Thịt lợn đen – đặc sản trứ danh vùng Bắc Hà
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn, trang trại của Công ty Anh Nguyên tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Bắc Hà vốn là một trong những huyện miền núi khó khăn của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, diện mạo nền kinh tế địa phương đang dần thay đổi. Trong đó, trang trại chăn nuôi lợn đen kiểu mới của Công ty TNHH Anh Nguyên tại xã Tà Chải là một trong những mô hình tiêu biểu.
Khác với lối chăn nuôi tự phát truyền thống, tại trang trại này, đàn lợn được nuôi trong mô hình khép kín nhằm đảm bảo chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra. Ở khâu chọn con giống, thay vì thu mua từ bên ngoài, trang trại tự lai tạo giống theo phương pháp riêng bằng cách kết hợp lợn nái Móng Cái với lợn đực thuần chủng Bắc Hà để cho ra giống mới có tỷ lệ thịt và mỡ đồng đều.
Bên cạnh đó, công ty cũng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất cho đàn lợn. Chuồng trại được phân ra thành nhiều ô riêng biệt, mật độ lợn vừa phải, chỉ khoảng 7 con một chuồng để chúng có đủ không gian vận động và phát triển khỏe mạnh. Bao quanh chuồng là những tấm nhựa thông minh có tác dụng làm mát vào mùa hè và làm ấm khi đông đến.
Lợn đen Bắc Hà cho chất lượng thịt thơm ngon. Ảnh: Bizmedia.
Video đang HOT
Toàn bộ sàn chuồng được rải “lớp đệm” sinh học từ mùn cưa và trấu. Chúng giúp sản sinh lượng nhiệt giữ ấm và phòng trừ một số bệnh như cảm cúm, lở mồm long móng… Ngoài ra, “đệm” sinh học còn có khả năng tự hoại, phân hủy chất thải, giúp chuồng trại luôn khô thoáng, không có mùi hôi.
Để đảm bảo đàn lợn phát triển khỏe mạnh, khâu phòng trừ bệnh cũng được coi trọng. Các cán bộ y tế sẽ áp dụng lịch tiêm chủng khoa học cho lợn ngay từ khi mới sinh. Trong tuần đầu, lợn con được tiêm bổ sung để tránh còi xương và 2 tuần sau đó phòng suyễn. Vào tuần thứ 4, cán bộ sẽ tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng và thương hàn còn tuần 5 phòng bệnh lở mồm long móng. Từ lúc tiêm đến khi xuất chuồng cần có khoảng cách thích hợp để đảm bảo nguồn thịt lợn “sạch thuốc” trước khi tới tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trang trại còn tự sản xuất nguồn thức ăn sạch cho đàn lợn bằng nguồn nông sản tự nhiên, không sử dụng cám công nghiệp và các chất tạo nạc hay tăng trọng. Do vậy, lợn xuất chuồng ở đây chỉ nặng khoảng 90 kg một con nhưng chất lượng thịt thơm ngon và bổ dưỡng.
Hiện, sản phẩm thịt lợn đen Bắc Hà của Công ty Anh Nguyên được tiêu thụ tại nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị, nhà hàng tại các thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn La…
Theo Huê Vũ (VNE)
Click chuột để... nuôi lợn điều hòa
Thăm trang trại nuôi lợn của chị Trịnh Thị Mý, xã Phù Lương, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), chúng tôi tin ngay lời giới thiệu của Hội nông dân tỉnh về mô hình "nuôi lợn công nghệ cao, lợn nằm điều hòa".
Đổi nghề vì mê nuôi lợn
Trang trại nuôi lợn khép kín hiện đại của chị Mý nằm xa khu dân cư, lối duy nhất vào khu chuồng trại chứa dung dịch sát khuẩn, khử trùng. Tiếp chuyện chúng tôi là người phụ nữ có lối nói chuyện rất dễ mến. Chị Trịnh Thị Mý - chủ trang trại cho biết, trước khi đến với nghề chăn nuôi lợn, vợ chồng chị từng kinh doanh nông sản và vật tư nông nghiệp. "Đầu những năm 90, khi mà điện lưới mới kéo về nông thôn chưa được bao lâu thì gia đình tôi đã sắm được máy xay xát, rồi mở đại lý gạo và sau đó là cửa hàng vật tư nông nghiệp..." - chị Mý cho biết.
Theo chị Trịnh Thị Mý, để có con giống tốt phải có bố mẹ tốt, sạch bệnh và được tiêm vaccine đầy đủ. Ảnh: T.H
Công việc kinh doanh đang tiến triển thuận lợi thì năm 2001, vợ chồng chị Mý quyết định bỏ nghề, thuê 3ha đất ruộng dựng trại chăn nuôi lợn. Với nhiều người, quyết định của chị thời điểm đó được coi là quá liều lĩnh, thậm chí là "khùng" khi đang buôn bán nhàn hạ. "Sở dĩ chọn nuôi lợn, bởi tôi và chồng là anh Đào Viết Xuê đều cầm tinh tuổi lợn (Tân Hợi) nên thích chăn nuôi lợn từ bé. Thêm nữa, thịt lợn vẫn là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, do đó nuôi lợn sẽ có triển vọng"- chị Mý cho hay.
Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, lại ít vốn nên vợ chồng chị Mý chỉ nuôi khoảng 100 con lợn thịt. Sau vài lứa, chị Mý nhận ra nếu không chủ động được con giống thì rất bất lợi. Từ năm 2004, vợ chồng chị đầu tư nuôi hàng chục con lợn nái và thuê thêm 4 ha đất ruộng làm trang trại chăn nuôi lợn kết hợp đào ao thả cá. Công việc chăn nuôi ngày càng có lãi, chị mua thêm con giống, mở mang chuồng trại... Đến đầu năm 2010, chị Mý đã nâng quy mô trang trại lêm 50 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt/năm.
Nuôi lợn qua... phần mềm máy tính
Những tưởng việc nuôi lợn của vợ chồng chị Mý sẽ mãi thuận buồm xuôi gió thì cuối năm 2010, dịch tai xanh bùng phát, trang trại bị thiệt hại nặng nề. "Hàng chục con lợn nái, hàng trăm con lợn thịt lăn ra chết, vợ chồng tôi không trở tay kịp. Chuyến đó, tôi phải tiêu hủy 16 tấn lợn hơi, thiệt hại hơn nửa tỷ đồng, tưởng khó mà ngóc đầu lên được".
Để có tiền tái đàn, vợ chồng chị Mý đã phải cắm sổ đỏ, vay vốn ngân hàng. Ngày chăm sóc đàn lợn vất vả, đến đêm về 2 anh chị lại cặm cụi lên kế hoạch lựa chọn giống lợn chuẩn, xây dựng lại hệ thống chuồng trại khép kín, hạch toán sổ sách thu chi... Đến nay, trang trại của chị Mý thường xuyên duy trì 150 lợn nái ngoại, 4.000 lợn thịt/năm, cho doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, với 11 ao nuôi cá (5 ao ươm giống, 6 ao nuôi cá thịt), gia đình chị Mý có thêm hơn 300 triệu đồng/năm.
Tuy chăn nuôi lợn với số lượng "khủng", nhưng vợ chồng chị Mý khá nhàn nhã. Ngoài là bà chủ trang trại chăn nuôi lợn khép kín hiệu quả thì chị Mý còn tích cực tham gia công tác đoàn thể. Từ năm 2002-2006, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội ND xã Phù Lương. Từ năm 2007 đến nay chị giữ cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phù Lương.
"Hiện trang trại có cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản và hiểu biết về thú y chăn nuôi. Ngoài ra, vợ chồng tôi sử dụng phần mềm quản trị chăn nuôi lợn, nên công việc được giảm tải rất nhiều. Chỉ cần một cú "click" chuột, tôi biết được lý lịch từng con, ngày giờ sinh, số lần tiêm phòng, kế hoạch cai sữa, khi nào đẻ hoặc cần thụ tinh, xuất chuồng..."- chị Mý chia sẻ.
Theo Danviet