Thị trường nội địa cứu hàng không
Sau cách ly xã hội do dịch COVID-19, các hãng hàng không Việt Nam đang tăng cường khai thác thị trường nội địa, tháo ghế để chở hàng. Trong khi các đường bay thường lệ quốc tế chưa biết khi nào được nối lại. Tuy nhiên, thị trường nội địa hiện nay vẫn chủ yếu giúp các hãng “có công ăn việc làm” do phải giảm giá vé để kích cầu.
Khôi phục nội địa và bung khuyến mại
Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của các hãng hàng không Việt Nam, các hãng đều lỗ nặng do dịch COVID-19. Cụ thể, Vietnam Airlines (VNA) thông báo quý vừa qua lỗ 2.600 tỷ đồng, Bamboo Airways lỗ 1.500 tỷ đồng, Vietjet Air lỗ 989 tỷ đồng.
Về hoạt động bay, tới thời điểm này, các hãng hàng không Việt Nam đã cơ bản khôi phục lại toàn bộ đường bay nội địa, thậm chí mở thêm một số đường bay mới so với thời điểm trước khi phải dừng bay do dịch COVID-19. Thị trường vé máy bay cũng được “hâm nóng” sau dịch khi các hãng đồng loạt giảm giá để hút khách, với mục tiêu tạo dòng tiền, người lao động có việc làm và đội tàu bay được hoạt động trở lại thay vì “đắp chiếu” ở sân bay. Số liệu từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) cho hay, bình quân mỗi ngày sân bay đón gần 300 chuyến bay, trong đó riêng nội địa hơn 200 chuyến với hơn 17.000 lượt khách.
Thông tin từ Vietjet Air cho hay, hãng đã khôi phục hoạt động toàn bộ 45 đường bay nội địa, với hơn 300 chuyến bay/ngày. Tương tự, VNA cũng khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và mở thêm 5 đường bay mới so với thời điểm trước khi có dịch. Tỷ lệ sử dụng ghế mỗi chuyến bay cũng tương đương, thậm chí cao hơn trước dịch. Tuy nhiên, giá trị kinh tế các hãng thu về lại thấp hơn do tung nhiều chương trình khuyến mại giảm giá vé.
Có thể nói, chưa bao giờ hành khách được bay với giá rẻ như hiện nay. Vietjet Air đang mở bán hơn 2 triệu vé giá chỉ từ 1.600 đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí). Ngoài ra, với chương trình người Việt đi du lịch Việt, mỗi chuyến bay của Vietjet Air cũng bán tối đa 25 vé 0 đồng cho các doanh nghiệp lữ hành. Tương tự, các chương trình khuyến mại vé giá rẻ cũng được Bamboo Airways và Jetstar Pacific liên tục tung ra thị trường.
Hãng hàng không truyền thống nổi tiếng với giá vé cao, ít khuyến mại như VNA cũng tung hàng loạt khuyến mại, bán vé giá dưới 100 nghìn đồng; mua 1 tặng 1 với vé thương gia, giảm 25% giá vé hạng phổ thông. VNA cũng kết hợp với Jetstar Pacific mở bán vé giá chỉ từ 49 nghìn đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí). Trường hợp khách đi theo nhóm từ 6 người trở lên kết hợp đặt tour du lịch sẽ được giảm thêm tối đa 40% giá vé. Ngoài ra, hành khách có thể lựa chọn bay không hành lý ký gửi, hoặc lựa chọn số cân nặng hành lý ký gửi theo nhu cầu của mình để được giảm giá vé.
Video đang HOT
Cứu cánh từ chở hàng
Máy bay chở khách của VNA tháo ghế để chở hàng trong bối cảnh các đường bay quốc tế đang dừng hoạt động do dịch COVID-19 Ảnh: VNA cung cấp
Trong khó khăn của dịch bệnh, các hãng hàng không Việt cũng tìm ra một hướng đi mới là dùng máy bay chở khách để chở hàng. VNA và Vietjet Air là hai hãng đã đẩy mạnh hoạt động này từ tháng 4 vừa qua. Nếu tính riêng bay chở hàng các hãng đang có lãi. Để tận dụng hoạt động này và tăng diện tích xếp hàng hóa, các hãng đã được Cục Hàng không Việt Nam và nhà sản xuất tàu bay (Boeing, Airbus) chấp thuận cho tạm tháo một số hàng ghế hành khách để xếp hàng hóa, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về an toàn bay, các yêu cầu kỹ thuật, tải trọng…
VNA cho hay, hiện hãng đã tháo ghế khoang khách để tăng chở hàng với 2 tàu A321. Một số tàu bay khác cũng được đưa vào chở hàng nhưng không tháo ghế như A321, A350, B787. Trong 3 tháng dùng máy bay chở khách để chở hàng (từ tháng 3-5) đã mang về cho hãng này hơn 1.811 tỷ đồng doanh thu, với các mặt hàng chủ yếu là điện thoại, đồ điện tử, hàng may mặc, thiết bị y tế… Về tương lai, kể cả khi hết dịch bệnh, đây có thể là một lựa chọn tốt cho các hãng hàng không. Tuy nhiên, do chi phí hàng không lớn, nên cũng “kén hàng”, chủ yếu mặt hàng nhẹ, có giá trị cao, cần chuyển nhanh.
Về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, báo cáo vừa công bố của Cty CP Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, tác động của dịch bệnh lên các hãng hàng không vẫn chưa bộc lộ hết trong báo cáo tài chính quý I/2020. Do lệnh giãn cách xã hội được thực hiện trong tháng 4 (thời gian của quý 2), và quý vừa qua trùng với cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán. Do đó, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ được phản ánh rõ nét hơn trong báo cáo tài chính quý II.
Cùng với đó, các đường bay quốc tế hiện chưa rõ thời điểm được nối lại, nên lượng khách quốc tế tới Việt Nam bằng đường hàng không có thể giảm tới 69% so với năm trước. Ngoài ra, chi phí thuê tàu bay cũng tác động lên lợi nhuận của các hãng hàng không. Như với VNA, với 21 tàu bay mới được bổ sung năm 2019, chi phí thuê tàu bay trong năm tăng thêm khoảng 1.700 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ đồng/máy bay/tháng).
Dự kiến, hết năm 2020, VNA sẽ nâng đội tàu bay lên 108 chiếc, riêng tiền thuê máy bay trong năm trên 14.900 tỷ đồng (tăng 2,89% so với năm 2019). Báo cáo trên đưa ra dự báo doanh thu thuần cả năm 2020 của VNA chỉ đạt trên 61.100 tỷ đồng (giảm hơn 38% so với năm trước), lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt khoảng 1.000 tỷ đồng (giảm hơn 55%).
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện một số nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Trong đó, Bộ GTVT giao Cục Hàng không nghiên cứu, đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay quốc tế phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương. Cục Hàng không phải báo cáo phương án về bộ trước ngày 10/6/2020, để bộ trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Với đường bay quốc tế, hiện các hãng hàng không Việt Nam đang tạm dừng bay thường lệ, chỉ phục vụ một số chuyến bay theo nhu cầu hành khách và phù hợp với quy định từng quốc gia. Các chuyến bay này chủ yếu 1 chiều, một số chuyến kết hợp đón công dân Việt Nam về nước theo cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, doanh thu từ đường bay quốc tế không nhiều.
Hàng không Việt Nam đã hồi phục như thế nào trong tháng 5?
Số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam tuy giảm tới 70 % so với cùng kỳ năm 2019, song so với tháng trước cũng đã tăng tới 73,7 %.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 5-2020 (Giai đoạn từ 19-4 đến 18-5, 5 hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways và Vasco) đã thực hiện tổng số 8.623 chuyến bay.
Số chuyến bay tuy giảm tới 70 % so với cùng kỳ năm 2019, song so với tháng trước cũng đã tăng tới 73,7 %.
Trong đó, VietJet Air có số chuyến bay nhiều nhất với 3.584 chuyến, giảm tới 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 95,5% so với tháng trước.
Vietnam Airlines đứng thứ 2 về số chuyến bay với 3.440 chuyến, giảm tới 66,4% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 126,0% so với tháng trước.
Bamboo Airways đã khai thác 1.007 chuyến bay; Jetstar Pacific 313 chuyến và Vasco 279 chuyến.
Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 8.315 chuyến, chiếm 96,4%. Số chuyến bay chậm giờ là 308 chuyến, chiếm 3,6%. Bamboo Airways dẫn dầu về tỉ lệ chuyến bay đúng giờ, chỉ có 1,3% chuyến bay chậm chuyến. Con số này với các hãng còn lại là: Vietnam Airlines 4,5% chuyến bay bị chậm; VietJet Air 3,5%; Vasco 2,9%; Jetstar Pacific 2,6%.
Cũng trong tháng 5, có 123 chuyến bay bị hủy, trong đó Vietnam Airlines hủy 100 chuyến; VietJet Air 19 chuyến; Vasco 4 chuyến. Bamboo Airways và Jetstar Pacific không hủy chuyến nào.
Tính về lượng khách, trong tháng 5, lượng khách qua cảng hàng không trên cả nước đạt 2,88 triệu khách, giảm 70% so với tháng 5/2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 78 ngàn khách, giảm 97,6%, khách nội địa đạt 2,8 triệu khách, giảm 56,6%.
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 1,47 triệu khách, giảm 67,9% (khách nội địa đạt 1,4 triệu khách, quốc tế đạt 71 ngàn khách).
Trước đó, từ ngày 1-4 đến ngày 15-4, Việt Nam thực hiện giãn cách toàn xã hội, hoạt động vận chuyển hành khách công cộng cơ bản bị dừng. Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, riêng trong lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020, chịu trách nhiệm điều phối các hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hành khách với tần suất: Đường bay giữa Hà Nội và TP HCM khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày. Đường bay giữa Hà Nội và Đà Nẵng, TP HCM - Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Dừng toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại. Do đó, từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 4, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch. Hầu hết đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đậu lại tại các cảng hàng không, không được đưa vào khai thác.
Trong giai đoạn từ ngày 16-4 đến ngày 22-4, các hãng hàng không Việt Nam được khai thác 6 chuyến/ngày đối với đường bay Hà Nội - TP HCM; Hà Nội - Đà Nẵng và TP HCM - Đà Nẵng 2 chuyến/ngày. Sau đó, từ ngày 23-4, các hãng hàng không được khai thác trở lại các đường bay nội địa với tần suất hạn chế. Từ đó, cùng với việc nới lỏng từng bước giãn cách xã hội, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, các đường bay được khôi phục dần.
Báo cáo kiểm toán Vietjet 2019: sẵn sàng cho bật tăng trở lại sau dịch Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đã cho phép tất cả các đường bay nội địa và bắt đầu mở các đường quốc tế. CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính 2019 kiểm toán bởi KPMG với các số liệu tích cực, phản ánh kết quả tăng trưởng tốt mảng kinh doanh cốt lõi vận tải...