Thị trường ôtô điện Việt Nam dần trở nên nóng hơn
Thị trường ôtô Việt Nam sẽ đón nhận thêm nhiều dòng xe điện trong thời gian tới, cùng với đó là sự mở rộng của hệ thống trạm sạc và kỳ vọng về chính sách mới hỗ trợ cho ôtô điện.
Toàn cảnh thị trường ôtô Việt Nam trong 2 quý vừa qua là một bức tranh tương đối ảm đạm khi chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy vậy, mảng xe điện vẫn đang ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, người dùng trong nước có thể nhận thấy các bước tiến chuẩn bị cho quá trình hội nhập vào kỷ nguyên xe điện ngày càng rõ nét.
Nhiều dòng xe mới xuất hiện
Trước năm 2020, tại Việt Nam đã có những mẫu xe điện Tesla, Nissan được nhập khẩu theo diện tư nhân và ít nhiều gây được sự chú ý với khách hàng. Bên cạnh đó, cũng có vài nhà sản xuất đưa ôtô điện về nước để nghiên cứu thị trường, kết hợp cùng chạy thử nghiệm, chẳng hạn như Mitsubishi hay Audi.
Porsche là thương hiệu đầu tiên phân phối chính hãng xe điện tại Việt Nam. Ảnh: Bối Hạ.
Tuy vậy, đến nay hiện chỉ có một dòng ôtô điện được bán chính hãng tại Việt Nam là Porsche Taycan. Dù có giá bán đắt đỏ, mẫu xe thể thao của Porsche vẫn tạo được hiệu ứng tích cực, phần nào cho thấy người dùng Việt sẵn sàng đón nhận ôtô điện thay thế cho xe hơi truyền thống.
Từ đó, hàng loạt mẫu xe điện manh nha “cập bến” tại Việt Nam, từ dạng xuất hiện thông tin trực tuyến, chạy thử, đặt hàng trước cho đến chuẩn bị mở bán.
Mở đầu làn sóng ôtô điện trong năm nay tại Việt Nam là VinFast VF e34. Mẫu SUV đô thị được VinFast giới thiệu vào tháng 3 và vài lần được bắt gặp chạy thử trên đường phố.
Bên cạnh mức giá đề xuất 690 triệu đồng, VinFast VF e34 còn gây chú ý với chính sách cho thuê pin trị giá 17,4 triệu đồng mỗi năm. VinFast VF e34 dự kiến bán giao đến khách hàng vào tháng 11 năm nay.
Mẫu ôtô điện phổ thông của VinFast có thông số vận hành phù hợp cho mục đích sử dụng hàng ngày ở đô thị. Động cơ điện mạnh 148 mã lực kết hợp cùng cụm pin dung lượng 42 kWh cho phạm vi hoạt động tối đa khoảng 300 km. Khi sử dụng trạm sạc nhanh, VF e34 có thể đi được quãng đường 180 km sau 15 phút nạp năng lượng.
VinFast VF e34 đang trong giai đoạn chạy thử trước khi bán ra thị trường vào cuối năm nay. Ảnh: VinFast.
Quý IV cũng là thời điểm mẫu xe “anh em” với Porsche Taycan là Audi e-tron GT có thể được ra mắt. Hình ảnh mẫu xe điện của thương hiệu 4 vòng tròn cập cảng Việt Nam đã xuất hiện trên mạng xã hội, đi kèm thông tin chuẩn bị chào bán. Vào tháng 3, Audi e-tron GT đã trình làng tại Thái Lan với 3 phiên bản, giá đề xuất dao động 207.000-307.000 USD.
Nằm ở phân khúc xe điện hiệu năng cao, e-tron GT trang bị 2 động cơ điện bố trí ở 2 trục để tạo thành hệ dẫn động AWD, đi cùng hộp số 2 cấp tương tự Taycan để tối ưu hiệu suất vận hạnh. Phiên bản cao cấp nhất Audi RS e-tron GT quattro có công suất cực đại 646 mã lực, mô-men xoắn cực đại 828 Nm. Khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 3,3 giây, trong khi cụm pin 86 kWh cho phạm vi hoạt động lên đến 488 km.
Thông số của Audi e-tron GT kém hơn đôi chút khi đặt cạnh Porsche Taycan. Ở phiên bản Turbo S mạnh nhất, 2 động cơ điện của Taycan có thể cung cấp công suất lên đến 750 mã lực, mô-men xoắn 1.050 Nm nhờ chế độ Overboost, thời gian tăng tốc 0-100 km/h chỉ 2,8 giây. Tùy theo phiên bản, Porsche Taycan tại Việt Nam trang bị cụm pin 79,2 kWh hoặc 93,4 kWh, đi cùng giá bán đề xuất 4,76-9,55 tỷ đồng.
Video đang HOT
Audi e-tron GT đã được đưa về Việt Nam, cạnh tranh cùng Porsche Taycan ở nhóm xe thể thao chạy điện. Ảnh: Trung Tran.
Vào tháng 4, Mercedes-Benz Việt Nam từng gây chú ý khi bổ sung vào danh mục sản phẩm phần Xe điện, kèm theo đó là dòng chữ “Sẽ ra mắt” đối với mẫu sedan EQS. Mercedes-Benz EQS được xem là biến thể chạy điện của S-Class
Tiếp đến, Nissan Việt Nam tiến hành đăng ký bản quyền công nghiệp cho mẫu SUV chạy điện có tên Ariya. Mặc dù đại diện truyền thông của Nissan cho biết hãng chưa có kế hoạch ra mắt xe điện, thông tin về Nissan Ariya vẫn nhận được sự quan tâm khi đây được xem là đối thủ của VinFast VF e35, mẫu ôtô điện dự định bán ra tại Mỹ vào năm sau.
Mới đây nhất, VinFast vừa đăng ký bản quyền cho 2 mẫu SUV mới. Nhiều khả năng đây sẽ là ôtô điện khi thiết kế của xe không có lưới tản nhiệt. Điều này hứa hẹn khả năng hãng xe Việt Nam sẽ giới thiệu thêm nhiều mẫu ôtô thân thiện với môi trường trong tương lai.
Đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng
Năng lượng là yếu tố then chốt để xe điện vận hành hiệu quả từng bước thay thế được ôtô dùng động cơ đốt trong. Để giải được bài toán này, cơ sở hạ tầng và công nghệ tích hợp dành cho loại phương tiện này đang từng bước được đầu tư phát triển.
Đang dẫn đầu trong kế hoạch mở rộng mạng lưới trạm sạc dành cho xe điện tại Việt Nam là VinFast. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay hãng sẽ hoàn thành việc xây dựng 2.000 trạm sạc trên toàn quốc để phục vụ cho nhu cầu của người dùng xe điện.
Đáng chú ý, ngoài loại trạm sạc thường AC 11 kW tại các bãi xe, VinFast còn thiết lập những điểm sạc nhanh DC 30 kW và 60 kW tại các điểm dùng chân trên quốc lộ, cao tốc để hướng đến việc sử dụng ôtô điện đi đường dài.
Độ phủ của mạng lưới trạm sạc và thời gian sạc là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tính tiện dụng của xe điện. Ảnh: Bối Hạ.
Song song với việc xây dựng hệ thống điểm sạc, VinFast còn chú trọng đến mục tiêu tiết kiệm thời gian nạp năng lượng cho ôtô điện. Điều này thể hiện thông qua thỏa thuận hợp tác của VinFast cùng công ty StoreDot (Israel) để nghiên cứu loại pin mới có khả năng sạc 4-5 phút đạt 80% dung lượng.
Với tốc độ sạc siêu nhanh, ôtô điện trong tương lai sẽ không còn thua kém ôtô dùng động cơ đốt trong về tính tiện dụng. Đây cũng là mục tiêu được nhiều ông lớn trong ngành xe điện theo đuổi.
Chờ đợi chính sách hỗ trợ
Tại Thái Lan và các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, chính phủ đang điều chỉnh quy định chung về mức thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe điện và các dòng ôtô hybrid. Đây là động thái cần thiết để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng dành cho xe điện, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng chưa thật sự mặn mà với loại phương tiện mới.
Tương tự, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nói chung và xe điện nói riêng cũng đang chờ đợi chính sách hỗ trợ để mở đường phát triển.
Các nước ở khu vực Đông Nam Á đang ban hành chính sách để phát triển xe điện. Ảnh: Bloomberg.
Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Xu hướng phát triển ôtô điện trên thế giới và cơ hội tại Việt Nam” do Zing tổ chức đầu quý II, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG, cho rằng cần có cam kết, mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể để có thể hiện thực hóa tiềm năng của ôtô điện nói riêng và sản phẩm xanh nói chung tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Hùng, giảm giá mua ôtô điện của người dùng và tạo dựng hệ thống hạ tầng là những yếu tố quan trọng để phát triển loại xe này tại Việt Nam. Những hình thức như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế linh kiện, giảm phí sử dụng đường bộ, phí trước bạ hay giảm giá điện cho những người dùng điện sạc pin ôtô có thể được áp dụng để giảm giá bán và chi phí sử dụng, qua đó khuyến khích người dân dùng xe điện.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Tuấn Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam nhận định để ôtô điện phát triển tại Việt Nam, cần các chính sách, giải pháp cụ thể, có tính liên thông, liên ngành và tác động trên nhiều mặt, nhằm hỗ trợ cả nhà sản xuất và người dùng.
Ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam "mắc kẹt" với các điểm nghẽn
Theo Bộ Công Thương, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu, chênh lệch chi phí sản xuất là hai điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô.
Nhà máy sản xuất ôtô VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Một chiếc nắp bình xăng nhỏ bé cũng phải nhập khẩu. Trong khi đó, để hoàn thiện một chiếc ôtô cần tới hàng chục nghìn linh kiện. Cho dù đã có hàng loạt cơ chế chính sách được đưa ra để tháo gỡ, nhưng thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô vẫn tiếp tục "giấc mơ" nội địa hóa.
Phụ thuộc tới 80% linh kiện nhập khẩu
Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Lê Dương Quang, gần 30 năm qua, hàng loạt cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp ôtô nói chung và công nghiệp hỗ trợ ôtô nói riêng đã được ban hành, song do thiếu tính khả thi nên hiệu quả triển khai trên thực tế rất thấp.
Đến nay, có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu, 20% còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn như ghế, săm, lốp, ắc quy, bộ dây điện, nhựa cỡ lớn...
Điều này đã khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10- 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Dẫn chứng cho câu chuyện này, Toyota Việt Nam đưa ra ví dụ chiếc nắp bình xăng, bộ phận rất nhỏ trong số 30.000 linh kiện khác nhau để sản xuất ra một chiếc ôtô. Đó là chi phí sản xuất và bán ra ở Thái Lan chỉ 1,5 USD, thì tại Việt Nam là 3,8 USD và sau nhiều lần tiết giảm, sản phẩm này vẫn có giá 2,5 USD. Với giá này, chắc chắn các doanh nghiệp lắp ráp ôtô sẽ phải nhập khẩu.
Không chỉ vậy, lĩnh vực sản xuất ôtô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe.
Trong khi đó, hiện nay chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Cũng có chuyên gia cho rằng, chi phí để đầu nhà máy sản xuất chip rất tốn kém, lên tới hàng chục tỷ USD. Chính vì vậy, trên thế giới có rất ít hãng có thể sản xuất được chip như Intel, Samsung...
Ở Việt Nam cũng đã có những ý tưởng về đầu tư xây dựng công nghiệp sản xuất chip nhằm góp phần chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp, nhưng với những khó khăn hiện nay thì điều này là rất khó.
Theo Bộ Công Thương , nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô thời gian qua không phát triển được là do quy mô thị trường ôtô Việt Nam nhỏ bé, so với Thái lan mới chỉ bằng 1/3 và so với Indonesia bằng 1/4.
Quy mô thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều mẫu mã khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ôtô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt. Chính vì thế, khả năng để nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ ôtô rất khó.
Thời gian gần đây, để chủ động nguồn linh kiện, gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước theo chủ trương của Chính phủ, một số doanh nghiệp lớn trong nước đã chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ ôtô.
Điển hình như THACO AUTO đầu tư Khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam với 12 nhà máy để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, xuất khẩu ôtô và linh kiện phụ tùng.
Cùng với THACO AUTO, Tập đoàn Thành Công cũng đã đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng tại Quảng Ninh.
Đây sẽ là nơi quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ sản xuất phụ tùng và linh kiện có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu.
Xem xét lại các chính sách hỗ trợ
Chuyên gia Vĩnh Nam hoạt động lâu năm trong ngành ô tô cho biết, rất nhiều chi tiết linh kiện điện tử hiện nay đang được gia công tại Việt Nam và được đóng dấu 'Made in Vietnam" trên linh kiện của nhiều hãng ôtô nổi tiếng thế giới. Các đơn vị này sản xuất cũng như gia công lại cho đối tác nước ngoài.
"Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được chip cho ôtô nếu như được hưởng các chính sách và tạo điều kiện như Samsung, LG, Apple đang được hưởng tại Việt Nam," ông Nam nhấn mạnh.
Do đó, đã đến lúc Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xem lại các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô cũng như ngành công nghiệp sản xuất chip và tạo hành lang pháp lý cùng các chính sách tốt để các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất hoặc liên doanh với các đối tác nước ngoài để tạo ra một dãy các sản phẩm "Made in Vietnam."
Chuyên gia Vĩnh Nam cũng hy vọng: "VinFast ngoài sản xuất ôtô cũng có thể đầu tư sản xuất chip cho VinFast cũng như xuất khẩu cho các hãng ôtô của nước ngoài. Việc này VinFast hay FPT, Viettel... có thể làm được vì đội ngũ nhân sự kỹ thuật cao của họ rất giỏi."
Theo nhận định của giới chuyên môn, việc thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu có thể đến cuối năm nay hoặc nửa đầu năm 2022 sẽ dần trở lại ổn định. Vấn đề cốt lõi của công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam vẫn là dung lượng thị trường để kích thích sản xuất lắp ráp xe cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất linh kiện, phụ tùng.
Về điều này, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu cũng như chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực đang là hai điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Khi giải quyết được 2 điểm nghẽn này, ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Để khắc phục các điểm nghẽn trên, Bộ Công Thương đề xuất quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ôtô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại; đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch chi phí sản xuất giữa ôtô trong nước và ôtô nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô.
Đồng thời, tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí lắp ráp ôtô trong nước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng áp dụng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô kèm theo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao sản lượng sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước./.
Nhiều ôtô mới có thể được ra mắt tại Việt Nam nửa cuối năm 2021 Thị trường ôtô Việt Nam 6 tháng cuối năm có nhiều dòng xe đáng chú ý có thể được giới thiệu, bao gồm SUV cỡ lớn, SUV đô thị, ôtô điện, MPV và sedan. Sau khi đón nhận nhiều mẫu xe mới, thuộc cả phân khúc phổ thông và hạng sang như Toyota Vios 2021, Mazda CX-3, Mazda CX-30, Hyundai Santa Fe 2021,...