Thợ cơ khí ‘kỳ quặc’ ở Thanh Chương
Từ đầu tháng 9 đến nay, anh đã thu gom, sửa chữa và trao tặng 15 chiếc xe đạp cũ cho học sinh nghèo trên địa bàn.
Chúng tôi có mặt tại nhà anh Đinh Hữu Tuệ (40 tuổi) ở xóm Phật Sơn, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương cũng là lúc vợ chồng anh Lương Văn T. ở xã tái định cư Ngọc Lâm (Thanh Chương) đến xin xe đạp cũ về cho con trai đi học. Khi nghe anh T. trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình như cả hai vợ chồng đều bị bệnh nặng, không có việc làm và đang cần 1 chiếc xe đạp cho đứa con thứ 2, anh Tuệ đã vui vẻ tặng ngay 1 trong 3 chiếc xe đạp cũ vừa mới sửa xong. “Vợ chồng anh và cháu cứ lựa chọn, thích chiếc xe nào thì lấy chiếc đó” – anh Tuệ dặn thêm.
Anh Đinh Hữu Tuệ trao tặng xe đạp cũ cho học sinh Trường Tiểu học Đại Đồng (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư
Theo anh Tuệ, từ đầu tháng 9 đến nay, anh đã bỏ công sưu tầm, tu sửa và trao tặng nhiều chiếc xe đạp cũ cho những em học sinh nghèo trong huyện. Đúng vào ngày khai giảng năm học mới, anh đã trao tặng 3 chiếc xe đạp cũ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Trường Tiểu học Đại Đồng, phân hiệu Thanh Văn. Ngay sau đó, một số gia đình trong và ngoài xã biết tin “anh Tuệ tặng xe đạp miễn phí” đã đến tận nhà để xin xe cho con em đi học. Tính đến nay, anh Tuệ đã tự tay sửa chữa và trao tặng 15 chiếc xe đạp cũ cho các em học sinh nghèo.
Nói về việc tặng xe đạp miễn phí cho học sinh, anh Tuệ chia sẻ: Trong quá trình sưu tầm, thu gom xe đạp cũ để “chế” dụng cụ tập thể dục, thấy nhiều chiếc xe còn tốt, chỉ cần sửa chữa, gia công thêm là có thể sử dụng “ngon lành”, nên tôi quyết định sửa chữa những chiếc xe này để trao tặng cho học sinh nghèo, vì nhiều em còn cần xe đạp để đi. Thực tế là sau khi trao tặng những chiếc xe đầu tiên ở trường học, những ngày qua, có nhiều người dân đã liên hệ và trực tiếp đến nhà để xin xe cho con em mình”.
Anh Đinh Hữu Tuệ – người thợ cơ khí có tấm lòng nhân ái. Ảnh: Huy Thư
Việc sửa chữa và trao tặng xe đạp cũ cho học sinh nghèo của anh Tuệ được gia đình anh hoàn toàn ủng hộ và phối hợp giúp đỡ để anh thực hiện tốt “chương trình” từ thiện này. Chị Nguyễn Thị Vinh (38 tuổi) – vợ anh Tuệ cho hay: Đêm trước ngày khai giảng, để chuẩn bị trao tặng 3 chiếc xe đạp cũ tại trường học, anh Tuệ hí hoáy làm việc cả ngày và thức đến 11h đêm mới tu sửa xong mấy chiếc xe. Từ hôm đó đến nay, chồng chị dành thời gian nhiều hơn cho việc sưu tầm, sửa chữa xe cũ để tặng học sinh. “Vợ chồng em có thêm niềm vui khi giúp đỡ được thêm những gia đình hoàn cảnh” – chị Vinh nói.
Chỉ trong một thời gian ngắn, anh Tuệ đã sửa và tặng được nhiều chiếc xe đạp cũ cho học sinh. Nhiều người vẫn gọi đây là người thợ sửa xe “kỳ quặc”. Một số người dân đến xin xe, nghĩ công anh làm việc vất vả “không đành”, đã gửi tiền hỗ trợ, nhưng vợ chồng anh đều kiên quyết từ chối. Anh Tuệ cho rằng: “Từ hoạt động này, vợ chồng tôi mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn với những học sinh nghèo, nhằm động viên các em vượt qua khó khăn để học tập, để vươn lên. Đồng thời, mong muốn phong trào thiện nguyện hướng về người nghèo ở địa phương ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn”.
Video đang HOT
Anh Tuệ đang sửa xe đạp tại nhà. Ảnh: Huy Thư
Được biết, anh Tuệ là con út trong gia đình nông dân có 9 anh em, do điều kiện khó khăn, sau khi học xong phổ thông, anh Tuệ đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để mưu sinh như phụ hồ, đổ bê tông, bưng bê cà phê… Lúc hai vợ chồng anh cưới nhau ở Thanh Văn phải đi thuê nhà để ở một thời gian dài. Từ hai bàn tay trắng, nhờ siêng năng, chăm chỉ, nhạy bén, sáng tạo trong lao động, buôn bán, vợ chồng anh đã gây dựng được cơ sở vật chất như ngày hôm nay, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm ngoan.
Hiện gia đình anh đang làm nhiều nghề: bán tạp hóa, làm cơ khí, làm bánh… Chính nghề cơ khí, sơn sửa xe… đã giúp anh đến với hoạt động thiện nguyện trao tặng xe đạp cũ cho học sinh nghèo. Anh Tuệ chia sẻ: Vợ anh bị bệnh ung thư tuyến giáp gần 6 năm nay, cũng phải thuốc thang chạy chữa thường xuyên. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng hai vợ chồng vẫn luôn quan tâm đến hoạt động thiện nguyện, trực tiếp giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong xã. Dự định của anh Tuệ sắp tới là tiếp tục sửa xe, tặng xe đạp cũ cho học sinh nghèo vùng tái định cư; mở một tủ hàng “không đồng” tại nhà, bao gồm sách vở, quần áo… để những người nghèo, ai cần sẽ đến lấy…
Anh Tuệ trao tặng xe đạp cũ cho học sinh bản tái định cư. Ảnh: Huy Thư
Nói về nghĩa cử của vợ chồng anh Tuệ, bà Đinh Thị Hoa – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Đồng cho biết: Hoạt động tặng xe đạp cũ cho học sinh nghèo của vợ chồng anh Tuệ có ý nghĩa thiết thực. Chúng tôi khâm phục, hoan nghênh nghĩa cử cao đẹp này của vợ chồng anh Tuệ đối với cộng đồng. Hy vọng phong trào ngày càng lan tỏa, giúp đỡ được nhiều em học sinh nghèo, nhiều hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
'Chạy rơm' giữa ngày nắng nóng ở vùng quê Nghệ An
Thu hoạch mùa màng trong điều kiện thời tiết nóng bức, bà con nông dân khá vất vả, nhất là việc phơi, thu cất rơm rạ.
Dịp nắng nóng này, bà con nông dân các huyện đang tranh thủ thu hoạch những trà lúa hè thu. Hiện nay, công đoạn gặt khá đơn giản, chỉ cần gọi máy gặt đến là xong, nhưng thu dọn rơm thì còn kéo dài sau đó, nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thời tiết. Ảnh: Huy Thư
Sau khi gặt, rơm được bà con nông dân phơi ngay trên ruộng cạn. Từ sáng đến chiều, phải "đội nắng" lật trở rơm mấy lần, rơm mới khô đều. Nắng to, rơm mau khô, nhưng thu dọn rơm khá vất vả. Bà con nông dân thường đi lấy rơm khi đang nắng chiều, nhằm bảo quản rơm tốt hơn. Nếu đi lấy rơm muộn, gần tối, gặp sương xuống rơm sẽ bị xìu hoặc gặp mưa rơm sẽ ngấm nước hư hỏng. Nếu phơi lại, rơm cũng không sáng đẹp, thơm như lúc đầu. Ảnh: Huy Thư
Phương tiện chuyên chở rơm từ ngoài đồng về nhà là xe kéo, xe trâu bò, xe ô tô . Việc sắp rơm lên xe là công việc không mấy "dễ chịu", mặc dù rơm nhẹ, nhưng khá xót. Các gia đình thường dùng xe trâu kéo để chở rơm. Mỗi xe 2 người, 1 người đứng trên xe và 1 người đứng dưới xe để xốc rơm lên. Ảnh: Huy Thư
Nhiều hộ nông dân chọn cách bó rơm giữa ruộng thành những bó lớn rồi vận chuyển lên đường. Khiêng rơm, 2 tay 2 bó, tay xách nách mang khá khó nhọc. Ảnh: Huy Thư
Một số hộ khác dùng xe kéo tay gắn xe máy để chở rơm. Những chiếc xe kéo nhỏ nhưng được sắp rơm cao ngất. Những hôm động mưa, mây đen tứ bề, đi lấy rơm các gia đình phải huy động hết nhân lực để thu dọn rơm, tránh mắc mưa. Chạy rơm trời mưa thì "không nói hết chuyện mệt". Ảnh: Huy Thư
Một người dân ở xã Bảo Thành (Yên Thành) đang chở rơm về nhà cho hay: Gia đình nào nuôi trâu, bò thì phải phơi, trau rơm rất cẩn thận, có khi phải mua, xin thêm rơm của bà con láng giềng. Phơi rơm gặp nắng thì khô giòn, còn gặp mưa thì rất vất vả. Nếu dỡ rơm không kịp thì rơm ngấm nước sẽ hư hỏng hoặc phơi lại rơm cũng không còn sáng màu và thơm như lúc đầu. Ảnh: Huy Thư
Một phụ nữ ở xã Xuân Tường (Thanh Chương) điều khiển xe bò chở rơm từ ngoài đồng về nhà. Xe rơm tuy nhẹ nhưng cồng kềnh, nếu cột không chặt, điều khiển bò không chuẩn thì xe rất dễ bị đổ, lật. Ảnh: Huy Thư
Nhiều hộ dân neo người, nhất là những người già phải gánh gồng rơm bằng đòn xóc hay quang gánh rất khó nhọc. Ảnh: Huy Thư
Thậm chí có người đội rơm, cõng rơm từ ruộng hoặc từ nơi phơi về nhà. Đội rơm có lẽ là cách thức vận chuyển rơm vất vả nhất. Ảnh: Huy Thư
Theo bà con nông dân, ngày mùa đưa được rơm khô về nhà là "đã mừng rồi". Rơm phơi được nắng sáng, giòn, thơm là nguồn thức ăn quan trọng cho trâu bò. Những năm qua, người dân cất rơm khô bằng nhiều cách: gác lên trần nhà, bỏ vào nhà rơm, xây thành cây ở ngoài vườn. Ảnh: Huy Thư
Công đoạn xây rơm đòi hỏi phải chuẩn bị công phu từ lúc trồng cột đến làm nền, cách vấn rơm... Công việc xây rơm, đặc biệt là xây những cây rơm lớn thường dành cho đàn ông con trai. Tuy nhiên, nhiều chị em phụ nữ vẫn đảm đang công việc này một cách khéo léo. Xây được 1 cây rơm vững chắc, có hình thức đẹp, cột đỉnh cẩn thận là một sự kỳ công. Ảnh: Huy Thư
Tặng máy lọc nước cho Hội phụ nữ huyện Ngày 19/8/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp và Công ty cổ phần Đầu tư Xử lý nước sạch AQUA Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp phối hợp tổ chức trao 13 máy lọc nước tinh khiết hiệu AQUAS cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành. Các máy lọc nước có tổng trị giá là 84,5 triệu đồng, do...