Thiếu niên 15 tuổi liệt tứ chi sau nhiều giờ dùng điện thoại trong đêm
Sau nhiều giờ chơi điện thoại trong đêm, thiếu niên 15 tuổi bị đau dữ dội vùng cột sống cổ, liệt tứ chi, phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 10/10, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công cho bệnh nhân 15 tuổi bị máu tụ nguyên phát ngoài màng cứng tủy sống cổ.
Trước đó, bệnh nhân B.Q.V. (trú tại huyện Tân Lạc) nhập viện cấp cứu với triệu chứng đau dữ dội vùng cột sống cổ, liệt tứ chi, tỉnh táo. Bệnh nhân bị đau và liệt tứ chi bất ngờ khi đang chơi điện thoại trong đêm nhiều giờ.
Bệnh nhân V. được chữa trị kịp thời căn bệnh máu tụ nguyên phát ngoài màng cứng tủy sống cổ (Ảnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI và phát hiện khối máu tụ lớn ngoài màng cứng mặt sau ngoài bên phải tủy cổ ngang mức C3-C5 gây chèn ép tủy cổ nặng nề. Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị máu tụ tiên phát ngoài màng cứng tủy sống cổ và được chỉ định mổ cấp cứu.
Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp kính vi phẫu thực hiện cuộc phẫu thuật với một vết mổ nhỏ, lấy máu tụ, cầm máu, giải áp chèn ép tủy sống, nguồn chảy máu từ đám rối tĩnh mạch sau của tủy sống bị vỡ…
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân V. đã dần phục hồi về vận động, cơ lực chân và tay đạt mức 4/5 với tiến triển tốt. Giai đoạn sau mổ, bệnh nhân được kết hợp tập phục hồi chức năng cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ Trương Như Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết máu tụ ngoài màng cứng tủy sống là bệnh ít gặp, lâm sàng thường hay bị bỏ sót.
Nguyên nhân thường gặp do dị dạng hệ mạch ngoài màng tủy hoặc do chấn thương. Cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời để tránh các biến chứng nặng nề do máu tụ gây chèn ép tủy sống.
Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có bệnh lý nền như cao huyết áp, thoái hóa cột sống nặng… Tuy nhiên, bệnh phát hiện ở người trẻ, đặc biệt bệnh nhân mới 15 tuổi thì rất hiếm gặp.
Đây là căn bệnh nguy hiểm bởi nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, khó khăn trong việc nói, lú lẫn trí nhớ, thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn.
Video đang HOT
Nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ vì sử dụng điện thoại, máy tính thời gian dài
Theo các bác sỹ, việc cúi đầu sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đau vai gáy và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống cổ.
Thoái hóa cột sống là một trong các căn bệnh phổ biến nhất hiện nay. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là người 40-50 tuổi, gồm cả nam và nữ. Điều đáng nói, hiện nay, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đang trẻ hóa (từ 25-30 tuổi), bởi thói quen sinh hoạt cũng như lao động thiếu khoa học.
Theo các bác sỹ, việc cúi đầu sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đau vai gáy và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống cổ.
Ths.Vũ Xuân Phước, Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thoái hóa cột sống cổ là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên theo tuổi. Bệnh tiến triển tùy theo từng độ tuổi và các giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những biến đổi khác nhau.
Thế nhưng, ngày nay, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, việc cúi đầu sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đau vai gáy và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống cổ.
Trung bình cổ chịu nặng khoảng 5,4kg. Thế nhưng, việc cúi đầu, ngồi, đứng sai tư thế sẽ khiến cổ phải chịu tải trọng lớn hơn. Cụ thể, gập cổ 15 độ sẽ khiến cổ phải chịu nặng lên tới 12,2kg, gập 45 độ tăng lên 22,2kg và gập tới 60 độ tăng lên 27,2 kg (gấp 5 lần mức trung bình). Khi chịu tải trọng lớn và diễn ra trong thời gian dài, tốc độ thoái hóa cột sống cổ diễn ra nhanh hơn.
Hầu hết mọi người sử dụng điện thoại, máy tính đều gò ép bản thân vào tư thế cúi đầu. Nếu duy trì thói quen cúi đầu lâu dài, người dùng không chỉ gặp vấn đề cổ, vai, cột sống, mà còn có triệu chứng đau cơ xương khớp ở tay, đặc biệt là vị trí cổ tay và ngón tay.
Một nguyên nhân cũng làm đẩy nhanh tốc độ lão hóa của cột sống cổ đó là tình trạng thừa cân, béo phì. Theo bác sĩ Vũ Xuân Phước, khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân, làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh.
Các biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ là: Đau nhức vùng cổ, đau từ gáy sang cổ, tai, đôi khi đau cả đầu, bả vai, cánh tay. Người bệnh cảm thấy đau nhiều, khó khăn khi vận động ở cổ như xoay, cúi, ngửa cổ.
Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm thấy đau ê ẩm vùng gáy, cứng cổ, đau đầu khi nằm không đúng tư thế, khi nằm lâu, khi thời tiết thay đổi đột ngột...
Về các bệnh xương khớp, thời gian gần đây, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã tiếp nhận nhiều người trẻ tuổi đến khám, điều trị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu vì đau mỏi vai gáy, đau cột sống, đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm.
Thậm chí, có những trường hợp mới chỉ 20-22 tuổi đã phải đến khám và kêu ca về tình trạng đau nhức xương khớp. Những cơn đau biểu hiện đặc trưng cho tình trạng thoái hóa khớp sớm.
Lý giải về nguyên nhân khiến bệnh lý xương khớp ngày càng hay gặp ở người trẻ, PGS-TS.Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, lối sống hiện đại khiến con người lười vận động, trong khi đó, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại lại nhiều hơn.
Khi ngồi một vị trí, một tư thế mà sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài dễ dẫn đến đau mỏi vai gáy, đau cổ..., từ đó kéo theo các bệnh lý về xương khớp gia tăng. Riêng với người làm công việc văn phòng, tỷ lệ mắc bệnh cơ xương khớp hiện đã lên đến hơn 65%.
Chẳng hạn, với tình trạng thoái hóa khớp, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường với sức khỏe. Thoái hóa khớp là tình trạng gây ra bởi sự hao mòn sụn hoặc rách sụn do tổn thương.
Thoái hóa khớp có thể xuất hiện khi người bệnh còn trẻ do các thói quen xấu như lạm dụng rượu bia, nghiện thuốc lá, chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Các chuyên gia lo ngại, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thoái hóa khớp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Hoại tử xương, viêm khớp, nhiễm trùng khớp, ảnh hưởng gân, dây chằng, vôi hóa sụn khớp, vỡ khớp khi gặp chấn thương, nặng nhất có thể bị tàn phế. Điều này gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.
Nhiều người trẻ thường có tâm lý chủ quan khi xương khớp bị đau nhức vì cho rằng tình trạng này có thể tự khỏi. Thế nhưng thực tế, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về xương khớp nguy hiểm.
Để không tạo điều kiện cho các bệnh nguy hiểm về xương khớp phát triển, mỗi người dù già hay trẻ nên có ý thức về việc phòng bệnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để giúp cho cơ bắp và xương chắc khỏe hơn, mỗi người cần luyện tập thể dục, thể thao với những bài tập phù hợp như: Bơi, đạp xe, đi bộ, tập thể dục, dưỡng sinh...
Nên tập với tư thế tốt nhất cho các khớp xương bằng cách đứng thẳng, tránh nằm lâu, leo cầu thang, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ gây ứ trệ tuần hoàn máu và cứng khớp. Ngoài ra, khi ngồi làm việc, mọi người nên chú ý giữ thẳng lưng, không ngồi xổm...
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hãy hạn chế luyện tập với cường độ mạnh, tránh tăng cân nhiều và luôn biết cách hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm.
Đặc biệt, thay vì ngồi làm việc liên tục 3-4 tiếng, thì sau 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, mỗi người nên đứng dậy vận động tại chỗ 5-10 phút giúp cơ xương khớp linh hoạt.
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh như đau vùng vai gáy, đau ở thắt lưng, đau vùng gót chân, đau ở các khớp... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tránh sử dụng các sản phẩm giảm đau xương khớp một cách tùy tiện.
Thuốc giảm đau chỉ có thể làm dịu bớt cơn đau khớp hiện tại, chủ yếu là ngăn cho triệu chứng tràn dịch khớp gối không làm ảnh hưởng đến sức khỏe chung của người bệnh.
Phần nào giảm bớt khó khăn trong di chuyển khớp gối. Nếu chỉ sử dụng thuốc giảm đau mà không tập trung điều trị chính vấn đề dịch tích tụ tại khớp gối thì bệnh vẫn không thể hết hoàn toàn.
Người bệnh không được khuyến khích tự mua và uống thuốc giảm đau bởi tác dụng phụ của thuốc giảm đau là gây ra các bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày.
Việc tự uống thuốc giảm đau cũng dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, là tiền đề của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Người bệnh có nhu cầu uống thuốc giảm đau cần trao đổi với bác sĩ để được chỉ định liều lượng thích hợp
Khi không may mắc các bệnh xương khớp, người dân không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau. Việc bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết như canxi, vitamin A, B, C, D, E, acid béo omega 3 nên theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
Để giữ gìn hệ cơ xương khớp khỏe mạnh, người dân cần đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 giờ một ngày. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, thực phẩm đa dạng.
Một điều quan trọng nữa cần lưu ý là phải uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Uống từ từ, chia làm nhiều lần. Việc uống nước đầy đủ, đúng cách giúp cho hệ tuần hoàn làm việc tốt, tăng khả năng thải độc cho cơ thể qua đường tiết niệu và giúp bôi trơn sụn khớp.
Riêng với thoái hóa cột sống, để phòng ngừa, theo bác sỹ Vũ Xuân Phước khuyến cáo, mọi người cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D, tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ; đồng thời thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao và kiểm soát cân nặng.
Với những người lao động chân tay, không nên cúi lưng nhấc vật nặng hoặc mang vác quá sức trên vai, điều chỉnh tư thế đúng khi sinh hoạt, tránh các tổn thương cột sống.
Với những người làm việc văn phòng đòi hỏi phải ngồi nhiều thì cứ 30-60 phút nên đứng dậy đi lại một lần, thay đổi tư thế, khởi động cơ thể bằng vài động tác vươn vai. Tuyệt đối không ngồi ì bên máy tính trong thời gian dài. Khoảng cách ngồi cách màn hình máy tính 50-66cm, đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10-20 độ.
1 nạn nhân vụ gãy nhánh cây ở Công viên Tao Đàn được xuất viện Một trong ba nạn nhân bị thương vụ gãy nhánh cây ở Công viên Tao Đàn được xuất viện vào hôm nay (13-8). Tối 13-8, ThS-BS Vũ Đức Nhân, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn), cho biết một nạn nhân bị thương vụ gãy nhánh cây ở Công viên Tao Đàn điều trị tại bệnh viện...