm tăng axit trong dạ dày, gây cảm giác buồn nôn, đau bụng. Bệnh nhân bị loét dạ dày hoặc trào ngược axit được khuyên không nên uống trà xanh vào buổi sáng, khi đang đói bụng để tránh tình trạng sức khỏe tệ hại hơn.
Video đang HOT
Không chỉ vậy, nếu bạn uống trà khi đói, các hợp chất trong trà sẽ tác động đến cơ thể và máu nhanh hơn, bao gồm giảm lượng protein giúp đông máu. Bởi thế, những người bị rối loạn đông máu không nên có thói quen trên.
Trà xanh còn có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Vì vậy, những người bị thiếu máu do thiếu sắt không nên uống trà xanh, đặc biệt khi đói.
Bạn không nên cho mật ong vào trà đang quá nóng. Ảnh minh họa: Economic Times
Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật Jiang Kunjun nhắc nhở khi muốn uống trà, bạn nên cân nhắc thời gian và thể trạng. Thời điểm uống trà tốt nhất là sau bữa ăn 1 giờ sẽ không ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu sắt.
Bạn cũng không nên uống trà xanh khi còn quá nóng khiến trà mất vị và nguy cơ gây tổn thương dạ dày, cổ họng. Các bác sĩ khuyến cáo không uống thuốc cùng trà xanh vì thành phần hóa học của cả hai dễ tương tác với nhau, gây hại cho cơ thể.
Nhiều người thích thêm mật ong vào trà xanh vì đây là một chất thay thế lành mạnh cho đường và có hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, nếu bạn thêm mật ong vào tách trà đang rất nóng, giá trị dinh dưỡng của mật ong có thể bị phá hủy. Do đó, hãy để nhiệt độ cốc trà giảm xuống một chút, sau đó thêm quế, mật ong.
Tuyệt đối không uống trà xanh vào những thời điểm này kẻo 'rước họa vào thân'
Trà xanh là một thảo dược cực tốt cho sức khỏe nhưng sử dụng không đúng cách cũng có thể khiến bạn tự 'rước họa vào thân'.
Trà xanh từ lâu đã được biết đến như một thức uống bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống trà xanh vào những thời điểm không phù hợp có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể.
Khi bụng đói
Uống trà xanh khi bụng đói là sai lầm mà nhiều người hay mắc phải. Polyphenol trong trà xanh sẽ có tác dụng kích thích sản xuất axit trong dạ dày, gây ra cảm giác cồn cào và khó chịu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Mặc dù axit dạ dày rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa hợp lý nhưng dư thừa axit, đặc biệt là khi bụng đói, cũng có thể làm nặng thêm các vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày hoặc viêm dạ dày.
Trà xanh chỉ tốt cho sức khỏe nếu sử dụng đúng cách. Ảnh: Getty Images
Trong hoặc ngay sau bữa ăn
Trà xanh giúp cải thiện khả năng tiêu hóa của bạn, nhưng nếu bạn uống trà xanh cùng với bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn, nó có thể làm giảm sự hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Trà xanh chứa chất tanin, có thể liên kết với các khoáng chất thiết yếu như sắt, canxi, kẽm,... và làm giảm khả năng hấp thu của cơ thể.
Điều này về lâu dài còn có thể tạo ra sự thiếu hụt chất dinh dưỡng với cơ thể. Vì vậy, bạn chỉ nên uống trà xanh sau khi ăn khoảng 1-2 giờ. Bạn cũng không nên uống quá ba tách trà xanh mỗi ngày vì uống nhiều có thể dẫn đến mất nước và khiến cơ thể bạn đào thải một số chất dinh dưỡng cần thiết.
Trong hoặc sau khi uống thuốc
Nếu đang có thói quen uống thuốc với một tách trà xanh thì bạn cần phải thay đổi lại ngay lập tức. Một số chất trong trà xanh có thể tương tác với thuốc, làm giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bạn chỉ nên uống thuốc chỉ với nước lọc và không nên uống trà xanh ngay sau đó.
Trước khi đi ngủ
Nếu gặp vấn đề liên quan đến giấc ngủ, bạn nên tránh uống trà xanh quá gần giờ đi ngủ. Mặc dù loại thức uống này được biết đến với đặc tính làm dịu nhưng lại chứa caffeine có thể làm gián đoạn quá trình giải phóng melatonin, khiến bạn không thể có một giấc ngủ ngon.
Trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú
Caffeine trong trà xanh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi vì vậy bạn nên tránh xa loại thức uống này khi đang mang thai. Đặc biệt, đối với các bà mẹ đang cho con bú, việc tiêu thụ một lượng lớn caffeine thông qua đồ uống như trà xanh cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Caffeine có thể thông qua sữa mẹ đi vào cơ thể trẻ, dẫn đến cảm giác khó chịu, rối loạn giấc ngủ ở trẻ. Để tăng cường sức khỏe và thể chất tối ưu cho trẻ, các bà mẹ đang cho con bú được khuyến khích hạn chế việc tiêu thụ đồ uống có chứa Caffeine như trà xanh.
5 tín hiệu cảnh báo dạ dày bắt đầu bị tổn thương Bệnh về dạ dày rất giỏi 'ẩn nấp'. Ở giai đoạn đầu, có thể không hề có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất mơ hồ, dễ bị nhầm lẫn với vấn đề tiêu hóa thông thường. Chán ăn, ăn rất nhanh no có thể là dấu hiệu sớm của các bệnh lý về dạ dày (Ảnh minh họa) Dạ dày là cơ...