Thơ Việt vẫn không “lạc lõng” giữa Sài thành
Đó là lời chia sẻ của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu – Phó chủ tịch Hội nhà văn TPHCM, cũng là người chỉ huy tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức lần thứ 13 tại đây. Dân trí đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng ông trước khi chương trình diễn ra.
Ngày thơ Việt Nam sẽ diễn ra tại TPHCM từ tối 4/3 đến hết ngày 5/3 tại Hội Văn học nghệ thuật Tp.HCM (Ảnh: Trí Hòa)
Thưa ông, với cương vị là người đứng ra chỉ huy tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần này tại TPHCM, ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện này trong đời sống văn học nghệ thuật nói chung và ở TPHCM nói riêng?
Đây là lần thứ 13 mà Ngày thơ Việt Nam được tổ chức. Qua mỗi năm, tôi thấy Ngày thơ Việt Nam đã ngày càng mang nhiều màu sắc và được nâng chất hơn. Sự kiện này không chỉ là một ngày hội biểu diễn mà còn là nơi để những con người, những tâm hồn yêu thơ có thể sum họp và giao lưu cùng nhau hàng năm, mỗi dịp Tết nguyên tiêu về.
Hơn nữa, năm nay chủ đề của Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM là “Xuân thống nhất, phát triển, hướng về biển đảo”. Với sự quan tâm của nhiều câu lạc bộ thơ và nhiều tác giả của các thế hệ nhà thơ từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt là những tác giả trẻ trưởng thành và phát triển cùng thành phố từ sau năm 1975, tôi tin rằng, Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ vô cùng đa dạng và thú vị.
So với các năm trước thì ông đánh giá thế nào về sức hút của Ngày thơ Việt Nam đối với các đơn vị và cá nhân tham gia?
Theo tôi thì Ngày thơ Việt Nam năm nay thu hút đông đảo các đơn vị tham gia hơn so với mọi năm. Bên cạnh 24 câu lạc bộ thơ của các quận huyện thì đặc biệt năm nay còn có sự góp mặt của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM, Ban nhà thơ trẻ, và cả các câu lạc bộ thơ đến từ một số trường đại học trên địa bàn thành phố. Tất cả sẽ góp phần tạo nên một ngày hội thơ đa sắc màu tại TPHCM.
Công tác chuẩn bị cho Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM đã được hoàn thiện trong chiều 4/3 (Ảnh: Trí Hòa)
Thực tế cho thấy, công chúng Sài thành đặc biệt là giới trẻ hiện nay, thường dành sự quan tâm cho các loại hình giải trí mang tính bề nổi, sôi động nhiều hơn. Theo ông, thơ có vị trí như thế nào trong đời sống văn hóa tinh thần và phải chăng, thơ đang dần trở nên “lạc lõng”?
Video đang HOT
Tôi không nghĩ thơ lạc lõng. Vấn đề là mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng theo sở thích của mình. Thơ không phải là một hình thức nghệ thuật mang tính đại chúng như âm nhạc mà thơ là nơi gặp nhau giữa những tâm hồn cá biệt yêu thơ và cảm thông dành cho nhau. Tất nhiên, thơ sẽ không có những cái “hot” như âm nhạc nhưng thơ vẫn có hơi thở và cuộc sống riêng của nó. Mọi người thường nghĩ thơ không có tiết tấu, nhịp nhàng giống như âm nhạc nhưng thật ra, thơ đều có những yếu tố đó. Ngôn ngữ của thơ, đặc biệt là thơ trẻ vẫn phản ánh đầy đủ nhịp sống của thời đại đấy thôi.
Vậy theo ông, làm sao để thơ Việt có thể gần gũi hơn với công chúng, nhất là giới trẻ ngày nay?
Mặc dù những người quan tâm đến thơ vẫn còn hạn chế so với các loại hình nghệ thuật khác nhưng nhờ những dịp như thế này, tôi hy vọng nhiều người sẽ biết và quan tâm đến thơ hơn. Một tín hiệu đáng mừng là, thông qua các câu lạc bộ thơ, ngày càng xuất hiện các tác giả trẻ ở nhiều nơi. Từ đó, chúng tôi mới có thể phát hiện ra những gương mặt mới tài năng, để rồi phát triển và nâng dần lên thành các “cây bút” chuyên nghiệp, góp phần tăng cường thế hệ nhà thơ đương đại, cho ra đời những tác phẩm gần gũi và thu hút giới trẻ nhiều hơn.
Bên cạnh đó, một vấn đề mà tôi trăn trở cũng liên quan đến việc định hướng giới trẻ về các tác phẩm thơ hiện nay là mảng giáo dục. Theo tôi, các tác phẩm đưa vào hệ thống sách giáo khoa hiện nay còn mang nặng tính “khẩu hiệu”, mang nhiều màu sắc cách mạng trong quá khứ và xa rời với đời sống thực tế. Điều đó làm hạn chế khả năng tiếp cận và cảm thụ của các bạn trẻ. Nên chăng, ngành giáo dục cần thoáng hơn trong việc cân bằng và đưa vào nhiều tác phẩm thơ trẻ, mang hơi thở cũng như những suy tư, trăn trở và bứt phá về nhịp sống đương đại. Bởi suy cho cùng, chỉ có những bài thơ lay chuyển và làm rung động được tâm hồn của giới trẻ thì khi đó giới trẻ mới có thể đến với thơ một cách tự nhiên và nhiều hơn.
Một gian hàng của câu lạc bộ thơ đến từ quận 8, Tp.HCM đã sẵn sàng cho ngày hội (Ảnh: Trí Hòa)
Là một trong những người gắn bó lâu với thơ Việt nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung ở TPHCM, ông cảm thấy ấn tượng với những “cây bút” trẻ nào trong những năm trở lại đây?
Với riêng tôi thì những cái tên ấn tượng có thể kể đến sau năm 1975 như: Ngô Liêm Khoan, Trần Huy Minh Phương, Ngô Thị Hạnh, Minh Đan, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Phong Việt, … Mỗi người đều có cách truyền tải cảm xúc và giọng thơ riêng, nhưng đều góp phần tạo nên một đời sống thơ ca nhiều màu sắc cho văn học nghệ thuật Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Về Ngày thơ Việt Nam năm nay tại TPHCM, ông có thể chia sẻ thêm những nét mới và thú vị sẽ xuất hiện trong chương trình?
Ngoài việc giới thiệu các tác phẩm của các thế hệ nhà thơ của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ và những nhà thơ sinh ra, lớn lên cùng thành phố sau năm 1975, chương trình còn tạo đất diễn cho các tác giả trẻ đương đại thế hệ 9X. Một điểm nhấn nữa là, chúng tôi sẽ giới thiệu một Tập thơ “độc bản” gồm 40 bài thơ với chủ đề “Lớn lên cùng thành phố”, nhằm bán đấu giá và dành số tiền có được cho việc ươm mầm và phát triển tài năng cho các cây bút trẻ của thành phố.
Ngoài ra, nét mới so với Ngày thơ của các năm trước là, năm nay chúng tôi sẽ đơn giản hóa bằng việc trình diễn các tác phẩm thông qua việc đọc thơ chứ không ngâm thơ nữa. Điều này sẽ tránh việc làm “méo” tiết tấu, giọng thơ cũng như truyền tải cảm xúc của tác giả một cách thật nhất qua chính giọng đọc của các tác giả.
Cảm ơn ông và chúc cho Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM sẽ thành công tốt đẹp!
Trí Hòa
Theo Dantri
Chỉ huy cảnh sát biển Hàn Quốc đi tù vì vụ phà Sewol
Tòa án Hàn Quốc ngày 11/2 tuyên án 4 năm tù với một chỉ huy cảnh sát biển vì đã sơ suất trong thảm họa chìm phà Sewol từng làm hơn 300 người thiệt mạng vào năm ngoái. Cùng ngày, thuyền trưởng tàu Costa Concordia của Ý bị chìm năm 2012 cũng đã lĩnh án 16 năm tù.
Hiện trường cứu nạn vụ chìm phà Sewol. (Ảnh: AP)
Hãng thông tấn AFP đưa tin tòa án thành phố Gwangju, Hàn Quốc ngày 11/2 ra đã tuyên án 4 năm tù với chỉ huy lực lượng cảnh sát biển Kim Kyung-Il vì đã phạm tội sơ suất dẫn đến chết người.
Phà Sewol chở 476 người bị lật và chìm ngoài khơi đảo Jindo, làm hơn 300 người thiệt mạng hôm 16/4 năm ngoái. Trong ngày hôm đó, ông Kim là người chỉ huy tàu cảnh sát biển đầu tiên có mặt tại địa điểm nơi phà Sewol đang chìm để cứu nạn.
Tại phiên tòa ngày 11/2, các công tố viên cho rằng ông Kim là người phải chịu trách nhiệm khi công tác cứu hộ thất bại. Các chỉ thị sai lầm của ông đã làm lãng phí khoảng thời gian cứu nạn. Hoạt động di tản các hành khách trên phà Sewol đã diễn ra quá chậm, làm số người thiệt mạng tăng lên.
Theo các công tố viên, chỉ huy Kim đã nói dối khi khai rằng ông đã phát lời kêu gọi sơ tán các hành khách qua loa phóng thanh. Các thông tin của tòa án khẳng định ông Kim đã không làm vậy.
Thảm họa chìm phà Sewol đã gây chấn động Hàn Quốc và phủ một màu xám lên đất nước này trong suốt năm 2014. Truyền thông và công chúng nước này đã chỉ trích dữ dội chính phủ vì chiến dịch giải cứu diễn ra chậm chạp và thiếu hiệu quả.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã đệ đơn xin từ chức vào ngày 27/4. Ông Chung đã xin lỗi vì "không thể ngăn vụ tai nạn này và không thể xử lý vụ việc được tốt sau khi nó xảy ra". Thuyền trưởng phà Sewol hồi tháng 11 năm ngoái đã bị xử 36 năm tù vì tội sơ suất và vô trách nhiệm dẫn đến chết người.
Thuyền trưởng trong vụ chìm tàu du lịch Costa Concordia (Ý) lĩnh án 16 năm tù
Thuyền trưởng Francesco Schettino. (Ảnh: Huffington Post)
Theo hãng thông tấn BBC, thuyền trưởng Francesco Schettino hôm 11/2 đã bị kết tội ngộ sát sau khi con tàu du lịch Costa Concordia va vào đá và bị lật nghiêng khiến hơn 4.000 du khách sơ tán trong hoảng loạn và 32 người thiệt mạng.
Ngoài ra, tội danh của ông còn bao gồm việc rời bỏ con tàu để thoát thân trong khi hơn 4.000 hành khách vẫn còn mắc kẹt trên tàu. TheoAFP, ông Schettino bị kết án 10 năm cho tội danh ngộ sát, 5 năm vì gây ra vụ chìm tàu và 1 năm tù vì tội bỏ rơi hành khách.
Thuyền trưởng 54 tuổi này bị cáo buộc đã lái tàu con tàu dài tới 290 m quá gần bờ. Khi tàu va vào đá và bị lật nghiêng, ông đã trì hoãn việc sơ tán đồng thời bỏ trốn trước, bỏ mặc số phận của những người khác.
Tuy nhiên, ông Schettino biện hộ mình đã bị văng ra khỏi tàu khi nó nghiêng. Ông còn cho rằng mình là một "con tốt thí" để đảm bảo lợi ích kinh tế của chủ tàu. Ông Schettino không có mặt tại phiên tòa ngày 11/2 và dự kiến sẽ kháng cáo.
Vụ tàu du lịch hạng sang Costa Concordia chở hơn 4.000 hành khách đâm phải đá ngầm ngoài khơi đảo Giglio, Tuscany, Ý đầu năm 2012 được coi là tai nạn hàng hải tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II tại nước này. Thảm họa này đã khiến 32 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương do xô đẩy lẫn nhau trong lúc hoảng loạn.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
Cận cảnh Rolls-Royce mạ vàng biển Quảng Ninh tại Sài Gòn Sau hơn một tháng xuất hiện tại Sài Gòn, chiếc Rolls-Royce Phantom được mạ vàng bởi những người thợ Việt bất ngờ xuất hiện tại một khu căn hộ cao cấp. Ngày 9/10 là lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh về chiếc Rolls-Royce Phantom mạ vàng mang biển kiểm soát Quảng Ninh. Khi đó, xe được bắt gặp tại khu vực quận...