Thị trường chứng khoán: Tín hiệu khởi đầu cho một đợt tăng giá mới
Phiên giao dịch 24.8, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên tăng điểm mạnh mẽ đi kèm với sự bùng nổ về thanh khoản.
Tăng mạnh đi kèm thanh khoản
VN-Index tăng mạnh ngay từ lúc mở cửa và nới rộng biên độ cho đến lúc đóng cửa. Chỉ số kết phiên tại mức cao nhất trong ngày, quanh ngưỡng 868,68 điểm, tương ứng với mức tăng 1,63%. Độ rộng thị trường tập trung tại nhóm tăng giá khi trên HOSE ghi nhận 256 mã tăng điểm, vượt trội so với 71 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu.
Khối lượng giao dịch trên HOSE tăng mạnh 32,2% so với phiên trước, lên 370,5 triệu đơn vị trong khi giá trị giao dịch tăng 33,6% lên 6.600 tỉ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh, khối lượng và giá trị giao dịch tăng tương ứng 31% và 28,3% so với phiên giao dịch trước.
Thị trường chứng khoán có phiên bùng nổ cả về điểm số và khối lượng trong phiên giao dịch đầu tuần khi dòng tiền vào lan tỏa khắp thị trường và các nhóm vốn hóa. Trong đó, đặc biệt nổi trội là nhóm VN30 với mức tăng hơn 2% đi kèm khối lượng giao dịch cũng tăng hơn 31% và vượt qua hẳn đường trung bình 50 ngày.
Nhóm vốn hóa lớn thu hút dòng tiền mạnh mẽ giúp VN30-Index tăng 2,03%, lên 809.69 điểm. Trong nhóm VN30, có 28 cổ phiếu kết phiên tăng giá, trong đó các mã tăng ấn tượng nhất gồm có VPB (5,9%), PLX (4,2%), PNJ (4,1%), HDB (3,7%)…
Chỉ số VN30-Index tăng điểm mạnh mẽ ngay từ đầu phiên và cuối cùng đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày đi kèm với khối lượng giao dịch tăng mạnh. Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI ( SSI Research), nhóm cổ phiếu VN30 có khả năng quay trở lại dẫn dắt thị trường. “Ngoài ra, việc thuận lợi vượt kháng cự 800 điểm trong phiên giao dịch ngày 24.8 cũng cho thấy khả năng chỉ số VN30-Index sẽ tiếp tục đi lên vùng giá mục tiêu trong tháng nằm tại 820 điểm trong thời gian ngắn sắp tới”, SSI Research nhận định.
Video đang HOT
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng với quy mô hơn 396 tỉ đồng. Đà bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bao gồm VNM, HPG và VHM. Ở chiều ngược lại, nhóm này ưu tiên mua ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và cổ phiếu DGW.
Tín hiệu khởi đầu “con sóng”
Trên quan điểm phân tích kỹ thuật, SSI Research cho rằng sự đi lên trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thường là tín hiệu khởi đầu cho một đợt tăng giá mới. Thêm vào đó, việc chỉ số VN-Index dễ dàng vượt kháng cự 860 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần cho thấy động lực tăng giá vẫn đang mạnh. Do vậy, theo SSI Research nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục đi lên vùng giá mục tiêu trong tháng nằm tại 880 điểm.
Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, bên Long (bên mua) hoàn toàn chiếm ưu thế trong phiên giao dịch 24.8. Hợp đồng tương lai tháng 9 VN30F2009 kết phiên tăng 22,6 điểm. Biên độ tăng tốt hơn so với cơ sở giúp hợp đồng tháng 9 ghi nhận basis dương 5,81 điểm. Trạng thái tương tự diễn ra với hợp đồng tháng 12 với chênh lệch dương đạt 1,31 điểm. Việc bên Long đang thắng thế trên thị trường phái sinh cho thấy nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào thị trường sẽ tăng điểm trong các phiên giao dịch tới.
Ở một quan điểm thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thị trường đang đối mặt với nhiều ngưỡng kháng cự, và khả năng áp lực bán sẽ tăng mạnh. VCSC cho biết tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của thị trường duy trì ở mức tích cực tại tất cả các chỉ số. Trong khi đó, tín hiệu trung hạn của VN-Index, VN30-Index vẫn đang ở mức trung tính do chưa vượt qua kháng cự MA200 ngày tại 874 điểm và 810 điểm.
VCSC dự báo trong phiên giao dịch 25.8, thị trường có thể duy trì quán tính tăng điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm định kháng cự MA200 và đỉnh tháng 7 tại 874-877 điểm. Còn đối với VN30-Index sẽ tạm thời vượt qua đường MA200 để kiểm định vùng 815-820 điểm.
Tuy nhiên VCSC cho rằng áp lực bán tại kháng cự mạnh sẽ gia tăng sau đó, tạo ra sự giằng co giữa bên mua và bên bán, trong đó không loại trừ khả năng thị trường sẽ tự điều chỉnh giảm vào cuối ngày. Trong kịch bản VN-Index vượt qua đường MA200 thì kháng cự tiếp theo của chỉ số sẽ là vùng 890-900 điểm và 940-950 điểm.
Minh bạch chợ trái phiếu doanh nghiệp
Thống kê từ các sở giao dịch chứng khoán cho thấy, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành từ đầu năm 2020 đến nay, ước tính 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào TPDN tăng lên gần 30% trong những tháng đầu năm 2020, so với mức 9% trong năm 2019. Để giảm thiểu rủi ro, các cơ quan chức năng đang có những động thái nhằm minh bạch chợ TPDN.
Lợi tức cao hấp dẫn nhà đầu tư
Đi kèm với đà trượt giảm của lãi suất tiết kiệm, TPDN với lợi tức hấp dẫn đang thu hút mạnh nguồn tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư cá nhân. Ghi nhận thị trường cho thấy, mặt bằng lãi suất của các TPDN dao động 10,5%-12,5%/năm, trường hợp cá biệt lên tới 15%-17%/năm. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, lượng TPDN các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020. Điều này cho thấy, TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi tiết kiệm, do cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định. "Lợi tức TPDN cao hơn 1,8%-4%/năm lãi tiết kiệm có kỳ hạn của các ngân hàng thương mại lớn" - bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên viên phân tích cao cấp SSI Research, cho biết.
Sắp tới, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ
Ảnh: CAO THĂNG
Các DN bất động sản, xây dựng... chiếm lượng lớn trong số các đơn vị đang gia tăng huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu. Ngay các công ty tài chính, chứng khoán và ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh phát hành TPDN để huy động vốn. Tại nhiều ngân hàng thương mại, lãi suất tiết kiệm niêm yết rất thấp, như yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nhưng phòng tư vấn đầu tư cá nhân lại hoạt động rất sôi động, bởi công việc chính là mời gọi, tư vấn người gửi tiết kiệm chuyển qua kênh mua TPDN.
Cuộc đua huy động vốn cho TPDN nóng đến mức đã xuất hiện cả tình trạng "thưởng" thêm ngoài lợi tức trên hợp đồng; nhân viên công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng chèo kéo, giành giật khách để chạy doanh số lấy thưởng... Đã xuất hiện tình trạng tư vấn không đầy đủ hoặc giải thích sai lệch về mô hình TPDN... Hiện TPDN không chỉ được chào bán trực tiếp tại quầy giao dịch, mà nhà đầu tư còn có thể đặt lệnh trên ứng dụng ngân hàng điện tử của các ngân hàng hoặc phần mềm giao dịch của công ty chứng khoán. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào TPDN đã tăng lên gần 30% trong những tháng đầu năm 2020, so với mức 9% trong năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu khiến nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường TPDN là do lợi tức hấp dẫn. Tuy nhiên, lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro, sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán, thanh khoản của doanh nghiệp. "Vì vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu. Trong nhiều trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch với lãi suất tiền gửi" - bà Tú cho hay.
Chặn nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ
Trước xu hướng này, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo các tổ chức phân phối trung gian không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá cho nhà đầu tư. Đồng thời khuyến cáo nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư TPDN, không nên mua chỉ vì lãi suất cao. Bởi, nhà đầu tư có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu, bao gồm cả gốc và lãi, nếu DN phát hành gặp khó khăn.
Năm 2019, các nhà đầu tư cá nhân giao dịch trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp khoảng 66.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,4% tổng lượng tiền gửi dân cư trong hệ thống ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng TPDN trên thị trường sơ cấp, tương đương với gần 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình 10% năm 2019. Với số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia vào TPDN mỗi năm một tăng, Bộ Tài chính nhìn nhận, có hiện tượng DN chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và nhiều mã trái phiếu để đáp ứng số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhất là, hiện không ít các DN đang có xu hướng đẩy mạnh tiếp cận nhà đầu tư cá nhân để phát hành TPDN riêng lẻ với lãi suất cao.
Về góc độ thị trường, đầu tư TPDN cũng giống như đầu tư cổ phiếu, lời ăn lỗ chịu và quyền quyết định của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu thị trường không minh bạch, DN phát hành gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư như mua lại trước hạn theo thỏa thuận, thanh toán gốc, lãi... thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội.
Từ thực tế này, Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua và Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, sẽ hạn chế đối tượng nhà đầu tư cá nhân mua bán TPDN phát hành riêng lẻ. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp quy định rõ đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ trong các đợt phát hành của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng, gồm: nhà đầu tư chiến lược đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ; nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm theo chứng quyền riêng lẻ và loại trái phiếu riêng lẻ khác. Như vậy, sắp tới đây, nhiều nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ phải dừng cuộc chơi trên chợ TPDN phát hành riêng lẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc minh bạch chợ trái phiếu cũng như tăng cường giám sát và có những hạn chế đối với việc phát hành TPDN thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cấm cửa nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp sẽ khiến việc huy động vốn của DN trở nên khó khăn hơn. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cần thiết, phù hợp với Luật Chứng khoán và thông lệ phổ biến.
Mặt khác, nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, qua đó phát triển nhà đầu tư tổ chức. Như vậy, vừa đa dạng cơ cấu nhà đầu tư, vừa gia tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường.
Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có chuyên môn về chứng khoán, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thỏa mãn các điều kiện: có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán, cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng.
Thị trường TPDN phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro
Ngày 15-7, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo SGGP về việc doanh nghiệp phát hành TPDN liên tục bị cảnh báo trong vài tháng trở lại đây, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phân tích, nếu doanh nghiệp phát hành cổ phiếu quá nhiều thì áp lực về trả cổ tức sẽ gia tăng. Những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng liên tục giảm. Đó là chính sách lớn của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm rủi ro cho các ngân hàng, nhưng là điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển. 2 - 3 năm gần đây, kênh TPDN phát triển rất mạnh. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, đó là bước phát triển lành mạnh và tất yếu.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, qua theo dõi, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cảnh báo một số hiện tượng chưa thực sự lành mạnh trong công tác phát hành, hàm chứa những rủi ro để khuyến nghị nhà đầu tư. Ví dụ, có những doanh nghiệp rất nhỏ nhưng phát hành trái phiếu lớn; hoặc có những đợt phát hành, doanh nghiệp báo cáo tài chính không rõ ràng, tài sản bảo đảm không có, hoặc không được định giá chắc chắn... Để tiếp tục phát triển thị trường TPDN và hạn chế những rủi ro, cần thiết phải xây dựng được thị trường trái phiếu chính phủ, TPDN, trong đó, đặc biệt phải công khai thông tin, nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
SSI Research: Trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng nóng trong quý 3/2020, trước khi gặp "lực cản" là Nghị định 81 có hiệu lực Dự báo nửa cuối năm, SSI Research nhận định thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục tăng nóng trong quý 3/2020, trước khi quy định mới khắt khe hơn có hiệu lực và giảm nhiệt sang quý 4. Ghi nhận tại báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới nhất của SSI Research, tổng khối lượng TPDN phát hành trong quý...