Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
Ngày 28/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này ủng hộ việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Thông báo được đưa ra sau cuộc thảo luận giữa ông Erdogan với lãnh đạo hai quốc gia Bắc Âu tại thủ đô Madrid.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông báo được đưa ra về tuyên bố trên, Tổng thống Erdogan khẳng định Ankara “đã có điều mà nước này cần”. Ông nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ đã thu được những kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố”.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ca ngợi nước này có “một thỏa thuận rất tốt” với Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Magdalena Andersson nói: “Tôi nghĩ đây là một thỏa thuận mà tôi ủng hộ hoàn toàn”.
Về phần mình, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một biên bản ghi nhớ với nước này cùng Thụy Điển, trong đó Ankara ủng hộ hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.
Tháng trước, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO. Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ ý kiến phản đối, cho rằng Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các đối tượng có liên quan tới nhóm chiến binh của PKK và những nhân vật ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính hồi năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Phần Lan bàn giao các nghi phạm khủng bố – đây là yêu cầu mà Ngoại trưởng Haavisto cho là chỉ có thể được thực hiện nếu nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật được tôn trọng.
5 vấn đề 'nổi cộm' tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid
Hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần này dự kiến đề cập đến một loạt vấn đề, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, đến tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Video đang HOT
Một hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra hồi tháng 4/2022. Ảnh: Nato.int
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cùng các đồng minh tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) trong tuần này, dự kiến tập trung vào việc thống nhất và phối hợp giữa các thành viên trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cuộc họp diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 tại Đức, cũng được cho là sẽ đề cập đến một loạt vấn đề ngoài cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong đó có việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Dưới đây là năm điều đáng chú ý tại cuộc họp NATO.
Thứ nhất, thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ tư và các nhà lãnh đạo NATO dự kiến ưu tiên hàng đầu thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Ukraine. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu đối với Tổng thống Biden, người đã đưa sự ủng hộ của Ukraine vào vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự của mình.
Trước thềm hội nghị, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: "Tổng thống Biden sắp tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, nơi liên minh thực sự chưa bao giờ có sự thống nhất hơn thế".
Ông Biden, trong chuyến thăm Ba Lan hồi tháng 3, đã nói rằng Moskva không thể chia rẽ NATO và nhấn mạnh điều quan trọng nhất là Mỹ và các đồng minh phải luôn phối hợp. Ông cũng củng cố cam kết của mình đối với nguyên tắc phòng thủ tập thể trong Điều 5 của NATO, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công nhằm vào 1 nước thành viên đồng nghĩa với một cuộc tấn công toàn Liên minh.
Thứ hai, bất đồng của Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển liên quan đến tiến trình gia nhập NATO.
Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng các nước Bắc Âu đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã phản đối tư cách thành viên do hai nước ủng hộ các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.
Về mặt lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phủ quyết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, tư cách thành viên đòi hỏi sự nhất trí của tất cả các nước trong Liên minh.
Không rõ liệu ông Biden, người đã lên tiếng ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển, có gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để trao đổi về vấn đề này hay không. Các quan chức chính quyền cấp cao Mỹ, khi được hỏi về một cuộc gặp, đã chỉ ra cơ hội cho các nhà lãnh đạo gặp gỡ bên lề hội nghị ngay cả khi không có cuộc họp nào được lên kế hoạch theo lịch trình.
Daniel Fried, cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan và là chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng ông Biden nên can dự trực tiếp vào việc giải quyết những bất đồng với người đồng cấp Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng họ không coi hội nghị thượng đỉnh này là thời hạn cuối cùng để quyết định có chấp nhận các nước Bắc Âu hay không. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phản đối tư cách thành viên của họ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã không đưa ra mốc thời gian về thời điểm Phần Lan và Thụy Điển có thể chính thức gia nhập.
Rose Gottemoeller, cựu Phó Tổng thư ký NATO, dự đoán sẽ mất ít nhất một năm để hai nước gia nhập liên minh nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút lại sự phản đối.
Thứ ba, yếu tố Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến thông qua một khái niệm chiến lược mới - khái niệm chiến lược đầu tiên kể từ năm 2010 - để giải quyết rõ ràng những thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Ông Kirby tuần trước nói với các phóng viên rằng khái niệm chiến lược được xây dựng dựa trên nhiều tháng đối thoại về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc tế.
"Tôi nghĩ rằng đó là sự phản ánh mối quan tâm của các đồng minh đối với ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế của Trung Quốc, vấn đề sử dụng lao động, bản quyền trí tuệ và hành vi quyết đoán không chỉ trong khu vực mà còn ở những nơi khác trên thế giới. Các nước thành viên cho rằng điều quan trọng là phải đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược mới", ông Kirby nói.
Trong khi NATO sẽ coi Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất, thì Trung Quốc được coi là mối đe dọa nhiều mặt và lâu dài hơn. Do đó, Liên minh này dự kiến sẽ thảo luận về các mối đe dọa kinh tế và an ninh mạng xuất phát từ Trung Quốc cũng như an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden từng khẳng định rằng họ tiếp tục tập trung vào Trung Quốc ngay cả khi đang giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Mỹ chắc chắn sẽ phải phân tán sự chú ý giữa an ninh ở châu Âu và châu Á. Bà Gottemoeller nhận định: "Mỹ đang thực hiện nhiều hành động cân bằng hơn".
Thứ tư, các quốc gia đẩy mạnh cam kết về tăng cường thế trận.
Các thành viên NATO dự kiến đưa ra các cam kết tăng cường lực lượng để củng cố khả năng phòng thủ trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Các quan chức chính quyền Biden cho biết các kế hoạch mới sẽ giúp củng cố NATO và ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng của Nga.
Theo ông Fried, sẽ có các cuộc thảo luận cụ thể về việc tăng cường sự hiện diện của NATO ở các nước Baltic và Ba Lan, những nước láng giềng gần gũi với Ukraine. "NATO nên tăng cường các hoạt động triển khai ở phía sườn phía Đông để phát huy sức mạnh", ông Fried lưu ý.
Thứ năm, tập trung vào chi tiêu quốc phòng.
Thảo luận về việc tăng chi tiêu quốc phòng đã là một chủ đề gây tranh cãi đối với NATO, đặc biệt là trong chính quyền Mỹ trước đó khi cựu Tổng thống Trump gây áp lực buộc các nước phải chi nhiều hơn để đáp ứng mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến các quốc gia cam kết chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, đặc biệt là Đức, nước đã cam kết đầu năm nay sẽ chi trên 2% GDP sau nhiều năm ở dưới mức đó. Bà Gottemoeller cho biết: "Trong cuộc khủng hoảng này, các nước NATO đã cam kết chi tiêu quốc phòng nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng tất cả các nước thành viên sẽ xem xét lại việc chi tiêu ngân sách quốc phòng của họ".
Một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ cho biết Washington hy vọng "quỹ đạo tăng" chi tiêu quốc phòng trong bảy năm qua sẽ tiếp tục và tăng tốc, điều này nhằm đảm bảo liên minh có nguồn lực tốt.
Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển sẽ thỏa hiệp trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO? Bất chấp sự can thiệp của Tổng thư ký NATO, rất khó để tạo ra sự đột biến giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển vào cuối tháng 6 này. Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff ngày 18/5/2022. Ảnh: AFP Ngày 20/6,...