Thợ lặn 1 chân đại tài ở miền Tây
Ngay từ nhỏ, chân phải ông Tân đã bị teo. Dù “bánh lái” chỉ còn một nửa nhưng ông Tân vẫn đến với nghề thợ lặn, chuyên trục vớt ghe tàu cho người dân ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) và những vùng lân cận, nổi danh khắp các tỉnh miền Tây.
Quyết “ăn thua” với “hà bá”
Người thợ lặn đại tài ấy là ông Hồ Tân hiện sống tại khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Qua 35 năm “kết bạn” với “thuỷ thần”, đến nay ông Hồ Tân là một tay thợ lặn nức tiếng cả vùng ĐBSCL. Vì thế ở đâu có ghe xuồng gặp nạn trên sông là người ta chạy tới nhờ ông, mong “vớt vát” được vài món đồ khi ghe tàu bị đắm.
Ở cái tuổi 53 nhưng ông Hồ Tân vẫn còn khỏe mạnh. ông Tân chia sẻ: “Sống ở miền sông nước này, cái ghe, cái xuồng là cả gia nghiệp của người dân nơi đây. Lỡ sóng gió hay gặp con nước dữ ghe bị chìm thì coi như mất trắng. Bởi vậy, mình học được nghề lặn như là niềm hy vọng cho những khổ chủ không may bị “hà bá” nuốt chửng tài sản; khi đó mình phải toàn lực giúp đỡ người ta”.
Ông Hồ Tân sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, không đất đai nhà cửa nên ai cũng nghèo khó. Riêng ông Hồ Tân lên 4 tuổi thì bị sốt bại liệt, chân phải cứ tê dại rồi teo tóp dần nên mọi việc đi lại ông phải nhờ cây nạng gỗ.
Chỉ cần ngậm cái ống hơi như thế này, ông Hồ Tân có thể ngâm mình dưới nước hơn 40 phút
Tuy nhiên, ông Tân không đầu hàng số phận, ông ra sức luyện tập để việc đi lại và sinh hoạt mà không nhờ người thân giúp đỡ. Nhưng làm sao để mưu sinh, tự lo cho mình khi bản thân bị tật nguyền, chữ nghĩa và vốn liếng chẳng có? Trong lúc đang tìm kế mưu sinh, nhiều lần ông Tân chứng kiến cảnh ghe tàu bị chìm, người dân mất hết tài sản, cụt đường sinh sống, ông Tân quyết định đến với nghề thợ lặn.
Năm ông Tân 18 tuổi, anh em trong nhà tập bơi cho ông. Sau bao ngày luyện tập vất vả, có khi uống nước no bụng, cuối cùng ông cũng biết bơi và điều đặc biệt là dù ông chỉ có một chân khỏe mạnh nhưng bơi lội giỏi hơn người khác và còn dám lặn sâu xuống tận đáy sông – nơi ít ai dám bén mảng tới.
Thế là cái duyên thợ lặn đến với ông, sống tại ngã bảy sông, nơi giao nhau của các con sông lớn đổ về nên không ít trường hợp xuồng ghe của người dân bị chìm. Không sợ nguy hiểm, ông lao ra cứu người, vớt đồ đạc, tài sản, ghe chìm… Công việc không ai dám làm chỉ có mình ông đảm nhiệm. Nghề thợ lặn gắn với ông cho đến ngày hôm nay, tính ra cũng 35 năm.
Tiếng lành đồn xa, nơi nào có xuồng ghe gặp nạn là ông có mặt, có khi ông sang Cần Thơ, có khi xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu để trục vớt ghe xuồng. Điều ông vẫn giữ xưa nay là không bao giờ ra giá đối với người gặp nạn, có khi ông không lấy tiền, có khi người được giúp đỡ cảm kích trả ơn bằng gói thuốc lá hay vài xị rượu đế để ông “giữ ấm”. Thế là đủ.
Có “tật”, có tài và có tâm
Ông Tân ngậm cái ống hơi bằng ngón tay rồi nhảy ùm xuống sông và ở dưới gần 40 phút mới ngoi lên. Có khi ông ở dưới đáy sông cả buổi để lần mò trục vớt ghe xuồng, tài sản cho người bị nạn.
Video đang HOT
Nghề thợ lặn, dù sông hay biển, vùng nước nông hay sâu thì một êkip lặn bao giờ cũng có từ 3- 4 người. Trong đó có người lái ghe, người canh máy dưỡng khí, người cầm dây tín hiệu liên lạc với thợ lặn… Còn ông Tân hành nghề chỉ một mình với chiếc máy bơm được đặt trên ghe. Hỏi bí quyết, ông cười khà khà: “Tôi lặn chỉ cần trên người mặc cái quần xà lỏn cùng cái ống hơi là đủ, làm riết rồi quen, chứ mang nhiều đồ đạc trên mình bị vướng. Nếu lặn “mình không” tôi có thể len lỏi và các ngóc ngách để vớt đồ đạc, máy móc cho người ta dễ dàng hơn chứ chẳng có bí quyết gì cả”.
Anh Trần Văn Tốt, người dân ở thị xã Ngã Bảy cho biết: “Ghe xuồng bị nạn nếu gặp ông Tân là khỏi lo, ổng vớt lên nhanh cấp kỳ. Làm cái nghề nguy hiểm vậy nhưng ông không bao giờ làm khó người ta về chuyện tiền bạc hay ơn nghĩa. Nhất là khi gặp người nghèo khó, khi vớt xong ông lặng lẽ ra về để người ta khỏi bận bịu chuyện đền ơn”.
Với 35 trong nghề, ông Tân trục vớt cả ngàn ghe xuồng bị chìm ở miền Tây, nhưng cuộc sống gia đình ông thì vẫn bấp bênh trên chiếc chiếc ghe cỏn con như thế này
Ông Tân bắt đầu “nổi danh” từ năm 2006 khi một chiếc tàu nặng hàng chục tấn bị chìm ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Tàu nặng chìm ở đoạn sông sâu nên những thợ lặn khác đành bó tay. Nghe danh Hồ Tân, chủ tàu tìm đến và nhờ ông cứu giúp. Một mình một ghe ông Tân chạy xuống Mỹ Tú, sau khi lặn một hơi dò xét và định vị, ông ngoi lên và gật đầu “cái rụp” nói sẽ vớt tàu lên cho chủ, cứ yên tâm.
Lúc này cánh thợ lặn chuyên nghiệp ở vùng Mỹ Tú cùng nhiều người tỏ ra hoài nghi khi thấy ông thợ lặn chỉ có một chân khỏe mạnh, thân hình cao khoảng 1,5m còn trên ghe trống trơn không có dụng cụ gì mà đòi cứu tàu.
Ngày hôm sau ông lôi trong ghe ra mấy cái thùng phuy rồi nhấn chìm xuống sông, bằng những ngón nghề của mình tích lũy được, ông đưa các thùng phuy này vào bên trong ghe và bắt đầu nổ máy, bơm hơi vào các phuy để đẩy nước ra ngoài, nâng tàu lên. Cứ như thế các thùng phuy được tăng cường thêm, ông lặn hụp để bơm hơi, cân bằng tàu, sau 2 ngày chiếc tàu đã được cứu.
Từ đó tiếng lành của thợ lặn Hồ Tân được vang xa, nơi nào tàu ghe gặp nạn cũng tìm ông cầu cứu. Cứ như thế, một mình một ghe ông rong ruổi khắp các con sông để hành nghề và giúp người.
Hiện ông Tân có một gia đình hạnh phúc. Cô con gái đang học lớp 7, rất ngoan và học giỏi cùng người vợ buôn bán ở Mỹ Tú, Sóc Trăng. Ông Tân tâm sự: “Cái nghề này rài đây mai đó, như cái nghiệp gắn bó với mình nên không ở yên một chỗ. Tôi đi còn vợ con ở nhà lo làm ăn, khi nào cuối tuần con không học thì cùng mẹ lên thăm tôi hoặc lúc nào tôi “thất nghiệp” thì chạy ghe về Sóc Trăng thăm hai mẹ con nó”.
Trao đổi với PV Dân trí ông Đinh Công Phúc – Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Bảy – cho biết: “Qua 35 năm ông Tân gắn bó với nghề thợ lặn đã “giải cứu” cả ngàn trường hợp ghe xuồng gặp nạn, nhưng đến nay cuộc sống gia đình ông vẫn đắp đổi qua ngày. Nhưng điều đáng quý ở ông Tân là chẳng bao giờ câu nệ với khổ chủ chuyện tiền công khi nhận lời trục vớt ghe tàu bị chìm. Thấy cuộc sống ông còn khó khăn, vừa qua, địa phương đã xem xét đưa ông Tân vào danh sách bảo trợ người tàn tật để phụ thêm thu nhập, giúp gia đình ông đỡ chật vật”.
Nguyễn Hành
Theo Dantri
Choáng với kình ngư một chân ở bảy ngã sông
"Không tin hả, để tui biểu diễn cho anh coi" - vừa nói dứt câu, anh Tân ngậm cái ống thở vào miệng nhảy ùm xuống sông và mất dạng theo con nước. Độ hơn nửa tiếng sau, tôi bắt đầu sốt ruột, anh Tân bỗng ngoi lên, miệng cười nói: "Sợ anh đợi lâu thôi, chứ bình thường tui có thể lặn cả ngày dưới nước".
"Kình ngư một chân" xả hơi sau khi ngụp lặn dưới nước trên chiếc ghe nhỏ là nơi trú thân của anh bao năm qua.
Người tôi đang tiếp chuyện là anh Hồ Tân (khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Dù bị thương tật từ nhỏ, chỉ còn có một chân, nhưng anh lại là một "kình ngư" nức tiếng khắp vùng. Hơn 30 năm qua, bất kể mưa nắng đêm ngày, anh đã không quản khó khăn để trục vớt tài sản cho hàng ngàn ghe tàu bị nạn...
Nặng nợ với sông nước
Trước mặt tôi là người đàn ông có thân hình vạm vỡ, trên mình vận chiếc quần tà lỏn, đầu đội nón bo, nước da sạm đen vì cháy nắng. Ít ai nghĩ năm nay anh đã ngoài 50 tuổi. Dù phải dùng đến chiếc nạng gỗ thay thế cho cái chân bị tật nguyền, nhưng trông dáng đi của anh rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Tôi ngỏ ý muốn vào nhà nói chuyện, anh Tân phân trần: "Tui cũng muốn lắm, chỉ sợ chú em không chịu thôi".
Rồi anh Tân chỉ tay về chiếc ghe nhỏ đang neo đậu cặp bờ sông Ngã Bảy và cho biết đó là nơi trú thân của anh mấy chục năm qua. Tôi quan sát thật kỹ chiếc ghe, bên trong chẳng có gì hơn ngoài một bình nước lọc và một số vật dụng cá nhân nho nhỏ. Anh Tân nói như đùa: "Đó là tất cả gia tài của tui, đến áo còn không có để mặc. Nói vui vậy thôi chứ tui làm nghề thợ lặn, quanh năm chỉ mặc có cái quần tà lỏn, mỗi khi có chuyện thì nhảy ùm xuống nước, lúc lên bờ cứ mình trần phơi nắng, riết rồi da mới đen như vầy nè".
Anh Hồ Tân sinh năm 1960 (tại khu vực 1, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy) trong một gia đình có đến 9 anh chị em.
Nhà nghèo, lại đông con, không đất đai, nhà cửa, nhiều người đã phải sống lay lắt qua ngày nơi vỉa hè, xóm chợ. Năm lên 4 tuổi, anh Tân mắc phải căn bệnh sốt bại liệt quái ác. Sau lần đó, anh bị liệt cái chân trái. Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, hằng năm phải chống chọi với lũ, anh Tân hiểu rõ điều tiên quyết đối với mình cũng như người dân nơi đây là phải biết bơi thành thạo. Và bằng nỗ lực phi thường, đến năm 18 tuổi, anh Tân đã có thể một mình vượt sông và lặn dưới nước như một con rái cá... Theo lời kể của người dân địa phương, Ngã Bảy là nơi giao nhau của nhiều con sông lớn với nhiều điểm nước xoáy mạnh, không ít ghe tàu qua lại đã bị nước đánh chìm...
Chứng kiến những cảnh ấy, anh Tân xót xa cho những người không may, nên đã nhiều lần ra tay "nghĩa hiệp", ngụp lặn dưới lòng sông trục vớt tài sản cho các ghe tàu bị nạn. Rồi ngày qua ngày, cái nghề thợ lặn đã gắn bó với anh lúc nào không biết. "Nhà tui nghèo không có cái ăn cái mặc thì nói gì đến chuyện học hành, lại thêm bị tật nguyền từ nhỏ nên tui chẳng biết làm nghề gì để mưu sinh. Có lẽ thấy mình tội nghiệp, nên ông trời ban cho cái tài bơi lặn ở dưới nước để làm kế sinh nhai" - anh Tân tâm sự.
Dù bị liệt một chân, nhưng anh Tân lại có khả năng lặn phi thường dưới nước.
Nổi danh "kình ngư"
Những ngày đầu đến với nghề thợ lặn, gần như chẳng ai biết anh Tân. Đến khoảng năm 2006, anh được một chủ tàu tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng "hợp đồng" trục vớt chiếc tàu sắt nặng mấy chục tấn đã nằm dưới đáy sông gần một tuần. Hồi đó, nhìn cái thân hình chỉ cao hơn 1,5m, lại liệt mất một chân, ai cũng cho rằng ông chủ tàu làm chuyện "dở hơi" vì mướn một người như thế. Anh Tân không để bụng những lời dị nghị đó và tập trung vào công việc của mình. Sau khi xem xét vị trí, độ sâu nơi chiếc tàu bị chìm, anh lặn dưới lòng sông nhấn chìm ba cái thùng phuy vào các vị trí đã định sẵn, cột dây vào bánh lái, hầm tàu. Tiếp đến, anh đưa vòi hơi vào các thùng phuy, đẩy nước trong thùng ra ngoài, thùng phuy đầy hơi tạo lực đẩy từ từ đưa con tàu ngoi lên mặt sông. Tất cả chỉ diễn ra trong 2 ngày, mọi người ai cũng ngỡ ngàng, thán phục, rồi từ đó tài bơi lặn của anh được truyền tụng khắp nơi... Tính đến thời điểm hiện tại, anh Tân đã trục vớt tài sản cho hàng ngàn ghe tàu bị nạn...
Tôi đã từng chứng kiến không ít vụ trục vớt ghe tàu bị chìm. Thông thường sẽ có khoảng vài ba người lặn xuống nước, được trang bị đầy đủ các dụng cụ, thậm chí có cả bình khí thở. Trên ghe lúc nào cũng có sẵn vài người túc trực để sẵn sàng ứng cứu khi có trường hợp nguy cấp xảy ra. Thế nhưng, anh Tân thì chỉ cần một ống thở và một chiếc máy bơm nhỏ để trên ghe và cứ thế trầm xuống đáy nước... "Hồi trước, đồ nghề của tui chỉ có cái máy bơm cũ rích, nên mỗi khi đi lặn, được chừng vài phút, tui lại phải ngoi lên mặt nước để thở. Nhờ sự giúp đỡ của một người tốt bụng, tui sắm được cái máy lốp hơi. Từ đó tui có thể lặn cả buổi dưới đáy sông" - anh Tân kể.
Câu chuyện của chúng tôi càng thú vị hơn khi anh Trần Hoàng Sáu (người dân địa phương) xen vào: "Nếu chú đến sớm một chút sẽ thấy, mới hồi nãy có một chiếc ghe đi qua đoạn sông ở đây, chẳng biết nguyên do gì mà làm rớt cả chiếc máy đuôi tôm xuống nước. Mọi người liền kêu thằng Tân ra sông tìm giúp, chỉ khoảng nửa tiếng nó đã vớt được chiếc máy lên bờ, ông chủ ghe không ngớt lời thán phục và cảm ơn rối rít".
Người xưa có câu "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá", làm cái nghề "hạ bạc", thậm chí phải bỏ mạng chứ nói gì đến làm giàu. Nếu có một thống kê nói về các ngành nghề nguy hiểm nhất ở nước ta, chắc chắn trong số đó sẽ không thể thiếu nghề thợ lặn. Anh Tân cũng không tránh khỏi những lần "thập tử nhất sinh". Lần đầu tiên cách nay chưa lâu, hôm đó, anh Tân đang trục vớt tài sản cho một chiếc ghe bị chìm tại bến tàu lớn sông Ngã Bảy.
Anh Tân trong một lần lặn dưới nước.
Lặn dưới nước gần 2 tiếng đồng hồ với độ sâu hơn 30m, bỗng dưng anh cảm thấy đuối sức, đầu óc choáng váng, anh vội bơi lên mặt nước, nhưng tay vừa bám vào ghe đã bị tuột ra và rơi trở lại xuống sông. Rất may khi đó, những người đứng trên bờ đã kịp thời đến ứng cứu. "Lên được bờ, tui nằm lăn ra đất, người không còn chút sức lực, miệng thở phào nhẹ nhõm giống như vừa trở về từ cõi chết" - anh Tân nhớ lại. Một lần khác, anh Tân đang trục vớt ghe tàu bị chìm ngay tại điểm giao bảy ngã sông. Lúc này, có một chiếc ghe đi ngang qua, làm ống thở của anh Tân bị cuốn vào chân vịt. Biết ngay có chuyện chẳng lành, anh Tân liền dùng hết sức bơi vào bờ và một lần nữa thoát nạn...
Giúp đời, giúp người...
Với những số tiền ít ỏi kiếm được từ công việc ngụp lặn dưới đáy sông, đến giờ, cuộc sống của anh Tân vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Thế nhưng, anh chưa bao giờ có ý định bỏ nghề để tìm công việc khác khá hơn. Đối với anh, làm nghề thợ lặn là để giúp đời, giúp những người không may bị nạn. "Những hôm không có gì làm cũng buồn lắm, nhưng nghĩ lại thấy rất vui vì mình thất nghiệp đồng nghĩa với việc không có ghe tàu bị nạn" - anh Tân bộc bạch. Cứ thế, mỗi khi có ghe, tàu bị chìm, mọi người đều tìm đến anh. Anh Tân chia sẻ: "Có lần, một chiếc ghe bị chìm, tài sản đều mất hết, tui chỉ vớt lên được vài thứ lặt vặt. Nhìn chủ ghe ngồi khóc mà thấy xót, mình khổ một, người ta gặp nạn khổ đến mười. Nghĩ vậy, nên tui trở về không lấy tiền công".
Anh Trần Hoàng Sáu cho biết, dân địa phương ở đây vẫn thường đi lại bằng ghe tàu, không ít trường hợp bị sóng đánh chìm, lần nào cũng nhờ anh Tân lặn xuống sông để vớt dùm đồ đạc. "Những lần như thế, mọi người nài nỉ mãi, nhưng thằng Tân nhất quyết không chịu lấy tiền công, nó chỉ cười rồi quay trở về ghe" - anh Sáu kể.
Do sống có tình có nghĩa nên anh Tân được mọi người xung quanh thương mến. Thỉnh thoảng, họ mang biếu anh chút gạo hay gói thuốc lá... Hôm nào kiếm được năm, bảy chục ngàn đồng, anh Tân hay tự thưởng cho mình một bữa cơm... bình dân kèm theo một xị rượu đế, ngồi nhâm nhi nhìn sông nước mà suy ngẫm sự đời. Hiện tại, tất cả số tiền kiếm được từ nghề thợ lặn, ngoài việc lo thuốc thang cho mẹ già (đang sống ở khu vực 1, phường Ngã Bảy), còn lại anh Tân đều dành cho đứa con gái nhỏ học lớp 7 đang sống cùng mẹ ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. "Tui nghèo, lại mù chữ nên mới khổ như vầy, chỉ mong con mình được ăn học đàng hoàng để sau này có cuộc sống tốt đẹp" - anh Tân nói...
Buổi chiều bên bờ sông Ngã Bảy, bỗng có tiếng kêu la thất thanh từ đâu vọng đến. Anh Tân liền nhỏm dậy nhìn ra sông: "Hình như có ghe bị chìm". Nói dứt câu, "kình ngư một chân" nhanh tay cho ghe tiến về phía trước...
Theo Dantri
Dâm phụ lên kế hoạch giết chồng để được ở với em họ Biết vợ ngoại tình với người em họ, khuyên không được, Nhân mượn rượu để giải sầu. Đến thời gian cuối năm 2012 đầu năm 2013, Thủy coi chồng như "cái gai" trong mắt, cần phải trừ khử để được tự do yêu đương. Kế hoạch sát hại chồng được cặp tình nhân vạch ra... Ngày 26/6, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở...