Thị trường ngược dòng ngoạn mục, nhiều “cá mập” bớt lỗ sau tháng 11
VN-Index đảo chiều tăng gần 2% trong tháng 11 cùng hàng loạt nhóm cổ phiếu hồi phục mạnh từ đáy đã giúhiệup suất của hầu hết các quỹ đầu tư lớn được cải thiện đáng kể.
Sau khởi đầu khó khăn và có thời điểm rơi xuống đáy 2 năm, thị trường chứng khoán đã có một pha ngược dòng đầy ngoạn mục trong nửa sau tháng 11, đặc biệt là cú nước rút trong những ngày cuối cùng. VN-Index đảo chiều tăng gần 2% cùng hàng loạt nhóm cổ phiếu hồi phục mạnh từ đáy. Hiệu suất của hầu hết các quỹ đầu tư lớn cũng theo đó được cải thiện đáng kể.
Nổi bật nhất là Pyn Elite Fund khi quỹ ngoại đến từ Phần Lan đạt hiệu suất tăng trưởng xấp xỉ 11%. Top tỷ trọng cao trong danh mục của quỹ hiện gồm nhiều cổ phiếu ngân hàng như CTG, TPB, MBB, HDB và chứng chỉ quỹ mô phỏng nhóm tài chính VNFinLead. Các cổ phiếu này đều đã có nhịp tăng mạnh từ đáy hồi giữa tháng 11 với mức tăng hàng chục %.
Ngoài Pyn Elite, các quỹ chủ động như JPMorgan VOF, Lion Global Vietnam Fund, KIM Vietnam Korea cũng có hiệu suất khả quan hơn so với 2 chỉ số VN-Index và VN30. Trong khi đó, VEIL Dragon Capital, DCDS và VOF VinaCapital lại không thể chiến thắng thị trường dù hiệu suất vẫn dương.
Hiệu suất của VEIL chịu ảnh hưởng đáng kể bởi diễn biến kém sắc của MWG – cổ phiếu chiếm tỷ trọng hàng đầu trong danh mục sau thông tin có thể tăng trưởng âm trong năm 2022 và Bách Hóa Xanh, Nhà thuốc An Khang phải kéo dài lộ trình hòa vốn. Trong khi đó, việc nắm giữ trái phiếu với tỷ trọng khá lớn trong danh mục cũng đã tác động đến hiệu suất của DCDS và VOF VinaCapital trong tháng vừa qua.
Nhóm các quỹ ETF cũng chia nửa buồn vui trong tháng 11 với một vài sự khác biệt nhất định về cấu phần danh mục. VNM ETF, SSIAM VNFinLead ETF, FTSE Vietnam ETF và VN30 ETF chiến thắng thị trường trong khi 2 thỏi nam châm hút vốn ngoại là Fubon ETF và Diamond ETF cùng với tân binh VNMidcap ETF lại có hiệu suất âm.
Video đang HOT
Diamond ETF cũng chịu ảnh hưởng bởi diễn biến của “viên kim cương” lớn nhất là MWG. Trong khi đó, đà lao dốc của NVL trong tháng 11 đã tác động mạnh đến hiệu suất của Fubon ETF. Trước khi liên tục giảm sàn, cổ phiếu bất động sản này còn nằm trong top 5 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ với tỷ trọng hơn 8,5%. Với VNMidcap ETF, việc dòng tiền tập trung giải phóng vào nhóm vốn hóa lớn đã phần nào khiến một số cổ phiếu trong danh mục của quỹ khó hút tiền.
Sóng gió mở ra cơ hội
Mặc dù “gỡ gạc” được phần nào trong tháng 11 nhưng các quỹ đầu tư lớn trên thị trường vẫn còn lỗ nặng từ đầu năm. Hiệu suất của hầu hết các “cá mập” đều tệ hơn cả mức giảm 30% của VN-Index. Chỉ có VOF VinaCapital và Pyn Elite Fund khả quan hơn đôi chút nhưng cũng đều lỗ trên 28% sau 11 tháng.
Với đặc thù mô phỏng theo rổ chỉ số nhất định, các quỹ ETF có phần khó xoay sở hơn trước những biến động không thuận lợi của thị trường chung. Hầu hết các ETF đều lỗ sâu hơn mức giảm của VN-Index, thậm chí một số cái tên như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF còn có hiệu suất âm đến hơn 40% từ đầu năm.
Dù vậy, triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá lạc quan minh chứng là việc các quỹ ETF liên tục hút tiền rất mạnh thời gian gần đây. Trong tháng 11, dòng vốn vào thị trường qua kênh ETF lên đến hơn 8.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lũy kế 11 tháng, các quỹ ETF đã hút ròng hơn 17.000 tỷ đồng, con số kỷ lục trong lịch sử.
Theo đánh giá của Fubon ETF, VN-Index đã điều chỉnh về sát với đường trung bình 10 năm, độ lệch chuẩn trong ngắn hạn là lớn và các khía cạnh kỹ thuật đều cho thấy những tín hiệu tích cực. Định giá P/E cũng đã giảm xuống mức thấp lịch sử và tạo cơ hội tốt cho một sự phục hồi mạnh từ vùng đáy ngắn hạn. “Thời điểm hiện tại cho tới tháng 2/2023 sẽ là giai đoạn vô cùng tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam” - quỹ đầu tư nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Petri Deryng – nhà sáng lập và quản lý Pyn Elite Fund chia sẻ rằng các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang xem Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để rót tiền nhiều hơn nữa khi triển vọng trong 5 năm tới được đánh giá rất cao. Về câu chuyện nâng hạng, ông Petri Deryng cho rằng MSCI mới là chìa khóa chính.
“Nhiều quỹ thị trường mới nổi hiện chưa thể tiếp cận vào Việt Nam khi mới chỉ là thị trường cận biên (Frontier market). Việc nâng hạng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt nam mở rộng quy mô gấp 5 thậm chí gấp 10 lần so với hiện tại. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, giá IPO sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như được nâng hạng” - nhà quản lý Pyn Elite Fund nhấn mạnh.
VNDirect: Định giá hấp dẫn, VN-Index sẽ trở lại vùng 1.300 1.350 điểm trong năm 2023
VNDirect đánh giá chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong tương quan tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2023-24.
Thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài mạch phục hồi, tuần qua ghi nhận mức tăng VN-Index tiếp tục tăng tới 108,55 điểm lên 1.080,1. Niềm tin vào đà tăng thị trường của nhà đầu tư cũng được thể hiện rõ với việc thanh khoản cải thiện đáng kể. Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường cũng tăng vọt lên ngưỡng 20.400 tỷ đồng/phiên.
Tại ngày 2/12/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức 11,38 lần P/E trượt, thấp hơn 35% từ đỉnh 2022 và thấp hơn 27% so với trung bình định giá 5 năm (15,6 lần P/E).
Trong báo cáo chiến lược đầu tư 2023 mới đây, Chứng khoán VNDirect đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong tương quan tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2023-24.
Trong năm 2023, VNDirect dự báo thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau. Những tháng đầu năm 2023, thị trường có thể tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho TPDN đáo hạn vẫn còn đó.
Tuy vậy, kể từ giữa 2023, VNDirect cho rằng đà tăng trưởng sẽ vững chãi hơn nhờ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm sau. Khi các NHTW trở nên bớt "diều hâu" sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Thị trường chứng khoán đặc biệt các thị trường mới nổi sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4-6 tháng.
Bên cạnh đó, đội ngũ phân tích cũng đánh giá tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn nửa cuối năm 2023 nhờ việc lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên cùng với giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế, đây cũng là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của TTCK.
Đồng thời, các tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ tại Mỹ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, đây cũng là bản chất của TTCK Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.
Dựa trên những phân tích trên, VNDirect kỳ vọng VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300 - 1.350 điểm trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E từ 12 - 12,5 lần.
Tuy nhiên, rủi ro chủ yếu của thị trường vẫn là lạm phát không thể giảm xuống mức đủ để các NHTW nới lỏng. Ngược lại, thị trường sẽ khởi sắc hơn khi các chính sách tháo gỡ cho TPDN được thực thi quyết liệt, hay Việt Nam được nâng hạng sớm hơn dự kiến.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2023, đội ngũ phân tích VNDirect cho rằng lợi nhuận ròng toàn thị trường dự kiến sẽ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm, sau đó cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 14%.
" Trong đó, ngành Hàng không sẽ có mức tăng trưởng LN ròng nổi bật nhờ sự phục hồi gần như hoàn toàn của các chuyến bay quốc tế. Ngành VLXD sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể nhờ giá nguyên liệu đầu vào (than, quặng sắt) giảm. Mặt khác, ngành Dầu khí và Hóa chất có thể có tăng trưởng LN ròng giảm trong năm 2023 từ mức nền cao trong năm 2022", báo cáo nêu rõ.
Góc nhìn chuyên gia: Nhà đầu tư không nên "FOMO", có thể chốt lời một phần danh mục Theo ông Nguyễn Anh Khoa, nhà đầu tư nên xác định rõ các điểm cắt lỗ và chốt lời, tuân thủ kỷ luật và hạn chế sử dụng đòn bẩy để đề phòng những biến động bất thường có thể xuất hiện. Từ trái sang phải ông Nguyễn Anh Khoa, ông Đinh Quang Hinh Thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài mạch...