Tấp nập rượu nếp, trái cây, thịt vịt… ngày “giết sâu bọ”
Như mọi năm, Tết Đoan ngọ (ngày mồng 5 tháng Năm âm lịch) năm nay, người dân đổ ra chợ mua bánh ú, trái cây, rượu nếp, thịt vịt… về thắp hương, “giết sâu bọ”
Ngay từ ngày mồng 4, các mặt hàng phục vụ Tết Đoan ngọ đã được bày bán nhiều tại chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bánh ú tro được bày bán rất nhiều
Tại chợ Hòa Khánh, chợ Cồn, chợ Hàn… không khí mua bán rất sôi nổi.
Trái cây tăng giá mạnh so với ngày thường
Bánh ú tro được bày bán khá nhiều, đây là món bánh truyền thống trong ngày mùng 5 tháng Năm của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Mỗi chục bánh ú tro có giá từ 12.000 – 15.000 đồng, tăng từ 2.000 – 4.000 đồng so với năm ngoái. Bất kể giá tăng hay giảm, người Quảng – Đà không nhiều thì ít cũng phải mua chục bánh ú tro – loại bánh chỉ có trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Ngày này, mặt hàng trái cây cũng rất đắt khách. Theo các tiểu thương kinh doanh trái cây, giá các loại tăng từ 5.000 – 15.000 đồng/kg so với ngày thường.
Giá các loại hoa (chủ yếu là hoa cúc) cũng tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/cây.
Video đang HOT
Mặt hàng trầu cau cũng đắt khách
Ngoài ra, các mặt hàng như vàng mã, trầu cau cũng được nhiều người ghé mua.
Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ Hòa Khánh – TP Đà Nẵng, mặc dù sức mua ngày này tăng so với ngày thường vẫn không sôi động bằng những năm trước. Nguyên nhân theo các tiểu thương là do kinh tế khó khăn khiến nhiều người phải cắt giảm chi tiêu.
Ở Thanh Hóa cũng như nhiều tỉnh phía Bắc, người dân lại có thói quen ăn thịt vịt trong ngày mùng 5/5.
Hàng ngàn chú vịt được bày bán khắp các chợ, đến mức người dân nói: Ngày mùng 5, trên là trời, dưới là… vịt.
Ngay từ sáng sớm, tại nhiều khu chợ, vịt được bày bán la liệt. Chị Đinh Thị Huyền, ở phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, hồ hởi cầm trên tay con vịt nặng hơn 2kg vừa mua, cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ vào mồng 5/5, dù bận thế nào tôi cũng phải cố chạy ra chợ mua con vịt về làm thịt để gia đình cùng ăn. Tôi nghĩ ăn thịt vịt trong ngày Tết Đoan ngọ đã trở thành phong tục của người dân Thanh Hóa”.
Khảo giá qua một số chợ, hôm nay vịt sống có giá khoảng 40.000 đ/kg, không đắt hơn ngày thường nhiều. Tại chợ đầu mối rau quả của thành phố Thanh Hóa, một lượng lớn vịt đã được đưa về đây từ sáng sớm, phục vụ nhu cầu nhân dân. Không khí mua bán từ sáng đã diễn ra náo nhiệt.
Cũng trong ngày này, nhiều loại lá như lá vối, lá kim ngân, lá đơn, lá hắc hương… được gọi chung là “lá mùng năm” cũng được bày bán nhiều và được người dân mua về cất để uống dần trong cả năm, với niềm tin rằng đó là những loại lá có thể chữa bệnh.
Vịt là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong ngày này
Các loại lá mùng năm được bày bán nhiều.
Theo Dân Trí
Món ngon ngày tết diệt sâu bọ
Cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, trên đất Sài thành phồn hoa lại xuất hiện những chiếc bánh ú lá tre dân dã ở khắp các chợ. Ngược dòng thời gian, theo truyền thống Việt Nam trong ngày tết diệt sâu bọ này, dân ta còn có những món ăn dân dã khác, đậm đà hồn Việt.
Nửa năm tròn trịa
Xuất phát từ ý nghĩa trọn vẹn, đoàn viên, trải qua nửa năm tròn trịa, trong ngày mùng 5 tháng 5 dân Việt có món cơm rượu và chè trôi nước để dâng cúng ông bà. Theo quan niệm xưa, ăn cơm rượu để diệt sâu bọ (giun sán) trong đường ruột. Ở hai miền Nam - Bắc cơm rượu cũng khác nhau. Cơm rượu miền Bắc làm bằng nếp lức có màu nâu đất, dạng tơi và hạt cơm rượu vẫn còn đủ cứng để khi ăn có thể nhấm nháp từng hột cơm thấm đẫm vị rượu. Còn cơm rượu miền Nam được làm bằng nếp dẻo, sắc trắng đẹp được rắc men rồi vò viên tròn. Riêng cơm rượu Gò Công thì được nắn theo dạng khối vuông hoặc hình chữ nhật, mang ý nghĩa vuông tròn. Cơm rượu thường ăn kèm với xôi vò. Ở Sài Gòn, muốn ăn món gì ra chợ mua là có. Nhưng, với những người lớn tuổi thường tự tay làm cơm rượu ở nhà để tạo không khí gia đình và cũng để con cháu gìn giữ truyền thống.
Món chè trôi nước miền Nam được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh trộn dừa nạo, thêm chút hành lá và mỡ heo. Trẻ con thì lại thích nhất là những viên nhỏ xíu, tròn vo. Ngày xưa, ông bà nấu chè trôi nước bằng đường thẻ, chè có màu vàng mượt mà. Ngày nay, chè trôi nước nấu bằng đường cát trắng nên chè có màu trắng tươi cũng khá hấp dẫn. Một số người muốn giống vị xưa thì nấu bằng đường thốt nốt. Chè trôi nước ăn với ít mè rang, giới trẻ thích béo thì chan thêm nước cốt dừa.
Món cơm rượu Gò Công
Dân dã hồn quê
Tết Đoan Ngọ người Hoa hay người Việt đều có món bánh ú lá tre. Nhưng, bánh ú lá tre của người Hoa có nhân thịt, hột vịt muối, lạp xưởng... không có hương vị chân chất, thấm đẫm hồn quê như bánh ú nước tro của người Việt.
Bánh ú nước tro của người Việt nho nhỏ, gói bằng vài chiếc lá tre đơn sơ bên ngoài. Nếp gói bánh được ngâm với nước tro, khi nấu chín, hạt nếp hoà thành bột, tạo thành khối vàng nâu trong suốt. Bánh có hai loại, loại nhân đậu và loại không nhân chấm với đường. Kiểu ăn bánh ú không nhân chấm với đường thể hiện rõ nét văn hoá ẩm thực dân dã của người Việt. Những người lớn tuổi kể rằng, ngày xưa tay cầm miếng bánh ú cắn một miếng, tay kia cầm miếng đường thẻ nhấp một chút, vị bánh hoà với đường, ngon sao lạ kỳ. Ngày nay, thời đại của công nghệ, người ta ăn bánh ú chấm đường cát trắng.
Cứ đến tháng 5 âm lịch là rộ mùa ốc gạo. Có lẽ vì vậy mà ốc gạo cũng trở thành món ăn truyền thống trong ngày diệt sâu bọ. Hai nơi có ốc gạo nổi tiếng ngon là cồn Phú Đa (Bến Tre) và cồn Tân Phong (Tiền Giang). Con ốc ở hai nơi này vào đúng mùa độ béo, giòn hơn hẳn các nơi khác. Ở cồn Phú Đa, không hổ danh xứ dừa, chỉ với một loại nguyên liệu là ốc gạo mà người dân nơi đây chế biến ra không biết bao nhiêu là món. Đầu tiên là món gỏi cuốn ốc gạo. Thịt ốc gạo, rau thơm, bún tươi, dừa vừa nám vỏ nạo sợi, cuốn bánh tráng chấm tương xay, thiệt đơn sơ mà ngon lạ lùng. Để món ăn có hương thơm vị béo của dừa hơn nữa, người ta còn cho thêm nước cốt dừa vào tương chấm. Kế đến là ốc gạo um nước dừa, ốc xào củ hũ dừa, bánh xèo nhân ốc gạo củ hũ dừa... mang đậm sắc thái đặc trưng vùng Phú Đa.
Còn người dân Tân Phong lại có món ốc gạo luộc đơn sơ, ăn hoài không ngán. Bởi con ốc gạo vùng này vốn đã ngon sẵn rồi, chỉ cần luộc vài phút, thêm vài cọng sả, canh cho con ốc vừa chín tới là đã có món ốc gạo thơm ngát. Ăn kiểu thôn quê thì ra vườn tuốt vài cọng lá dừa hoặc bẻ gai bưởi làm kim lể ốc, chấm nước mắm gừng, nhai chầm chậm để tận hưởng vị giòn ngọt, đậm đà của thịt ốc.
Ngoài ra, dân miệt trái cây Tiền Giang còn có món ốc gạo trộn gỏi đu đủ hoặc món cháo ốc gạo hành nóng hổi, thơm phức. Thành thị hơn có món ốc gạo chấy tỏi, ốc gạo tiềm thuốc Bắc... thiệt thèm!
Theo PNO
[Chế biến] - Rượu nếp đón Tết Đoan Ngọ Rượu nếp ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải dùng đến đường! Nguyên liệu: - 1kg gạo nếp xay lật hay còn gọi là gạo nếp lứt - 3 quả men rượu - Nồi gốm, túi khóa zip cỡ to. Bước 1: Gạo nếp vo sạch, để...