Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo tiếp tục tăng khá
Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng khá.
Giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng khá. Ảnh tư liệu: TTXVN
Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.050 đồng/kg, giá bình quân là 5.900 đồng/kg, tăng 214 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.550 đồng/kg, trung bình là 6.858 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng tốt. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.050 đồng/kg, giá bình quân 9.814 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.750 đồng/kg, giá bình quân 9.592 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.367 đồng/kg, tăng 192 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 có giá trung bình là 9.217 đồng/kg, tăng 254 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa tại Sóc Trăng có sự tăng giảm tùy loại như: OM 4900 tăng 300 đồng/kg, ở mức 6.700 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Riêng ST 24 ổn định ở mức lên 8.200 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa tuần qua không có biến động. Lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa ST tăng 200 đồng/kg, lên 7.200 đồng/kg; nhưng IR 50404 lại giảm 100 đồng/kg còn 5.500 đồng/kg.
Lúa OM 18 tại Hậu Giang cũng tăng 100 đồng/kg lên 6.600 đồng/kg, nhưng RVT lại giảm với mức tương tự còn 8.400 đồng/kg.
Giá lúa ở Tiền Giang có sự tăng, giảm tùy loại như: IR 50404 tăng 100 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg; nhưng Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 7.300 đồng/kg; OC 10 giảm 200 đồng/kg còn 6.000 đồng/kg.
Hiện tỉnh Kiên Giang cơ bản thu hoạch xong lúa Hè Thu, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, sản lượng ước hơn 1,58 triệu tấn, đạt 100,61% kế hoạch. Tuy nhiên, sản xuất vụ lúa Hè Thu 2022, nông dân gặp nhiều khó khăn, bất lợi như giá xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng khá cao và đến nay vẫn giữ ở mức cao làm giảm lợi nhuận trong sản xuất.
Trong khi đó, giá lúa trên thị trường giảm so với cùng kỳ các năm trước. Với mức giá thương lái thu mua dao động 5.300 – 6.000 đồng/kg tùy theo giống lúa và chất lượng, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lợi nhuận thấp hoặc hoà vốn, thậm chí thua lỗ.
Đối với sản xuất vụ lúa Thu Đông 2022, tỉnh Kiên Giang gieo sạ được 69.181 ha, bằng 86,4% kế hoạch, giảm 21.429 ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện tỉnh thu hoạch khoảng 44.000 ha, năng suất bình quân ước đạt 5,4 tấn/ha.
Vụ lúa Đông Xuân 2022 – 2023, nông dân Kiên Giang gieo sạ sớm khoảng 8.470 ha, đạt khoảng 3% kế hoạch.
Xâm nhập mặn vào mùa khô 2022 – 2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo là sâu hơn trung bình nhiều năm. Ước tính vào đầu năm 2023, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 60.000 ha diện tích sản xuất lúa của một số địa phương ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Do đó, những khu vực này sẽ phải đẩy nhanh gieo sạ vụ Đông Xuân sớm.
Trong khi thị trường lúa, gạo đang tăng giá tốt thì giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam không đổi ở mức từ 425 – 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Một nhà giao dịch tại tỉnh An Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết nguồn cung trong nước đang ở mức thấp và giá gạo có thể cao hơn một chút trong những tuần tới.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 265.250 tấn gạo sẽ được xuất cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1 – 22/10; trong đó phần lớn gạo được xuất sang các nước Philippines, châu Phi và Bangladesh.
Trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đi ngang thì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm xuống mức thấp của hơn 2 tháng trong tuần này do đồng baht suy yếu và nhu cầu giảm.
Giá gạo Thái 5% tấm được giao dịch ở mức từ 410 – 420 USD/tấn, giảm so với mức từ 415 – 425 USD/tấn trong tuần trước đó. Các nhà giao dịch cho rằng giá gạo giảm là do nhu cầu không rõ ràng trên thị trường nước ngoài và trong nước.
Video đang HOT
Đồng baht Thái được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD, do những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.
Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức từ 374 – 382 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước do lo ngại về mưa lớn làm ảnh hưởng đến sản lượng.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam, cho biết sản lượng có thể sẽ được điều chỉnh giảm hơn nữa. Mưa đã làm ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng ở các bang phía Bắc và phía Nam.
Lượng mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa gạo ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh.
Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu gạo tấm ra nước ngoài với khối lượng 397.267 tấn được hỗ trợ bằng thư tín dụng (LC) được phát hành trước ngày 8/9.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 14/10, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đều giảm; trong đó giá lúa mỳ giảm nhiều nhất.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 giảm 8 xu Mỹ (1,15%) xuống 6,8975 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 giảm 32,5 xu Mỹ (3,64%) xuống 8,5975 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 giảm 12 xu Mỹ (0,86%) xuống 13,8375 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT đều giảm do đồng USD mạnh lên và do các nhà giao dịch quan ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào đầu tháng 11/2022.
Lưu lượng trên sông Mississippi của Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong 2 – 3 tuần tới. Chi phí sà lan sẽ vẫn ở mức cao trong lịch sử, do đó sẽ gây áp lực lên giá thầu cơ bản trong nước. Nhu cầu ngô và lúa mỳ xuất khẩu của Mỹ rất lớn. Nếu thời tiết ở Brazil thuận lợi và giá đậu tương trên sàn CBOT không tăng, Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago sẽ bán ngô, đậu tương và lúa mỳ trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.
Doanh số xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 6/10 là 7,8 triệu bushel lúa mỳ, 7,9 triệu bushel ngô và 26,6 triệu bushel đậu tương. Cho đến nay, doanh số bán lúa mỳ của Mỹ ở mức 409 triệu bushel, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán ngô của Mỹ ở mức 528 triệu bushel, giảm 51% và doanh số bán đậu tương của Mỹ đạt 1,037 triệu bushel, tăng 6,4%.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố doanh số bán hàng mới; trong đó 392.000 tấn đậu tương Mỹ được bán cho Trung Quốc và 198.000 tấn được vận chuyển tới một điểm đến chưa xác định. Trung Quốc đã tích cực mua đậu tương Mỹ để dự trữ.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 giảm 38 USD xuống 2.061 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 46 USD xuống 2.051 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm thêm 5,45 xu Mỹ xuống 196,70 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 3,05 xu My xuống 193,00 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất cao.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên của Việt Nam giảm thêm từ 700 – 800 đồng, xuống dao động trong khung 44.700 – 45.300 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn tiếp tục giảm sâu khi các quỹ đầu cơ mạnh tay thanh lý trước đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 11/2022 do lo ngại rủi ro tăng cao trước áp lực của lãi suất và nguồn cung hứa hẹn dồi dào.
Các thị trường hàng hóa nói chung tiếp tục suy yếu sau các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ vượt quá mong đợi đã gây áp lực buộc Fed tiếp tục tăng lãi suất ở mức cao trong một kịch bản có thể xảy ra suy thoái toàn cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo mức lạm phát cao sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên khó khăn, không dễ để quản lý và cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 từ mức 2,9% đưa ra hồi tháng 7/2022 xuống 2,7%, trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu đang bị chững lại và các quốc gia khu vực Eurozone đang quay cuồng với khủng hoảng khí đốt và năng lượng.
Trong khi đó, việc sa thải Bộ trưởng Tài chính Vương Quốc Anh có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và cũng không ngăn cản được đồng bảng suy yếu.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo đều tăng
Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung đều tăng.
Thu hoạch lúa Thu Đông ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN
Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.750 đồng/kg, giá bình quân là 5.582 đồng/kg, tăng 86 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.571 đồng/kg, tăng 113 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng nhẹ. Theo đó, giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.700 đồng/kg, giá bình quân 9.479 đồng/kg, tăng 179 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.400 đồng/kg, giá bình quân 9.275 đồng/kg, tăng 167 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 9.058 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 có giá trung bình là 8.863 đồng/kg, tăng 248 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa tại Sóc Trăng vẫn duy trì ổn định như: Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg; OM 4900 là 6.700 đồng/kg. Riêng ST 24 tăng 100 đồng/kg, lên 8.100 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa cũng không có sự biến động như: ST là 6.900 đồng/kg; IR 50404 là 5.650 đồng/kg.
Giá lúa tại Hậu Giang lại có sự tăng giảm tùy loại, điển hình lúa OM 18 giảm 200 đồng/kg còn 6.400 đồng/kg, RVT thì lại tăng 300 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg.
Riêng lúa ở Tiền Giang có sự giảm giá ở một vài loại như: IR 50404 giảm 200 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg; Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 7.500 đồng/kg; riêng OC 10 vẫn ổn định ở mức 6.500 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa tươi tại An Giang hầu hết có sự ổn định so với tuần trước, như lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 - 5.700 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, lúa OM 5451 từ 5.400 - 5.600 đồng/kg, OM 18 từ 5.600 - 5.700 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.300 - 5.500 đồng/kg.
Hiện các huyện, thị vùng Đồng Tháp Mười và vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang bắt đầu thu hoạch vụ lúa Hè Thu 2022. Trước tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài ảnh hưởng trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các địa phương và nông dân, nhất là tại những địa bàn khó khăn khẩn trương thu hoạch trà lúa Hè Thu 2022 dứt điểm, an toàn trước mùa mưa lũ, giảm thất thoát.
Tại Nam Bộ đang vào cao điểm mùa mưa lũ, thời tiết rất phức tạp nên việc thu hoạch, phơi sấy rất khó khăn, tiến độ thu hoạch rất chậm. Với mục tiêu thu hoạch ăn chắc vụ lúa Hè Thu, không để thiên tai gây hại, ngành nông nghiệp các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn cho nông dân, chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn trà lúa vừa chín tới, phát huy vai trò cơ giới hóa nông nghiệp trong thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; thu hoạch cuốn chiếu từng vùng, từng cánh đồng; tranh thủ thời tiết nắng ráo đến đâu tổ chức thu hoạch khẩn trương đến đó.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 420 - 425 USD/tấn so với mức từ 400 - 410 SSD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, giá gạo cao hơn nhưng không có nhiều giao dịch mới được ký kết trong thời gian gần đây do người mua vẫn trầm lắng, trong khi người bán vẫn chờ đợi giá tăng thêm.
Số liệu sơ bộ cho thấy 37.400 tấn gạo sẽ được thông quan qua cảng Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1-9/10; trong đó phần lớn xuất sang Philippines và Bangladesh.
Cùng chung xu hướng với thị trường trong nước, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng trong tuần qua nhờ nhu cầu từ các nước Trung Đông và Nam Á. Trong khi đó giá mặt hàng thiết yếu này tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ giảm do đồng rupee yếu đi.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên từ 422 - 435 USD/tấn so với mức từ 420 - 435 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Bangkok cho hay Bangladesh đang có nhu cầu mua từ 200.000 - 300.000 tấn. Ngoài ra còn có đơn đặt hàng từ Iraq và Iran, nhưng chỉ một số công ty Thái Lan có đủ yêu cầu về thực hành sản xuất hàng hóa (GMP) để phục vụ thị trường đó.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 376 - 384 USD/tấn, giảm so với mức từ 385 - 392 USD/tấn trong tuần trước, giữa bối cảnh đồng rupee suy yếu và đồn đoán nguồn cung tăng lên sau khi chính phủ quyết định kéo dài chương trình lương thực miễn phí cho người nghèo.
Đồng rupee đã chạm mức thấp kỷ lục hôm 28/9, làm tăng lợi nhuận của các thương nhân từ việc bán hàng ở nước ngoài và cho phép họ giảm giá xuất khẩu.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, cho biết một số thương nhân đã hy vọng chính phủ sẽ không tiếp tục chương trình thực phẩm miễn phí sau tháng 9/2022. Nhưng với sự phân bổ của chính phủ trong ba tháng nữa, thị trường sẽ bị thừa cung.
Trong khi đó, những hạn chế gần đây của Ấn Độ đối với xuất khẩu đã thúc đẩy dự đoán về nhu cầu nhiều hơn từ các "vựa lúa" khác như Việt Nam.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 30/9, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và lúa mỳ tăng, còn giá đậu tương giảm.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 8 xu Mỹ (1,19%) lên 6,775 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 tăng 25,25 xu Mỹ (2,82%) lên 9,215 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 giảm 46 xu Mỹ (3,26%) xuống 13,6475 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Báo cáo về Dự trữ nông sản tính đến ngày 1/9 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy lượng ngô tăng, còn lượng đậu tương giảm nhẹ. USDA ước tính dự trữ ngô cuối niên vụ 2022-2023 ở mức 1,377 triệu bushel, nhiều hơn 142 triệu bushel so với niên vụ trước. Tuy nhiên vụ thu hoạch 2022 ít hơn làm đe dọa đến nguồn cung năm 2023 của Mỹ.
USDA đã nâng mức tiêu thụ ngô tồn dư hàng năm lên 5,706 triệu bushel do lượng lúa mỳ giảm. Vụ ngô năm 2022 bị cắt giảm 41 triệu bushel xuống còn 15,074 triệu bushel.
Vụ đậu tương năm 2022 của Mỹ đã tăng 30 triệu bushel lên 4.465 triệu bushel, với trữ lượng cuối cùng đạt 274 triệu bushel, so với 257 triệu bushel một năm trước. Cả sản lượng và diện tích thu hoạch đều được điều chỉnh cao hơn một chút.
Số liệu về lúa mỳ của USDA có xu hướng tăng. Sản lượng lúa mỳ của Mỹ năm 2022 đã giảm đáng ngạc nhiên 133 triệu bushel xuống 1.650 triệu bushel. Dự trữ lúa mỳ tính đến ngày 1/9 của Mỹ đạt tổng cộng 1,776 triệu bushel, phù hợp với ước tính thị trường và không thay đổi so với năm ngoái.
Nguồn cung đậu tương lớn hơn dự kiến của Mỹ đang trái ngược với nhu cầu xuất khẩu chậm lại và thời tiết thuận lợi ở Brazil. Ngô và lúa mỳ vẫn được hỗ trợ trong bối cảnh những bất ổn ở Biển Đen leo thang.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London tiếp tục sụt giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 giảm 29 USD xuống 2.153 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 cũng giảm 29 USD xuống 2.146 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 4,15 xu Mỹ xuống 221,55 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 4,30 xu Mỹ xuống 212,55 xu Mỹ/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm từ 500 - 600 đồng, xuống dao động trong khung 46.500 - 47.000 đồng/kg.
Giá cà phê tiếp nối xu hướng giảm trên cả hai sàn kỳ hạn do biến động của các chính sách tiền tệ nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát vượt mức.
Nhà đầu tư tiếp tục rút vốn chuyển sang thị trường khác vì mức lợi nhuận có sức hấp dẫn hơn.
Áp lực bán cà phê vụ mới của Brazil càng gia tăng khi đồng real suy yếu trở lại, xuống ở mức 1 USD đổi 5,3950 real.
Chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 8/2022 so với tháng 7/2022, cao hơn mức dự báo đã làm dấy lên lo ngại
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cơ sở để mạnh tay hơn trong cuộc họp chính sách sắp tới.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa đi ngang Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau thời gian giảm giá nhìn chung ổn định. Việc thu hoạch lúa Thu Đông ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa đã ổn định trở lại...