Thời của hát nhép?
Nghị định 144/2020/NĐ-CP công hiệu từ tháng Hai năm tới có nhiều điểm mới phù hợp thực tế bao gồm việc bỏ điều cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn. Tuy nhiên việc này lại bị dư luận bao gồm những người trong nghề có phần làm quá lên, đánh đồng với “cho phép hát nhép”. Có người còn đùa “vậy là thời của Chi Pu đã tới”.
Vpop dung túng những giọng ca hạn chế như Chi Pu đến bao giờ?. Ảnh: VNN
Chi Pu- trường hợp kỳ lạ của showbiz Việt khiến cho tất cả các giọng hát “thị trường” trước đó thở phào vì đã có kẻ thế mạng cho dư luận xâu xé, nhưng vẫn có sô đều. Ít ra cô cũng hát thật thì mới lộ giọng dở. Tất nhiên những ca sĩ thiên về nhảy múa như Chi Pu thường xuyên sử dụng kỹ xảo âm thanh để làm nghề, bao gồm việc hát đè trên nền giọng thu sẵn của chính mình.
Còn nhớ trường hợp áp dụng thành công nghị định 79/2012 của Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh cuối năm 2019 để xử phạt ca sĩ Bùi Bích Phương và nhà tổ chức chương trình trên địa bàn tỉnh. Do khán giả xông lên cướp mic làm lộ ra nền nhạc thu sẵn đã bao gồm giọng hát ca sĩ. Nếu thực sự bám sát đời sống ca nhạc và muốn… tăng thu, cơ quan chức năng có thể đi phạt bất cứ show nào dùng nhạc sôi động. Vì thủ pháp hát thật trên nền giọng của chính mình thường xuyên được ca sĩ sử dụng nhất là khi họ phải nhảy. Ngoài tạo hiệu ứng âm thanh khác biệt, âu cũng là một cách né hát, lấy vũ đạo bắt mắt để “lòe” khán giả. Vì đằng thẳng ra ngày xưa chưa có kỹ thuật này thì ca sĩ chỉ còn cách hát với nhóm bè hoặc tiết chế vũ đạo, rèn luyện cột hơi để có thể vừa hát vừa vận động mà không hổn hển. Kỹ xảo, công nghệ giúp cho người làm nghề nhàn đi nhiều.
Thả cho hát nhép để hậu kiểm kể cũng có lý vì thực tế hồi còn cấm, người ta vẫn hát nhép đầy ra. Tuyệt đại đa số chương trình ca nhạc truyền hình đều dùng thủ thuật đàn nhép, hát nhép. Vì như thế sẽ giảm chi phí cũng như thời gian công sức của tất cả các bộ phận. Chả thế mà khán giả phải bỏ tiền triệu để đến xem những liveshow, ở đó các nghệ sĩ phải mất vài tuần tập dượt, giữ sức để có đôi ba tiếng thăng hoa trên sân khấu.
Vừa rồi tôi có dịp dự một show ghi hình tại trường quay của một đài truyền hình lớn. Có tiết mục sau khi trình diễn (nhép) xong đạo diễn đề nghị ca sĩ hát thật để quay lại, rồi khen lần trình diễn sau tốt hơn. Công bằng mà nói lần đầu âm thanh căng nét nhưng chắc chắn không có độ chân thật thổn thức bằng lần sau. Lại có tiết mục ngay từ đầu ca sĩ đã được yêu cầu hát thật vì toàn bài chỉ có rap, nếu nhép khớp miệng hơi khó. Những thể loại thể hiện cảm xúc trực diện như rap mà nhép sẽ hạn chế cảm xúc của cả người biểu diễn và khán giả khá nhiều. Tóm lại là điều kiện nhà đài hoàn toàn cho phép ca sĩ hát thật, có điều đài có muốn làm hay không. Nhưng tất nhiên tiến tới chơi thật cả ban nhạc lại là chuyện khác.
Thực sự ở Việt Nam chuyện hát nhép/thật có vẻ vẫn chưa được coi trọng cho lắm. Ở Trung Quốc thì khác, các ca sĩ bị phát hiện hát nhép dù ở lễ khai mạc Thế vận hội, chương trình China’s Got Talent hay ở một show ghi hình tất niên (nhiều người xem) thì đều bị lên án, thậm chí không ngóc đầu lên nổi, nhất là với người vừa trình làng đã nhép. Dù đó không hẳn là lỗi của họ mà là của BTC chương trình. Ở những vụ đều đã đình đám này, người thì nhép giọng mình (đã được mông má bằng kỹ thuật phòng thu), người thì nhép giọng người khác. Sự nghiêm khắc của dư luận khiến cho các ca sĩ hiểu rằng hát nhép cũng giống như chơi dao.
Toàn cảnh hát nhép ở Việt Nam bây giờ hoàn toàn tùy thuộc vào sự khó tính của khán giả và tất nhiên sự tự trọng của những người đã chọn hát làm nghề nghiệp. Các ca sĩ cứ thử mạnh dạn yêu cầu hát thật trong tất cả các chương trình mà mình nhận lời tham gia xem khán giả có cổ vũ không nào!
Nhạc sĩ Dương Cầm: Nghị định mới không cấm hát nhép, nguy hiểm quá!
Theo NS Dương Cầm, việc Nghị định 144 không cấm hát nhép nhưng cũng không cho phép như lý giải của cơ quan quản lý là nguy hiểm, vì nếu không cấm, người ta sẽ làm.
Video đang HOT
Nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn - vừa được Thủ tướng ký ban hành thay thế cho Nghị định 79 kể từ ngày 1/2/2021 - có nhiều điểm mới, được đánh giá là tiến bộ so với nghị định cũ. Tuy nhiên, việc Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79 lại đang gây tranh cãi. Nhạc sĩ Dương Cầm có những chia sẻ với phóng viên VTC News về vấn đề này.
Từ ngày 1/2/2021, ca sĩ có quyền hát nhép?
- Trong Nghị định 144 sắp có hiệu lực không còn quy định cấm hát nhép, đàn nhép. Là nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, anh nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ đã là ca sĩ thì phải có giọng hát và dùng giọng hát của mình chinh phục khán giả, chứ không phải bằng những chiêu trò hay điệu nhảy. Đương nhiên, ca sĩ toàn diện là người vừa hát hay vừa có phong cách trình diễn, bao gồm cả vũ đạo cuốn hút. Tuy nhiên, giọng hát vẫn phải là yếu tố quan trọng nhất.
Ở một số thể loại nhạc như EDM, hip hop, rap..., nghệ sĩ cần sự hỗ trợ lớn từ phần nhạc beat. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có quy định cụ thể, giọng hát nền trong phần nhạc beat ấy có thể chiếm bao nhiêu phần trăm trong phần trình diễn của nghệ sĩ trên sân khấu. Tỷ lệ đó có thể lên tới 50% hoặc 60%, nhưng là ca sĩ bước lên sân khấu là phải hát live chứ không thể nhép hoàn toàn.
Tôi làm việc trong lĩnh vực sản xuất và mới đây có xây dựng chuỗi chương trình Bandland, tôi thấy trình độ chơi của các ban nhạc tại Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Các ban nhạc hoàn toàn có thể kết hợp âm nhạc với công nghệ để cho ra những hiệu ứng âm thanh như mong muốn, kể cả với các thể loại nhạc dance, hip hop hay EDM để giúp ca sĩ có thể trình diễn live trên sân khấu 100%. Hơn nữa, khi ca sĩ được trình diễn trên ban nhạc, họ sẽ có sự tương tác, đem lại cảm giác hưng phấn cho chính nghệ sĩ cũng như khán giả. Vậy không có lý do gì để chúng ta mở cửa cho các ca sĩ hát nhép.
Đây là điều không chỉ riêng tôi mà các ca sĩ, nghệ sĩ hoạt động lâu năm, chắc chắn họ sẽ không đồng tình.
- Đại diện phòng Quản lý biểu diễn và Bản ghi âm ghi hình (Cục Nghệ thuật biểu diễn) từng chia sẻ trên truyền thông rằng Nghị định 144 không có quy định cấm hát nhép, đàn nhái, nhưng cũng không có quy định cho phép hát nhép, đàn nhái.
Quy định của các cơ quan quản lý thật khó hiểu (cười). Tôi nghĩ chắc họ sẽ phải có những quy định riêng, chẳng hạn như với những chương trình của truyền hình được thực hiện với mục đích chính trị, để đảm bảo yếu tố an toàn thì phải có công văn xin phép được hát nhép. Còn nếu là những chương trình giải trí thì phải yêu cầu ca sĩ hát live. Các chương trình biểu diễn cho khán giả khác, nghệ sĩ cũng phải hát live. Chúng ta phải có những quy định rõ ràng như thế chứ không phải những quy định tạo ra nhiều cách hiểu. Như thế, quá nguy hiểm.
Tôi chỉ nghĩ, những gì pháp luật không cấm, mặc dù không khuyến khích nhưng người ta vẫn có thể làm. Và khi họ làm, chúng ta sẽ không có căn cứ gì để xử lý họ cả.
Nhạc sĩ Dương Cầm.
- Nghị định 79 không cho phép các nghệ sĩ hát nhép, tuy nhiên, điều này vẫn thường xuyên xảy ra. Nếu nghị định 144 không cấm, anh nghĩ hậu quả sẽ thế nào?
Thật sự những người trong nghề như chúng tôi, thậm chí khán giả, cũng quá quen với việc ca sĩ hát nhép trên sân khấu trong suốt thời gian qua. Đó là sự yếu kém của các cơ quan quản lý văn hóa.
Nhiều người có thể lấy lý do chương trình nghệ thuật quá nhiều, nhân lực thì mỏng nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta quyết liệt thực hiện thì cũng không khó. Chỉ cần người của cơ quan quản lý đột ngột kiểm tra một chương trình nào đó, xử phạt rồi thông tin rộng rãi trên truyền thông, cứ làm một vài vụ như thế, các nghệ sĩ sẽ phải chột dạ và băn khoăn rất nhiều nếu có ý định hát nhép.
Nghị định 79 không cho phép nghệ sĩ lên sân khấu hát nhép, điều này tạo động lực cho rất nhiều nghệ sĩ. Có những người bước đầu hát chưa tốt nhưng họ sẽ phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để cải thiện giọng hát. Vì đó là cách duy nhất để họ có được sự tin yêu của khán giả và không vi phạm quy định của pháp luật khi trình diễn..
Cơ quan quản lý phải có sự khích lệ và quy định chặt chẽ để các nghệ sĩ cố gắng hoàn thiện giọng hát chứ không thể mở cửa thế này.
Nhạc sĩ Dương Cầm
Cơ quan quản lý phải có sự khích lệ và quy định chặt chẽ để các nghệ sĩ cố gắng hoàn thiện giọng hát chứ không thể mở cửa thế này. Tôi sợ rằng, nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ việc hát nhép, nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ sẽ không còn cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện giọng hát nữa. Nó tạo ra sự không công bằng giữa những người hát live và những người hát nhép.
Các đơn vị tổ chức thì cứ theo luật mà làm. Nếu không cấm thì họ vẫn có quyền làm, chỉ cần bật nhạc lên, nghệ sĩ lên sân khấu trình diễn một vài vũ đạo vui, sôi động, thế là có một đêm diễn thành công, tiết kiệm tối đa chi phí. Điều này sẽ gây hậu quả không tốt cho nền âm nhạc Việt Nam.
Chúng ta đang từng bước tiến lên nền công nghiệp âm nhạc thì cần phải có quy định mang tính chất đặt nền móng vững chắc, phải có sự định hướng. Đó là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý về nghệ thuật.
- Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mỗi nghệ sĩ cần phải có trách nhiệm với chính uy tín của mình và với khán giả bằng nhiều cách, trong đó có việc không hát nhép?
Không thể đổ hết cho nghệ sĩ được. Nghệ sĩ thì cũng có nhiều dạng. Có những người coi nghệ thuật là nghề, gắn bó lâu dài nhưng cũng có nhưng nghệ sĩ chỉ coi nghệ thuật là cần câu cơm, kiếm tiền trong quãng thời gian nhất định. Sau đó họ sẽ không làm nghề nữa.
Hơn nữa, nếu cơ quan quản lý cũng quy định dễ dãi thì những nghệ sĩ yêu nghề đôi khi cũng dễ bị lung lay, dẫn tới thỏa hiệp với việc hát nhép.
Còn khán giả, có người sẽ nhận biết được người nghệ sĩ trên sân khấu có đang hát nhép hay không, nhưng cũng có người không nhận ra được điều đó, hoặc nguy hiểm hơn, họ biết nhưng cũng đành tặc lưỡi cho qua vì việc này có bị xử lý đâu, lên tiếng làm gì?.
Xét về mọi khía cạnh, tôi nghĩ việc nghị định mới không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79 là chưa ổn.
Ca sĩ được phép hát nhép, cư dân mạng dậy sóng, "réo tên" Chi Pu Theo Nghị định 144/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Chính phủ vừa ban hành, quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật sẽ được bãi bỏ. Nhiều người lo ngại quy định mới sẽ tiếp tay tạo ra một thị trường nhạc Việt "bát nháo" Theo quy định mới, ca sĩ hát nhép không còn phạm luật...