Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa phiên sáng 22/11 trong sắc đỏ
Sau phiên lao dốc mạnh ngày 21/11, thị trường giao dịch khởi sắc vào đầu phiên sáng 22/11. Dù vậy, về cuối phiên giao dịch, lực cung tăng mạnh khiến đà tăng thu hẹp dần.
Ngay khi mở cửa, rổ VN30 ngập sắc xanh với 28 mã tăng, 1 mã giảm và 1 mã đứng giá giúp VN-Index tăng hơn 5 điểm nhưng từ 11h trở đi nhiều cổ phiếu bluechips như MWG của thế giới di động, SSI của CTCK SSI bị bán mạnh, chìm trong sắc đỏ, thậm chí hay họ cổ phiếu nhà Vingroup là VHM, VRE còn giảm trên dưới 3% đã khiến thị trường quay đầu giảm điểm và đóng cửa phiên sáng 22/11 trong sắc đỏ.
Ảnh minh họa.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng phân hóa mạnh với sắc đỏ chiếm ưu thế. Sắc xanh chỉ hiện diện ở 4 cổ phiếu VPB, STB còn lại 15/19 cổ phiếu khác đều giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu. Trong đó, VCB giảm đến 1,6%, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động khiến nhà đầu tư đang tương đối thận trọng đối với cổ phiếu ngành ngân hàng.
Giá dầu thế giới tăng trở lại nhờ thông tin OPEC và các đồng minh có khả năng sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng triển vọng từ đàm phán thương mại. Dù vậy, các cổ phiếu ngành dầu khí giao dịch chưa có gì khởi sắc PVD, PVS vẫn ở chiều giảm điểm.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản phân hóa khá mạnh sau thông tin về nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh trong năm 2019. Trong khi VIC, NVL, KDH tăng điểm thì DXG, PDR lại giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Ngày 22/11, các cổ phiếu rục rịch chuyển sàn như VIF của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam đăng ký chuyển từ Upcom sang HNX, còn BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp cũng đã hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCom và niêm yết cổ phiếu trên sàn HSX. Nếu như VIF không có biến động giá thì BCM lại tăng đến hơn 3%.
Video đang HOT
Kết thúc phiên sáng 22/11, VN-Index giảm 4,75 điểm, tương đương 0,48% xuống 983,14 điểm. Thanh khoản đạt 103,5 triệu đơn vị, với hơn 2.137,3 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,52 điểm, tương đương 0,5% xuống 104,22 điểm. Thanh khoản đạt 9,3 triệu đơn vị, với hơn 113,8 tỷ đồng.
Theo VTV
Khó có chuyện "lách" cho vay bất động sản bằng trái phiếu
Ngân hàng dồn dập mua về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong 10 tháng đầu năm, khiến nhiều người lo ngại về hiện tượng tín dụng bất động sản "núp bóng".
Ngân hàng vẫn là "kho thóc" của doanh nghiệp bất động sản
Tháng 10/2019, trong 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, thì có tới 9.349 tỷ đồng (55%) thuộc về doanh nghiệp bất động sản. Tính trong 10 tháng đầu năm, doanh nghiệp bất động sản phát hành hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn, thì riêng ngân hàng thương mại đã mua vào 12.000 tỷ đồng.
Tín dụng ngân hàng siết chặt là lý do để doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành trái phiếu. Tuy vậy, trái chủ chính của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lại là ngân hàng, khiến nhiều người lo ngại rằng, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có thể bắt tay nhau "lách" tín dụng bất động sản, bởi theo quy định, ngân hàng mua trái phiếu không bị tính vào dư nợ tín dụng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trên báo cáo tài chính, dư nợ tín dụng và đầu tư trái phiếu là hai khoản riêng biệt. Thực tế, ngân hàng thương mại phải báo cáo ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình đầu tư bất động sản (bao gồm cả cho vay lẫn mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản), nên lo ngại ngân hàng "lách" tín dụng bất động sản bằng trái phiếu là không có cơ sở.
Chuyên gia này cũng thừa nhận, tín dụng bất động sản đang ngày càng giảm, song nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn dựa vào tín dụng ngân hàng.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã bơm khoảng 530.000 tỷ đồng cho vay đối với các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản. Nếu tính tổng lượng vốn tín dụng đổ vào thị trường bất động sản (bao gồm cả tín dụng mua nhà), thì con số này lên khoảng 1,6 triệu tỷ đồng năm 2019 (khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng).
Như vậy, ngân hàng vẫn là nguồn cung vốn lớn nhất cho thị trường bất động sản. Điều đáng mừng là, chất lượng các khoản vay bất động sản đã tốt hơn trước rất nhiều. Hiện các ngân hàng rất khắt khe trong thẩm định và cho vay các dự án bất động sản.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt việc cấp tín dụng với nhóm khách hàng, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng. Định kỳ 3 tháng một lần, Thống đốc NHNN phải báo cáo Chính phủ về dư nợ của nhóm khách hàng, dự án có tín dụng 5.000 tỷ đồng trở lên. Đồng thời, chỉ được cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.
Loay hoay tìm cách đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường
TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight khẳng định, không như lo ngại, tín dụng đổ vào bất động sản vẫn tăng trưởng khá tốt. Ngoài tín dụng, thị trường bất động sản có thêm nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài.
"Các kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản đang rộng mở, giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển thời gian tới", ông Tín tin tưởng.
Hiện nay, vai trò quản lý, giám sát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng tham gia lĩnh vực bất động sản là rất chặt, kể cả cho vay trực tiếp hay mua trái phiếu, hay bất cứ hình thức nào. Bao nhiêu ngân hàng cho vay hay đầu tư vào bất động sản, tỷ lệ bao nhiêu, NHNN đều nắm được hàng ngày và có cảnh báo ngay
- Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Tuy vậy, các chuyên gia phân tích của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, bất động sản vẫn đang phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, trong khi nguồn vốn này thường có lãi suất cao và chủ yếu phục vụ đối tượng kinh doanh, đối tượng người có thu nhập cao, nhà đầu tư và thậm chí có cả nhà đầu cơ, chứ chưa thể đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp và trung bình.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản đón nhận thêm một số kênh rót vốn mới như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn tư nhân, trái phiếu doanh nghiệp, vốn ngân sách... Tuy nhiên, vốn ngân sách còn hạn chế và chiếm tỷ lệ nhỏ; vốn FDI tuy có quy mô lớn, nhưng dễ biến động do có tính đầu cơ cao.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tuy khởi sắc, nhưng để lại dấu hỏi về mức độ an toàn khi năng lực, mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp chưa được khẳng định; lãi suất phát hành cao, phương án sử dụng còn thiếu minh bạch, hiệu quả. Thậm chí, trong tháng 10/2019, một số doanh nghiệp bất động sản thua lỗ vẫn huy động thành công hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Dù bộc lộ nhiều mặt trái, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ muốn đa dạng vốn cho thị trường bất động sản, thì không thể vội vàng siết trái phiếu bất động sản. Trên thực tế, tỷ lệ vốn huy động bằng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn rất nhỏ bé so với tổng lượng vốn rót vào thị trường này.
TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định: "Nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang dựa vào ngân hàng quá lớn. Vài năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, đây là kênh để ngân hàng đảo nợ hoặc tài trợ bất động sản núp bóng. Tôi không đủ cơ sở để kết luận đúng hay không, song thị trường nào ở giai đoạn đầu phát triển cũng có khiếm khuyết, lệch lạc. Cần phải xác định rằng, thị trường trái phiếu chính là kênh huy động vốn quan trọng nhất của nền kinh tế, nhất là của thị trường bất động sản. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, cần khắc phục dần các khiếm khuyết của thị trường này".
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
VN-Index sẽ tiệm cận 1.100 điểm Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2019 của Việt Nam đạt 6,98%, trong đó quý III/2019 đạt 7,31%, đã tạo động lực mạnh cho thị trường chứng khoán (TTCK) những tháng cuối năm 2019. Trung tâm phân tích Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng 1.000-1.100 điểm trong quý IV/2019. Ngày...