Thịt vịt cháy hàng trong ngày “giết sâu bọ”
Cũng như mọi năm, tết Đoan ngọ (ngày mồng 5 tháng Năm âm lịch), người dân lại đổ xô ra chợ mua trái cây, rượu nếp, thịt vịt về để “giết sâu bọ”.
Gian hàng thịt vịt đắt khách trong ngày Tết Đoan ngọ (Ảnh: Doãn Hòa)
Ghi nhận của PV Dân trí, từ sáng sớm ngày 12/6 (ngày mồng 5/5 âm lịch), các mặt hàng phục vụ Tết Đoan ngọ đã được bày bán tại nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An).
Từ 6h sáng, các chuyến xe máy chất đầy vịt được các thương lái vùng phụ cận TP Vinh chở vào trung tâm thành phố để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo khảo sát tại một số chợ, giá vịt tăng nhẹ hơn so với ngày thường, vịt nguyên con có giá dao động từ 45 – 50.000đ/kg. Giá thịt vịt “mềm”, lại dễ chế biến thành nhiều món nên được người dân lựa chọn. Cùng với thịt vịt, mặt hàng bún, báng tráng, măng cũng đắt hàng không kém. Dịch vụ làm thịt vịt tại chỗ với giá 10.000đ/con cũng được dịp làm ăn.
Nhiều người dân lựa chọn thịt vịt trong ngày Tết Đoan ngọ cho biết, sở dĩ thịt vịt được ưa chuộng là do vào tháng 5 âm lịch (lập hạ), tiết trời oi bức, cơ thể người thường bị một số bệnh về thời tiết. Vịt là con vật sống dưới nước, có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng, cân bằng âm dương. Mặc dù ở giữa một nhịp sống đô thị hối hả nhưng nhiều người dân TP vẫn không quên đi chợ ngày Tết Đoan ngọ, mua vịt và hoa quả về thờ cúng tổ tiên, cũng là lưu giữ một phong tục đẹp, truyền thống văn hóa của người Việt.
Chị Nguyễn Thị Trang ở phường Hưng Dũng (TP Vinh), hồ hởi cầm trên tay con vịt nặng hơn 2kg vừa mua, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào mồng 5/5, dù bận thế nào tôi cũng phải cố chạy ra chợ mua con vịt về làm thịt để gia đình cùng ăn. Tôi nghĩ ăn thịt vịt trong ngày Tết Đoan ngọ đã trở thành phong tục của người dân”
Thịt vịt có giá dao động từ 70 – 100.000đ/con (Ảnh: Doãn Hòa)
Vì được nhiều người dân mua trong ngày Tết Đoan ngọ nên có lúc thịt vịt “cháy hàng”. Anh Lê Văn Nghĩa – tiểu thương ở chợ Quán Lau cho hay, biết nhu cầu của người dân mua thịt vịt trong ngày tết Đoan ngọ nên mấy tuần trước anh phải đi các trang trại nuôi vịt để đặt mua trước. “Sáng nay, chỉ hơn một tiếng đồng hồ mà tôi đã bán hết gần 50 con vịt. Giá thịt vịt đợt này cũng không đắt nên được nhiều người mua lắm”, anh Nghĩa nói.
Ngoài mặt hàng thịt vịt thì các loại mặt hàng khác như trái cây, hoa, vàng mã, trầu cau cũng rất đắt khách. Theo các tiểu thương kinh doanh trái cây, giá các loại tăng từ 5.000 – 15.000 đồng/kg so với ngày thường. Các loại hoa cũng tăng giá nhẹ. Cũng trong ngày này, nhiều loại lá như lá vối, lá đơn, lá hắc hương, lá kim ngân…(các loại lá thường được các người dân treo trước cửa nhà trong Tết Đoan ngọ với tâm niệm có thể xua đuổi tà ma) được gọi chung là “lá mùng Năm” có giá 7.000 đồng – 10.000 đồng/bó cũng được bày bán nhiều và được người dân mua với niềm tin rằng đó là những loại lá có thể chữa bệnh.
Dù sức mua ngày tết Đoan ngọ tăng so với ngày thường nhưng theo các tiểu thương thì vẫn không sôi động bằng những năm trước do kinh tế năm nay khó khăn khiến nhiều người phải cắt giảm chi tiêu.
Trong khi đó, theo phong tục môt sô tỉnh thành miên Trung và miên Nam, món ăn ngày Tết Đoan ngọ là bánh ú tro và trái cây. Đây cũng là những mặt hàng được tiêu thụ nhiêu nhât trong ngày này.
Bánh ú tro là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người Đà Nẵng trong dịp Tết Đoan ngọ
Video đang HOT
Dạo quanh các chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Hòa Khánh… ở TP Đà Nẵng, không khí mua sắm ở đây nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Bánh ú tro, trái cây, hoa, vàng mã, trầu cau… không chỉ được bày bán trong chợ mà còn tràn ra bên ngoài.
Hàng trái cây nhộn nhịp người mua trong dịp Tết này (Ảnh: Khánh Hồng)
Một món không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân trong dịp Tết này là bánh ú tro. Bánh ú tro được bán theo chục, mỗi chục có giá từ 10.000 – 12.000 đồng. Cô Phương đang chọn những chục bánh thật đẹp chuẩn bị cho mâm cơm ngày Tết mồng 5 tháng 5, chia sẻ, với cô bánh ú tro trong ngày Têt Đoan ngọ giông như bánh chưng trong ngày Tết Nguyên đán.
Ở đây do không có phong tục ăn thịt vịt ngày này nên giá mặt hàng này không thay đôi, dù sức mua có tăng lên.
Tắm biên xả xui ngày Têt Đoan ngọ
Với người dân một số tỉnh Bình Định, TP Đà Nẵng, đã thành thông lê, đúng 12 giờ trưa ngày 5/5 âm lịch, hàng ngàn người dân lại đổ xô ra biển tắm mong xả xui. Hôm nay, thời tiết tại TP Quy Nhơn nắng nhẹ nên nhiều người đến bãi biển sớm hơn thông lê, chờ đúng giờ là ào ra biên. Dọc bãi biển Quy Nhơn kéo dài từ bãi tắm Ghềnh Ráng đến tượng đài Chiến Thắng chật kín người.
Hàng ngàn người dân đổ xô đi tắm biển xả xui Tết Đoan ngọ (Ảnh: Doãn Công)
Theo quan niệm, tắm biển Tết Đoan ngọ đúng chính giờ Ngọ thì nước biển sẽ cuốn phăng đi mọi xui rủi, muộn phiền, bệnh tật…
Không chỉ người dân Bình Định đi tắm biển mà nhiều bạn sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP Quy Nhơn cũng hào hứng đi tắm biển với mong ước được khỏe mạnh và học tập tôt.
(Ảnh: Doãn Công)
Các bãi biển Đà Nẵng kín người trong chiều Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Khánh Hiền)
Chiều nay, các bãi biển ở Đà Nẵng cũng đông không kém. Nhiều tuyến đường trung tâm thành phố như Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám, Lê Duẩn, Trần Phú…, rất nhiều cửa hiệu đóng cửa nghỉ mùng 5.
Nhiều gia đình tổ chức tiệc mùng 5 ngay gần biển (Ảnh: Khánh Hiền)
Nhóm bạn của anh Nguyễn Minh Tuấn, làm việc ở một cửa hàng vật liệu trong thành phố cho biết: “Chủ hiệu về quê ăn mùng 5, anh em có một ngày xả hơi. Năm nào cũng vậy. Mùng 5 có khi còn đông vui, rộn ràng hơn cả Tết”.
Theo Dantri
Đổ xô đi mua bánh tro cúng Tết Đoan Ngọ
Cũng như mọi năm, dù bận rộn thế nào thì vào ngày 4/5 âm lịch, người dân thành phố cũng tranh thủ mua vài chục bánh ú tro, ít hoa quả để chuẩn bị cho ngày Tết diệt sâu bọ vào ngày hôm sau (5/5 âm lịch).
Để chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ, ngay từ sáng 11/6 (tức 4/5 âm lịch), rất đông người dân thành phố đã hối hả đổ về các chợ để mua sắm lễ vật chuẩn bị cho bàn cúng. Các sạp bánh ú tro, rượu nếp, hoa quả... luôn đông nghịt khách.
Dù cuộc sống hối hả, người dân thành phố vẫn giữ gìn phong tục cúng bánh ú tro trong ngày Tết Đoan ngọ
Dạo quanh các chợ truyền thống ở khu vực trung tâm TPHCM như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Bình Thới (quận 11)... đều thấy lượng người mua bánh rất đông. Trên 1 số tuyến đường như Nguyễn Trãi (quận 5), Lê Văn Sĩ (quận 3)... cũng xuất hiện nhiều sạp bán bánh tro di động trên vỉa hè để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp này.
Tuy vậy, các tiểu thương vẫn than sức mua năm nay yếu dù giá bánh tro không tăng so với năm ngoái. Chị Hoàng Thị Tuyết (tiểu thương chợ Tân Định) cho biết: "Thường như mọi năm đến thời điểm này người dân mua bánh rất đông, thế nhưng năm nay lượng người mua bánh tro giảm hẳn".
Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong sáng 11/6, giá bánh loại bánh ú tro có nhân giao động trong khoảng 30.000 - 40.000 đồng/chục, giá bánh loại không nhân giao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng/chục, lá treo 5 ngàn đồng/bó, cơm rượu 15 - 25 ngàn đồng/hủ...
Các gian hàng trái cây cũng tranh thủ tăng giá
Một số loại hoa quả thường dùng để cúng kiếng cũng nhích giá lên một chútso với ngày thường. Cụ thể, giá các loại trái cây ghi nhận tại chợ Tân Định (quận 1) như: vải thiều giá từ 35 - 40 ngàn đồng/kg (tăng 5 ngàn đồng/kg so với ngày thường), xoài cát 30 ngàn đồng/kg (tăng 5 ngàn đồng/kg), nhãn 60 ngàn đồng/kg (tăng 10 ngàn đồng/kg), thanh long 25 ngàn đồng/kg...
Sau đây là một số hình ảnh Dân trí ghi nhận được tại các chợ và các tuyến đường bán bánh tro cúng Tết Đoan ngọ:
Trong ngày 11/6, bánh ú tro có đầy ở các chợ
Và cả trên các tuyến đường lớn
Những gian hàng di động
Loại bánh lớn có giá 15.000 - 30.000 đồng/cái
Cơm rượu cũng được người dân ưa chuộng.
Theo Dantri
Đang đi cùng bạn trai, cô gái nhảy sông tự vẫn Đang đi cùng bạn trai, bất ngờ cô gái leo lên lan can cầu Hùng Vương (TP Tuy Hòa) rồi nhảy xuống sông Đà Rằng tự vẫn. May mắn bạn trai đã kịp thời lao theo cứu sống cô gái. Thông tin ban đầu, cô gái được xác định là H.T.P... (23 tuổi, TP Tuy Hòa, Phú Yên). Trước đó, khoảng 4 giờ...