Thợ đào Bitcoin Trung Quốc làm sập hệ thống điện của Iran
Giá Bitcoin tăng cao, trong khi giá điện ở Iran rẻ, nhiều “thợ mỏ” Trung Quốc chuyển sang miền nam Iran “đào” tiền điện tử, làm sập hệ thống điện nước này.
Theo IT House, ngày 8/2, Iran tiến hành điều tra sự cố mất điện xảy ra thường xuyên thời gian gần đây. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các mỏ đào Bitcoin công suất lớn xuất hiện ở đây ngày một nhiều.
Dữ liệu từ cơ quan điều tra cho thấy khi cơn sốt Bitcoin quay trở lại, nhiều thợ mỏ Trung Quốc đã chuyển mỏ đào của họ sang Iran, do giá điện ở đây rẻ hơn đáng kể. Trung bình 1 kWh điện ở Iran có giá 4 cent (1.000 đồng) trong khi giá điện ở Mỹ cao gấp 3 lần và Trung Quốc cao gấp 5 lần.
Các trại đào Bitcoin thường hoạt động ngày đêm, tiêu thụ lượng điện năng lớn.
Thống kê của Đại học Cambridge cho thấy, Iran là một trong sáu trung tâm khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới. 24 mỏ khai thác lớn của nước này tiêu thụ khoảng 300 MW điện mỗi ngày, tương đương điện năng tiêu thụ của thành phố 100.000 dân.
Thời gian gần đây, hình ảnh những mỏ đào mới thường xuyên được tìm thấy trong các hội nhóm. Cơ quan chức năng Iran vẫn chưa điều tra được nguồn gốc của số card đồ hoạ này đến từ đâu. Không có bất kỳ tin tức nào về các nhà bán lẻ hoặc đối tác phải chịu trách nhiệm về việc này.
Ở Iran, việc đào Bitcoin vẫn nằm trong vùng xám của pháp luật. Chính phủ nước này không đưa ra một thông điệu nhất quán về việc cấm hay ủng hộ các thợ đào. Một mặt họ muốn tận dụng sự phổ biến của tiền kỹ thuật số để tránh những ảnh hưởng về lệnh trừng phạt của Mỹ. Chính phủ nước này thậm chí uỷ quyền khai thác cho 24 trung tâm xử lý Bitcoin hoạt động. Khu vực miền Nam nước này còn cho phép các thợ đào Trung Quốc nhập nhiều máy tính chuyên dụng phục vụ việc khai thác tiền ảo.
Mặt khác, chính phủ nước này cũng lo ngại việc kiểm soát lượng tiền ảo được giao dịch ra nước ngoài để phục vụ hoạt động rửa tiền hoặc buôn bán phạm pháp. Ngày 21/1, công ty an ninh mạng Sophos của Anh tìm thấy bằng chứng cho thấy một số thợ đào Bitcoin ở Iran đã bí mật chiếm quyền kiểm soát hàng nghìn máy chủ của Microsoft. Nhà chức trách Iran cũng liên tục kiểm tra đột xuất các xưởng “đào chui” và điều tra gắt gao về nguồn ngốc, số lượng card đồ hoạ được “tuồn” vào nước này.
Cơn sốt Bitcoin và những chính sách không đồng nhất khiến nhiều thành phố lớn của Iran thường xuyên rơi vào cảnh mất điện đột ngột. Chính phủ nước này thậm chí đóng cửa một số xưởng đào được cấp phép hoạt động để ưu tiên điện cho hộ gia đình, bệnh viện, trường học và các trung tâm thương mại.
Theo ABC News , mặc dù hoạt động khai thác Bitcoin làm quá tải hệ thống lưới điện quốc gia, nhưng tiền ảo không phải lý do lớn nhất. Bộ viễn thông nước này ước tính hoạt động khai thác Bitcoin tiêu thụ không đến 2% tổng sản lượng điện Iran. “Nguồn cung giảm, nhu cầu sử dụng điện cao hơn do dịch Covid-19, người dân ở nhà nhiều làm đảo lộn sự cân bằng của hệ thống lưới điện vốn không được quản lý tốt từ hàng thập kỷ qua”, Kaveh Madani, cựu Phó Cục trưởng Cục Môi trường Iran phân tích.
Bất chấp những rủi ro pháp lý, thợ đào Bitcoin Trung Quốc vẫn đổ xô về miền Nam Iran để xây dựng các “trại” đào khổng lồ. “Bây giờ là mùa khô ở Trung Quốc, các trại đào đặt trong thuỷ điện nhỏ không thể vận hành, phải chờ đến mùa mưa mới có điện. Iran là ‘miền đất hứa’ không chỉ vì giá điện rẻ mà có vẻ việc đào Bitcoin ở đây không bị cấm triệt để”, Zhang Guo, thợ đào Bitcoin lâu năm ở Trung Quốc nói.
Cuộc sống trong một mỏ đào Bitcoin khổng lồ ở Trung Quốc.
Điều gì xảy ra khi hết Bitcoin?
Theo thiết kế ban đầu, sẽ chỉ có 21 triệu đồng Bitcoin được khai thác. Đến nay, con người đã "đào" được hơn 18 triệu Bitcoin.
Bitcoin giờ đây thường được coi là một loại vàng điện tử, bởi đồng tiền mã hóa này sở hữu tính chất giống vàng: không thể tạo ra một cách đơn giản mà bắt buộc phải "khai thác".
Những người "đào" Bitcoin được gọi là "thợ mỏ". Trong thực tế, những cỗ máy đào sẽ tính toán để giải mã một giao dịch bằng Bitcoin đã thực hiện trước đó, và lưu vĩnh viễn thông tin giao dịch đó vào khối, tạo thành chuỗi khối (blockchain).
Sau khi hoàn thành một khối, một lượng Bitcoin nhất định sẽ là phần thưởng cho những máy tính tham gia quá trình xác thực.
Bao giờ hết Bitcoin mới được tạo ra?
Bitcoin cũng có giới hạn về mặt số lượng. Ngay từ khi tạo ra Bitcoin, lập trình viên bí ẩn Satoshi Nakamoto đã quy định sẽ chỉ có 21 triệu Bitcoin có thể khai thác. Để đảm bảo con số này, trung bình cứ 10 phút thì một khối mới trong chuỗi khối sẽ được tạo ra.
Bên cạnh đó còn có một quy tắc khác được gọi là Bitcoin halving. Cứ sau 210.000 khối, tương đương khoảng 4 năm, lượng Bitcoin là phần thưởng cho việc tạo khối sẽ bị giảm đi một nửa.
Máy đào Bitcoin thực chất là những máy tính để giải mã, ghi nhận các giao dịch Bitcoin vào chuỗi khối.
Ban đầu, cứ mỗi khối hoàn thành thì phần thưởng là 50 Bitcoin. Đến tháng 5/2020, lần halving thứ ba, chỉ còn 6,25 Bitcoin dành tặng cho mỗi khối. Như vậy, tốc độ tạo ra Bitcoin mới sẽ ngày càng chậm.
Theo Investopedia , đến cuối tháng 12/2020 đã có khoảng 18,5 triệu Bitcoin được tạo ra, và chỉ còn khoảng gần 3 triệu Bitcoin trong tương lai. Tuy nhiên, lượng Bitcoin còn tồn tại và lưu hành là ít hơn, bởi gần 20% đã bị mất khi người dùng đánh mất khóa bí mật hoặc ổ cứng lưu trữ.
Do quy tắc Bitcoin halving, gần 3 triệu Bitcoin còn lại sẽ mất một thời gian rất dài để "đào" hết. Trong khi 18,5 triệu Bitcoin ban đầu được đào trong hơn 10 năm, thì đồng Bitcoin cuối cùng có thể tạo ra sẽ rơi vào khoảng năm 2140, tức là hơn 100 năm nữa.
Tương lai của những thợ đào Bitcoin
Vậy sau khi đồng Bitcoin cuối cùng đã được đào, liệu những "thợ mỏ" có còn tiếp tục đào Bitcoin không? Theo Investopedia , câu trả lời là có.
Bên cạnh việc được thưởng Bitcoin mỗi khi hoành thành một khối, thì những thợ mỏ còn được thanh toán chi phí xử lý và xác thực giao dịch. Con số này hiện nay rất nhỏ, chỉ vài trăm USD/khối, không đáng là bao so với giá trị Bitcoin. Tuy nhiên, khi Bitcoin mới không còn, giá xử lý giao dịch có thể tăng gấp nhiều lần.
Kể cả khi không còn Bitcoin mới được tạo ra, những thợ đào Bitcoin vẫn nhận được phí giao dịch.
Nói cách khác, mục tiêu của những thợ đào Bitcoin bây giờ là số Bitcoin được thưởng sau khi hoàn thành mỗi khối. Tuy nhiên, khi Bitcoin mới không còn được tạo ra nữa, thì phần thưởng cho việc hoàn thành khối Bitcoin chính là mức phí giao dịch. Chừng nào còn giao dịch mua, bán Bitcoin, thì những khối mới sẽ được tạo ra, và thợ đào sẽ còn được nhận tiền.
Satoshi Nakamoto cũng đã hình dung đến viễn cảnh này, khi viết trong sách trắng về Bitcoin.
"Khi lượng tiền mã hóa xác định từ đầu đều đã được lưu thông, thì phần thưởng sẽ chuyển đổi hoàn toàn thành phí giao dịch và sẽ không hề có lạm phát", lập trình viên bí ẩn này khẳng định.
Tuy nhiên, đó là tương lai hơn 100 năm nữa. Cứ mỗi 4 năm, lượng Bitcoin được tạo ra sẽ càng giảm đi, tương ứng với số tiền mà mỗi thợ mỏ nhận được cũng ít đi. Có thể phần thưởng đối với họ sẽ không còn đủ hấp dẫn, và rất nhiều thợ mỏ sẽ từ bỏ từ trước đó.
Với "con buôn" Bitcoin, những người chỉ giao dịch để kiếm lời, thì việc lượng Bitcoin giới hạn sẽ là tin mừng cho họ. Bitcoin càng khan hiếm, giá của mỗi đồng sẽ càng cao.
Trong thực tế, sau cả 3 lần halving gần nhất, diễn ra vào tháng 11/2012, tháng 7/2016 và tháng 5/2020 thì giá Bitcoin đều tăng cao chỉ trong khoảng 1 năm, chạm các cột mốc 1.000 USD, 19.000 USD và gần nhất là 40.000 USD.
Bitcoin tăng giảm điện cuồng khiến chính dân đào tiền ảo cũng phải hoảng sợ Tâm sự của một thợ đào Bitcoin khi chứng kiến sự thay đổi điên cuồng của đồng tiền ảo này, từ mức giảm 60% đến việc tăng vọt gấp 8 lần. Vào lúc 23h00 ngày 11/1 vừa qua, giá bitcoin được báo cáo là 31.938 USD, cao hơn khoảng 8 lần so với mức 3.800 USD vào tháng 3/2020. Chỉ 1 ngày trước...