Thịt chua ống nứa, lá ổi – món đặc sản vùng Đất Tổ
Thịt chua đã có từ bao giờ? Có lẽ chẳng thể ai đoán được chính xác. Người ta chỉ biết rằng món thịt chua được bắt nguồn từ món ăn của đồng bào Mường ở miền trung du đất tổ Vua Hùng.
Phải chăng, cái ngày xưa ấy khi đời sống vật chất còn thiếu thốn, không có tủ lạnh để bảo quản thịt mà người Mường xứ này đã nghĩ ra một cách thức bảo quản thịt là muối chua?
Chỉ với ý nghĩa đơn giản như thế đó nhưng đã tạo nên món ăn thân thuộc và độc đáo với người dân vùng này mà giờ đây nó đã trở thành món đặc sản mang thương hiệu của “vùng Đất Tổ”.
Món Thịt chua sở hữu hương vị chua lạ, mặc dù cũng sử dụng nguyên liệu là thịt lợn và thính giống như vài món nem chua, nem nắm, nem phùng… Nhưng khách phương xa cứ mỗi dịp về thăm Phú Thọ đều muốn đem về một phần hương vị này để làm quà.
Theo cách làm truyền thống của bà con nơi đây, cho dù được làm từ thịt lợn, nhưng không phải loại thịt lợn nào cũng làm được thịt chua. Món thịt chua ngon phải được làm từ thịt của loại lợn mán hoặc lợn lửng mà người Mường ở đây thường hay trêu đùa nhau là “lợn cắp nách”. Giống lợn này thường nhỏ, cân nặng chỉ khoảng 15 đến 20kg. Lợn được chăn thả tự nhiên, ăn rau cỏ mà không sử dụng bất kỳ một loại thức ăn công nghiệp nào thì mới đảm bảo được chất lượng, thịt mới săn chắc, thơm ngon.
Video đang HOT
Khi bắt đầu chế biến thì nguyên liệu nhất thiết phải có thịt lợn, thính ngô, ống nứa, và lá ổi. Cả con lợn sau khi làm thịt được treo lên cho ráo kiệt nước rồi được nướng qua dưới than hồng. Những miếng thịt ngon như thịt mông, thịt vai, thịt thăn hay thịt ba chỉ được lọc ra để làm món thịt chua. Sau đó thịt được thái miếng mỏng vừa ăn rồi ướp với gia vị và một chút muối cho đậm đà. Đồng thời, ngô hạt được rang đều tay trên ngọn lửa vừa, không đun lửa quá to hoặc quá nhỏ thì hạt ngô mới dậy thơm và chín đều. Rồi ngô được nghiền nhỏ thành bột. Bột này chính là bột thính, ngoài chức năng tạo mùi thơm còn có công dụng lên men tạo vị chua cho thịt, đây chính là khâu làm chín thịt. Do vậy, có thể nói thính cũng mang yếu tố quyết định đến vị thơm ngon của thịt chua.
Khi thịt đã thấm đều gia vị thì tiếp tục trộn thịt với bột thính, trộn sao cho đều tay, và bột thính bao bọc đều các mặt thịt. Trong khi đó ống nứa và lá ổi được rửa sạch, để ráo nước. Theo quan niệm của người Mường thì ống nứa đảm bảo cho không khí không bị lọt vào trong, còn lá ổi chống ẩm mốc cho thịt. Trước khi đúc thịt đã trộn thính vào ống nứa người ta lót một lớp lá ổi dưới đáy ống, cho thịt vào và lèn thật chặt thịt, sở dĩ làm như vậy thì thịt mới ngon và giòn được. Khi đúc thịt đầy ống nứa thì lại lót một đến hai lớp lá ổi lên trên rồi dùng hai thanh tre gài chặt lại. ống thịt được để chỗ khô thoáng, sau 4 đến 5 ngày là thịt chín và có thể ăn được.
Khi ăn gỡ thịt chua ra đĩa, phải dùng tay để cuộn thịt trong lá ổi, lá đinh lăng, lá sung… và chấm với tương ớt. Cái vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì hòa cùng vị chua thơm của thính ngô lên men, vị chát của lá cây rừng và vị cay cay của tương ớt, ăn hoài mà không ngán. Thế nên, nếu bạn có dịp về thăm Đất Tổ đừng quên món thịt chua và đừng quên mời bạn bè mình cùng thưởng thức nhé. Sẽ rất khó cưỡng lại được sự hấp dẫn của món ăn này đấy.
Theo Moitruong24h
Đặc sản thịt chua của người Mường ở Phú Thọ
Thịt chua không chỉ là món ăn dân dã, mà còn trở thành đặc sản của đồng bào Mường được nhiều thực khách ưa chuộng.
Ẩm thực của đồng bào Mường khá phong phú, trong đó có món thịt chua được bà con lưu truyền từ xưa đến nay. Thịt chua không chỉ là món ăn dân dã, mà còn trở thành đặc sản của đồng bào được nhiều thực khách ưa chuộng.
Thịt chua của người Mường Phú Thọ.
Bà Sa Thị Tâm, người Mường ở xóm Xuân, xã Kim Thượng, huyện Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ là người có nhiều kinh nghiệm về cách chế biến thịt chua. Ba Tâm cho biết: Muốn thịt chua ngon, thơm, nguyên liệu phải chọn con lợn khoảng 25 đến 30 kg để thịt, thường là lợn bà con nuôi dông dài. Thịt xong, thui cho bì lợn vàng đều, quay cho thịt lợn gần chín tới. Sau đó mới chọn những phần thịt mông, vai, thăn, hoặc ba chỉ thái mỏng, miếng nhỏ, lọc hết gân.
Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu chính là thịt thì tiếp theo là phần rang thính. Đối với thịt chua, thính là nguyên liệu không thể thiếu được. Sau khi chọn được gạo, ngô loại ngon, sạch thì đem rang đều tay. Nếu rang non quá thì thính không thơm, còn già lửa thì thính lại bị khét.
"Có 2 cách: một là làm toàn thịt, 2 là làm từ thịt cho đu đủ vào, nếu cho đu đủ vào thì sẽ nhanh chua, xong ướp thính. Tốt nhất thính làm bằng ngô. Ngô rang lên sau đó xoay nhỏ nhuyễn ra rắc vào thấy thơm đã muốn ăn rồi, món đặc sản của người Mường đấy." - bà Tâm cho biết.
Theo bà Tâm, ngày xưa bà con làm thịt chua để làm thức ăn dự trữ. Sau khi trộn thịt với thính xong, chọn ống nứa không già quá, không non quá. Lúc nhồi thịt vào ống lấy một ít lá ổi lót đáy ống để chống ẩm, mốc và tạo quá trình cho thịt lên men. Khi nhồi thịt phải nhồi chặt không cho có hơi ở ống, nếu không thịt chua sẽ không lên men và không thơm.
"Ngày xưa người ta cho thịt ướp thính vào ống nứa xong treo lên gác bếp để ăn hàng tháng. Nếu để khoảng 1 tuần thịt sẽ ngon, người ta bảo thịt 3, cá 7, tức là thịt chua thì 3 ngày ăn được, còn cá thì để 7 ngày mới ăn được" - bà Tâm nói.
Bây giờ, thịt lợn có sẵn nên lúc nào cũng có thể làm thịt chua, nhà nào cũng có thể làm được. Thịt chua ủ khoảng 3, 4 ngày là đem ra ăn. Thường thì ăn thịt chua có thể ăn kèm với rau sống như lá sung, lá đinh lăng, lá nhội, lá ổi. Khi ăn có vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hòa quyện với vị chua chua của thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây rừng hòa vào vị cay của tương ớt. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bà con người Mường ở Phú Thọ còn chế biến thịt chua ống nứa, thịt chua hộp, thịt chua tỏi ớt và các sản phẩm được bày bán trong các nhà hàng, siêu thị.
"Sản phẩm thịt chua của Hợp tác xã dịch vụ Thanh Sơn hiện nay đã được tiêu thụ hầu hết ở các tỉnh phía bắc và đang mở rộng thị trường sang các tỉnh phía Nam. Thị trường trọng điểm là Hà Nội, Thái Bình, Lào Cai, Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung. Năm 2018, sản phẩm của chúng tôi được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ" - anh Đinh Mạnh Thắng, thành viên của Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết.
Thịt chua của đồng bào Mường thơm ngon là thế. Vậy nên, đến bản làng của người Mường nơi đây, du khách đừng quên thưởng thức đặc sản của đồng bào./.
Theo VOV
Dông nướng món ngon dân dã ở Bình Thuận Dông nướng là một trong những món đặc sản trứ danh của vùng đất Bình Thuận. Dông là loài bò sát, sống chủ yếu ở các sa mạc, đồi cát, chịu được nắng nóng, khô hạn nên còn có tên gọi là "vua đồi cát". Hình dáng dông giống thằn lằn nhưng lớn và dài khoảng 20cm - 30cm. Tên dông bắt nguồn...