Thị trường di động có thể hồi phục 70% vào tháng 5/2020
Dòng sản phẩm được kỳ vọng sẽ tạo ra “sức bật” cho thị trường chính là những chiếc smartphone tầm trung có giá từ 5-7 triệu đồng. Trong khi đó, những mẫu smartphone trên 8 triệu ít được quan tâm.
Trong nhiều tháng qua, dịch Covid-19 bùng phát đã kéo theo tâm lý bất ổn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở lĩnh vực di động, dịch bệnh chưa được kiểm soát cũng đồng nghĩa với một khoảng thời gian dài kinh doanh ảm đạm.
Tại Việt Nam, nhiều cửa hàng ghi nhận sụt giảm doanh số tới hơn 50% trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, mặc dù có rất nhiều nơi đã đưa ra chương trình trợ giá cùng với chính sách hỗ trợ mua hàng online.
Thị trường ảm đạm do Covid-19
Theo anh Lợi – chủ một cửa hàng điện thoại tại TP. HCM, do dịch bệnh kéo dài nên đã ảnh hưởng tới tâm lý của người mua, khiến một số dòng điện thoại như của Samsung thậm chí không bán được do ít chương trình khuyến mãi.
Trong khi đó, các thương hiệu khác như Xiaomi, Oppo, Nokia thì mặc dù được giảm giá từ hàng trăm đến hàng triệu đồng tùy mẫu mã, nhưng sức mua vẫn thấp.
Với đa số đơn vị kinh doanh, để tránh việc phải gánh thêm một khoản phí quá lớn, họ đã cậy nhờ chủ nhà để giảm tiền cho thuê mặt bằng xuống khoảng 30-35%. Nhiều đơn vị khác thậm chí đã quyết định trả lại mặt bằng vì do không đủ chi phí, đồng thời cũng là do chưa biết dịch khi nào mới kết thúc.
Tại thời điểm hiện nay, ngay cả sau khi đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy tại Hà Nội, TP.HCM mở cửa trở lại nhưng vẫn heo hút khách do tâm lý e ngại của người mua.
“Hầu như tất cả hàng hóa mà doanh nghiệp còn nắm giữ đến nay đều là hàng tồn kho, nhập từ trước Tết. Một số có nguồn riêng, có thể xoay trở trong thời gian ngắn, nhưng nếu dịch kéo dài thì sẽ rất khó khăn”, một doanh nghiệp khác chia sẻ.
Video đang HOT
Theo thống kê của tổ chức Strategy Analytics, lượng tiêu thụ smartphone toàn cầu trong tháng 2/2020 đạt 61,8 triệu chiếc, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc sản xuất smartphone tại Trung Quốc bị đình trệ.
“Đây là giai đoạn đáng quên của ngành công nghiệp điện thoại thông minh trên thế giới. Cung và cầu smartphone mạnh ở Trung Quốc và trên khắp châu Á, và chậm lại ở phần còn lại của thế giới,” Neil Mawston, giám đốc điều hành của Strategy Analytics.
Tuy nhiên, dịch bệnh không kéo dài mãi mãi. Nó chỉ đe dọa cuộc sống của người dân trong một khoảng thời gian nhất định, và bây giờ là lúc chúng ta đang từng bước khôi phục lại nền kinh tế, sau khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Sẽ hồi phục 70% vào tháng 5
Anh Lợi cho biết thị trường di động có thể sẽ hồi phục khoảng 70% vào tháng 5, và trở lại bình thường khoảng vào tháng 8, tất nhiên là với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt. “Khi tâm lý người dân ổn định thì họ sẽ quyết định mua trở lại”.
Trong đó, những sản phẩm được quan tâm nhiều chắc chắn vẫn là những mẫu iPhone đầu bảng, và các dòng smartphone chạy Android nằm trong phân khúc từ 5-7 triệu đồng. Trong khi đó, các dòng smartphone cao cấp có giá trên 8 triệu được ghi nhận có sức mua chậm.
Trên các trang thương mại điện tử, cũng dễ thấy hàng loạt smartphone giảm giá mạnh để kích cầu sau khoảng thời gian giãn cách xã hội.
Một số smartphone flag-ship như Galaxy S20 và S20 Plus nay chỉ còn lần lượt 17,9 và 20 triệu đồng, thấp hơn từ 10 đến 15% so với giá niêm yết. Trong khi đó, các mẫu như iPhone 11, 11 Pro Max cũng đều được nhiều nơi bán thấp hơn từ 3-4 triệu đồng.
Một số chuyên gia cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để mua điện thoại do mức giá rẻ, lại đi kèm nhiều ưu đãi. Sau một thời gian nữa khi thị trường bình ổn, mức giá của sản phẩm cũng sẽ được điều chỉnh lại để phù hợp với bối cảnh chung.
Nguyễn Nguyễn
Nhiều cửa hàng di động đóng cửa, nhân viên tạm nghỉ vì dịch Covid-19
Kinh doanh khó khăn, cắt giảm nhân sự là tình cảnh chung của thị trường di động Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng.
Kể từ 0h00 ngày 28/3/2020, các cơ sở kinh doanh không cần thiết tại nhiều địa phương sẽ phải tạm thời đóng cửa dừng hoạt động nhằm phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ đối với hoạt động của nhiều cơ sở kinh doanh, trong đó có ngành hàng di động.
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, đại diện chuỗi bán lẻ CellphoneS cho biết, tính đến sáng 30/3, đã có tổng cộng 13 cửa hàng của đơn vị này phải tạm ngưng hoạt động. Đây đều là các cửa hàng tại khu vực Hà Nội, trong khi đó, 23 cửa hàng tại TP.HCM vẫn hoạt động bình thường.
Theo đó, các cửa hàng tạm ngưng phần lớn là đóng cửa ngừng hoạt động hẳn. Đơn vị này cũng không tiếp khách tại cửa hàng, chỉ duy trì một số ít cơ sở hoạt động bên trong để đóng hàng và giao hàng.
Một cửa hàng trên phố Bạch Mai (Hà Nội) đang phải ngừng hoạt động do dịch bệnh.
Chia sẻ thêm về tình cảnh của mình, doanh nghiệp này cho biết, do cửa hàng đóng cửa nên các nhân viên được cho nghỉ tạm thời ở nhà. Một số nhân viên lo lắng vì tình hình dịch bệnh kéo dài nên đã chủ động xin nghỉ, một số khác bị buộc phải cắt giảm do cửa hàng thắt chặt chi tiêu.
Với những nhân sự còn lại, họ được chuyển đổi từ công việc offline sang online, phục vụ việc đóng và giao hàng hoá tại nhà. Đây cũng là cách để đơn vị này có thể duy trì một phần doanh thu và giữ chân được khách hàng.
"Hi vọng dịch bệnh tại Việt nam có thể mau chóng được kiểm soát. Sau 2 tuần nữa, chúng tôi sẽ có các bước hành động tiếp theo về nhân sự khi thông tin về tình hình dịch bệnh rõ ràng hơn.", đại diện CellphoneS nói.
Không chỉ riêng chuỗi bán lẻ này, nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng di động, máy tính khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Mới đây, chuỗi siêu thị máy tính Phong Vũ cho biết sẽ tiến hành tạm dừng hoạt động 3 cơ sở tại Hà Nội trên các tuyến phố Trần Đại Nghĩa, Xuân Thuỷ, Thái Hà và một cơ sở tại Thái Nguyên. Việc giao dịch mua bán sẽ vẫn được tiếp tục dưới dạng online thay vì offline như trước.
Với một đơn vị khác là chuỗi bán lẻ FPT Shop, đại diện hệ thống này cho biết, các cửa hàng tại khu vực Hà Nội đã hoàn toàn đóng cửa. Trong khi đó, các cửa hàng của FPT Shop tại TP. HCM vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy vậy, đơn vị này sẽ lập tức triển khai việc tạm dừng hoạt động các cơ sở ở những nơi khác ngoài Hà Nội nếu phía chính quyền địa phương có yêu cầu.
Hiện tất cả các chuỗi bán lẻ di động lớn tại địa bàn Hà Nội đều đã ngừng hoạt động và chuyển sang bán hàng online.
Với các cửa hàng vẫn còn đang mở bán, chuỗi bán lẻ này sẽ thực hiện việc tối ưu nhân sự, chỉ duy trì dưới 20 người tại mỗi cửa hàng. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc cũng như phục vụ khách hàng, các nhân viên tại đây cũng được yêu cầu phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Chia sẻ thêm, đại diện FPT Shop cho biết, các cửa hàng trong hệ thống sẽ thường xuyên thực hiện việc tiêu độc khử trùng và bảo đảm các nguyên tắc vệ sinh phòng dịch theo đúng hướng dẫn từ phía Bộ Y tế. Các biện pháp này bao gồm việc đeo khẩu trang, rửa tay, thường xuyên đo nhiệt độ,...
Tuy mỗi doanh nghiệp lại có một cách thức khác nhau để duy trì hoạt động của mình trong hoàn cảnh dịch bệnh, thế nhưng có thể dễ dàng nhận thấy những tác động của Covid-19 tới thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp và mỗi người dân đều mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để việc kinh doanh sớm có thể trở lại bình thường.
Trọng Đạt
Chuyện của công ty fintech đứng sau 100.000 tỷ giao dịch thanh hóa đơn mỗi năm qua hệ thống 40 ngân hàng, Grab, Thế giới di động Nếu cách đây 10 năm, hàng tháng sẽ có một nhân viên điện lực hoặc nước sạch đến từng nhà dân gõ cửa để thu tiền hàng tháng, thì ở thời điểm hiện tại chỉ cần một cú chạm trên di động, người dân có thể thanh toán chi phí điện nước trong 2 giây. Đầu tháng 4, Ban quản lý Vinhomes gửi...