Thị trường chứng khoán Mỹ, Canada lao dốc do lo ngại dịch COVID-19
Chốt phiên giao dịch ngày 9/3, các chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán phố Wall giảm hơn 7% trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và tâm lý lo ngại tác động kinh tế do dịch COVID-19.
Bảng tỉ giá chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 7,8% xuống còn 23.851,02 điểm, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2008. Chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 7,6% xuống mức 2.746,56 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq rớt 7,3% xuống còn 7.950,68 điểm.
Các chỉ số chứng khoán phố Wall giảm mạnh sau các phiên giao dịch ảm đạm tại châu Á, châu Âu và trong bối cảnh giới chuyên gia kinh tế điều chỉnh giảm dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.
Trên thị trường chứng khoán Canada, trong phiên giao dịch cùng ngày, chỉ số chứng khoán chủ chốt của Canada ghi dấu mức giảm mạnh nhất kể từ phiên 19/10/1987 và đồng nội tệ CAD chạm mức đáy của gần 3 năm qua, trong bối cảnh dầu mỏ rớt giá mạnh khiến giới đầu tư lo ngại. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng tình hình hiện nay đang gây sức ép buộc Ngân hàng trung ương Canada phải tiếp tục hạ lãi suất.
Cụ thể, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, chỉ số chứng khoán TSX tại thị trường Toronto đóng phiên 9/3 với mức giảm 10,3% – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/1987. Chỉ số TSX “rơi tự do” trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ do tâm lý lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới ( SARS-CoV-2) nguy cơ châm ngòi cho một đợt suy thoái kinh tế. Đáng chú ý, giá cổ phiếu của công ty Cenovus Energy Inc giảm tới hơn 50%.
Video đang HOT
Giá dầu mỏ – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Canada – đã giảm tới 34% xuống 27,34 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
Chiến lược gia về thị trường tại SIA Wealth Management, Colin Cieszynski nhận định giá các hàng hóa của Canada bị ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh dầu mỏ trượt giá mạnh. Thị trường đang bước vào giai đoạn bán tháo.
Cũng trong ngày 9/3, đã có thời điểm đồng CAD được giao dịch với giá 1,3760 CAD/USD – mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Tuần trước, cả Ngân hàng trung ương Canada và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều quyết định hạ lãi suất chủ chốt với mức giảm 50 điểm cơ bản. Giới quan sát cho rằng, nếu giá dầu tiếp tục “rơi”, có thể cả hai ngân hàng này sẽ phải tiếp tục hạ lãi suất mà không đợi đến cuộc họp chính sách tiếp theo. Ngân hàng trung ương Canada được dự báo hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 6/2020, đưa lãi suất chủ chốt về mức 0,75%.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại thị trường Canada đã chạm mức thấp kỷ lục 0,233%.
Hương Giang – Nguyễn Hằng
(Theo TTXVN)
Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ
Đầu phiên giao dịch sáng 9/3, các chỉ số chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại tác động mạnh của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế và giá dầu giảm hơn 20% sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia giảm giá dầu.
Chỉ số chứng khoán Hang Seng tại sàn chứng khoán ở Hong Kong. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cụ thể, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,87% xuống còn 25.134,02 điểm. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải mất 1,56% xuống còn 2.987,18 điểm và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến giảm 1,66% xuống mức 1.883,35 điểm.
Trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đầu phiên giảm 5,10% xuống còn 19.691,69 điểm, lần đầu tiên giảm dưới mức 20.000 điểm kể từ đầu tháng 1/2019. Chỉ số Topix giảm 5,01% xuống mức 1.397,77 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng cùng ngày, giá dầu đã giảm hơn 20%, mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ năm 1991 sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác "vàng đen" và Saudi Arabia giảm giá dầu.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 21,8% xuống mức 32,29 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 22% xuống còn 35,32 USD/thùng. Đầu phiên, cả hai hợp đồng này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, với giá dầu thô ngọt nhẹ ở mức 30 USD/thùng và giá dầu Brent ở mức 31,02 USD/thùng. Theo đó, giá dầu đang tiến tới mức giảm mạnh nhất lần thứ hai trong lịch sử sau khi giá 2 loại dầu này giảm hơn 30% vào tháng 1/1991.
Trước đó, hãng tin Bloomberg News ngày 8/3 cho biết Saudi Arabia đã thực hiện lần giảm giá bán dầu mạnh nhất trong 20 năm qua với giá dầu giao tháng 4/2020 xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm khoảng 4 - 6 USD/thùng trong khi đối với dầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 7 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Arabia Light của tập đoàn dầu mỏ Aramco (Saudi Arabia) bán sang thị trường châu Âu lần đầu tiên thấp hơn 10,25 USD/thùng so với giá dầu Brent.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Saudi Arabia cũng đã công bố kế hoạch tăng sản lượng dầu thô đáng kể lên trên mức 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4 tới. Những động thái trên diễn ra sau khi các nước đối tác của OPEC, còn gọi là OPEC , không nhất trí giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày để ứng phó các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 do Nga không ủng hộ đề xuất này.
Nhu cầu dầu mỏ đã chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát dịch COVID-19. Đầu tháng 2 vừa qua, OPEC đã đề xuất giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày do nhu cầu của Trung Quốc giảm sút vì dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức cắt giảm trên vẫn chưa đủ do Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn trên thế giới - vẫn đang chật vật đối phó với dịch COVID-19, trong khi dịch bệnh đang lây lan nhanh sang nhiều nước trên thế giới.
Nguyễn Hằng
(Theo TTXVN)
Nhiều Bluechips giảm sâu, VN-Index mất mốc 890 điểm Các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, GAS, HPG, VIC, VNM, VCB, POW, PNJ, VRE, MWG...đồng loạt giảm sâu đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Những phiên gần đây TTCK Thế giới biến động khá mạnh và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sau khi hồi phục trong phiên hôm qua, chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm...