Thị trường chứng khoán thiếu đi khoảng ‘không gian’ cần thiết để ‘lớn’
‘Thông tư 36 chính là nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế như mong muốn của Chính phủ’, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) trao đổi với PV.
Thông điệp mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho thấy, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu lên mức 70% GDP vào năm 2020. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?
Đây là một mục tiêu rất quan trọng, bởi từ nay cho tới năm 2020, như Phó Thủ tướng đã chia sẻ, nền kinh tế nước ta cần một lượng vốn rất lớn để duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Trong bối cảnh vốn vay ưu đãi giảm dần, vốn cấp mới từ ngân sách ep hẹp, thì nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại và TTCK trở nên rất quan trọng.
Do đó, rất cần thiết phải làm cho TTCK bật lên, trở thành kênh dẫn vốn dài hạn, song song với kênh dẫn vốn ngắn hạn là hệ thống ngân hàng.
Thực tế, Chiến lược phát triển TTCK đã có từ năm 2012 với nhiều mục tiêu cụ thể. Dù rốt ráo thực hiện, nhưng qua gần một nửa chặng đường, nhìn chung vẫn còn nhiều nội dung chưa thực hiện được. So với năm 2011, chỉ số chứng khoán đã tăng khoảng 65%, trong khi quy mô và cấu trúc thị trường cũng đa dạng hơn với khoảng 1.000 DN đưa cổ phiếu vào giao dịch trên HOSE, HNX và sàn UPCoM.
Ông Phan Quốc Huỳnh
Tuy nhiên, lượng vốn huy động trực tiếp trên sàn chứng khoán còn tương đối nhỏ, ước tính trung bình khoảng 50 tỷ đồng/DN trong năm 2015. Con số này chỉ tương đương với một khoản giải ngân của hệ thống ngân hàng dành cho một doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, chứ chưa nói đến có những DN niêm yết lớn, đang lại phải vay hàng nghìn tỷ từ ngân hàng để triển khai các dự án trong năm.
Ngoài ra, quy mô TTCK được cải thiện, nhưng thanh khoản còn khá thấp. Với khoảng 2.500 tỷ đồng được giao dịch/phiên, sức hấp dẫn của TTCK đối với NĐT mới, đặc biệt là những NĐT, công ty quản lý quỹ nước ngoài với vốn đầu tư hàng tỷ USD rất thấp. Thực tế này cho thấy, bên cạnh giải pháp tăng quy mô, rất cần các giải pháp thúc đẩy thanh khoản để tăng sức hấp dẫn các dòng vốn lớn.
Video đang HOT
Theo ông, vì sao thanh khoản trên TTCK còn hạn chế?
Có nhiều lý do khiến thanh khoản khá thấp, tuy nhiên, có thể chỉ ra vấn đề nằm ở việc thị trường thiếu đi khoảng “không gian” cần thiết để có thể “lớn” như mong muốn.
TTCK và ngân hàng có mối quan hệ rất mật thiết và bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các chính sách của Nhà nước như chính sách lãi suất, tiền tệ với mục đích phát triển thị trường tiền tệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến phạm vi hoạt động của thị trường vốn.
Trong quá khứ, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ vừa là nguồn cảm hứng nhưng cũng vừa là nguyên nhân dẫn đến TTCK lên, xuống không ổn định. Đặc biệt, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN với mục tiêu chấn chỉnh hoạt động của khối các ngân hàng thương mại, đã gây “tắc nghẽn” cục bộ dòng tiền vào TTCK trong hơn 1 năm qua, gây sức ép lên thanh khoản và làm chệch hướng “dòng tiền thông minh” vào những nơi cần thiết.
Cùng với đề xuất sửa Thông tư 36, theo tôi, quy định pháp lý về dòng chảy vốn trên TTCK, thị trường tài chính nói chung nên theo hướng thúc đẩy sự tự do chọn lựa của các chủ thể tham gia thị trường.
Thực tế, quy định pháp lý có chặt đến đâu đi nữa, nhưng khi xảy ra rủi ro thì vẫn các chủ thể trực tiếp kinh doanh phải chịu hậu quả. Vì thế, các chủ thể trực tiếp kinh doanh luôn phải lo cho sự an nguy của túi tiền trước cả nhà quản lý.
Thanh khoản thấp liệu có ảnh hưởng đến việc ra đời của các sản phẩm mới trên TTCK trong thời gian tới hay không, theo ông?
Tôi khẳng định là sẽ có ảnh hưởng. Chúng ta đều biết, cơ quan quản lý ra mắt các sản phẩm mới với hy vọng thúc đẩy thanh khoản, tăng quy mô thị trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển TTCK. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, cần xác định rõ đối tượng sẽ sử dụng những sản phẩm mới trên TTCK.
Nếu hướng tới NĐT nước ngoài, thì quanh đi quẩn lại, sẽ lại vướng vào câu hỏi về “room”. Nếu hướng đến các NĐT nội, thì với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm chưa nhiều, dù muốn nhưng họ sẽ chỉ tham gia một cách rất khiêm tốn. Theo tôi, trước hết phải giải được bài toán về dòng tiền, bài toán về thanh khoản, rồi hãy tính việc cho ra sản phẩm mới.
Thị trường cần những giải pháp gì để sôi động hơn, theo ông?
Chỉ có 2 việc: thứ nhất là dòng tiền, thứ hai là sản phẩm. Tôi cho rằng, Thông tư 36 chính là nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn. VASB cùng các thành viên thị trường sẽ tiếp thu ý kiến, tổng hợp và gửi kiến nghị tới các cơ quan quản lý trong thời gian sắp tới về vấn đề này.
Về sản phẩm, cần có các sản phẩm hợp khẩu vị của NĐT, cùng với đó cần nâng cao tính minh bạch của các DN trên TTCK. Việc sáp nhập 2 Sở giao dịch cũng cần sớm được thực hiện để giảm chi phí tham gia TTCK cho nhiều chủ thể trên thị trường.
Ngoài ra, tư duy quản lý mới cần giảm đi các mệnh lệnh hành chính. Thay vào đó, các cơ quan quản lý chú trọng vào công tác kiểm soát chất lượng, giám sát hoạt động rủi ro từ xa và xây dựng các mô hình dự báo, hỗ trợ CTCK và NĐT ra quyết định.
Việt Dương thực hiện.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thêm rủi ro mất vốn đối với ngân hàng
Thiếu sót thủ tục pháp lý, ngân hàng có nguy cơ m ất vốn khi nhận thế chấp tài sản đảm bảo là nhà ở hình thành trong tương lai.
Nhà ở hình thành trong tương lai, một trong những loại tài sản đảm bảo rủi ro đối với ngân hàng
Tài sản hình thành trong tương lai là đối tượng giao dịch đảm bảo. Điều 342, Bộ luật Dân sự quy định, tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai. Tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được quyền thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng để vay vốn.
Trên thực tế, biện pháp này chứa đựng nhiều rủi ro, nguyên nhân chủ yếu đến từ thủ tục pháp lý còn nhiều thiếu sót.
Theo Điều 61, Nghị định 71, thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT cho biết, nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp phải đủ điều kiện "đã hoàn thành thủ tục mua bán và có hợp đồng mua bán ký kết với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hoặc nhà ở đã được bàn giao cho người mua, nhưng chưa có giấy chứng nhận". Hồ sơ vay vốn bắt buộc phải có hợp đồng mua bán nhà ở. Hợp đồng thế chấp phải được công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo.
Theo Bộ luật Dân sự thì tài sản hình thành trong tương lai gồm 2 loại: tài sản chưa xác lập (đầy đủ) quyền sở hữu của người thế chấp; tài sản đã xác định rõ chủ sở hữu và đồng thời sẽ dịch chuyển quyền sở hữu đó cho bên thế chấp trong tương lai.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Nhà ở, chỉ loại nhà ở thứ hai mới được công nhận là tài sản hình thành trong tương lai, còn loại nhà ở thứ nhất thì không đủ điều kiện để tham gia giao dịch thế chấp. Như vậy, theo Luật Nhà ở, không thể công chứng hợp đồng và đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Chính sự bất nhất giữa các quy định pháp lý đã khiến ngân hàng gặp khó trong việc xử lý tài sản đảm bảo khi nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong một vụ việc mới đây, theo đơn khởi kiện, năm 2011, ông Lê Đức Phúc (ở quận Hà Đông, Hà Nội) ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), vay vốn số tiền 4 tỷ đồng. Để đảm bảo khoản vay, ông Phúc thế chấp 2 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Do vi phạm hợp đồng tín dụng, VPBank khởi kiện ra tòa buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trường hợp không thực hiện hợp đồng, ngân hàng có quyền phát mại 2 bất động sản thế chấp. Năm 2015, Tòa án nhân dân quận Hà Đông đã chấp nhận đơn khởi kiện của VPBank.
Vụ việc lùm xùm vì có bên thứ ba liên quan là Công ty Đầu tư xây dựng HUD4. Theo đó, bất động sản thứ hai có diện tích 247 m2 tại Khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), ông Phúc ký kết hợp đồng mua bán với Công ty HUD4, giá trị hợp đồng là 3,4 tỷ đồng. Vợ chồng ông Phúc mới thanh toán 2,4 tỷ đồng, hiện còn nợ hơn 1 tỷ đồng và lãi trả chậm.
Phía Công ty HUD4 trình bày, cấp sơ thẩm tống đạt thông báo đưa vụ án ra xét xử nhầm địa chỉ và không đúng người có thẩm quyền giải quyết. Tại phiên tòa cấp sơ thẩm, cả bị đơn và người có nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt. Cho rằng nhà đất bị đơn đem thế chấp là tài sản của Công ty, HUD4 kháng cáo đòi lại số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án thể hiện, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa ông Phúc và VPBank (ngày 19/10/2011) không được công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo.
Vì lý do liên quan đến thủ tục tố tụng và yêu cầu mới của người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là Công ty HUD4, ngày 28/4/2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao cho Tòa án nhân dân quận Hà Đông xét xử lại.
Hà Linh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nghịch lý: Doanh nghiệp lỗ nặng, cổ phiếu vẫn tăng Nhiều cổ phiếu đã bất ngờ tăng vọt ngay khi được đưa lên giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) bất chấp tình hình kinh doanh tốt hay xấu. Đã có hàng ngàn tỷ của các nhà đầu tư ngược dòng thị trường đổ vào các cổ phiếu này. Dường như, giá trị cổ phiếu không chỉ nằm ở những con số...