Thiết kế ấn tượng của 2 sinh viên trẻ
Hai bộ sưu tập “Kép” và “Alligator” của hai ban sinh viên Trương Văn Thơm, Tuấn Phương mang đến nét ấn tượng đặc biệt.
Công việc thiết kế thời trang hiện đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Trong 3 năm trở lại đây, cùng với sự hội nhập và phát triển của thời trang Việt, đội ngũ nhà thiết trẻ cũng lớn mạnh theo thời gian. Trở thành một nhà thiết kế nổi tiếng là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Dù rằng vẫn biết tỉ lệ thành công không như mong đợi, nhưng họ vẫn cố gắng phấn đấu và thực hiện giấc mơ của mình.
Vừa qua các sinh viên theo học ngành thiết kế thời trang của Đại học Văn Lang đã làm lễ báo cáo đề tài tốt nghiệp. Nổi bật trong kỳ bảo vệ lần này là hai bộ sưu tập của sinh viên Tuấn Phương và Trương Văn Thơm. Cả hai có hai phong cách hoàn toàn khác biệt. Nhưng điểm chung là tính sáng tạo, ứng dụng cao.
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với 2 bạn sinh viên trẻ để rõ hơn về quá trình sáng tác và định hướng nghề nghiệp của các bạn.
BST “Kép” của sinh viên Trương Văn Thơm.
Bộ sưu tập “Alligator” của sinh viên Tuấn Phương.
- Điều gì đưa các bạn đến với nghề thiết kế?
Tuấn Phương: Tôi yêu thích thời trang từ bé, khi còn đi học đã thích xem những chương trình trình diễn thời trang trên truyền hình. Lúc đó còn quá nhỏ chưa biết đó là thời trang nhưng không hiểu sao vẫn vô cùng thích thú.
Video đang HOT
Trương Văn Thơm: Tôi từng không thích thời trang và nghĩ sẽ học bên sân khấu. Nhưng tôi nghĩ là do duyên may đã đưa tôi đến với nghề này. Việc theo đuổi nghành thiết kế thật ra rất tốn kém. Đó là điều thầy cô có nói khi tôi mới nhập học. Nhưng vì mình đã lỡ thích nó rồi thì cứ theo đuổi thôi. Tới đâu hay tới đó. Nhưng được làm những điều mình thích.
- Làm thế nào để các mẫu thiết kế tạo nên được sức hút?
Tuấn Phương: Đề tài chung của đồ án tốt nghiệp là 70% phải mang tính ứng dụng. Chính vì thế các bạn trong lớp dù có chọn phong cách nào đi nữa cũng đề cao việc ứng dụng trong thực tế. Hơn nữa, tôi chọn sự hiện đại và thanh lịch để xây dựng phong cách cho mình. Chính vì thế ngay từ những bước đi đầu tiên tôi muốn có sự đình hình rõ ràng. Trang phục nhằm cho mục đích mặc đẹp chứ không đơn giản chỉ để ngắm nhìn.
Trương Văn Thơm: Đề tài “Kép” tôi đã ấp ủ được 4 năm, ban đầu thầy cô cũng khuyên không nên lựa chọn đề tài này vì khai thác theo mảng văn hóa truyền thống rất khó đi và dễ bị trùng lắp với các anh chị đi trước. Hơn nữa không phải hoa văn họa tiết trong nét văn hóa cổ truyền nào cũng dễ dàng phối hợp với các mẫu trang phục mang phom dáng hiện đại. Làm không khéo sẽ dễ dẫn đến việc copy họa tiết và lắp ghép vụng về.
Nhưng vì yêu thích những mảng mầu, họa tiết của sân khấu hát bội nên tôi vẫn quyết thực hiện bằng được đề tài mình đã chọn. Và cái khó là làm sao kết hợp khéo léo giữa nét đặc trưng của văn hóa dân tộc với hơi thở đương đại. Theo tôi, tính ứng dụng cao vẫn là yếu tố quyết định sức hấp dẫn và thu hút của nó với người yêu thời trang.
Bộ sưu tập “Kép” tạo được nét ấn tượng bởi việc sử dụng họa tiết trong nghệ thuật hát bội cho thời trang ứng dụng.
Những nét đặc trưng trong nghệ thuật hóa trang của hát bội được Trương Văn Thơm chắt lọc và đưa vào đồ án tốt nghiệp của mình.
Sinh viên Trương Văn Thơm và các mẫu thiết kế trong lễ bảo vệ đồ án.
- Những khó khăn lớn nhất trên con đường phía trước của các bạn?
Tuấn Phương: Khi theo đuổi con đường thiết kế, chúng tôi đã xác định phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những thử thách trên ghế nhà trường chỉ là một bước nhỏ. Ra thực tế để sống được với nghề chắc chắn không dễ dàng. Nhận thấy mình chưa dày dạn kinh nghiệm nên tôi sẽ chọn giải pháp vừa học vừa làm còn nhiều cái phải học. Khả năng sáng tạo còn bị hạn hẹp.
Trương Văn Thơm: Xin việc làm là khó khăn lớn nhất đối với tôi trong thời gian này. Cần học hỏi trong thực tế nhiều hơn để hoàn thiện mình. Nhưng sau khi nhận bằng tốt nghiệp, điều đầu tiên là tìm một công việc phù hợp với khả năng.
- Các bạn có thể chia sẻ về ý tưởng để thực hiện các mẫu thiết kế trong đồ án bảo vệ tốt nghiệp của mình?
Trương Văn Thơm: Vốn yêu nghệ thuật truyền thống từ bé nên tôi đã ấp ủ ý tưởng này từ 4 năm về trước. Trong quá trình học tập tôi luôn cố gắng tìm tòi làm sao để đưa những nét đẹp văn hóa dân tộc vào các mẫu thiết kế mang tính ứng dụng cao. Với khuynh hướng khai thác nét đẹp Á Đông, tôi muốn tạo nên một sợi dây liên kết.
Các mẫu trong bộ sưu tập “Kép” đã ra đời. Nó bắt nguồn từ hình ảnh của đào kép trong các tuồng hát bội. Tôi đã mượn những họa tiết trong quá trình hóa trang của kép ở nghệ thuật hát bội để tô điểm cho các mẫu trang phục mới của mình.”
Tuấn Phương: Lấy ý tưởng từ Alligator vốn là con cá sấu nhưng khác nhóm với Crocodile. Bản thân tôi bị hấp dẫn bởi sắc màu trắng của một loài Albino Alligator quý hiếm cũng như bản tính hiền lành của nó. Bộ sưu tập muốn đem mọi người đến gần hình ảnh con cá sấu vốn được cho là sần sùi, nhem nhuốc và hung tợn nay trở nên nhẹ nhàng hơn, giản đơn hơn. Nói một cách khác, vẫn là sự táo bạo, cá tính, nhưng thanh lịch hơn, dịu dàng hơn.
Thông qua bộ sưu tập, tôi muốn hưởng ứng tinh thần thời trang thận thiện với môi trường, giúp những người yêu thích thời trang từ cá sấu hay động vật tìm được sự yêu thích mới.”
Nét thanh lịch sang trọng và điểm nổi bật trong BTS “Alligator” của sinh viên Tuấn Phương.
Tôn vẻ thanh lịch của người phụ nữ hiện đại là hướng đi Tuấn Phương chọn lựa để định hình phong cách thiết kế.
Sinh viên Tuấn Phương
Các mẫu thiết kế của sinh viên Tuấn Phương gây ấn tượng mạnh mẽ bởi nét thanh lịch và ứng dụng cao.
Theo khampha