Thị trường trái phiếu Việt Nam trên đà phát triển nhanh, bền vững
Năm 2019 đánh dấu thành công lớn của nền kinh tế Việt Nam. Đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế, thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, đồng bộ, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn có hiệu quả của Chính phủ, doanh nghiệp,…
Thị trường trái phiếu phát triển góp phần đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế.
Quy mô thị trường trái phiếu đạt hơn 40% GDP
Bộ Tài chính cho biết, quy mô của thị trường trái phiếu (TTTP) đến hết năm 2019 đạt 40,14% GDP gấp gần 5 lần so với năm 2011; khối lượng vốn huy động qua phát hành trái phiếu (TP) đạt 581.089 tỷ đồng, tương đương 9,62% GDP, tăng 25,7% so với năm 2018 và gấp 4,6 lần so với năm 2011; thanh khoản trên thị trường thứ cấp ngày càng được cải thiện; sản phẩm hàng hóa và cơ sở nhà đầu tư (NĐT) ngày càng đa dạng.
Cụ thể, đối với TTTP chính phủ (CP), năm 2019, tổng mức vay để bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc của ngân sách trung ương được Quốc hội phê duyệt là 391.471 tỷ đồng, trong đó khối lượng đấu thầu phát hành TPCP để huy động vốn cho ngân sách là 242.000 tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2019, tổng khối lượng TPCP phát hành là 239.769 tỷ đồng, tăng 41,2% so với năm 2018, trong đó phát hành theo phương thức đấu thầu là 197.769 tỷ đồng, phát hành theo hình thức riêng lẻ là 42.000 tỷ đồng.
Về quy mô TTTP CP, đến cuối năm 2019, quy mô TTTP CP đạt 26,54% GDP, tăng 6,1% về giá trị tuyệt đối so với năm 2018. Về NĐT, trong năm 2019, Bộ Tài chính tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các tổ chức tài chính phi ngân hàng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm. Tính đến cuối năm 2019, các tổ chức tín dụng đang nắm giữ khoảng 43,8% dư nợ TPCP (giảm 3,93% so với cuối năm 2018), các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ khoảng 56,13% dư nợ TPCP. Theo đó, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng lên.
Đối với TTTP được CP bảo lãnh, trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn mức bảo lãnh phát hành TP của hai ngân hàng chính sách là 17.499 tỷ đồng; trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 13.797 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội là 3.702 tỷ đồng. Theo đó, năm 2019, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 13.797 tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch phát hành năm 2019), bằng 83,4% khối lượng phát hành năm 2018 (16.545 tỷ đồng). Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 3.702 tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch phát hành năm 2019), bằng 38,3% khối lượng phát hành năm 2018 (9.670 tỷ đồng). Quy mô TTTP được CP bảo lãnh đến cuối năm 2019 đạt 146.855 tỷ đồng, tương đương 2,43% GDP thực hiện năm 2019, giảm 6,9% so với thời điểm cuối năm 2018.
Xây dựng Báo cáo thường niên thị trường trái phiếu
Nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và hệ thống cho các nhà đầu tư về tình hình hoạt động của thị trường trái phiếu năm 2019, Bộ Tài chính đã xây dựng “Báo cáo thường niên thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2019″. Ngày 9/11, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo công bố báo cáo này.
Đối với TTTP chính quyền địa phương, năm 2019, tổng mức bội chi ngân sách địa phương được Quốc hội phê duyệt là 12.500 tỷ đồng. Trong năm 2019, có 1 địa phương là thành phố Hải Phòng phát hành TP chính quyền địa phương để huy động vốn cho các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Khối lượng TP phát hành thành công là 969 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm theo phương thức bảo lãnh phát hành, lãi suất phát hành là 4,3%/năm. Về quy mô, quy mô TTTP chính quyền địa phương đến cuối năm 2019 đạt 19.435 tỷ đồng, tương đương 0,32% GDP thực hiện năm 2019.
Đối với TTTP doanh nghiệp (DN), năm 2019, quy mô của TTTP DN có sự tăng trưởng mạnh so với các năm trước, tăng khoảng 31,2% so với năm 2018, đạt khoảng 10,85% GDP năm 2019. Trong đó quy mô TTTP DN riêng lẻ là 10,14% GDP, cho thấy các DN đã ngày càng quan tâm đến kênh phát hành TP để huy động vốn bên cạnh kênh vay vốn tín dụng ngân hàng.
Video đang HOT
Về khối lượng phát hành, tổng khối lượng TPDN phát hành năm 2019 đạt 332.852 tỷ đồng. Trong đó, phát hành riêng lẻ là chủ yếu, đạt 309.352 tỷ đồng chiếm 92,9% khối lượng phát hành; phát hành ra công chúng khoảng 23.500 tỷ đồng chiếm 7,1% khối lượng phát hành; có 1 DN phát hành ra thị trường quốc tế với khối lượng 300 triệu USD.
Về NĐT, tính đến hết năm 2019, NĐT trong nước nắm giữ khoảng 96,4% khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ, NĐT nước ngoài nắm giữ khoảng 3,6% tổng khối lượng phát hành. NĐT chủ yếu trên thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ là NĐT tổ chức mua 91,6%, NĐT cá nhân mua 8,4% tổng khối lượng TP phát hành.
Tiếp tục hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính cho biết, Luật Chứng khoán 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn nhằm tạo ra khung khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động phát hành và giao dịch TPDN, để TPDN phát triển an toàn, minh bạch.
Theo đó, đối với TPDN phát hành ra công chúng sẽ gắn với xếp hạng tín nhiệm, các trường hợp xếp hạng tín nhiệm và lộ trình áp dụng xếp hạng tín nhiệm theo hướng dẫn của Chính phủ. Đồng thời, quy trình phát hành TPDN ra công chúng cũng được đổi mới tạo điều kiện cho các DN phát hành TP ra công chúng để huy động vốn.
Đối với TPDN riêng lẻ, chỉ NĐT chứng khoán chuyên nghiệp được tham gia mua và giao dịch loại TP này. Dự thảo nghị định quy định việc tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ dành cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp tại sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) để có đầy đủ thông tin từ khâu phát hành đến khâu giao dịch TP, đồng thời nâng cao thanh khoản của TP.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định quy định về trách nhiệm của tổ chức tư vấn hồ sơ phát hành TP, tổ chức đăng ký, lưu ký TP nhằm thiết lập cơ chế quản lý giám sát đồng bộ trên thị trường TPDN thông qua SGDCK và tại cơ quan quản lý.
Theo kế hoạch, nghị định quy định về phát hành, giao dịch TPDN riêng lẻ và quy định về phát hành TP ra công chúng tại nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sẽ có hiệu lực thi hành 1/1/2021 cùng với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. “Trong quá trình xây dựng các nghị định này, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến thành viên thị trường, các DN phát hành, các định chế trung gian cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán, và lấy ý kiến rộng rãi công chúng trên cổng thông tin điện tử của CP, cổng thông tin của Bộ Tài chính để tổng hợp hoàn thiện dự thảo nghị định” – ông Dương cho biết.
Đã phát hành 264,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ
Năm 2020, tổng nhu cầu vay của ngân sách trung ương được Quốc hội phê duyệt là 450.349 tỷ đồng; trong đó vay để bù đắp bội chi là 217.800 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc là 232.549 tỷ đồng. Theo đó, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ năm 2020 là 260.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 26/10/2020, Bộ Tài chính đã phát hành 264,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,66 năm, lãi suất bình quân 2,92%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm).
Thuận Đức (TDP): Cơ hội đầu tư cổ phiếu sản xuất đầu ngành bao bì nhựa
CTCP Thuận Đức (TDP) là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm bao bì từ Polypropylene (nhựa PP) thân thiện môi trường tại Việt Nam với quy mô doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây.
Quy mô sản xuất top đầu ngành bao bì nhựa Việt Nam
Thành lập năm 2007, CTCP Thuận Đức hiện là một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất bao bì PP tại Việt Nam, với 3 dòng sản phẩm chính cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế. Đó là: túi xách siêu thị (shopping bags), bao bì phục vụ cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón, mía đường... (B2B) và bao bì đựng nông sản ngô, khoai sắn, chè, tiêu... (B2C).
Quy mô của hệ thống Thuận Đức Group hiện nay bao gồm 6 nhà máy, 2 chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa và Long An, văn phòng đại diện đặt tại Hà Nội. Ngày 06/08/2020, Thuận Đức đã tổ chức Lễ khởi công dự án nhà máy sản xuất túi xuất khẩu thứ 2 với diện tích 2,7 ha trong khu tổ hợp nhà máy Thuận Đức tại Khu công nghiệp Kim Động, Hưng Yên. Dự án nhà máy này nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm của Thuận Đức với sản phẩm đầu ra là túi xách siêu thị xuất khẩu chất lượng cao.
Dây chuyền sản xuất hiện đại
Trong năm 2019, Thuận Đức đã triển khai 2 dự án tại tỉnh Thanh Hóa, trong đó 1 nhà máy tại Triệu Sơn, Thanh Hóa trên diện tích 5,7 ha để sản xuất hạt nhựa PP tái sinh và bao bì dệt, giai đoạn 1 cho công suất hơn 600 tấn/tháng.
Bên cạnh đó, Thuận Đức cũng đang đầu tư 1 nhà máy nữa trên diện tích 3,3 ha tại chi nhánh của TDP ở KCN Bỉm Sơn, Thanh Hóa với các sản phẩm bao bì PP thân thiện với môi trường, có hàm lượng kỹ thuật cao.
Việc liên tục mở rộng quy mô sản xuất đã giúp TDP trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bao bì PP tại Việt Nam, với quy mô vốn điều lệ hiện tại là 480 tỷ đồng, quy mô tài sản đạt 1.717 tỷ đồng đến cuối tháng 6/2020, cao hơn so với nhiều doanh nghiệp bao bì trên sàn chứng khoán như Nhựa Tân Phú (TPP), Nhựa Bao bì Vinh (VBC), Nhựa Tân Tiến (TTP), Nhựa Sài Gòn (SPP)...
TOP 5/500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020
Trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020 (FAST500 - do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam - Vietnam Report thực hiện) công bố ngày 20/5/2020, Thuận Đức đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng này.
Kết thúc năm 2019, TDP đạt 1.196,7 tỷ đồng doanh thu và 61,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 60,3% về doanh thu và 71,4% về lợi nhuận so với 2018, hoàn thành lần lượt 109% mục tiêu về doanh thu và 124% mục tiêu về lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Chỉ số ROA và ROE của TDP lần lượt đạt 4,9% và 14,35%, tăng so với mức 4,7% và 12,6% của 2018. Kết quả này tương đương, thậm chí cao hơn so với một số doanh nghiệp cùng ngành nhựa nói chung hay phân khúc bao bì nhựa nói riêng.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2016 đến 2019, quy mô doanh thu của TDP đã tăng gấp 4,1 lần trong khi quy mô lợi nhuận gấp 6,7 lần. Tốc độ tăng trưởng kép đạt 59,6% về doanh thu và 88,7% về lợi nhuận.
Trong nửa đầu năm nay, bất chấp nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng toàn cầu, Thuận Đức vẫn ghi nhận 602,2 tỷ đồng doanh thu và 28,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23,2% và 56% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Đáng chú ý là trong kỳ, biên lợi nhuận gộp của TDP đã đạt 17,1%, tăng 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm tích cực khác cũng ghi nhận trong bức tranh tài chính nửa đầu năm nay là dòng tiền kinh doanh của công ty đã thặng dư 42,3 tỷ đồng, cao hơn so với mức lợi nhuận ghi nhận.
Triển vọng tăng trưởng sáng
Trong những năm gần đây, nhựa là một trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức bình quân từ 16%-18%/năm. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), trong cơ cấu ngành nhựa, nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất (37,43%) với động lực tăng trưởng có đóng góp đáng kể từ xuất khẩu.
Việc sử dụng nguyên liệu tái chế để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường và trở thành xu hướng tiêu dùng được quan tâm giúp hoạt động kinh doanh của TDP có nhiều dư địa tăng trưởng.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết cũng là một tin vui giúp cải thiện lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp nhựa xuất khẩu sang thị trường này. Trong một phân tích của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cập nhập, với EVFTA, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm bao bì nhựa Việt Nam vào EU sẽ giảm từ 3% về 0% trong khi mức mức thuế của Trung Quốc hiện là 6,2%.
Trong bối cảnh đánh giá nhu cầu thị trường còn rất lớn, bên cạnh việc tăng hiệu suất vận hành của các nhà máy hiện tại, Thuận Đức còn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhằm tận dụng nguồn lực sẵn có bằng 2 dự án tại Hưng Yên và Thanh Hóa.
Dự án nhà máy sản xuất túi siêu thị xuất khẩu tại Hưng Yên với tổng mức đầu tư 1.206 tỷ đồng, dự kiến đem lại doanh thu 2.300-2.500 tỷ đồng mỗi năm. Dự án nhà máy sản xuất bao bì Thái Yên tại Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng, dự kiến đem lại doanh thu 1.200 tỷ đồng mỗi năm.
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho kế hoạch tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 6/2020, TDP đã thông qua kế hoạch tăng vốn mới, bao gồm trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12% và phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc ra công chúng.
Tùy theo điều kiện thị trường và nhu cầu vốn của Công ty, Ban Lãnh đạo sẽ chủ động tìm kiếm đối tác, đàm phán và thực hiện phương án đem lại tối đa lợi ích cho TDP và các cổ đông. Việc niêm yết cổ phiếu TDP trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong tháng 10 này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao uy tín, vị thế cũng như tăng cường tính minh bạch, tin cậy của TDP trong mắt các nhà đầu tư.
TN1 sẽ nhận chuyển nhượng gần 22 triệu cổ phiếu MSB Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Thương mại dịch vụ TNS Holdings (TN1) đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 21,8 triệu cổ phần Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) từ CTCP Đầu tư xây dựng TNCons Việt Nam. Đơn giá chuyển nhượng 14.000 đồng/cp, tương ứng TN1 cần chi khoảng 305 tỷ đồng để thực hiện thương vụ. Đáng chú ý,...