Thiệp giấy mừng năm mới ‘phai màu’ tại Nhật Bản
Ngày càng nhiều người Nhật Bản dần “quay lưng” với truyền thống gửi thiệp chúc mừng năm mới vì giá cả hàng hóa tăng cao buộc họ phải cắt giảm chi tiêu.
Trang hoàng mừng Năm mới 2025 tại Ginza, Tokyo (Nhật Bản). Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang chuyển sang định dạng kỹ thuật số và từ bỏ việc chuẩn bị bưu thiếp giấy truyền thống. Sự thay đổi này có thể giúp họ cắt giảm chi phí và tiết kiệm nhân công vào một trong những mùa bận rộn nhất trong năm.
Sau khi tăng giá vào tháng 10, một tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới cơ bản có giá 85 yen (0,5 USD), tăng từ mức 63 yen của năm trước. Công ty Bưu điện Nhật Bản (JPC) đã đặt mức phát hành ban đầu là 1,07 tỷ bưu thiếp, giảm hơn 25% so với đầu năm 2024. Đây là năm thứ 14 liên tiếp mức phát hành giảm.
Cuộc khảo sát trực tuyến của công ty nghiên cứu Intage với 5.000 người trong độ tuổ.i từ 15 – 79 cho thấy trong số các mặt hàng hoặc dịch vụ dự định cắt giảm trong năm 2025, đứng đầu là thiệp chúc mừng năm mới với 10,8% người được hỏi khẳng định sẽ bỏ thói quen này. Đứng thứ hai là túi may mắn, mặt hàng mà người mua phải đoán xem bên trong có gì, và các mặt hàng đặc trưng chào đón năm mới khác, tiếp theo là việc đi ăn ở nhà hàng.
Lạm phát của Nhật Bản vẫn ở mức cao, duy trì trên 2% trong hơn 2 năm rưỡi qua. Đây là hiện tượng hiếm thấy tại quốc gia đã phải vật lộn trong nhiều năm để chấm dứt tình trạng giảm phát.
Thay vì gửi thiệp, người dân chuộng gửi tin nhắn, hình ảnh chúc mừng qua các ứng dụng nhắn tin, phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện kỹ thuật số khác. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu Teikoku Databank, có tới 49,4% trong số khoảng 1.340 công ty cho biết họ đã lựa chọn cách này để chúc mừng khách hàng và đối tác. Chỉ 8% số công ty đang có kế hoạch làm như vậy vào năm 2026.
Nhật Bản mở văn phòng xúc tiến thương mại tại Ukraine
Ngày 4/11, truyền thông Nhật Bản đưa tin Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã mở văn phòng tại thủ đô Kiev của Ukraine nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận thị trường này.
Thành phố Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters
Văn phòng JETRO tại Kiev đã đi vào hoạt động từ ngày 10/10, bắt đầu tiến hành nghiên cứu, cung cấp thông tin về các điều kiện đầu tư tại địa phương, các cơ hội kết nối kinh doanh, tạo điều kiện cho các công ty Nhật Bản thâm nhập vào thị trường Ukraine.
Trong phát biểu qua video nhân lễ khai trương tại Kiev, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba bày tỏ hy vọng văn phòng JETRO Kiev sẽ đóng vai trò là cầu nối cho sự phát triển và thịnh vượng hơn nữa của hai nước.
Ông khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững của Ukraine thông qua quan hệ đối tác công-tư, để giúp Ukraine giải quyết những thách thức như tái thiết nền kinh tế và ổn định nguồn cung năng lượng.
Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal bày tỏ hy vọng văn phòng JETRO tại Kiev sẽ thúc đẩy đầu tư có lợi cho cả hai nước.
Việc thành lập văn phòng JETRO tại Kiev là một phần trong các thỏa thuận đạt được tại hội nghị tái thiết Ukraine do Nhật Bản tổ chức hồi tháng 2. Theo JETRO, tính đến tháng 10/2023, có 38 công ty Nhật Bản đã tham gia hoạt động kinh doanh tại Ukraine trong các lĩnh vực sản xuất, bán buôn, công nghệ thông tin-truyền thông và nông nghiệp.
Nhật Bản: Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên nước ngoài Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm, tình trạng thiếu hụt lao động đi kèm và sự mở rộng của nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài, các công ty Nhật Bản ngày càng mở rộng nỗ lực tuyển dụng sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường đại học nước này. Với xu thế này,...