Thị trường thương mại điện tử Việt Nam qua góc nhìn của CEO Sieumua
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong thời gian gần đây đang phát triển khá sôi động, với sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với sự hỗ trợ của nền tảng mobile trong kỷ nguyên internet, việc các doanh nghiệp dịch chuyển công việc kinh doanh sang môi trường online là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, thực hư thị trường TMĐT Việt Nam như thế nào? Đó phải là mảnh đất màu mỡ để các startup bắt đầu xây dựng nền móng cho mình hay không? Những khó khăn gì sẽ chờ đợi khi các startup muốn tham gia vào thị trường này?
Tech in Asia đã có buổi phỏng vấn với anh Phan Văn Sơn, CEO của Sieumua để cùng làm rõ bức tranh toàn cảnh về thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian qua.
Anh có thể cho nhận xét tổng quan thị trường TMĐT ở Việt Nam trong thời gian qua?
Có thể nói, thị trường TMĐT ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ khoảng năm 2009, bởi vì trước đó hầu hết người Việt Nam đều chưa có khái niệm mua hàng trực tuyến. Sau đó vào năm 2010 thì thị trường TMĐT thực sự bùng phát, với sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp tham gia cùng một lúc, khiến thị trường phát triển khủng khiếp.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ của nhiều doanh nghiệp làm ăn “chộp giật”, chỉ làm lấy số lượng mà không quan tâm tới chất lượng sản phẩm, có doanh nghiệp một ngày có thể thực hiện vài ngàn đơn hàng, nhưng sản phẩm mang lại không được như mong đợi của khách hàng. Đồng thời hầu hết các doanh nghiệp TMĐT chỉ nghĩ tới lợi nhuận và chỉ tìm cách bảo vệ lợi ích của mình chứ không nghĩ đến lợi ích cho khách hàng.
Điều nay gây ra một hệ quả nghiêm trọng là khách hàng mất niềm tin vào các doanh nghiệp TMĐT, do đó năm 2012 đánh dấu sự ra đi của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT.
Năm 2012 đánh dấu thời kỳ sụp đổ của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT ở Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35 triệu người thường xuyên sử dụng internet, trong đó có khoảng 10%, tức là khoảng 3,5 triệu người có thói quen mua hàng trực tuyến, có thể thấy thị trường TMĐT ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng để có thể đạt được thành công thì còn rất nhiều khó khăn.
Anh có thể cho biết những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong thị trường TMĐT?
TMĐT là một ngành kinh doanh khá độc lập, không phải ai giỏi kinh doanh truyền thống đều có thể nhảy sang TMĐT. Nhiều người đứng ngoài cứ nghĩ TMĐT đơn giản, chỉ cần làm 1 website là có thể kinh doanh được, tuy nhiên không phải như vậy. Làm TMĐT là phải biết về công nghệ, phải biết cách quản lý các quy trình onilne, phải biết về AdWords, SEO…
Đối với bất kỳ thị trường nào, điều quan trọng nhất là phải tạo được được niềm tin của khách hàng. Sau thời kỳ ra đi của rất nhiều doanh nghiệp TMĐT, khách hàng bị mất niền tin vào TMĐT. Do đó hiện nay, cần rất nhiều thời gian tích luỹ để tạo dựng lại uy tín của các doanh nghiệp cũng như niềm tin của khách hàng vào TMĐT. Hơn nữa, để có thể tạo dựng một nền tảng vững chắc và trở thành người đi đầu là một vấn đề rất lớn, doanh nghiệp cần phải duy trì niềm tin này trong một thời gian dài.
Video đang HOT
Thứ hai, hiện nay TMĐT bị cạnh tranh rất gay gắt. Có thể thấy là hiện giờ ai cũng có thể bán hàng trên Facebook được, do vậy khách hàng rất dễ dàng trong việc tìm kiếm và có rất nhiều lựa chọn mua hàng. Nhiều khách hàng còn đặt đơn hàng của 2-3 doanh nghiệp, ai giao nhanh hơn thì mua của người đó khiến giao dịch bị huỷ rất nhiều.
Hơn nữa thị trường Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoặc được đầu tư từ nước ngoài. Những doanh nghiệp này đầu tư vào thương hiệu rất lớn, chăm sóc khách hàng tốt, thậm chí họ còn chấp nhận lỗ để mở rộng thị trường và tăng lượng người dùng.
Thứ ba là người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen thanh toán trực tuyến. Mặc dù công nghệ dành cho thanh toán trực tuyến ở Việt Nam đã sẵn sàng khoảng 5 năm nay, nhưng người dùng Việt Nam vẫn muốn thanh toán dưới hình thức COD (thanh toán khi nhận hàng). Điều này khiến các doanh nghiệp TMĐT tốn rất nhiều chi phí vận hành như: chi phí vận chuyển, chi phí marketing, nhân sự. Nhiều đơn hàng giao thành công rồi vẫn bị khách hàng huỷ khiến chi phí phát sinh tăng cao.
Người dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen thanh toán trực tuyến.
Hơn nữa người dùng Việt Nam hiện nay vẫn quen “xem, sờ, thử” nên nhiều doanh nghiệp TMĐT phải chấp nhận mở cả cửa hàng outlet để phục vụ nhu cầu offline của khách hàng. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài để tăng giá trị thương hiệu có thể mở bán hàng chục ngàn sản phẩm, nhưng lại không thể bao quát hết được, thực tế chỉ có khoảng 5.000 – 7.000 sản phẩm, chưa kể những đơn hàng bị huỷ khiến lượng giao dịch “ảo” tăng lên nhiều lần. Điều này dễ gây ra ảo tưởng cho những startup đang muốn tham gia vào thị trường TMĐT.
Thực tế là không phải ai cũng có thể làm TMĐT trong thời điểm này.
Vậy theo anh, đâu là giải pháp cho các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam?
Làm TMĐT là phải làm từng bước một, những năm đầu tiên chỉ cần một vài người thực sự giỏi để tạo dựng mô hình và thiết lập chiến lược doanh nghiệp, sau đó, khi doanh nghiệp đã đứng vững rồi thì mới cần những đội ngũ giỏi khác để tối ưu hoá dần việc kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Không ai có thể hiểu về thị trường ngay được.
Tiếp theo là các doanh nghiệp TMĐT phải tối ưu hoá chi phí và khuyến khích thanh toán trực tuyến như: miễn phí vận chuyển, hoặc giảm 5% cho những đơn hàng thanh toán trực tuyến…
Bởi vì chỉ có thanh toán trực tuyến mới đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, giúp dòng tiền của doanh nghiệp luân chuyển nhanh hơn, tiết kiệm chi phí và đảm bảo thành công các giao dịch, tỷ lệ khách hàng huỷ đơn hàng ít hơn.
Đồng thời phải tạo được niềm tin và tính chuyên biệt cho khách hàng. Ví dụ như Sieumua lựa chọn chuyên về kinh doanh thời trang, bởi vì thị trường rất lớn, nhiều đối tượng khách hàng, nếu cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt, mọi người sẽ quay lại. Thời trang là mặt hàng hôm nay mua rồi, ngày mai vẫn có thể mua tiếp, không giống như các sản phẩm điện tử, điện máy, nhiều năm sau người dùng vẫn chưa có nhu cầu mua lại.
Nói chung TMĐT ở Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn, thực ra không một doanh nghiệp TMĐT nào dám nói chắc gì về tương lai 5-10 năm tới. Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi cho rằng:
Phải đi theo mô hình khó và khi vượt được qua nó rồi thì bạn mới phát triển bền vững. Bởi vì đi theo các mô hình dễ dàng thì sức cạnh tranh càng cao, thành công càng trở nên bấp bênh.
Xin cảm ơn anh vì buổi phỏng vấn hôm nay!
Biên tập bởi Quyen Quyen – theo techinasia
CEO Sieumua.com: Chúng tôi đang đi đúng hướng
Thành lập tháng 11/2011, khởi đầu là trang web bán hàng theo mô hình mua hàng theo nhóm (hay còn gọi là Group-buying), Zanado.com chuyển đổi mô hình kinh doanh thành trang web thương mại điện tử theo mô hình B2C (Business to Customers) chuyên về lĩnh vực thời trang.
Anh Phan Văn Sơn, CEO Zanado.com
Việc từ bỏ mô hình Group-buying trong giai đoạn tăng trưởng nóng và gia nhập vào thị trường thời trang vốn đã có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia là quyết định khá khó hiểu của ban điều hành Zanado.com lúc bấy giờ, tuy nhiên theo ông Phan Văn Sơn, Giám đốc Điều hành Zanado.com cho rằng công ty hoàn toàn đúng khi đưa ra quyết định chuyển hướng.
Twenty.vn : Vì sao Zanado.com lại chuyển hướng và chọn kinh doanh mặt hàng thời trang làm chủ đạo?
Anh Phan Văn Sơn : Như đã biết, lúc mới thành lập, Zanado.com từng định vị mình là trang web Group-buying vì xu hướng này đang nóng và mô hình này dễ thu hút lượng truy cập đối với các trang web TMĐT mới thành lập. Tuy nhiên, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng mô hình Group-buying không giữ chân khách hàng ở lại. Khi các sản phẩm giá rẻ, khách hàng có xu hướng mua mà không cần biết có dùng tới nó hay không vì thế họ cũng không quan tâm tới mua từ trang web nào. Bên cạnh đó, việc khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm là điều khiến Zanado.com quyết tâm chia tay Group-buying.
Khoảng sáu tháng sau khi thành lập, chúng tôi đã chuyển dần sang mô hình B2C, còn vì sao chọn lĩnh vực thời trang là vì mặt hàng bán rất chạy trong giai đoạn Zanado.com còn là một trang mua hàng theo nhóm. Cho đến bây giờ, chúng tôi tin là Zanado.com đang đi đúng hướng.
Anh nói rằng Zanado.com đã đúng khi chuyển hướng, dựa vào đâu có thể chứng minh điều đó thưa anh ?
Hiện nay, chúng tôi đã cán mốc 1,000 đơn hàng một ngày với tỷ lệ hủy đơn hàng dưới 10%. Theo thống kê của Similarweb.com, công cụ đánh giá trang web khá uy tín của Israel, chúng tôi có khoảng một triệu lượt truy cập mỗi ngày. Hiện có khoảng 200 nhà cung cấp đang làm việc với zanado.com.
Nhiều trang web Group-buying hiện cũng theo xu hướng bán hàng thời trang như hotdeal.vn chẳng hạn, đó là chưa kể trang web khác chuyên về thời trang điển hình như zalora.vn, vậy đâu là điểm khác biệt của Zanado.com ? Doanh nghiệp và người mua hàng có được giá trị gì từ Zanado.com ?
Chúng tôi định vị mình là một trang web chỉ chuyên về thời trang trong mắt người sử dụng, đó là điểm khác biệt đầu tiên về mặt truyền thông. Về lợi ích thực tế đối với người sử dụng, chúng tôi cung cấp nguồn hàng đã qua kiểm tra kỹ lưỡng, trước Tết, Zanado.com từng thu hồi hơn 90 mẫu bị lỗi từ nhà cung cấp. Chúng tôi có một hệ thống lưu trữ lỗi thường gặp của các nhà cung cấp để đảm bảo các lỗi đó không bị lặp lại khi đưa đến khách hàng lần thứ hai. Ngoài ra, chúng tôi có các chương trình hỗ trợ như khách hàng được quyền đổi trả trong vòng 30 ngày đối với một số sản phẩm, các sản phẩm bị lỗi khách hàng sẽ được miễn phí đổi trả bao gồm phí nhân viên đến thu hàng hoặc phí chuyển qua đường bưu điện.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi luôn khuyến khích doanh nghiệp đưa hàng với số lượng nhỏ ban đầu đề dò xét thị trường, nếu bán được mới tăng số lượng. Chúng tôi cũng có chính sách thanh toán linh hoạt, hai ngày trong tuần. Zanado.com không muốn chiếm dụng vốn của khách hàng.
Ông có nhắc nhiều đến hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), nó đóng vai trò như thế nào với hoạt động của Zanado.com ?
Là một trang web B2C mới lúc bấy giờ, Zanado.com ý thức rằng để giữ chân khách hàng và thu hút doanh nghiệp, nguồn hàng phải đảm bảo và thời gian thanh toán cho doanh nghiệp phải nhanh. Chính vì thế chúng tôi tập trung xây dựng hệ thống CNTT để kiểm soát hàng lỗi hàng hóa và hỗ trợ quy trình thanh toán, chăm sóc khách hàng và marketing.
Bên cạnh đó, có hệ thống CNTT hỗ trợ giúp chúng tôi đáp ứng số lượng đơn hàng tăng cao trong khi chi phí nhân lực là không đổi. Hiện Zanado.com có khoảng 100 người, không tính bộ phận giao hàng vì đã thuê ngoài, phục vụ 1,000 đơn hàng. Cùng nguồn nhân lực đó, chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu gấp ba lần hiện tại, tức 3,000 đơn hàng.
Hệ thống của chúng tôi cũng hỗ trợ theo dõi được hiệu quả, năng suất của từng nhân viên, bộ phận để áp dụng KPI lương thưởng phù hợp. Ví dụ chúng tôi có thể biết được từng nhân viên xác nhận bao nhiêu đơn hàng, gọi bao nhiêu cuộc điện thoại, tỷ lệ thành công trên số đơn hàng xử lý. Biết được từng chương trình quảng cáo, nhân viên marketing nào hoạt động hiệu quả ra sao. Từ đó việc chăm sóc khách hàng sẽ tốt hơn, hiệu quả marketing cao hơn.
Có thể thấy các giá trị các sản phẩm trên Zanado.com hiện nay có mức giá trung bình từ 200 đến 300 ngàn đồng, đây là phân khúc trung bình. Trong thời gian tới zanado.com có chiến lược nào để nâng cao giá trị mỗi đơn hàng thưa anh ?
Theo chiến lược phát triển của Zanado.com trong thời gian tới, để nâng giá trình trung bình các đơn hàng trên Zanado.com hiện nay, các doanh nghiệp hiện đang hợp tác với chúng tôi sẽ đưa vào các sản phẩm phụ kiện thời trang, giả sử một doanh nghiệp bán quần jean, sẽ bán thêm thắt lưng, hay giày chẳng hạn.
Bên cạnh đó, chúng tôi hiện đang điều hành trang web Tofaco.com. Đây cũng là một trang B2C về thời trang nhưng với các thương hiệu có tên tuổi hơn như Foci, Wow, Larvana...Giá trị trung bình của các mặt hàng ở tofaco.com cao hơn Zanado.com từ 30-40%. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích hợp tofaco.com vào zanado.com để dễ quản lý và chạy các chương trình truyền thông hiệu quả. Chiến lược này cũng giúp giữ chân khách hàng của zanado.com hiện tại, khi cần một phong cách thời trang mới, họ có thể tìm đến tofaco.com.
Ngoài ra, chúng tôi đã phát triển đội ngũ R&D trong ngành thời trang. Đội ngũ này sẽ tìm kiếm các xu hướng thời trang ở các khu vực lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản...nghiên cứu các số đo phù hợp với dáng người Việt Nam sau đó zanado.com sẽ tự sản xuất ra thị trường hoặc tư vấn cho các doanh nghiệp đối tác hiện nay. Về mức giá, chúng tôi chưa thể tiết lộ nhưng chắc chắn là phải hợp lý.
Người ta nói nhiều đến xu hướng Bigdata (tạm dịch là Dữ liệu lớn) trong TMĐT vài năm trở lại đây. Anh đánh giá như thế nào về tầm ảnh hưởng của xu hướng này đối với chính Zanado.com ?
Đối với lĩnh vực TMĐT, BigData được ứng dụng khá hữu hiệu trong hệ thống Remarketing (tiếp thị lại) và Recommender Systems (tạm dịch là hệ thống khyến nghị). Theo đó, Recommender Systems sẽ đưa ra các lời khuyên mua hàng cho người sử dụng dựa trên thói quen mua hàng, xu hướng thời trang, sở thích của người đó...mục tiêu là để tăng doanh số bán hàng với chi phí tiếp thị thấp nhất. Dữ liệu về người dùng càng nhiều, việc đưa ra khuyến nghị càng có hiệu quả. Remarketing sẽ giúp chúng tôi tiếp cận và đeo bám khách hàng đã truy cập website của chúng tôi.
Trong môi trường cạnh tranh gay gắt như ngành thời trang trực tuyến ở Việt Nam, việc sỡ hữu một hệ thống Recommender Systems tốt sẽ là lợi thế cạnh tranh không hề nhỏ đối với Zanado.com. Chúng tôi đang từng bước thực hiện công nghệ này.
Xin cảm ơn anh
Công Sang (theo twenty)
Toàn cảnh thị trường Groupon tại Việt Nam năm 2014 Cách đây chừng 5 năm, mô hình Groupon hay còn gọi là mua hàng theo nhóm ra đời tại Việt Nam kéo theo rất nhiều kỳ vọng về một mô hình kinh doanh mới. Khi Daily Deal không còn là Groupon Hiện nay tại Việt Nam hình thức đặt mua deal các sản phẩm dịch vụ thông qua một nhà phân phối trung...