Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiết lộ chi tiết cái chết nhà báo Arab Saudi
“Chúng tôi không buộc tội ai nhưng chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ điều gì bị che giấu”, ông Omer Celik, một bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu dẫn lời ông Omer Celik, người phát ngôn của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiết lộ mọi việc đã xảy ra. Không ai nên nghi ngờ về điều đó”.
“Chúng tôi không buộc tội ai nhưng chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ điều gì bị che giấu”, ông Omer Celik, một bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố.
Một nhân viên an ninh đứng bên ngoài tòa nhà lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul, nơi nhà báo Jamal Khashoggi thiệt mạng.
Trong khi đó, một thành viên khác của đảng AKP, cựu phó thủ tướng Numan Kurtulmus tỏ ra gay gắt hơn khi tuyên bố sẽ không để chính phủ Saudi thoát khỏi những trách nhiệm liên quan về vụ việc này, ông cũng cam kết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chia sẻ với thế giới tất cả những chi tiết về cái chết của nhà báo Khashoggi, và cũng cho biết “một kết luận chính thức” về cuộc điều tra đang chuẩn bị được công bố.
Hãng thông tấn chính thức WAM của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết UAE ngày 20/10 đã ủng hộ tuyên bố của Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
Theo Reuters, sau lời giải thích này, các nước phương Tây tỏ ra khá thận trọng trong khi các đồng minh Trung Đông của Saudi đã lên tiếng ủng hộ Riyadh. Chính phủ Anh tuyên bố đang xem xét “hành động tiếp theo”, chính phủ Tây Ban Nha “kinh ngạc” trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng ông “phiền lòng sâu sắc” trước cái chết của nhà báo người Saudi.
Trái với phản ứng của các nước phương Tây, nhiều nước đồng minh của Saudi Arabia lại bày tỏ sự ủng hộ trước việc Saudi Arabia thừa nhận việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại trong Lãnh sự quán nước này. Bộ Ngoại giao Ai Cập hôm nay đã gọi động thái của Saudi Arabia là hành động “quyết đoán và dũng cảm”, tôn trọng nguyên tắc và sự ứng dụng hiệu quả của luật pháp. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng gửi lời chia buồn tới gia đình nhà báo Jamal Khashoggi và bày tỏ tin tưởng cuộc điều tra sẽ hé lộ sự thật.
Khashoggi, nhà báo thường xuyên chỉ trích chính quyền Arab Saudi, biến mất từ hôm 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul để làm thủ tục đăng ký kết hôn với bạn gái người Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà điều tra ở Ankara tin rằng ông này bị một nhóm gồm 15 đặc vụ sát hại và “phân tách thi thể”.
Nhật báo Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/10 đưa tin họ đang sở hữu đoạn ghi âm cho thấy sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi, Khashoggi bị một nhóm người tra tấn bằng cách cắt đứt các ngón tay và sau đó bị chặt đầu.
Video đang HOT
Sau nhiều ngày khẳng định Khashoggi còn sống khi rời khỏi lãnh sự quán, Arab Saudi hôm nay thừa nhận nhà báo này đã chết trong cơ quan ngoại giao của nước này ở Istanbul vì tranh cãi và ẩu đả với người trong lãnh sự. 18 người Arab Saudi liên quan đã bị bắt.
Hòa An (TH)
Theo baogiaothong
Nghi vấn nguyên nhân cái chết bí ẩn của nhà báo Ả rập
Việc chính quyền Ả rập Xê út tuyên bố nhà báo Jamal Khashoggi thiệt mạng trong một vụ ẩu đả bên trong lãnh sự quán Ả rập Xê út tại Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức dấy lên sự hoài nghi và trái ngược hoàn toàn với những thông tin do giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ trước đó.
Nhà báo Jamal Khashoggi (Ảnh: Sputnik)
Những kết luận của chính quyền Ả rập Xê út về vụ việc liên quan tới ông Khashoggi đã gia tăng sức ép lên chính quyền Trump về việc cần thiết phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập để làm rõ cái chết của nhà báo này.
Các quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã nghe đoạn băng ghi âm mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho là bằng chứng để chứng minh nhà báo Khashoggi đã bị sát hại và phân xác bởi một nhóm các đặc vụ Ả rập Xê út bên trong lãnh sự quán Ả rập Xê út tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10. Nếu được xác nhận chính thức, đoạn băng ghi âm này sẽ gây nhiều khó khăn cho Nhà Trắng để có thể chấp nhận "phiên bản" do Ả rập Xê út đưa ra rằng, cái chết của nhà báo Khashoggi chỉ đơn giản là một vụ tai nạn. Người phát ngôn của CIA hiện vẫn chưa lên tiếng về vụ việc.
Theo thông báo được phát đi sáng sớm nay 20/10 tại thủ đô Riyadh, Ả rập Xê út cho biết một số "nghi phạm" chưa rõ danh tính đã tới lãnh sự quán để gặp nhà báo Khashoggi và có dấu hiệu cho thấy hai bên đã thảo luận về việc để ông Khashoggi quay trở lại Ả rập Xê út. Trước đó, nhà báo Khashoggi, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của chính quyền Ả rập Xê út, đã sống lưu vong ở Virginia, Mỹ.
"Cuộc thảo luận đã diễn ra không theo dự tính mà phát triển theo hướng tiêu cực, dẫn tới một vụ ẩu đả và tranh cãi khiến ông Khashoggi thiệt mạng", thông báo cho biết, đồng thời nói rằng các nghi phạm đã tìm cách "giấu kín và che đậy những gì đã xảy ra", song không nêu thông tin chi tiết.
Ông Khashoggi bước vào lãnh sự quán Ả rập Xê út hôm 2/10. (Ảnh: RT)
Cả các quan chức tình báo Mỹ, các chuyên gia chính sách đối ngoại và các nghị sĩ đều nhanh chóng cáo buộc chính quyền Ả rập Xê út che đậy sự thật.
"Họ đang câu giờ. Họ đang tạo vỏ bọc. Họ đang tìm cách đổ trách nhiệm cho một nhóm "gánh tội thay" và giới hạn cuộc điều tra trong tầm tay của chính quyền Ả rập Xê út", Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Richard Blumenthal cho biết.
Theo Washington Post, tờ báo nơi ông Khashoggi làm việc, người đàn ông này tới lãnh sự quán Ả rập Xê út hôm 2/10 để lấy giấy tờ làm thủ tục đăng ký kết hôn với bạn gái người Thổ Nhĩ Kỳ. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Khashoggi tới đó để gặp những người Ả rập Xê út khác để nói chuyện về việc hồi hương.
Chính quyền Ả rập Xê út trước đó nói rằng ông Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán hôm 2/10 và họ không biết ông ấy đi đâu. Trong khi đó, camera an ninh chỉ ghi được hình ảnh nhà báo này bước vào lãnh sự quán, song không có hình ảnh bước ra.
Ả rập Xê út cho biết nước này đã bắt giữ 18 cá nhân chưa rõ danh tính và sa thải 2 quan chức cấp cao bị tình nghi có liên quan tới vụ nhà báo Khashoggi. Chính quyền Ả rập cũng nói rằng họ sẽ mất thêm khoảng một tháng nữa trước khi hoàn tất cuộc điều tra đầy đủ dưới sự giám sát của Thái tử Mohammed bin Salman - người đang nằm trong diện nghi vấn của Thổ Nhĩ Kỳ về cái chết của ông Khashoggi.
Giới chức Mỹ hoài nghi
Tổng thống Trump đón Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng hồi tháng 3. (Ảnh: AFP)
Theo Thượng nghị sĩ Adam B. Schiff từ bang California, nghị sĩ Dân chủ hàng đầu tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, tuyên bố nói ông Khashoggi bị chết khi ẩu đả với một nhóm gồm hơn 10 người được cử từ Ả rập Xê út tới "không đáng tin cậy". Nghị sĩ Schiff cho rằng nếu ông Khashoggi thực sự xô xát bên trong lãnh sự quán thì đó là do ông ấy phản kháng trước những người được cử tới để bắt hoặc giết ông ấy.
Chính quyền Ả rập Xê út không giải thích chuyện gì đã xảy ra với thi thể của nhà báo Khashoggi và cũng không công bố bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố của họ.
"Đây là màn kịch che đậy vụng về nhất mà tôi từng thấy. Vậy thi thể của ông ấy đang ở đâu? Tại sao phải mất tới 17 ngày mới công bố thông tin vụ việc", Bruce Riedel, chuyên gia về Ả rập Xê út từng công tác hơn 30 năm tại CIA, nhận định.
Nhà báo Khashoggi gần đây đã tiết lộ với các bạn của ông rằng giới chức Ả rập Xê út có liên hệ với Thái tử Mohammed từng tìm cách lôi kéo ông quay trở lại Ả rập Xê út. Tuy nhiên ông Khashoggi tin rằng những người này sẽ không bao giờ đảm bảo an toàn cho ông.
Một trong số 2 quan chức hàng đầu vừa bị Ả rập Xê út sa thải là Saud al-Qahtani - cố vấn truyền thông cho Thái tử Mohammed. Quan chức này từng tìm cách thuyết phục nhà báo Khashoggi quay trở lại Ả rập Xê út, trấn an rằng ông sẽ được an toàn, thậm chí được bổ nhiệm vào vị trí đầy hứa hẹn để làm việc cho Thái tử Mohammed. Khaled Saffuri, một nhà hoạt động chính trị người Mỹ gốc Ả rập, kể lại rằng nhà báo Khashoggi từng nói ông không tin lời giới chức Ả rập Xê út một chút nào.
Maher Abdulaziz Mutreb (áo vest), một trong số 15 đặc vụ Ả rập Xê út nằm trong diện nghi vấn của Thổ Nhĩ Kỳ, thường xuyên được nhìn thấy tháp tùng Thái tử Mohammed bin Salman trong các chuyến công du. (Ảnh: New York Times)
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ đội sát thủ gồm 15 đặc vụ Ả rập Xê út đã tham gia đoạt mạng nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên hiện chưa rõ 18 đối tượng bị Ả rập Xê út bắt giữ có bao gồm 15 đặc vụ khả nghi trên hay không. Washington Post đã rà soát thông tin hộ chiếu và ảnh của 15 đặc vụ và phát hiện ra rằng một số người có quan hệ với Thái tử Ả rập Xê út. 5 người trong số này từng tới Mỹ trong những năm gần đây trong các chuyến đi trùng với khoảng thời gian Thái tử Mohammed tới Mỹ.
Các chuyên gia cho biết các chuyến bay chở các đặc vụ trên tới Mỹ trong những năm gần đây đều rất sát với khoảng thời gian diễn ra các hoạt động của Thái tử Mohammed tại Mỹ. Điều này cho thấy các đặc vụ này chính là các thành viên trong đội cận vệ của thái tử. Nói cách khác, cái chết của nhà báo Khashoggi rất có thể sẽ liên quan tới Thái tử Ả rập Xê út, theo Washington Post.
"Họ là các nhân viên an ninh (của thái tử), gần như chắc chắn là như vậy. Từ những gì tôi nhìn thấy trong các bức ảnh chụp họ với thái tử, có thể kết luận họ là các nhân viên an ninh và vệ sĩ", chuyên gia Riedel nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Washington Post
Mỹ, EU đòi làm rõ "uẩn khúc" vụ nhà báo Ả rập nghi bị phân xác Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu đều cảm thấy chưa thỏa mãn với lời giải thích của Ả rập Xê út về cái chết bất thường của nhà báo Jamal Khashoggi và yêu cầu làm rõ vụ việc Nhà báo Jamal Khashoggi (Ảnh: BBC) Trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới bang Nevada hôm...