Thịt ôi chảy nước ‘biến’ thành thịt tươi như thế nào?
Tảng thịt đã tái nhợt, bốc mùi, chảy nước, chỉ cần ngâm 15 phút với một chất bột trắng của Trung Quốc là đã trở nên hồng hào, tươi rói.
Rau già, gà chết và thịt lợn ôi
5h sáng, chúng tôi có mặt tại khu bán thịt lợn, gia cầm trong chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội). Biết tôi có nhu cầu, chị bán thịt lôi một tảng thịt lợn trắng nhợt từ trong bao tải, vứt bạch ra trước mặt bàn, khẳng định: “Bán cơm bình dân thì nên lấy hàng loại hai này. Hàng hơi “héo”, nhưng ngon chán, chưa có mùi đâu. Chú lấy thường xuyên, chị để cho 55.000 đồng/kg. Còn muốn lấy hàng loại ba giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, đã ôi chảy nước, về phải làm kỹ”. Anh chủ quán cơm tên H. đi cùng rỉ tai: “Ở đây cái gì cũng có, từ gà chết, lợn ôi, thịt đông lạnh… Khách mua hàng này 100% là các quán cơm bình dân phục vụ sinh viên và người lao động có thu nhập thấp”.
Thịt ôi sau khi được tẩm ướp trông khá bắt mắt tại các quán cơm bụi.
Tỏ vẻ lọc lõi trong nghề, anh chủ quán cơm tên Q. đi cùng cho hay, không ai mở cơm bình dân lại đi mua đồ tươi sống. Có 15.000 đồng một đĩa cơm, giáthực phẩm thì tăng cao, mua đồ xịn về thì lấy đâu ra lãi. Rau già, gà chết và thịt lợn ôi là ưu tiên hàng đầu. Loại thịt này ở Vồ (Hà Đông, Hà Nội) còn rẻ hơn nhiều.
Theo chỉ dẫn, ngày hôm sau, tôi mò xuống chợ Vồ, nơi được mệnh danh là thiên đường tiêu thụ loại thịt phẩm ôi. Giá các mặt hàng tại đây khá mềm, một cân thịt nạc mông chỉ có 65.000 đồng/kg. Đặc biệt càng về cuối ngày, giá thịt lại càng hạ. Một chủ hàng tại đây cho biết: “Khách chủ yếu là dân mở quán cơm “bụi”. Hàng thì nói thẳng, không được chuẩn cho lắm, nhưng về làm món kho, xào … không khác thịt tươi”.
Video đang HOT
Công nghệ phù phép
Theo bí quyết của anh Q. bán đồ chết, đồ ôi lợi nhuận gấp chục lần. Còn việc biến thịt “héo” thành tươi thì rất đơn giản. Với những loại thịt chưa bị ôi chảy nước, chỉ cần đun một nồi nước nóng, cho nhúm muối và trần qua là thịt lại ngon như mới. “Nếu cẩn thận hơn, trước khi chế biến, mình ướp các loại gia vị như hành, tỏi, muối. Nếu màu thịt chưa đẹp, chỉ cần cho chút nước cốt dừa, hay kẹo đắng vào là ngon ngay” – anh Q. chia sẻ.
Với những mặt hàng thịt thiu có mùi, bị vữa, không thể xử lý bằng những phương thức thông thường, các chủ quán sẽ “phù phép” biến thành thịt tươi khi ngâm chúng vào chất bột trắng có nguồn gốc từ Trung Quốc, được chào bán tràn lan trong chợ Đồng Xuân. Lôi một túi bột màu trắng từ gầm bàn, anh H. vừa “biểu diễn” vừa giải thích: “Chúng tôi gọi nó là bột phù phép. Chúng được bán với giá 50.000 đồng/kg. Thịt có thiu rữa, chỉ cần ngâm một đến hai thìa trong khoảng 15 phút là tươi hồng như thịt mới. Ngay cả mặt hàng đông lạnh, chỉ cần ngâm với loại bột này thịt sẽ luôn giữ được mềm và màu sắc khá đẹp”.
Quả nhiên, miếng thịt tái nhợt, mềm oặt sau khi ngâm với loại bột trằng này trở lên đanh hồng trong vòng chưa đầy 15 phút. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế: “Chúng tôi chưa rõ tác hại của loại bột không rõ nguồn gốc này ra sao bởi cần phải lấy mẫu kiểm tra trước khi đưa ra kết luận. Tuy nhiên, riêng việc các quán cơm bình dân sử dụng nguồn thực phẩm ôi thiu là đã gây tác hại lớn đến sức khỏe con người. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc này”.
Phát hiện hơn 300 kg thịt bò thối Sáng 27/2, đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, môi trường (CA quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã kiểm tra xe khách mang BKS 43B, phát hiện 7 thùng xốp đựng lưỡi, chân, đuôi bò… đã bốc mùi hôi thối. Chủ hàng, ông Lê văn Nhân (sinh năm 1973, trú phường Hòa An, Cẩm Lô, Đà Nẵng) thừa nhận mua từ một người tên Tuấn tại Hà Nội, rồi gửi xe ô tô khách, vận chuyển về Đà Nẵng để tiêu thụ. Công an quận Cẩm Lệ đã tiến hành lập biên bản thu giữ, đồng thời yêu cầu Chi cục thú ý đến hiện trường phun thuốc diệt trùng, xử lý môi trường và đưa đi tiêu hủy.
Theo Đất Việt
Thịt ôi, cá ươn vào quán ăn
Để thu được lãi cao, nhiều quán ăn đã mua những thức ăn ôi hỏng, kém chất lượng về chế biến.
Gần 12 giờ trưa, bám theo hai chị em Lan và Phương, chủ quán cơm P.N (đường Trung Văn, H.Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi đến một khu chợ thịt lợn tại con ngõ dẫn từ đường Phan Đình Phùng ra đường Quang Trung (Q.Hà Đông, Hà Nội). Trời nắng chang chang, gần 30 hàng bán thịt lợn bán tràn lan ở vỉa hè đang ra rả chào hàng. Nhiều chủ hàng sỗ sàng, sấn sổ lao ra, ấn cả miếng thịt vào mũi cho khách ngửi, chứng thực là thịt còn tươi, ngon. Tại khu chợ này, thịt lợn bày bán chiếm đến 80% hàng hóa, tất cả đều được bày bán trên những manh tải trải trên nền đất. Phần còn lại là các thực phẩm khác như thịt gà, rau, cá... với điểm chung là đều đã chết, ươn. Những người bán hàng luôn tay xua đuổi ruồi nhặng bu đậu đen những miếng thịt nhợt nhạt, nhầy nhớt.
Chợ tạm này còn có tép nát... - Ảnh: Lê Hồng Quân
Hàng ế, hàng thải
Vừa dừng xe, hai chị em chủ tiệm cơm P.N được một đám gần chục người cả nam cả nữ tay lăm lăm chân giò, tảng thịt quây kín chào mua thịt giá rẻ. "Họ nhận ra khách quen đấy, vì làm quán cơm thường mua nhiều nên tranh nhau mời", chị Thảo bán kem ở đầu chợ cho chúng tôi biết. Theo chị Thảo, khu chợ này thường họp từ khoảng 10 giờ 30 phút và chỉ tan khi hết sạch hàng, thường là giữa buổi chiều. Nguồn thịt lợn bán ở chợ này chủ yếu là hàng ế, thải từ khắp các chợ nội thành Hà Nội đổ về. Nhiều hôm còn có cả thịt lợn ốm, chết. Khi bán lợn ốm, chết để giả làm thịt lợn ế từ các chợ chuyển về, các tư thương thường chia thịt ra làm nhiều mảnh nhỏ, bỏ vào bao tải, mỗi lúc mang đến vài cân, bán hết lại gọi điện cho người mang đến. "Bán kem ở đây mấy năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi mua thịt ở đây, ghê lắm, phải đi chỗ khác mua, ăn ít còn hơn ăn nhiều", chị Thảo chia sẻ. Theo chị, khách hàng quen thuộc nhất của những khu chợ chuyên bán đồ ế, ôi này là những quán cơm bình dân, nhà bếp tập thể, hàng phở, hàng bánh mì doner kebap, bún chả, những người thu nhập thấp như công nhân...
Gần 13 giờ, việc mua bán của chị em cô Lan và Phương hoàn thành, với hơn chục cân thịt, mỡ; thịt nạc giá 75.000 đồng/kg. Chúng tôi tiếp tục hành trình với một người phụ nữ đi xe đạp, dáng người nhỏ, mặt bịt khăn kín, đội nón, chừng gần 50 tuổi, mua 4 chiếc chân giò lợn với giá chỉ 100.000 đồng cùng nhiều xương ống, xương sườn lợn. Người phụ nữ đi về hướng khu đô thị Văn Quán (Q. Hà Đông, Hà Nội) rồi rẽ vào một con đường hẹp dẫn sang địa phận huyện Thanh Trì, về một quán "cháo lòng, tiết canh, bún phở" tại đội 8, thôn Yên Xá, xã Tân Triều. Theo người dân sống ở khu vực này thì đây là quán bán đồ ăn sáng, khá đông khách.
Chị Thảo bán kem, vừa lấy kem cho chúng tôi vừa bảo, thỉnh thoảng cũng thấy công an đến đuổi chợ, nhưng sau khi họ đi khỏi thì đâu lại hoàn đấy.
Bao nhiêu cũng có
Ngày thứ 3 liên tiếp đến khu chợ chuyên bán đồ ôi ở Hà Đông, trong vai chủ quán cơm đi tìm nguồn hàng giá rẻ, chúng tôi được một người đàn ông to béo, chừng hơn 40 tuổi, tên Chiến vỗ vai bảo, đã đến đúng chỗ cần tìm. Anh này khoe chuyên bán buôn thịt cho các hàng ăn, số lượng bao nhiêu cũng đáp ứng được. "Cứ tiền trao, cháo múc thì bao nhiêu cũng được, loại nào cũng có, đảm bảo giá rẻ", ông Chiến khẳng định.
Ấn tay vào miếng thịt nửa mỡ nửa nạc, vàng ệch đã se khô cứng bề mặt trên tay ông Chiến, chúng tôi thấy vết ấn lõm sâu xuống mà không có độ đàn hồi. Đưa lên ngửi, chúng tôi suýt ọe vì mùi hôi nồng xông vào mũi.
Đảo qua một vài hàng khác, không khó để chúng tôi nhận ra đây là loại thịt lợn ế ôi hoặc bị bệnh vì cầm miếng thịt nào lên nếu không thấy nhầy nhớt, sặc mùi tanh hôi thì cũng không có độ đàn hồi như thịt ngon. "Chú mày khó tính quá đấy, đã đến đây mua loại hàng này lại còn kén chọn", ông Chiến phàn nàn.
Hai chị em Lan, Phương mua thịt ở chợ thịt lợn ôi thuộc địa bàn phường Quang Trung (giáp đường Quang Trung) - Ảnh: Lê Hồng Quân
Điệp khúc kêu khó!
Thừa nhận là có tình trạng bán thịt ôi trên địa bàn nhưng chưa bao giờ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, ông Cấn Xuân Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y quận Hà Đông, cho biết đã nhiều lần xử lý những người bán thịt ở chợ tạm trên địa bàn phường Quang Trung, nhưng hôm nay xử lý thì mai vẫn tiếp diễn. "Ngày nào cũng phải có lực lượng liên ngành chốt ở đây thì mới giải quyết triệt để được. Tới đây, chi cục sẽ có văn bản gửi UBND quận xin ý kiến chỉ đạo xử lý triệt để khu chợ tạm này. Theo cá nhân tôi, thực phẩm bán ở khu chợ tạm này cơ bản không đảm bảo an toàn vệ sinh vì ngay vị trí bán đã không đảm bảo. Nhìn bằng mắt thường đã thấy thịt không đảm bảo chất lượng. Người dân không nên tham rẻ mua thịt ở đấy", ông Bình nói.
Còn đại diện Công an phường Quang Trung khẳng định sẽ kiên quyết dẹp bỏ khu chợ tạm bán thịt ôi ế tồn tại trên địa bàn, nhưng cũng thừa nhận "không phải việc dễ". Công an phường đã nhiều lần ra quân dẹp chợ, nhất là từ tháng 3 năm nay, đã phân công lực lượng cắm chốt tại khu vực họp chợ tạm. "Đã có lần chúng tôi giữ xe, giữ hàng, nhưng cứ nhằm lúc lực lượng nghỉ ăn trưa là những người này lại họp tranh thủ bán chốc lát. Khi có lực lượng đến, những người bán hàng lại chạy", vị đại diện này nói. Cũng theo Công an phường Quang Trung, rất khó để nắm bắt số lượng người bán và số hàng bán ở khu chợ tạm này vì những người bán hàng thay đổi từng ngày.
Theo Thanh Niên