Thị trường truyền hình trả tiền: Hết “cấm chợ”, lại “ngăn sông”?
Với những động thái gần đây, thị trường Truyền hình trả tiền đang vấp phải sự lo sợ cạnh tranh hơn bao giờ hết.
Cho đến thời điểm này, Viettel ít nhất đã hai lần “dự kiến” khai trương dịch vụ truyền hình cáp (THC) nhưng rồi cuối cùng đành phải trì hoãn. Cho đến gần đây, qua lời phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Viettel – trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ TT&TT, người ta mới “vỡ nhẽ” rằng Viettel và các doanh nghiệp viễn thông ( telco) dù đã hết bị “cấm chợ” nhưng vẫn còn bị “ngăn sông”.
“Thua keo này, bày keo khác”
Trong năm 2012 – 2013, Hiệp hội Truyền hình trả tiền (THTT) và VTV đã ra sức ngăn cản các telco như FPT, VNPT và đặc biệt là Viettel tham gia thị trường THC vì sợ sức mạnh từ các tập đoàn công nghệ này. Hiện tượng “cấm chợ” đó cho thấy một điều rằng, chính VTV và “những đứa con” cùng với Hiệp hội THTT nằm trong tay họ đang lo sợ một sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường dù VTV đang có ưu thế chiếm đến 70% – 80% thị trường THC.
Tuy nhiên, dưới áp lực và sự phản đối của dư luận, ý đồ “cấm chợ” của VTV và Hiệp hội THTT đã không thể trở thành hiện thực. Bộ TT&TT, khi ấy dù có đầy đủ thẩm quyền cấp giấy phép dịch vụ THC cho Viettel nhưng đã có lúc thiếu tự tin, phân vân và trì hoãn công việc hết sức bình thường này. Cuối cùng Bộ TT&TT đã cấp phép cho Viettel và FPT, song rõ ràng vẫn còn chịu áp lực từ VTV và buộc phải nhân nhượng khi không cho phép Viettel và FPT cung cấp dịch vụ THC tương tự tại 8 tỉnh và thành phố lớn.
Video đang HOT
Tuy nhiên sau keo “cấm chợ” bất thành, lúc này đây Viettel đang đứng trước khó khăn tiếp theo là chưa nhận được sự hợp tác chia sẻ nội dung từ các nhà đài. Chính vì thế, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã phải đề nghị Bộ TT&TT ban hành chính sách kết nối trước nguy cơ tập đoàn này và các telco khác sẽ bị rơi vào tình trạng “ngăn sông” của nhà đài.
Cần biết rằng, Viettel được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ THC vào ngày 26/4/2013 và telco này cam kết trong vòng 12 tháng sẽ khai trương dịch vụ, nếu không kịp sẽ tự chịu phạt 30 tỉ đồng. Với sự bất hợp tác hiện nay của phía nhà đài, thì ngay cả sắp tới VNPT có được cung cấp dịch vụ THC đi nữa thì cũng sẽ gặp khó khăn tương tự Viettel mà thôi.
Vì sao “ngăn sông”?
Như ở trên đã nói, VTV và thế lực của họ lo sợ các telco cung cấp dịch vụ THC vì muốn độc chiếm thị trường, trong đó điều đáng lo nhất là không tin rằng cạnh tranh nổi với Viettel về giá. Trong Triển lãm Vietnam Telecom 2013 diễn ra vào tháng 11.2013, ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra thông điệp rằng Viettel tiếp tục định hướng cung cấp dịch vụ giá rẻ nhằm đáp ứng đa phần nhu cầu của người tiêu dùng tại Việt Nam và THC là một trong những mũi nhọn tích hợp các tiện ích về kết nối và nội dung đến từng gia đình.
Đặc biệt ở khu vực nông thôn Việt Nam chiếm tới 70% dân số đang có tỉ lệ người dùng THTT khá thấp, chiến lược giá và cung cấp dịch vụ của Viettel sẽ tạo nên lợi thế lớn trong cạnh tranh. Dù biết rằng chính mình đang “ngăn sông” Viettel nhưng các nhà đài cũng ý thức được rằng sự cấm cản này khó có thể mãi mãi. Theo một nguồn tin, sự bất hợp tác này nhằm mục đích ra giá với nhau để buộc Viettel chấp nhận điều kiện không được hạ giá bán dịch vụ THC nếu muốn được hợp tác chia sẻ nội dung.
Cũng như lần “cấm chợ”, việc ngăn cản Viettel khai trương dịch vụ càng lâu thì càng có lợi cho các nhà đài đối thủ, thậm chí sẽ “ác” hơn nếu khiến được Viettel trễ tiến độ khai trương so với cam kết và phải chịu phạt. Có lẽ Viettel thừa biết những điều này và cũng sẽ tìm ra phương sách để giải quyết.
Cần nhớ rằng, năm 2005 khi Viettel bị VNPT làm khó về kết nối thì lãnh đạo cao nhất của ngành lúc đó nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà – đã có công văn gửi lên Thủ tướng kiến nghị giải quyết vấn đề.
Theo Lao Động
"Nhà mạng" hợp tác với "nhà đài": Hứa hẹn nhiều lợi ích
Tại hội nghị tổng kết ngành diễn ra vào cuối tháng 12/2013, lãnh đạo một tập đoàn viễn thông đã kiến nghị Bộ TT&TT có chính sách quy định về kết nối giữa DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp và nhà đài nhằm tránh lãng phí đầu tư, đem lại lợi ích cho người dân.
Năm 2013, Viettel đã được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số và công nghệ analog.
Với lợi thế hạ tầng có mạng cáp quang lớn trên toàn quốc, từ năm 2012, các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT đã lần lượt nộp đơn đến Bộ TT&TT xin kinh doanh truyền hình cáp. Năm 2013, Bộ đã cấp phép cho Viettel, FPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp công nghệ số và công nghệ tương tự (analog) trên toàn quốc - trừ 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắc Lắc không được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự. Rất có thể sau khi đề án tái cơ cấu VNPT được phê duyệt, tập đoàn này sẽ được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (ngoài ra, VNPT cũng đã nộp đơn xin cấp phép dịch vụ truyền hình vệ tinh).
Như vậy có thể thấy các "đại gia" viễn thông đã sẵn sàng tham gia thị trường truyền hình cáp - vốn được đánh giá là "màu mỡ" khi mới chỉ có khoảng 4,5 triệu thuê bao, trong khi cả nước hiện có hơn 20 triệu hộ gia đình. Cả ba tập đoàn kể trên hiện đã kinh doanh dịch vụ truyền hình IPTV (qua giao thức internet) qua mạng internet băng rộng với các tên thương mại như VNPT (VDC) - dịch vụ MyTV, Viettel - NextTV, FPT - OneTV đạt hơn 1 triệu thuê bao IPTV, trong đó VNPT chiếm khoảng 800.000 thuê bao.
Trước các thông tin DN viễn thông xin cấp phép dịch vụ truyền hình trả tiền, đầu năm 2013, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (gồm các DN thuộc các nhà đài lớn) đã kiến nghị tới nhiều cơ quan quản lí đề nghị không cấp phép cho Viettel và các DN viễn thông với nhiều lí do. Song, thực chất bản kiến nghị này cũng cho thấy các nhà đài lo sợ nhà mạng - vốn không chỉ có tiềm lực về hạ tầng, tài chính mà còn cả kinh nghiệm kinh doanh ở thị trường viễn thông - sẽ cạnh tranh quyết liệt. Tất nhiên, kiến nghị này không thành hiện thực vì Bộ TT&TT đã cấp phép cho 2 DN Viettel và FPT.
Song trong giấy phép, các nhà mạng chỉ được làm hạ tầng mà không được làm nội dung, nên bắt buộc họ phải tìm hợp tác với các nhà đài. Nhưng vì nhiều lí do mà một trong số nhà đài cũng đang vừa làm nội dung, vừa tự làm truyền dẫn nên không có nhu cầu chia sẻ, hợp tác để phát sóng trên kênh của nhà mạng.
Được biết, có hai nhà đài lớn áp dụng chính sách "cấm" hợp tác với nhà mạng không cho phát sóng các kênh truyền hình khác ngoài các kênh quảng bá. Do vậy, đó cũng là lí do mà lãnh đạo một tập đoàn viễn thông đã kiến nghị với Bộ TT&TT cần có quy định về kết nối giữa DN viễn thông làm hạ tầng truyền hình cáp với các nhà đài trên cơ sở hợp đồng thương mại, nhằm tránh gây lãng phí nguồn lực, đồng thời có thểbảo đảm truyền tải thông tin tới đông đảo người dân.
Câu chuyện về hợp tác giữa hai "nhà" như kể trên có lẽ sẽ sớm được cơ quan quản lí nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, dù rằng giải quyết vấn đề này không dễ dàng. Nhưng, người dân - mà cụ thể là còn hàng triệu hộ gia đình, trong đó phần nhiều ở khu vực xa thành thị, có lẽ rất trông chờ vào việc các nhà đài, nhà mạng sớm đưa dịch vụ truyền hình trả tiền về tận ngôi nhà của mình để được xem nhiều chương trình hấp dẫn.
Thực tế hiện nay, dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung và truyền hình cáp nói riêng mới chỉ đến được khu vực thành phố, thị xã, nơi trung tâm mà chưa đến các khu vực nông thôn, miền núi. Trong khi đó, các nhà mạng lại có thế mạnh là hệ thống cáp quang, cáp đồng rộng khắp đến tận xã và khi họ cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, người dân ở khu vực xa có thể xem được nhiều chương trình từ đó có thể nâng cao dân trí...
Một lí do khác không thể không nhắc tới là hẳn nhiều người dân, kể cả khu vực thành phố, thị xã đều mong muốn việc có thêm DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ góp phần bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng để các hộ gia đình có thể lựa chọn dịch vụ chất lượng, giá phù hợp.
Theo Hà Nội Mới
Truyền hình trả tiền: nhiều chiêu níu chân khách Cuối năm, cũng như các nhà bán lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cũng "đánh nhau" tới tấp, từ giảm giá thiết bị, chi phí lắp đặt cho đến cung cấp nội dung mới. Nhiều hộ gia đình ở TP.HCM đã có tivi xịn, nhưng họ cho rằng chất lượng truyền hình chưa như mong đợi. Ảnh: L.Q.N Đóng cước...