Thị trường ngày 23/4: Giá dầu bật tăng hơn 19%, vàng tăng cao
Phiên giao dịch 22/4 kết thúc vui vẻ khi giá dầu tăng khá mạnh. Điều này kết hợp với việc chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua gói cứu trợ mới trị giá gần 500 tỷ USD dành cho doanh nghiệp nhỏ đã tác động tích cực lên hầu hết các thị trường hàng hóa khác.
Ảnh minh họa.
Dầu Brent tăng từ mức thấp nhất 20 năm, dầu Mỹ tăng 20%
Giá dầu Brent đã đảo chiều tăng trở lại sau 2 phiên giảm trước đó, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng khá mạnh trong phiên vừa qua sau khi có các thông tin về các nước sản xuất dầu mỏ OPEC cắt giảm thêm nguồn cung và lượng tồn trữ dầu của Mỹ ít hơn so với dự kiến.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 1,04 USD (5,4%) lên 20,37 USD/thùng, mặc dù đầu phiên có thời điểm giảm xuống chỉ 15,98 USD – thấp nhất kể từ tháng 6/1999; dầu WTI kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 2,21 USD (19,1%) lên 13,78 USD/thùng.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần vừa qua đã tăng 15 triệu thùng, ít hơn mức dự báo là tăng 20 triệu thùng; tồn trữ xăng của nước này chỉ tăng 1 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với dự kiến, trong khi tồn trữ các sản phẩm chưng cất khác tăng nhẹ – tuần tăng đầu tiên trong vòng nhiều tuần.
Thị trường dầu mỏ những phiên gần đây biến động mạnh hơn bao giờ hết do nhà đầu tư hoảng loạn vì tình trạng dư cung ngày càng tăng sau khi các Chính phủ yêu cầu người dân ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tính từ đầu năm tới nay, mỗi thùng dầu Brent đã mất khoảng 65%, trong khi WTI mất khoảng 75% giá trị.
Mặc dù thị trường dầu có vẻ ổn định trở lại, song nhiều chuyên gia vẫn còn lo lắng. Ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch & Associates, cho biết: “Điều đó không có nghĩa là giá dầu đã tìm được đáy vì những yếu tố khiến cho thị trường rơi vào tình trạng mất cân đối cung – cầu và đẩy giá vào vùng âm vẫn còn đó”.
Lượng dầu thừa trữ tại Cushing, Oklahoma – trung tâm phân phối dầu WTI – đã gần đầy (khoảng 60 triệu thùng), và phần lớn dung lượng chưa dùng đã được cho thuê kín.
Vàng tăng 2%
Giá vàng tăng mạnh trong phiên vừa qua do dự báo sẽ có thêm các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ giữa bối cảnh kinh tế thế giới tổn thất nghiêm trọng do chính sách ở nhà để ngăn chặn Covid-19 và các doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động theo chủ trương giãn cách xã hội.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.711,84 USD/ounce, phiên tăng mạnh nhất trong vòng gần 2 tuần; vàng kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 3% lên 1.738,3 USD/ounce.
Chính phủ Mỹ đã đồng ý bổ sung 500 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế, gói này đã được Thượng viện Mỹ thông qua.
Sắt thép tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc đi lên trong phiên giao dịch vừa qua do giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu trong nước (từ các hãng sản xuất thép) sẽ cải thiện trong những tháng tới.
Kết thúc phiên, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 1,2% lên 613 CNY (86,56 USD)/tấn.
Thép cũng tăng giá trong phiên này, với hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 10 tăng 1,5% lên 3.375 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3.211 CNY/tấn; riêng thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 giảm 1,8% xuống 12.950 CNY/tấn.
Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc dự báo nhu cầu thép của nước này sẽ hồi phục dần, nhưng cảnh báo xuất khẩu các sản phẩm thép trong quý này sẽ vẫn khó khăn do dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, kể cả ở những thị trường chủ chốt như Châu Âu.
Các hãng sản xuất thép Nhật bản có thể sẽ cần đẩy nhanh các kế hoạch tái thiết, hoặc đóng cửa thêm các nhà máy vì nhiều dự án xây dựng bị trì hoãn do Covid-19.
Kẽm giảm tiếp do cung vượt cầu
Giá kẽm trên sàn London phiên vừa qua giảm 0,5% xuống 1.901,5 USD/tấn. Như vậy chỉ trong vòng một năm qua, kim loại này đã mất khoảng 1/3 giá trị.
Kẽm được sử dụng trong ngành mạ thép. Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn các hoạt động trên thị trường toàn cầu, khiến nhu cầu các hàng hóa công nghiệp sụt giảm mạnh, do các lĩnh vực đều ngưng trệ, trong đó có ngành xây dựng và vận tải.
Video đang HOT
Colin Hamilton, nhà phân tích thuộc BMO Capital Markets, dự báo nhu cầu tiêu thụ kẽm trên toàn thế giới năm nay sẽ giảm khoảng 6% so với năm 2019, dựa trên giả định kinh tế thế giới sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, BMO dự đoán thị trường kẽm năm nay sẽ dư thừa 335.000 tấn (thị trường kẽm toàn cầu đạt khoảng 14 triệu tấn).
Cao su giảm phiên thứ 2 liên tiếp
Giá cao su trên thị trường Tokyo và Thượng Hải đều tiếp tục giảm theo xu hướng giá dầu của phiên trước đó. Kết thúc ngày 22/4, cao su trên sàn TOCOM giảm 2,9 JPY xuống 147,7 JPY/kg; trên sàn Thượng Hải, giá giảm 190 CNY xuống 9.715 CNY/tấn.
Về các thông tin liên quan, Thái Lan thông báo xuất khẩu cao su tăng lên do nhu cầu thế giới đối với các sản phẩm cao su (dùng trong chăm sóc sức khỏe, như găng tay) tăng lên. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu các sản phẩm cao su và cao su chế biến của nước này (như lốp xe, găng tay, băng cao su…) tăng 10% trong 2 tháng đầu năm 2020.
Những yếu tố tích cực khác là Malaysia mới đây đã mở cửa biên giới trở lại cho thương mại mặt hàng cao su, và lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc hồi phục dần.
Tình trạng thiếu các sản phẩm liên quan đến việc bảo vệ chống virus corona dự báo sẽ tiếp tục đẩy tăng hơn nữa nhu cầu cao su trên toàn cầu.
Đường, cà phê, cacao cùng hồi phục khi giá dầu và chứng khoán đảo chiều đi lên
Giá đường, cà phê và cacao trên sàn New York đều tăng trong phiên vừa qua, phản ánh giá dầu và chứng khoán tăng trở lại, và các chính phủ trên toàn cầu cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa để kinh tế thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19.
Kết thúc phiên này, đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,08 US cent (0,8%) lên 9,83 US cent/lb. Phiên trước đó (21/4), giá mặt hàng này đã chạm mức thấp nhất 12 năm là 9,55 USD.
Đường trắng cũng tăng 2,6 USD (0,8%) lên 324,6 USD/tấn.
Kêt từ giữa tháng 2/2020 đến nay, giá đường đã giảm , chủ yếu do dự báo các nhà máy mía ở Brazil sẽ đẩy tăng sản xuất đường.
Thị trường đường vẫn tiếp tục chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô kém lạc quan. Tuy nhiên, nguồn cung đường từ Brazil có nguy cơ sụt giảm do các biện pháp ngăn chặn Covid-19 có thể buộc các nhà máy ép mía phải giảm công suất sản xuất hoặc đóng cửa vì lý do tài chính.
Trong khi đó, sản lượng mía của Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, niên vụ 2019/20 thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ do hạn hán kéo dài làm giảm năng suất.
Giá arabica kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 0,55 US cent (0,5%) lên 1,1205 USD/lb, tuy nhiên robusta giao cùng kỳ hạn giảm 18 USD hay 1,6% xuống 1.121 USD/tấn.
Cacao kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn New York tăng 57 USD (2,5%) lên 2.375 USD/tấn, trong khi cacao cũng kỳ hạn này trên sàn London tăng 58 GBP (3,1%) lên 1.900 GBP/tấn.
Xay nghiền cacao của Châu Âu trong quý I/2020 tăng 0,9% so với cùng quý năm ngoái, đạt 373.625 tấn; xay nghiền ở Châu Á và Bắc Mỹ trong cùng quý thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Chanh Trung Quốc đắt hàng
Chanh vốn là một loại trái cây quan trọng trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người tiêu dùng gia tăng sử dụng loại trái cây này với mong muốn được cung cấp nhiều vitamin C hơn nhằm tăng sức đề kháng. Do đó, nhu cầu chanh Trung Quốc trên thị trường quốc tế, nhất là từ Trung Đông, hiện cao gấp gần 2 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái. Nhu cầu từ Đông Nam Á cũng tăng, nhưng không tăng mạnh bằng từ Trung Đông. Do đó, giá chanh cũng biến động liên tục.
Việc vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc đã hồi phục. Vận chuyển sang các thị trường Đông Nam Á đang diễn ra suôn sẻ, sang Trung Đông đôi khi bị chậm, song không đáng kể.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 23/4
Minh Quân
Thị trường ngày 8/4: Giá dầu tiếp tục lao dốc hơn 9%; đồng, kẽm và thiếc cao nhất 3 tuần
Chốt phiên giao dịch ngày 7/4, giá dầu tiếp tục lao dốc hơn 9%, vàng quay đầu giảm, trong khi khí tự nhiên, đồng, kẽm và thiếc đều cao nhất 3 tuần, thép, cao su và cà phê đều tăng.
Ảnh minh họa.
Giá dầu tiếp đà giảm
Giá dầu giảm do nguồn cung tăng và nhu cầu nhiên liệu suy yếu bởi đại dịch virus corona, trong khi các nhà đầu tư thận trọng trước những kỳ vọng các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới sẽ nhanh chóng cắt giảm sản lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/4, dầu thô Brent giảm 1,18 USD tương đương 3,6% xuống 31,87 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 2,45 USD tương đương 9,4% xuống 23,63 USD/thùng.
Số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết, tồn trữ dầu thô trong tuần trước của nước này tăng 11,9 triệu thùng lên 473,8 triệu thùng, cao hơn so với dự kiến tăng 9,3 triệu thùng của các nhà phân tích.
Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm 470.000 thùng/ngày, trong khi nhu cầu sẽ giảm khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Đồng thời, tiêu thụ xăng xe máy của Mỹ sẽ chạm mức thấp nhất trong 20 năm trong quý 2/2020.
Giá khí tự nhiên cao nhất 3 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất 3 tuần do dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm trong tuần tới cao hơn.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn New York tăng 12,1 US cent tương đương 7% lên 1.852 USD/mmBTU, cao nhất 3 tuần. Như vậy trong 3 phiên tăng liên tiếp vừa qua, giá khí tự nhiên tăng 21%.
Giá vàng giảm trở lại
Giá vàng giảm hơn 1% từ mức cao nhất gần 1 tháng trong đầu phiên giao dịch, do các dấu hiệu đại dịch virus corona suy giảm thúc đẩy thị trường chứng khoán và khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với vàng thỏi được coi là tài sản trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1% xuống 1.644,51 USD/ounce, sau khi đạt mức cao 1.671,4 USD/ounce trong đầu phiên giao dịch và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 0,6% xuống 1.683,7 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp do các dấu hiệu virus corona tại cả châu Âu và Mỹ suy giảm.
Giá đồng, kẽm và thiếc đều cao nhất 3 tuần
Giá đồng tăng lên mức cao nhất gần 3 tuần do dấu hiệu đại dịch virus corona có thể chậm lại và kỳ vọng các biện pháp kích thích sẽ vực dậy nền kinh tế.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 3,3% lên 5.045 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 18/3/2020.
Trung Quốc đại lục cho biết số trường hợp nhiễm virus corona mới suy giảm, cùng với đó là số trường hợp nhiễm mới tại Italia và một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề tại Mỹ cũng giảm.
Đồng thời giá kẽm tăng 1,4% lên 1.931 USD/tấn và giá thiếc tăng 3,6% lên 14.800 USD/tấn, cả hai đều đạt mức cao nhất kể từ ngày 17/3/2020.
Giá quặng sắt giảm, thép tăng
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất 2 tuần do nhu cầu suy giảm bởi đại dịch virus corona.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên giảm 2,3% xuống 631 CNY (89,36 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 24/3/2020, trong phiên có lúc giảm 3% xuống 626 CNY/tấn.
Xuất khẩu quặng sắt từ Brazil và Australia sang Trung Quốc trong tháng 3/2020 tăng lên 68,6 triệu tấn so với 60,2 triệu tấn tháng 2/2020.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,1% lên 3.206 CNY/tấn.Thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3.063 CNY/tấn và thép không gỉ tăng 0,9% lên 12.050 CNY/tấn.
Giá cao su tiếp đà tăng
Giá cao su tại Tokyo tăng phiên thứ 3 liên tiếp do virus corona tại một số điểm nóng trên toàn cầu suy giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn TOCOM tăng 1,9 JPY lên 148,8 JPY (1,37 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 150 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 27/3/2020.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 170 CNY lên 9.865 CNY (1.398 USD)/tấn.
Trên sàn SICOM, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,8% lên 108,1 US cent/kg.
Giá đường giảm trở lại, cà phê tăng
Giá đường giảm nhẹ sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch do giá dầu thô giảm và nguồn cung tăng.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE giảm 7 US cent tương đương 0,7% xuống 10,38 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 1,7 USD tương đương 0,5% xuống 328,4 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 3,25 US cent tương đương 2,8% lên 1,199 USD/lb. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London tăng 12 USD tương đương 1% lên 1.233 USD/tấn.
Rabobank dự kiến Brazil sẽ sản xuất 67,5 triệu bao (60kg/bao) cà phê trong niên vụ 2020/21, dẫn đến dư cung toàn cầu 5,6 triệu bao trong niên vụ này.
Ngô tăng, đậu tương và lúa mì đều giảm giá
Giá ngô tại Chicago tăng phiên đầu tiên sau 7 phiên giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất 3,5 năm.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 3-3/4 US cent lên 3,31-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 3/4 US cent xuống 8,54-3/4 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 6-1/2 US cent xuống 5,49-1/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ tiếp đà tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng do giá các loại dầu thực vật khác và dầu thô tăng, mặc dù không chắc chắn về nhu cầu khi các quốc gia nhập khẩu lớn bao gồm Ấn Độ áp đặt việc đóng cửa để kiểm soát virus corona lây lan.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 38 ringgit tương đương 1,7% lên 2.288 ringgit (526,58 USD)/tấn.
Tồn trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 3/2020 giảm 1,9% so với tháng 2/2020 xuống 1,65 triệu tấn trong bối cảnh lệnh kiểm soát kéo dài 1 tháng yêu cầu một số đồn điền phải đóng cửa.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 8/4
Minh Quân
Thị trường tuần tới 11/02: Giá dầu thấp nhất 13 tháng, vàng cao nhất 1 tuần Chốt phiên đêm qua dầu tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng, kẽm, quặng sắt cũng giảm, trong khi vàng lên cao nhất một tuần, đậu tương tăng phiên thứ 6 liên tiếp Ảnh minh họa. Dầu xuống mức thấp nhất trong 13 tháng Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018 do nhu cầu dầu mỏ...