Thiếu tướng Phan Anh Minh yêu cầu ngân hàng, viễn thông hợp tác chống tội phạm
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, việc phòng, chống tội phạm công nghệ cao gặp khó khăn khi xác minh tài khoản, thông tin của các chủ thuê bao.
Tội phạm lợi dụng công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp. Kẻ lừa đảo thông qua các trang mạng xã hội giả chuyển tiền, quà có giá trị lớn về Việt Nam, đánh vào lòng tham rồi dẫn dụ bị hại chuyển tiền thanh toán cước phí, thuế… để chiếm đoạt. Việc giả mạo công an lừa đảo qua điện thoại xuất hiện trở lại nhưng với phương thức, thủ đoạn mới, đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn… Ngày 29-7, báo cáo với Ban Pháp chế HĐND TP.HCM về tình hình hoạt động trong sáu tháng đầu năm, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết như trên.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, tại buổi làm việc ngày 29-7. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Theo Thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM, trong số tin báo tố giác tội phạm gửi về cơ quan CSĐT thì gần một nửa là tin báo tố giác về tội phạm công nghệ cao. Công an đã phổ biến đến tận phường/xã những thủ đoạn của bọn lừa đảo lợi dụng công nghệ cao nhưng công tác phòng, chống vẫn còn khó khăn. “Công an gặp khó khăn trong việc xác minh thông tin tài khoản ở ngân hàng và thông tin các chủ thuê bao ở viễn thông. Các cơ quan hầu như không cung cấp thông tin dù công an có sao gửi quyết định khởi tố, văn bản đề nghị nhưng các cơ quan này vẫn không trả lời” – ông Lợi nói.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho hay là cơ quan điều tra yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có liên quan đến tội phạm hình sự phải cung cấp tài liệu nhưng không được phối hợp. “Một số doanh nghiệp, ngân hàng, viễn thông cung cấp các dịch vụ cho người nhân thân không rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm” – ông Minh nói.
Video đang HOT
Một bị can lừa đảo qua điện thoại bị công an bắt giữ. Ảnh: N.Tân
Tướng Minh cũng cho biết để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an TP đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phải khuyến cáo các ngân hàng khắc phục sơ hở của mình; Sở TT&TT TP cũng kiến nghị Bộ TT&TT siết quản lý lai lịch của người dùng thuê bao điện thoại di động trên phạm vi toàn quốc. Công an TP đã thông báo cho tất cả ngân hàng thương mại trên địa bàn TP có phòng giao dịch phải dán cảnh báo, yêu cầu nhân viên giao dịch khuyến cáo cho khách hàng khi họ tự rút hết tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm để gửi vào một tài khoản lạ nhưng nhân viên các ngân hàng không thực hiện yêu cầu này.
Cũng tại buổi làm việc, cơ quan CSĐT cũng thông tin trong sáu tháng qua đã phát hiện 17 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. PC46 chỉ mới khởi tố sáu vụ với 10 bị can, tăng hai vụ so với cùng kỳ năm 2015. Điển hình là vụ Phan Văn Khang – chồng của nữ thư ký TAND TP.HCM bị Công an TP.HCM bắt quả tang về hành vi làm môi giới hối lộ. Hay vụ án Lê Dũng (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn, Infoodco, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) và cùng các cán bộ hải quan chiếm đoạt gần 126 tỉ đồng của Nhà nước.
Sáu tháng đầu năm 2016, lực lượng CSĐT Công an TP.HCM đã thụ lý 7.404 vụ, 8.255 bị can với 5.713 vụ án hình sự, 360 vụ án kinh tế, 16 vụ án tham nhũng, 1.140 án ma túy… Tổng xử lý 4.839 vụ, đạt tỉ lệ 65,36%; đề nghị truy tố 2.817 vụ, đình chỉ điều tra 59 vụ. Hiện CSĐT Công an TP đang thụ lý 2.565 vụ, 3.455 bị can.
Theo Thanh Niên
Xóa sổ đường dây lừa đảo công nghệ cao do người Trung Quốc cầm đầu
Lập "tổng đài" tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), nhóm đối tượng ở Trung Quốc đã lôi kéo, đưa một nhóm người Việt Nam do Nguyễn Văn Thiên (34 tuổi, ở tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cầm đầu sang thực hiện hành vi lừa đảo nhằm vào những người nhẹ dạ ở Việt Nam.
Bọn chúng đã giả danh Công an, Viện Kiểm sát để thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước... Cùng với việc vận động đối tượng Nguyễn Văn Thiên từ Trung Quốc về Việt Nam đầu thú vào ngày 12-10, đến nay, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã bắt giữ được tổng cộng 7 đối tượng khác, bóc trần những phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi của bọn chúng để người dân nâng cao cảnh giác.
Cầm đầu nhóm đối tượng này là A Trần, một đối tượng người Phúc Kiến (Trung Quốc). Thiên quen với A Trần sau khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc về. Được gã trùm A Trần đưa cho "kịch bản" lừa đảo công nghệ cao đã soạn sẵn cực kỳ tinh vi và kiếm bộn tiền, Thiên nhận lời ngay khi được A Trần hứa trả lương tháng 10 triệu đồng và 6% số tiền lừa được của các bị hại. Theo sự phân công của A Trần, Thiên "tuyển" một số đối tượng người Việt Nam như: Đinh Văn Đạt, Lê Bá Thuận, Nguyễn Minh Chung, Nguyễn Văn Doanh cùng trú tại TP Biên Hòa, Đồng Nai; hai anh em ruột Trần Văn Lợi, Trần Văn Thắng, trú tại Nghĩa Hưng, Nam Định; Nguyễn Thị Hằng, trú tại Quảng Ninh đưa sang Trung Quốc cho A Trần.
Tại "đại bản doanh" ở Phúc Kiến, nhóm đối tượng người Việt Nam được A Trần bố trí cho ở trong một căn nhà hai tầng, tầng 1 được ngăn làm các phòng nhỏ có lắp đặt máy tính, thiết bị công nghệ cao, điện thoại, bộ đàm. Điều đáng nói rằng, thiết bị công nghệ cao nói trên có thể tạo ra bất cứ số điện thoại nào mà chúng mong muốn, số điện thoại này sẽ hiện lên vào máy điện thoại bàn (có chức năng hiện số) hoặc máy điện thoại di động của người nghe. Nhưng trước khi thực hiện hành vi phạm tội, A Trần và đồng bọn bên Trung Quốc đã in một tập tài liệu (gọi là giáo trình) bằng tiếng Việt, luyện rất kỹ cách thức lừa đảo cho các đối tượng. Sau khi luyện lý thuyết và thực hành nhuần nhuyễn trong vòng khoảng 40 đến 45 ngày, các đối tượng được đưa ra thực hiện hành vi lừa đảo.
Các thẻ tín dụng ngân hàng các đối tượng sử dụng để rút tiền của bị hại.
Các vụ lừa đảo của nhóm này, theo đúng "giáo trình", chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn một, các đối tượng giả mạo là nhân viên tổng đài của Bưu điện. Hành vi này do đối tượng Hằng, Chung, Hương và Thuận thực hiện. Bọn chúng sẽ gọi vào máy điện thoại để bàn của bị hại, tự xưng là nhân viên của Bưu điện, thông báo thuê bao của bị hại đang nợ cước số tiền 8,9 triệu đồng.
Khi bị hại đang ngơ ngác cãi lại không hề nợ cước, "nhân viên bưu điện" lại hỏi tiếp, gia đình có mấy số điện thoại bàn thuê bao và đọc ra số điện thoại bàn nợ tiền cước khác với số của bị hại. Sau đó, "nhân viên bưu điện" cho rằng, bị hại đã bị đánh cắp chứng minh nhân dân (CMND) nên người khác mới có thể sử dụng CMND này để thuê bao số điện thoại nợ cước trên. Người này yêu cầu bị hại đọc số CMND và một số thông tin về nhân thân khác như số điện thoại di động để chuyển cho cơ quan Công an xác minh.
Ở giai đoạn 2, đối tượng giả danh là Công an hoặc cán bộ Viện kiểm sát, gọi đến điện thoại di động của bị hại. Lúc này, hệ thống thiết bị công nghệ cao của các đối tượng sẽ tự động đẩy số điện thoại của trực ban Công an hoặc Viện Kiểm sát các tỉnh, thành, nơi bị hại đang ở vào máy di động của bị hại.
Để làm được điều này, các đối tượng đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chúng lấy số điện thoại trực ban của Công an ở các tỉnh, thành qua mạng Internet... sau đó chúng sử dụng thiết bị công nghệ cao tạo số như ý muốn. Chính điều này khiến người bị hại dễ dàng rơi vào cái bẫy của những kẻ lừa đảo. Trong quá trình nói chuyện, đối tượng sẽ thông báo cho người bị hại, số CMND của bị hại còn bị kẻ khác lợi dụng để mở tài khoản trong đường dây mua bán ma túy hoặc rửa tiền.
Sau đó, "vị công an" yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin về việc mở tài khoản tại ngân hàng, dọa rằng tài khoản trên vì liên quan đến tội phạm nên sẽ phải đóng lại trong 18 tháng. Phương án thứ hai các đối tượng đưa ra, đó là rút tiền trong tài khoản của mình để chuyển vào tài khoản của cơ quan Công an, trong vòng 24 giờ, nếu cơ quan Công an xác minh không liên quan sẽ chuyển trả lại tiền. Không muốn tiền của mình bị "đóng băng" trong 18 tháng, nhiều bị hại đã chọn phương án hai.
Giai đoạn thứ ba có thêm sự hỗ trợ của đối tượng đóng vai trò là cấp trên của cán bộ Công an hoặc Kiểm sát viên để đọc số tài khoản cho người bị hại chuyển tiền vào.
Bước cuối cùng là thực hiện việc rút tiền. Ở đây sẽ có hai hình thức: Nếu người bị hại chuyển số tiền lớn, chúng yêu cầu bị hại chuyển vào tài khỏan của các đối tượng nằm trong đường dây để thuận tiện cho việc rút tiền. Nếu số tiền nhỏ, chúng chuyển tiền vào các tài khoản nhỏ, lẻ mà trước đó chúng đã đi mua, thu gom... của công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước.
Trao đổi với chúng tôi, điều tra viên của Phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, đơn vị thụ lý vụ án cho biết: Bọn cầm đầu bố trí 2 đối tượng người Trung Quốc ăn, ở ngay tại Móng Cái (Quảng Ninh) và thuê một người Việt Nam làm phiên dịch để thực hiện việc rút tiền lừa đảo được tại các cây ATM và các phòng giao dịch của một số ngân hàng tại Móng Cái, sau đó thuê chuyển ngay về Trung Quốc. Sở dĩ bọn chúng chọn người Trung Quốc sang rút tiền vì chúng biết tại các cây ATM đều có máy camera, nhận dạng chúng sẽ khó hơn người bản địa.
Cũng theo điều tra viên thì trong "giáo trình" lừa đảo, các đối tượng cầm đầu cũng "dạy" các đối tượng trong đường dây cả cách khai báo hòng tránh tội khi bị Công an Việt Nam bắt giữ.
Theo T. Hòa - X.Mai
Công an nhân dân
Truy tìm chủ tài khoản liên quan vụ lừa đảo công nghệ cao Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả điều tra ban đầu xác định: Khoảng tháng 5/2014, nhóm đối tượng lừa đảotiến hành tra cứu, tìm kiếm thông tin, trực tiếp gọi vào số máy điện thoại đăng ký nhà riêng của...