Thiết thực chăm lo Tết cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và công nhân lao động
Ngày 26/1, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng tổ chức chương trình Tết sum vầy kết nối yêu thương tại Khu Công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng.
Ông Hoàng Đình Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng tặng quà cho người lao động tại Khu Công nghiệp Đồ Sơn. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Bà Đinh Thị Thúy Hà, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, đây là hoạt động chăm lo thiết thực đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng. Đây là nơi làm việc của gần 160.000 lao động trong và ngoài nước, trong đó có trên 50.000 lao động là người ngoại tỉnh, trên 5.000 lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Hoàng Đình Long, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng là đơn vị có nhiều đoàn viên nhất của Liên đoàn Lao động thành phố. Người lao động trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Hải Phòng, nhất là tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Liên đoàn Lao động Hải Phòng sẽ trợ cấp, tặng quà, hỗ trợ vé xe, chuyến xe cho trên 10.000 công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn và ở tỉnh xa về quê. Ngoài ra, UBND Hải Phòng hỗ trợ 3 tỷ đồng để trao 3.000 suất quà, 1.000 suất trợ cấp và 50 chuyến xe tặng công nhân lao động tỉnh xa về quê đón Tết cùng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác.
Ông Hoàng Đình Long đề nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động để mọi người bớt đi những lo âu trong cuộc sống, tập trung sức lực, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ được giao; ngày càng gắn bó với doanh nghiệp.
Các công đoàn cơ sở trực thuộc tiếp tục phối hợp tổ chức tốt hoạt động chăm lo đời sống công nhân lao động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để phản ánh tới các cấp công đoàn phối hợp giải quyết, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động; đề nghị người lao động sau thời gian vui Xuân đón Tết bên gia đình, quay trở lại làm việc hăng say, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần để các doanh nghiệp ngày càng ổn định, phát triển.
Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng là nơi bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho 125.291 đoàn viên. Các đoàn viên này đang làm việc cho các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước nằm trong Khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng.
* Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tỉnh Đắk Lắk dành hơn 42,6 tỷ đồng để chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người lao động và các cơ quan, đơn vị.
Theo đó, tỉnh dành tặng mức quà 300.000 đồng/người cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ xã, phường, thị trấn, cán bộ hưu trí, khối lực lượng vũ trang, người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người mù, trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng. Mức quà 400.000 đồng/người dành tặng người có công với cách mạng, thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng, gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình cán bộ lão thành cách mạng, gia đình cán bộ tiền khởi nghĩa, gia đình quân nhân đang công tác tại đảo Trường Sa, gia đình quân nhân đang công tác tại đội K (Campuchia) và già làng, trưởng buôn, trưởng thôn tiêu biểu nhận phần quà 500.000 đồng/suất.
Video đang HOT
Tỉnh cũng dành suất quà trị giá 1,3 triệu đồng/người để tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống, đang hưởng trợ cấp hàng tháng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hiện còn sống, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 1/4, bệnh binh 1/3, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 81% trở lên đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk tặng quà cho 400 cơ quan, đơn vị với mức từ 2,5 – 6,5 triệu đồng.
Hiện tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 7 đoàn do lãnh đạo tỉnh làm Trưởng đoàn đi thăm, tặng quà các cá nhân, đơn vị tiêu biểu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời gian dự kiến từ ngày 19/1 – 10/2. Các cá nhân, tập thể, đơn vị còn lại được UBND tỉnh ủy quyền cho Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã thành phố tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng cho biết, trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Đắk Lắk vẫn chú trọng thực hiện và đảm bảo các đối tượng chính sách được hưởng chế độ đúng quy định; đặc biệt là chú trọng chăm lo Tết cho các cá nhân, đơn vị. Ngoài số tiền hơn 42,6 tỷ đồng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh còn trích ngân sách tỉnh gần 8,5 tỷ đồng để trao quà Tết tặng đối tượng, gia đình chính sách tiêu biểu, đơn vị tiêu biểu. Ngoài ra, tỉnh còn trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để trao quà tặng mỗi đối tượng chính sách tiêu biểu 2 triệu đồng/người.
Dịp này, Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cơ quan thường trực phía Nam tặng 20 suất học bổng (1 triệu đồng/suất), 100 suất quà Tết cho trẻ em nghèo hiếu học xã Ea Trul, huyện Krông Bông; hỗ trợ tiền mặt để chăm lo Tết và tặng áo ấm, nhu yếu phẩm cho trẻ em đang được nuôi dưỡng ở chùa Bửu Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột), Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk. Tổng kinh phí thực hiện hơn 74 triệu đồng.
Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Quỹ Hiểu về trái tim Việt Nam trao 1.000 suất quà Tết (300.000 đồng/suất) tặng 1.000 trẻ em vùng lũ của huyện M’Đrắk và huyện Krông Ana; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk trao 30 suất quà (400.000 đồng/suất) tặng trẻ em ở Mái ấm 1/6 và trẻ được hỗ trợ mổ tim năm 2021 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
* Ngày 26/1, tại xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La tổ chức chợ nhân đạo “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam” Xuân Tân Sửu 2021 để hỗ trợ, động viên người nghèo, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, đón Tết đầm ấm, sum vầy.
Đồng bào xã Nậm Ét đến đổi nhu yếu phẩm tại chợ nhân đạo “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam” Xuân Tân Sửu năm 2021. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Nậm Ét vẫn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai, có tổng diện tích tự nhiên là hơn 7.000 ha, có 11 bản, 1.112 hộ với hơn 5.200 nhân khẩu, trong đó 445 hộ nghèo, chiếm 40%; 162 hộ cận nghèo, chiếm 14,6%, đường giao thông đi lại còn nhiều khó khăn.
Để cung cấp nhu yếu phẩm hàng hóa đến đúng người, đúng đối tượng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát, thống kê, bình xét cá nhân, hộ gia đình cần hỗ trợ để phát phiếu đổi hàng.
Tại phiên chợ, Ban Tổ chức đã phát 200 phiếu tặng 200 hộ gia đình trên địa bàn xã Nậm Ét, mỗi phiếu có trị 300.000 đồng để đổi hàng hóa tại 6 gian hàng. Các mặt hàng tại phiên chợ gồm: Nước mắm, muối, dầu ăn, mỳ tôm, xà phòng, mì chính, bánh kẹo, quần áo, giày dép…
Em Vàng A Pha, ở bản Pom Hán, xã Nậm Ét, chia sẻ niềm vui, bày tỏ sự cảm ơn đối với các nhà hảo tâm. Đây là những món quà rất ý nghĩa, em sẽ mang về để cùng gia đình sử dụng vào dịp Tết.
Đồng bào xã Nậm Ét đến đổi nhu yếu phẩm tại chợ nhân đạo “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam” Xuân Tân Sửu năm 2021. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Ông Trà Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất dộc da cam” Xuân Tân Sửu 2021, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ đồng bào vùng sâu, vùng xa, người nghèo vùng biên giới với mô hình tổ chức chợ nhân đạo.
Tại xã Nậm Ét, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng một số đơn vị đồng hành đã trao 200 suất quà tặng người nghèo, nạn nhân chất dộc da cam, mỗi suất quà gồm các nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu, bánh kẹo phục vụ trong dịp Tết.
Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ kinh phí để tổ chức thêm các chợ nhân đạo; tổ chức thăm, khám, phát thuốc miễn phí cho người nghèo tại vùng biên giới nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đồng Nai chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có ngành Công nghiệp phát triển mạnh, hiện 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 1.500 dự án.
Cùng với việc tập trung phát triển công nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm tới nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngay tại địa phương, từng bước vươn tới thị trường lao động quốc tế.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) trong tiết thực hành. Ảnh: Hải Yến
* Nâng cao chất lượng cuộc sống
Đồng Nai hiện đang thu hút hơn 1,2 triệu lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 60% lao động ngoại tỉnh. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đặc biệt là những lao động ngoại tỉnh.
Hiện nay, chất lượng cuộc sống của nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang ngày càng được nâng cao, điều này thể hiện rõ ở mức thu nhập bình quân của người lao động. Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng, trong khi năm 2015, thu nhập bình quân chỉ đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TBXH) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, bình quân thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm và không đồng đều giữa các nhóm doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống của người lao động cũng được cải thiện qua từng năm, năm sau được cải thiện hơn năm trước.
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, để đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân lao động, người lao động trẻ tại các khu công nghiệp, trong thời gian tới, lãnh đạo công ty, các cấp Công đoàn cần tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, ổn định và phát triển việc làm, đảm bảo nhu cầu sống về vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình. Cụ thể: các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động, lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của người lao động; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, đảm bảo việc làm, thu nhập, đáp ứng được những nhu cầu sống tối thiểu để người lao động yên tâm, gắn bó và tập trung phát huy năng lực làm việc. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động học tập, rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ.
* Chú trọng đào tạo nghề cho người lao động
Chú trọng công tác đào tạo nghề chất lượng cao thể hiện qua trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là một trong những "bí quyết" giúp Đồng Nai luôn nằm trong nhóm những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trong cả nước.
Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác và doanh nghiệp tại địa phương. Trung bình mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề, cung cấp ra thị trường lao động khoảng 75 ngàn người.
Xác định thế mạnh là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, Đồng Nai quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ trước hết cho chính đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có thể tiếp cận nhanh nhất với các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc học nghề để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và phát huy cao nhất lợi thế nguồn lao động dồi dào của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, phụ trách Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH), để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, Đồng Nai đang thực hiện chương trình đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế. Chương trình đang được thí điểm tại một số trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện theo mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo mô hình này, doanh nghiệp tham gia vào ban tư vấn nghề nghiệp, quá trình đánh giá thi cử, xây dựng điều chỉnh các chương trình, làm sao để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên được học trên các thiết bị thực hành của trường và trên các thiết bị trong các nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay ở tỉnh, sau đào tạo, khoảng 85% số lao động có việc làm với thu nhập ổn định, đặc biệt với nguồn nhân lực ở một số nghề như: cơ khí, sửa chữa, điện, điện công nghiệp gần như 95-100% lao động sau khi đào tạo là có việc làm.
Tỉnh Đồng Nai xác định từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng công nhân lành nghề, được đào tạo có chất lượng cao sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, góp phần cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực với các địa phương khác trong cả nước cũng như thế giới.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao quà tết cho các đơn vị bảo trợ xã hội Tặng quà tết các đơn vị bảo trợ xã hội tại Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ mong muốn các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho đối tượng xã hội trên địa bàn. Sáng 25/1, đoàn công tác của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh do...