Thiếu tù nhân, Hà Lan phải đóng cửa một loạt trại giam
Việc áp dụng các chính sách cải tạo tại cộng đồng đã khiến số lượng tù nhân trong các trại giam Hà Lan sụt giảm mạnh trong những năm qua.
Một nhà tù ở Hà Lan được cải tạo thành nơi ở cho người tị nạn. Ảnh: AP
Mới đây, Bộ Tư pháp Hà Lan thông báo tổng số tù nhân trong các nhà tù của nước này đã giảm 27% từ năm 2011 đến 2015, khiến nhiều trại giam vắng bóng phạm nhân và buộc phải đóng cửa, theo Washington Post.
Báo cáo của Bộ Nhà tù Hà Lan cũng cho biết nước này có tỷ lệ phạm nhân thuộc vào diện thấp nhất châu Âu, với 57 tù nhân trên 100.000 dân, chỉ đứng sau Phần Lan (54 phạm nhân trên 100.000 dân). Trong khi đó, Anh và xứ Wales có tỷ lệ phạm nhân cao nhất, ở mức 148 trên 100.000 dân.
Số lượng tù nhân ở Hà Lan sụt giảm là do sự thay đổi của môi trường sống cũng như chiến thuật đối xử với người phạm tội. Thay vì đưa người phạm tội vào trại giam, Hà Lan đang áp dụng ngày càng nhiều hình thức giáo dục tại cộng đồng và giám sát người phạm tội bằng vòng đeo chân. Những thay đổi này đã khiến lượng tù nhân dưới 17 tuổi trong các trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên giảm tới 55%, trong khi số tù nhân từ 18 đến 22 tuổi giảm 44%.
Năm 2013, 19 nhà tù ở Hà Lan đã buộc phải đóng cửa vì không có tù nhân. Đến tháng 3, thêm 5 nhà tù nữa ngừng hoạt động, theo tờ De Telegraaf. Các nhà tù bỏ không được tận dụng vào mục đích khác, chẳng hạn như cho chính phủ Na Uy và Bỉ thuê để giam tù nhân của các nước này. Một số nhà tù được cải tạo thành nơi ở cho người tị nạn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, việc đóng cửa hàng loạt nhà tù cũng khiến nhiều quản giáo trại giam thất nghiệp. Trong năm nay, lực lượng quản giáo Hà Lan thừa tới 1.900 người, và khoảng 700 người nữa sẽ phải đi xin việc khác. Chính phủ Hà Lan đang tranh luận xem liệu tình trạng giảm sút tù nhân này là do tỷ lệ tội phạm thực sự giảm, hay do những chính sách mới khiến ít tội phạm bị bắt hơn.
“Nếu chính phủ thực sự nỗ lực bắt tội phạm, chúng ta sẽ không gặp vấn đề với những buồng giam trống thế này”, nghị sĩ Nine Kooiman thuộc Đảng Xã hội chủ nghĩa Na Uy nói.
Hà Lan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu có số lượng tù nhân giảm mạnh. Số tù nhân của Thụy Điển đã giảm từ 5.722 năm 2004 xuống còn 4.500 vào năm 2014, và nước này cũng đã phải đóng cửa một số nhà tù. Các chuyên gia cho rằng cách đối xử nhân đạo và sự tiện nghi trong các nhà tù Thụy Điển giúp tù nhân có cơ hội hoàn lương cao hơn.
Việt Dũng
Theo VNE
Vấn nạn tham nhũng trong các nhà tù Nga
Tham nhũng tràn lan và mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền trong các nhà tù ở Nga, kể cả tự do, theo phóng sự của AFP ngày 1.3.
Tù nhân Nga chỉ cần chi tiền hối lộ sẽ được trả tự do sớm - Ảnh: AFP
Bà Yelena Fedoseyeva, một cựu tù nhân ở Nhà tù số 7 gần thành phố Kaluga, cách thủ đô Moscow khoảng 180 km về phía tây nam, kể lại chuyện cán bộ trại giam mồi chài gia đình bà hối lộ để giảm án tù, theo AFP.
"Cuối năm 2014, Darya Antonova, người chịu trách nhiệm cải tạo tù nhân tại Nhà tù số 7, đề nghị chồng cũ tôi hối lộ khoảng 2.600 USD để tôi được thả sớm", bà Fedoseyeva cho biết.
Sáu tháng sau khi người chồng chi tiền hối lộ, đội lốt "phí mua ra giường" cho tù nhân, bà Fedoseyeva được thả.
Những tù nhân giàu có phạm tội kinh tế như bà Fedoseyeva được xem là mục tiêu chính để cán bộ trại giam vòi vĩnh tiền hối lộ. Tháng 7.2015, nhiều gia đình tù nhân tại Nhà tù số 7 cáo buộc giám đốc nhà tù tổ chức đường dây hối lộ để được giảm án, ép gia đình tù nhân mua vật dụng, thiết bị cho nhà tù, sau đó lấy hóa đơn rút ruột tiền ngân sách bỏ túi.
"Giám đốc nhà tù đã bị sa thải và đang bị điều tra", AFP dẫn lời một người phát ngôn Ủy ban Điều tra Nga cho biết.
"Tù nhân có thể chi tiền hối lộ để được dùng điện thoại di động, được kết hôn hoặc thậm chí để được tắm... Mọi thứ trong các nhà tù ở Nga đều có giá và có thể mua được", theo bà Inna Bazhibina, một nhà hoạt động vì quyền lợi tù nhân thuộc tổ chức Rus Sidyashchaya của Nga.
Các nhà tù có mức giá khác nhau, theo bà Bazhibina, từng là một kế toán ngồi tù hai năm về tội buôn lậu và được thả tự do vào năm 2011. Bà cho biết thêm một tù nhân - cựu doanh nhân gần đây phàn nàn về "giá thuê tháng" buồng giam của ông tại nhà tù Medvedkovo ở phía đông bắc thủ đô Moscow (Nga) là quá cao, khoảng 1 triệu ruble (13.000 USD)/tháng.
Nhà tù Matrosskaya Tishina ở thủ đô Moscow, Nga. Tù nhân muốn ở buồng giam tốt hơn phải chi 50.000 rúp (676 USD) - Ảnh: AFP
"Tù nhân muốn chuyển đến một buồng giam tốt hơn ở Nhà tù số 1 (hay còn gọi là Matrosskaya Tishina) ở Moscow phải chi 50.000 rúp (676 USD)", Yelena Masyuk, một nhà báo - thành viên hội đồng nhân quyền của chính phủ Nga từng đến thăm các nhà tù, cho hay.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả những thông tin trên", người phát ngôn Kristina Belousova của cơ quan quản lý các nhà tù Nga cho biết.
Cuối tháng 1.2016, giám đốc Nhà tù số 2 ở thành phố Kazan (miền trung nước Nga) đã tự sát sau khi phó giám đốc bị bắt và thừa nhận đã nhận hối lộ 600.000 ruble (8.115 USD) từ tù nhân để họ được thả sớm. Hồi năm 2015, ba cán bộ trại giam và hai cựu nhân viên thuộc Nhà tù số 1 bị bắt vì nhận hối lộ 10 triệu ruble (13.517 USD) từ các tù nhân.
Những cáo buộc tham nhũng cũng lên đến cấp cao hơn: ông Alexander Reimer, từng là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà tù đến hết năm 2012, đã bị bắt vào tháng 3.2015 với cáo buộc chiếm dụng khoảng 3 tỉ ruble (40,4 triệu USD) tiền ngân sách dành cho mua sắm các thiết bị trong nhà tù.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Mỹ phóng thích hàng loạt tù nhân trước hạn vì quá tải nhà giam Trước tình trạng quá tải trong các trại giam cũng như để cắt giảm chi phí ở nhà tù, Mỹ quyết định phóng thích hàng ngàn tù nhân ở các trại giam liên bang. Mỹ phóng thích hàng loạt tù nhân trước hạn vì quá tải ở trại giam - Ảnh minh họa: Reuters Cục quản lý tù nhân liên bang sẽ ân...