Thổ Hà, nơi gốm Bắc vang bóng một thời
Nổi tiếng xưa kia với nghề làm gốm, làng Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) còn giữ được những bức tường xây bằng tiểu sành, mảnh gốm, nhà cổ vài trăm năm tuổi…
Làng Thổ Hà xưa kia là làng gốm nổi tiếng đất Bắc. Cổng làng cổ kính, rêu phong, có cây đa lớn tỏa bóng mát.
Thổ Hà như một ốc đảo được bao bọc bởi con sông Cầu. Thông thương quanh vùng đều bằng tàu, thuyền. Quanh làng có rất nhiều bến nước, trong đó có hai bến chính nằm ở đầu làng và cuối làng.
Ngôi làng còn lưu giữ được vài chục nóc nhà cổ nằm sâu trong những ngõ nhỏ cổ kính, nhiều nhất là của dòng họ Trịnh Đắc, Trịnh Quang, Nguyễn Đình, họ Cáp. Nhà trên 300 năm tuổi của ông Trịnh Bá Mùi, hậu sinh đời thứ 11 của dòng họ Trịnh Đắc, thuộc hàng cổ nhất. Đây là dòng họ lớn, có vai vế trong vùng từ xưa. Hai bên đầu hồi là đôi chum lớn, sản phẩm của nghề gốm thủ công trước dùng đựng gạo, nay để trang trí.
Nhà ông Mùi có 7 gian, lòng nhà rộng 7,5 m, được dựng bằng gỗ lim, vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên bản. Ngôi nhà là chỗ ở của gia đình và là nơi thờ tổ chi của dòng họ.
Trong 5 gian nhà chính thì 3 gian để thờ tổ tiên, 2 gian còn lại để ngủ. Hai bên đầu hồi còn có hai nhà phụ để nghỉ ngơi và nấu nướng. Theo quy định của các cụ thời xưa, nhà chính dùng để thờ tổ tiên và là chỗ nghỉ của đàn ông. Đàn bà, con gái phải ăn nghỉ ở nhà phụ. Thói quen đó dần được thay đổi theo thời gian.
Nhiều người tìm đến ông Mùi hỏi mua nhà với mục đích sửa sang lại để làm du lịch nhưng ông không bán. Ông muốn trùng tu nhưng kinh phí rất lớn và phải có sự đồng thuận của anh em trong dòng họ. Ông Mùi cho biết, xưa kia làng này trên trăm nóc nhà cổ nhưng nay chỉ còn lại rất ít. Giữ được nguyên bản như nhà ông Mùi thuộc hàng hiếm, còn lại đều sửa sang theo lối nửa cổ, nửa hiện đại. Nhiều nhà bán lại bộ khung cho những người giàu, chuyển nơi khác sống bởi đất chật người đông.
Cột lim được ghép các mảng chạm khắc đầu rồng oai nghiêm, hoa lá cách điệu thêm phần sinh động.
Video đang HOT
Nhà của anh Trịnh Quang Phong cũng thuộc hàng đẹp và cổ trong làng. Ngôi nhà gần 200 năm tuổi không còn giữ toàn bộ nét nguyên bản mà được sửa sang lại chút ít như mái ngói, nền nhà được lát bằng gạch đỏ, tôn cao lên để tránh ngập nước vào mùa mưa.
Nhà rộng 3 gian, 2 chái, dựng bằng gỗ lim, hai bên cửa bức bàn, ở giữa là cửa song đào. Tường nhà được xây bằng tiểu sành, mảnh gốm Thổ Hà và trát lại nên mát mùa hè, ấm vào mùa đông.
Bộ án gian, sập thờ, sập ngồi, thiều châu… đều trên trăm tuổi. Anh Phong cho biết, xưa kia cụ nội nhà anh mua gỗ về, nuôi thợ trong nhà để họ chạm khắc bằng tay, sơn gụ trong vòng 2 năm mới xong.
Ở mỗi kẻ hiên lại chạm khắc những họa tiết trang trí, chủ yếu là rồng, phượng và hoa lá, tùng, cúc, trúc, mai…
Cổng làng Thổ Hà với cây đa, bến nước trong ký ức tuổi thơ được anh Phong tái hiện qua bức tranh bằng xốp để nơi góc nhà.
Nơi đây giữ được khá nhiều bức tường xây bằng tiểu sành, mảnh gốm. Thổ Hà cùng với Bát Tràng, Phù Lãng trở thành một trong ba nơi làm gốm của vùng đồng bằng Bắc Bộ với các sản phẩm lò, chum, vại, tiểu sành. Những sản phẩm lỗi được người dân tận dụng để xây nhà, dựng tường tạo nên nét kiến trúc độc đáo riêng biệt cho làng nghề.
Theo nhịp sống hiện đại, tường gạch vôi được xây lên thay thế cho những bức tường cũ, chuyện xây nhà bằng tiểu sành chỉ còn trong ký ức, như minh chứng cho thời quá vãng vàng son của nghề gốm Thổ Hà .
Những ngõ nhỏ rộng chừng một mét, hai người đi ngược chiều phải nghiêng mình để tránh nhau. Các ngõ phân bố đều theo hình xương cá, trục đường hình bàn cờ nối tiếp nhau. Tường phủ màu rêu phong, nét đẹp chẳng kém Đường Lâm, Cự Đà.
Cổng ra vào ngõ được dựng bằng đá ong, đi thẳng ra bến nước.
Đình Thổ Hà trên 300 tuổi nổi tiếng đất Kinh Bắc, nằm trên khu đất rộng hơn 3.000 m2.
Chùa Thổ Hà nằm phía sau đình, bên tay trái là cổng làng tạo nên cảnh quan tự nhiên, hài hòa khi đặt chân lên đất làng này.
“Nhất cận thị, nhị cận giang”, người Thổ Hà không có ruộng, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Ngôi làng giờ nổi tiếng với nghề làm bánh đa nem, bánh đa cua, bánh đa dừa… Khi người nghệ nhân cuối cùng của làng mất vào năm ngoái thì nghề gốm Thổ Hà coi như mất hẳn. Đến Thổ Hà giờ đây không còn trông thấy cảnh: Làng gốm cữ này đang độ lửa/ Khói cỏ de thơm khắp cả làng/ Thuyền đinh khoang nặng đang rời bến/ Thanh Nghệ xuôi vào, Tuyên Thái sang … (Bài thơ Làng gốm Thổ Hà của Vũ Quần Phương).
Thổ Hà ngôi làng cổ kính êm đềm bên sông Cầu
Nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hà trải qua bao thăng trầm vẫn giữ được nét cổ kính, đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
Làng Thổ Hà (thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45km, nằm dọc theo dòng chảy của bờ Bắc sông Cầu. Với ba mặt là mênh mông sông nước, khách vãn lai đến với "bán đảo" Thổ Hà hay người dân ra khỏi làng phần lớn đều phải đi đò.
Cổng làng Thổ Hà có kiến trúc đẹp, bề thế và vẫn mang nét đặc trưng của văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nhiều nét kiến trúc mang đặc trưng của thế kỷ XVI. ình có quy mô lớn, bề thế thể hiện trình độ xây dựng đình khá cao của những người thợ thời xưa.
Vào thế kỷ 14, Thổ Hà đã từng là một trong các trung tâm làm gốm nổi tiếng nhất của người Việt. Gốm Thổ Hà có những đặc điểm riêng như không tráng men mà dùng kỹ thuật nung đến độ men của đất tự chảy ra, bởi vậy các sản phẩm có độ sành cao, tiếng kêu như chuông, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp không nơi nào có được.
Tuy hiện nay người Thổ Hà không còn mặn mà với nghề gốm nhưng sự hưng thịnh xưa kia vẫn còn thể hiện qua các quần thể kiến trúc mà người dân Thổ Hà đã xây dựng.
Những bức tường ở Thổ Hà không trát vôi vữa mà được tận dụng từ chính những mảnh gốm, chum vại, tiểu sành bỏ đi mà kết hợp, đan xen với nhau tạo nên nét độc đáo cho ngôi làng.
Men theo từng con ngõ nhỏ và hẹp chỉ đủ 2 người đi bộ tránh nhau, những bức tường vẫn được đan cài răng lược bằng những mảnh gốm tạo cảm giác sâu hun hút.
Trục đường chính qua làng Thổ Hà chỉ có một con đường duy nhất. Từ đó, tỏa nhánh vào từng ngõ nhỏ, ngõ nào cũng hẹp, chỉ khoảng 1 - 1,5m như một thứ "đặc sản" của vùng quê giàu truyền thống văn hóa này.
Ông Trịnh Quang Sơn, một vị sư lò của làng kể rằng những con ngõ chính là điểm đặc biệt còn sót lại của một ngôi làng chiến đấu thời kháng chiến chống Pháp. Chính bởi ngõ nhỏ, sâu hun hút và thường không đi theo lối thẳng nên địch rất sợ không dám vào trong ngõ mà chỉ dám đi trên mái nhà. Giờ đây, kết cấu đặc biệt ấy cũng giúp cho việc truy bắt trộm, cướp dễ dàng.
Khi nghề gốm ở Thổ Hà không còn được hưng thịnh như trước, người dân nơi đây đã chuyển qua làm bánh đa nem và nhanh chóng nổi tiếng xa gần bởi độ dẻo dai, thơm ngon, hấp dẫn và giúp người dân có thu nhập ổn định.
Đến Thổ Hà vào buổi sáng khi mặt trời chưa đứng bóng sẽ thấy cảnh người dân nhộn nhịp phơi bánh.
Từng con ngõ hẹp đều được người dân tận dụng để phơi bánh, những phên bánh xếp ngang dọc tạo cho Thổ Hà một khung cảnh độc đáo và đẹp như một bức tranh.
Với tất cả những nét cổ kính trầm mặc, một bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và sự sống vẫn nhộn nhịp, Thổ Hà như là một cây cầu nối liền hiện tại với quá khứ, là địa điểm thu hút nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước đến với nơi đây./.
Chặng đường dài để Việt Nam trở thành "công xưởng iPhone" của Apple Không chỉ ký túc xá cho công nhân thiếu đảm bảo, doanh nghiệp này còn gặp những sai phạm trong quá trình hoạt động, bao gồm cả đưa lao động Trung Quốc vào làm việc trái phép. Đảm bảo điều kiện sống công nhân đi hãy tính Apple đã rất nhiều lần xem xét việc đưa hoạt động sản xuất iPhone đến Việt...